Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 365

Ngày Lễ Mẹ, Học... Gương Một Người Mẹ Tuyệt Vời

(Kính tặng tất cả những người Mẹ ở khắp mọi nơi!)

Kinh Thánh: I Sa-mu-ên 1; Thi-thiên 42: 3; 56: 8

Tháng Năm về nhắc chúng ta nhớ Ngày Lễ Mẹ đầy ý nghĩa.

Chúa Nhật Thứ Hai của Tháng Năm hằng năm là Chúa Nhật được dành để những người con có thì giờ đặc biệt ghi nhớ công ơn Người Mẹ dấu yêu của mình.

Nhân Ngày Lễ đẹp đẽ nầy, xin mời bạn cùng suy gẫm về một người mẹ tuyệt vời được Kinh Thánh Cựu Ước nhắc đến, đó là người Mẹ An-ne, thân mẫu của vị Tiên Tri nổi tiếng là Sa-mu-ên, được ghi lại trong sách Sa-mu-ên thứ nhất.

Người Mẹ An-ne có những điều tuyệt vời rất đáng để học hỏi.

An-ne sống vào khoảng năm 1125 năm trước Chúa Giê-su, có nghĩa là cách chúng ta chừng trên ba ngàn năm.

Dựa theo Lời Chúa trong sách Sa-mu-ên thứ nhất, chương một, xin chia sẻ những gương tốt nơi người Mẹ tuyệt vời nầy như sau:

Điều tuyệt vời thứ nhất là bà không ăn thua đủ với người khác:

"Kẻ phân bì nàng khôn xiết trêu ghẹo nàng, để giục nàng lằm bằm vì Đức Giê-hô-va đã khiến nàng son sẻ. Từ năm nầy đến năm kia, mỗi khi nàng đi lên đền Đức Giê-hô-va, chồng đãi nàng như vậy, còn Phê-ni-na cứ trêu ghẹo nàng; An-ne khóc và không ăn. Ên-ca-na, chồng nàng, nói rằng: Hỡi An-ne, sao nàng khóc? Cớ sao không ăn và lòng buồn bực dường ấy? Ta há chẳng đáng cho nàng hơn mười đứa con trai ư?" (Sách Sa-mu-ên thứ nhất, chương 1, câu 6 đến 8).

Ca Dao Việt Nam có câu nói về sự nhường nhịn rất hay:

Ai nhứt thì tôi thứ nhì
Ai mà hơn nữa tôi thì thứ ba

Kinh Thánh dạy: “Khi nín lặng, dầu người ngu dại, cũng được cầm bằng khôn ngoan. Còn kẻ nào ngậm môi miệng mình lại được kể là thông sáng” (Sách Châm Ngôn, chương 17, câu 28).

Bà không ăn thua đủ, không đốp chát lại người trêu chọc mình như thế thường nhiều người, nhất là những người nữ thường làm. Bà không sống theo kiểu “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, hay “bốn chín gặp năm mươi”, hoặc “kẻ tám lạng, người nửa cân”. Bà chọn cách xử sự im lặng và... khóc mà thôi.

Thật tuyệt vời!

Điều tuyệt vời thứ hai ở người Mẹ An-ne là tấm lòng cầu nguyện với Chúa:

An-ne lấy làm sầu khổ trong lòng, vừa cầu khẩn Đức Giê-hô-va, vừa tuôn tràn giọt lệ. Nàng hứa nguyện rằng: Ôi, Đức Giê-hô-va của vạn quân, nếu Ngài đoái xem nỗi sầu khổ của con đòi Ngài, nhớ lại nó chẳng quên, và ban cho con đòi Ngài một đứa trai, thì tôi sẽ phú dâng nó trọn đời cho Đức Giê-hô-va, và dao cạo sẽ chẳng đưa ngang qua đầu nó. Vì nàng cầu nguyện lâu dài trước mặt Đức Giê-hô-va, Hê-li chăm xem miệng nàng; vả, An-ne nói trong lòng, chỉ nhóp nhép miệng mà thôi, không có ai nghe tiếng nàng; nên Hê-li tưởng nàng say, bèn hỏi rằng: Chừng nào nàng mới hết say? Hãy đi giã rượu đi. An-ne thưa rằng: Chẳng phải vậy, chúa; tôi vốn một đàn bà có lòng buồn bực, chẳng uống rượu hay là vật gì uống say; nhưng tôi giãi bày lòng tôi ra trước mặt Đức Giê-hô-va” (Sách Sa-mu-ên thứ nhất, chương 1, câu 10 đến 15).

Bài cầu nguyện của bà An-ne có những điều rất quý, đáng cho chúng ta noi theo:

Bà cầu nguyện trong nước mắt: “An-ne lấy làm sầu khổ trong lòng, vừa cầu khẩn Đức Giê-hô-va, vừa tuôn tràn giọt lệ.”

Vua Đa-vít cũng có một tấm lòng cầu nguyện trong nước mắt giống như An-ne:

Đương khi người ta hằng hỏi tôi: Đức Chúa Trời ngươi đâu? Thì nước mắt làm đồ ăn tôi ngày và đêm” (Sách Thi-thiên, chương 42, câu 3).

Chúa đếm các bước đi qua đi lại của tôi. Xin Chúa để nước mắt tôi trong ve của Chúa. Nước mắt tôi há chẳng được ghi vào sổ Chúa sao?" (Sách Thi-thiên, chương 56, câu 8).

Mỗi chúng ta, nhất là những người Mẹ đã có những thì giờ đến với Chúa và tuôn tràn giọt lệ như người Mẹ An-ne nầy chưa? Nếu chúng ta có được những thì giờ như thế, thì chắc chắn đời sống theo Chúa của chúng ta sẽ rất phước hạnh và Chúa sẽ rất vui lòng khi nhìn thấy những tấm lòng ta vỡ ra trước mặt Ngài như thế!

Bà cầu nguyện lâu dài trước mặt Chúa: “Vì nàng cầu nguyện lâu dài trước mặt Đức Giê-hô-va, Hê-li chăm xem miệng nàng.”

Bà An-ne không cầu nguyện chiếu lệ theo nghi thức tôn giáo, không cầu nguyện cho xong, cho có cầu nguyện với người ta. Bà dành thì giờ cách hào phóng cho Chúa, để thưa chuyện với Ngài.

Xin Chúa giúp cho chúng ta biết... hào phóng thời gian với Chúa mỗi khi cầu nguyện như An-ne đã làm.

Bà cầu nguyện thầm trong lòng: “vả, An-ne nói trong lòng, chỉ nhóp nhép miệng mà thôi, không có ai nghe tiếng nàng.”

Bà cầu nguyện chỉ vừa đủ cho linh hồn của bà nghe với Chúa của bà mà thôi. Có lẽ bà hiểu rằng, không ai có thể hiểu được nỗi lòng sầu khổ của bà, ngoài Chúa của bà, nên bà chỉ trình dâng lên cho Ngài là Đấng duy nhất hiểu thấu mọi điều trong lòng người ta, hiểu thấu mọi điều trong lòng bà.

John Bunyan đã rất hay khi nói rằng: “Trong khi cầu nguyện, có tấm lòng, không có lời nói, thì tốt hơn là có lời nói mà không có tấm lòng.”

Bà cầu nguyện như giải bày lòng mình ra với Chúa: “An-ne thưa rằng: Chẳng phải vậy, chúa; tôi vốn một đàn bà có lòng buồn bực, chẳng uống rượu hay là vật gì uống say; nhưng tôi giãi bày lòng tôi ra trước mặt Đức Giê-hô-va

Cầu nguyện thực sự là giải bày lòng mình với Chúa, như trút đổ hết tâm sự mình cho Chúa vậy. Khi chúng ta tin cậy một ai đó đủ là chúng ta không ngần ngại mà ... trút bầu tâm sự với người đó.

Qua việc người Mẹ An-ne cầu nguyện như giải bày lòng mình trước mặt Chúa, chúng ta biết bà là người có lòng tin cậy Chúa một cách tuyệt đối, không nghi ngại bất cứ điều gì ở nơi sự tốt lành trọn vẹn của Ngài cả.

Vua Đa-vít cũng đã sẵn sàng trao mọi gánh nặng của mình cho Chúa: “Hãy trao gánh nặng ngươi cho Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ nâng đỡ ngươi. Ngài sẽ chẳng hề cho người công bình bị rúng động” (Sách Thi-thiên, chương 55, câu 22)

Điều tuyệt vời thứ ba ở người Mẹ An-ne là biết dâng con mình cho Chúa, sẵn sàng cho Chúa mượn con của mình:

Vừa khi dứt sữa, nàng bèn dẫn nó theo mình đến đền của Đức Giê-hô-va tại Si-lô, cùng đem theo ba con bò đực, một Ê-pha bột mì, và một bầu rượu. Đứa trẻ hãy còn nhỏ lắm. Họ giết con bò đực, rồi dẫn đứa trẻ đến Hê-li. Nàng bèn nói cùng người rằng: Xin lỗi, chúa! xưa có người đàn bà đứng tại đây, gần bên ông, đặng cầu khẩn Đức Giê-hô-va, tôi chỉ sanh mạng ông mà thề rằng tôi là người đó. Ấy vì đứa trẻ nầy mà tôi cầu nguyện. Đức Giê-hô-va đã nhậm lời tôi đã cầu xin cùng Ngài. Vì vậy, tôi cũng dâng nó cho Đức Giê-hô-va; tôi cho Đức Giê-hô-va mượn nó trọn đời nó. Đoạn mẹ con đều thờ lạy tại đó trước mặt Đức Giê-hô-va” (Sách Sa-mu-ên thứ nhất, chương 1, câu 24 đến 28).

Người Mẹ An-ne là người biết giữ lời hứa nguyện với Chúa.

Bà không thuộc hạng người hay... hứa suông hẹn hão như nhiều người xưa cũng như nay. Bà là người tôn trọng lời hứa và biết giữ lời hứa. Nhiều người không chịu... ăn nuốt Lời Chúa mà chỉ thích... ăn nuốt lời hứa. Bà An-ne thì ngược lại, bà là người... ăn nuốt Lời Chúa chứ không... ăn nuốt lời hứa.

Bà đã chăm sóc con mình một cách kỹ lưỡng cho đến khi dứt sữa một cách đàng hoàng, và rồi đem con đến đền thờ để dâng cho Chúa, đung như lời mà bà đã hứa nguyện năm xưa.

Bà “cho Chúa mượn” con của mình lâu dài.

“Cho Chúa mượn” là một suy nghĩ nghe thật ngộ nghĩnh của người Mẹ tuyệt vời nầy, nhưng là một sự ngộ nghĩnh rất ý nghĩa.

“Cho Chúa mượn” có nghĩa là bà không phó mặc con mình, không quan tâm gì đến con mình nữa khi đã dâng cho Chúa. Bà vẫn tiếp tục quan tâm đến con, tiếp tục cầu nguyện cho chức vụ của con mình, và theo dõi sự tiến bộ của con.

Bà không sống lối sống giả hình, vô trách nhiệm như người Pha-ri-si. Người Pha-ri-si lý luận với Chúa Giê-su rằng: “Vì Đức Chúa Trời đã truyền điều răn nầy: Phải hiếu kính cha mẹ ngươi; lại điều nầy: Ai mắng nhiếc cha mẹ thì phải chết. Nhưng các ngươi lại nói rằng: Ai nói cùng cha mẹ rằng: Những điều mà tôi có thể giúp cha mẹ, đa dâng cho Đức Chúa Trời rồi, thì người ấy không cần phải hiếu kính cha mẹ. Như vậy, các ngươi đã vì lời truyền khẩu mình mà bỏ lòi Đức Chúa Trời” (Sách Ma-thi-ơ, chương 15, câu 4 đến 6).

Người khôn ngoan là người biết đem con mình dâng cho Chúa và... cho Chúa mượn trọn đời.

Cho người mượn có thể bị gạt mất, nhưng... cho Chúa mượn thì không sợ bị Chúa gạt bao giờ.

Ðức Chúa Trời nhìn thấy tấm lòng chân thành của bà và bà đã được Ngài ban thưởng thật... hậu hỉ:

Ðức Giê-hô-va đoái xem An-ne, nàng thọ thai và sanh ba con trai và hai con gái. Còn cậu bé Sa-mu-ên khôn lớn trước mặt Ðức Giê-hô-va” (Sách Sa-mu-ên thứ nhất, chương 2, câu 21).

Bà An-ne không dâng con cho Đức Chúa Trời với mục đích để trục lợi, để được Chúa cho lại nhiều hơn. Bà dâng con cho Chúa là vì lòng yêu Chúa của mình.

Và Sa-mu-ên, món quà đặc biệt Chúa ban cho bà, và bà đã dâng cho Chúa, đã trở nên một con người được Chúa dùng cách đặc biệt: Ông trở thành và một Tiên Tri đầu tiên và vị quan xét cuối cùng nổi tiếng của Đức Chúa Trời (Sách Công Vụ Các Sứ Đồ, chương 3, câu 24, và chương 13, câu 20). Ông cũng được Chúa dùng để xức dầu cho hai vị vua đầu tiên của Y-sơ-ra-ên là Sau-lơ (vị vua đến từ con người) và Đa-vít (vị vua đến từ Đức Chúa Trời).

Chúa đã ban thưởng lại cho người Mẹ An-ne trổi hơn vô cùng những gì bà cầu xin hoặc suy tưởng (ý từ Sách Ê-phê-sô, chương 3, câu 20).

Thật đúng như lời Phao-lô đã bày tỏ: “Tạ ơn Đức Chúa Trời vì sự ban cho của Ngài không xiết kể!” (Sách Cô-rinh-tô thứ nhì, chương 9, câu 15).

Đó là một số điều tuyệt vời từ người Mẹ An-ne để lại cho chúng ta là những người hậu thế được học hỏi ngày hôm nay trong đời sống đức tin theo Chúa mỗi ngày, nhất là những người làm Mẹ.

Kính chúc những người Mẹ ở khắp mọi nơi một ngày Lễ Mẹ thật nhiều ý nghĩa và đầy tràn niềm vui từ Thiên Chúa ban cho.

California, Tháng 5/ 2024!

Mục Sư Nguyễn Đình Liễu