“Quả thật, Ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn này của anh em Ta, ấy là đã làm cho chính mình Ta vậy” (Ma-thi-ơ 25:40).
Câu hỏi suy ngẫm: Mục đích của việc chuộc lại sản nghiệp là gì? Tại sao người bà con gần hơn bên chồng cô Ru-tơ lại từ chối quyền chuộc lại sản nghiệp? Khi ấy ông Bô-ô đã làm gì? Bài học nhắc nhở gì về tinh thần sẵn lòng giúp đỡ nhau?
Phân đoạn Kinh Thánh hôm nay cho chúng ta biết thêm về văn hóa chuộc lại sản nghiệp của người Ít-ra-ên. Chúng ta cần nhớ, mục đích của việc chuộc lại sản nghiệp là để bảo tồn, duy trì dòng dõi của các gia đình và bảo vệ sản nghiệp của họ trong Ít-ra-ên. Thế nên trong trường hợp cụ thể này, người bà con gần nhất không những cần chuộc lại gia sản của gia đình chồng bà Na-ô-mi, mà còn có nghĩa vụ phải cưới cô Ru-tơ làm vợ, với mục đích nếu sau này giữa họ có người con trai nào, thì con trai ấy là người duy nhất có quyền thừa kế và tiếp quản phần gia sản đã được chuộc lại trước đó.
Người bà con gần nhất của gia đình chồng bà Na-ô-mi rất sẵn lòng chuộc lại sản nghiệp ấy, nhưng khi biết được bà Na-ô-mi còn có một cô con dâu ngoại quốc người Mô-áp, và ông có trách nhiệm phải cưới cô con dâu ấy làm vợ, thì ông đã thẳng thừng từ chối và nhường quyền ấy lại cho ông Bô-ô. Bởi ông nhìn thấy việc chuộc lại sản nghiệp này mang lại thiệt hại cho mình nhiều hơn là ích lợi (câu 6). Từ hành động của người bà con này giúp chúng ta càng hiểu thêm tấm lòng của ông Bô-ô là quảng đại dường nào. Ông không suy tính hay lo lắng mình sẽ phải thiệt thòi thế nào khi thực hiện quyền chuộc lại sản nghiệp này, điều ông cưu mang là mong muốn đem lại sự an ổn và chỗ dựa vững chắc cho hai người góa phụ đáng được yêu thương và giúp đỡ này.
Có một vấn đề rất thực tế, là đôi khi chúng ta cảm thấy dễ dàng cầu nguyện thay cho một anh chị em của mình khi họ gặp khó khăn trong cuộc sống. Nhưng lại không dễ để chúng ta chung tay giúp đỡ họ bằng khả năng tài chính của mình khi họ thật sự có nhu cầu bức bách. Nói như thế không có nghĩa tiền bạc quan trọng hay có giá trị hơn lời cầu nguyện, nhưng tiền bạc hay của cải vật chất là một trong những phương tiện cụ thể để bày tỏ sự sẻ chia, đồng cảm, và lòng thương xót của mình đối với những người cần được cứu giúp trong cuộc sống này. Đây cũng là chân lý mà Chúa Giê-xu nói đến trong Phúc Âm Ma-thi-ơ 25:34-46, ấy là tình yêu thương cần được thể hiện cách thực tiễn qua hành động cụ thể. Thậm chí, Chúa đã nhấn mạnh rằng, nếu chúng ta cho anh chị em mình ăn khi họ đói, cho anh chị em mình mặc khi họ trần truồng, thăm viếng họ khi họ bị tù v.v… tức là chúng ta đang làm những điều đó cho chính Ngài.
Bạn có sẵn lòng giúp đỡ anh chị em mình khi họ rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn không?
Lạy Chúa, xin cho con biết quan tâm lẫn nhau trong cuộc sống, sẵn lòng giúp đỡ anh chị em khi họ thật sự có nhu cầu.
Bài Thơ: Thương Người Như Thể Thương Thân (TBM)
(c) 2024 svtk.net