Kinh Thánh: Sáng Thế Ký 2: 25; 3: 7; Rô-ma 13: 12-14; Cô-lô-se 3: 12-14. (*)
Kính chào quý độc giả,
Chuyện... ăn mặc là chuyện... xưa như trái đất phải không bạn?
Ngay từ sau khi tổ tiên loài người là ông A-đam và bà Ê-va phạm tội không vâng lời Đức Chúa Trời, ăn trái cây biết điều thiện và điều ác là trái cây mà Đức Chúa Trời cấm ăn trong vườn Ê-đen, Kinh Thánh cho chúng ta biết là ông bà đã phải đi bẻ lá cây... làm áo quần để che thân, vì biết mình đang trần truồng: “Đoạn, mắt hai người đều mở ra, biết rằng mình lõa lồ, bèn lấy lá cây vả đóng khố che thân.” (Sách Sáng Thế Ký, chương 3, câu 7 - BTT)
Như vậy, trước khi phạm tội, ông A-đam và bà Ê-va không cần phải mặc quần áo như chúng ta ngày nay, vì được sự vinh quang của Đức Chúa Trời che phủ. Khi Chúa kết hợp hai ông bà lại với nhau trong hôn nhân đầu tiên, thì Kinh Thánh nói rằng: “Vả, A-đam và vợ, cả hai đều trần truồng, mà chẳng hổ thẹn.” (Sách Sáng Thế Ký, chương 2, câu 25)
Qua Kinh Thánh, chúng ta biết được con người bắt đầu biết... mặc quần áo là từ sau khi phạm tội với Đức Chúa Trời. Và... mốt quần áo đầu tiên của con người đó là... lá cây vả. Từ đó trở đi, theo thời gian, con người biết... chế ra nhiều vật liệu khác để làm áo quần cho mình như da, như giấy, và cho đến ngày hôm nay là... đủ mọi loại vải và lụa sang trọng, quý phái.
Theo Wikipedia cho biết: “Phân tích di truyền cho thấy rận kí sinh trên người người, sống trong quần áo, có thể chỉ tách ra từ chấy khoảng 170.000 năm trước, điều này hỗ trợ bằng chứng rằng con người đã bắt đầu mặc quần áo vào khoảng thời gian này.” 1
Trên một trang mạng khác: “Các chuyên gia của Đại học Florida đã phát hiện ra rằng, loài chí và rận bắt đầu phân hóa cách đây 170 nghìn năm. Nghĩa là từ thời điểm này, con người bắt đầu biết mặc quần áo.” 2
Đó chỉ là những... ức đoán mà thôi, chứ không ai biết chắc chắn cả. Chỉ Kinh Thánh xác quyết cho chúng ta biết là con người bắt đầu... mặc quần áo là từ sau khi phạm tội với Đức Chúa Trời, vì vinh quang của Ngài không còn bao phủ họ nữa.
...
Ca dao nói về cái mặc của cha ông ta để lại có rất nhiều câu đọc nghe thấm thía làm sao. Chính vì vậy mà tôi rất yêu thích ca dao và thường trích dẫn ca dao trong những bài viết của mình. Xin mời bạn cùng thưởng thức một số câu ca dao sau đây:
Áo nâu ai mặc nên xinh
Cho duyên em lịch, cho tình anh say
Cô nàng mặc chiếc áo nâu xinh xắn làm tăng thêm vẻ đẹp khiến chàng trai... mê mẩn cả tâm hồn.
Còn đây là một cô gái với “quần đen áo trắng” tràn đầy sức sống của tuổi trẻ khiến cho anh chàng có trái tim đa cảm nọ đã phải... bị thương tật khi mải mê nhìn người đẹp mà quên cả... đường đi lối về.
Quần đen áo trắng nhởn nhơ
Làm cho anh chạy sụp bờ gãy chân.
Dầu cho có nghèo đi nữa (hết gạo ăn mì trừ cơm), nhưng một khi đi ra đường với người ta thì cũng cần phải ăn mặc cho đàng hoàng, tươm tất (quần sóoc, áo sơ mi). Đó cũng là nét văn hóa hay của người Việt Nam mình.
Ra đi quần soóc, sơ mi
Về nhà, hết gạo ăn mì trừ cơm
Người ta nói “đói cho sạch rách cho thơm”, cho nên điều quan trọng là phải sạch sẽ, thơm tho, cho dù là áo quần đơn sơ, còn hơn là “quần lụa áo tơ” mà không thơm tho, sạch sẽ:
Cứ gì quần lụa áo tơ
Quần nâu áo vải thơm tho được rồi.
Tình nghĩa dành cho nhau mới là quan trọng chứ không phải là áo quần sang trọng đâu:
Chồng ta áo rách ta thương
Chồng người áo gấm xông hương mặc người.
Có một bài ca dao rất hay và rất quen thuộc với nhiều người, nhất là với những đôi nam nữ đang ở độ tuổi hẹn hò, yêu đương. Đó là bài “Tát nước đầu đình”:
Hôm qua tát nước đầu đình,
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen.
Em được thì cho anh xin,
Hay là em để làm tin trong nhà?
Áo anh sứt chỉ đường tà,
Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu.
Áo anh sứt chỉ đã lâu,
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng.
Khâu rồi anh sẽ trả công,
Đến khi lấy chồng anh sẽ giúp cho:
Giúp cho một thúng xôi vò,
Một con lợn béo, một vò rượu tăm.
Giúp em đôi chiếu em nằm,
Đôi chăn em đắp, đôi tằm em đeo.
Giúp em quan tám tiền cheo,
Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau.
Cái hay nhất trong bài ca dao nầy là cách... tỏ tình chân quê mà độc đáo của chàng trai dành cho cô gái mà mình đã... thầm yêu trộm nhớ lâu nay.
Mượn cái cớ... bỏ quên chiếc áo trên... cành hoa sen để... tán tỉnh cô gái. Rồi mượn cái cớ “áo anh sứt chỉ đường tà”, và “sứt chỉ đã lâu” để nhờ cô gái... khâu hộ. Và rồi từ cái cớ... khâu hộ đó, anh sẽ... trả công. Trả công cho người khâu chỉ có một cái áo mà đến... “một thúng xôi vò, một con lợn béo, một vò rượu tăm, rồi đôi chiếu, đôi chăn, đôi tằm; chưa hết, còn quan tám tiền cheo, quan năm tiền cưới, và cuối cùng là... buồng cau” nữa. Trả công cho cô gái bằng toàn những thứ... ngon lành không; toàn những thứ mà người ta thường dùng trong lễ vật để cưới hỏi không à. Trả công với những món như thế là cô gái ấy biết chàng trai nầy muốn gì rồi chứ?
Một chàng trai... khôn ngoan như thế, ... hào phóng như thế thì làm sao mà cô gái kia có thể từ chối tình yêu của chàng dành cho mình được phải không bạn?
Tôi thích cách tỏ tình trong ca dao của cha ông ta. Rất chân thực, nhưng vô cùng ý nhị, vô cùng sâu sắc, và vô cùng độc đáo!
...
Có thể nói ngành công nghiệp thời trang áo quần là một ngành công nghiệp hầu như không bao giờ... thất nghiệp, vì tất cả mọi con người trên thế gian nầy đều phải có nhu cầu ăn mặc cho cuộc sống của mình.
Bạn đi bất cứ nơi đâu, ở bất cứ nơi nào, cũng đều dễ dàng thấy được rằng nhu cầu mua sắm, ăn mặc của con người ở khắp mọi nơi là... bất tận. Đâu đâu bạn cũng thấy những cửa hiệu, những nhà hàng, những siêu thị thời trang quần áo, giày dép hiện diện, và người ra kẻ vào mua sắm tấp nập ngày đêm, nhất là giới trẻ.
Con người ta thường hay quan niệm: “Quen nể dạ, lạ nể áo quần”, cho nên khi đi ra ngoài, mọi người đều cố gắng ăn mặc làm sao cho thật sạch sẽ, đẹp đẽ, trước là để góp phần... làm đẹp cho xã hội, sau là để cho người khác... nể mình nữa.
Nhưng, người ta cũng nói: “Một cái áo không làm nên thầy tu.” Cái áo cũng chưa hẳn nói lên được điều gì về một con người. Nội tâm bên trong của con người đó mới là quan trọng, chứ không phải là hình thức, hay áo quần bên ngoài.
...
Nói về chuyện... quần áo, ăn mặc trong cuộc sống của con người, tôi nhớ Kinh Thánh có đề cập đến chuyện... mặc những loại trang phục đặc biệt, không phải giống như quần áo của chúng ta.
Khi nói về đời sống sau khi tin Chúa rồi, Kinh Thánh cho biết con cái Chúa cần phải... mặc những loại trang phục sau:
“Vậy anh em là kẻ chọn lựa của Đức Chúa Trời, là người thánh và rất yêu dấu của Ngài, hãy có lòng thương xót. Hãy mặc lấy sự nhân từ, khiêm nhường, mềm mại, nhịn nhục, nếu một người trong anh em có sự gì phàn nàn với kẻ khác thì hãy nhường nhịn nhau và tha thứ nhau: như Chúa đã tha thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha thứ thể ấy. Nhưng trên hết mọi sự đó, phải mặc lấy lòng yêu thương, vì là dây liên lạc của sự trọn lành.” (Sách Cô-lô-se, chương 3, câu 12-14)
Một người đã tin nhận Chúa rồi, cần phải... mặc những trang phục nào?
Có những trang phục mà mỗi một con dân Chúa phải... mặc vào trong đời sống theo Chúa, đó là: Mặc lấy sự nhân từ, khiêm nhường, mềm mại, nhịn nhục. Và loại... trang phục quan trọng hơn hết, trên hết... các loại trang phục kia, chính là lòng yêu thương.
Vì sao Kinh Thánh nói “trên hết mọi sự đó, phải mặc lấy lòng yêu thương”?
Vì Đức Chúa Trời chính là tình yêu thương. Thánh Giăng cho biết: “Ai chẳng yêu thì không biết Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời là sự yêu thương.” (Sách 1 Giăng, chương 4, câu 8).Cho nên, bạn là con cái Chúa, bạn phải mặc lấy tình yêu thương vậy. Không mặc lấy tình yêu thương thì bạn chưa phải là con cái Chúa thật.
Một chỗ khác trong Kinh Thánh cũng cho thấy tình yêu thương là quan trọng hơn tất cả, trên tất cả: “Nên bây giờ còn có ba điều nầy: Đức tin, sự trông cậy, tình yêu thương; nhưng điều trọng hơn trong ba điều đó là tình yêu thương.” (Sách 1 Cô-rinh-tô, chương 13, câu 13)
Đức tin quan trọng. Sự trông cậy quan trọng. Vì nếu không có đức tin, thì không thể nào ở cho đẹp ý Đức Chúa Trời như lời Kinh Thánh đã chép: “Vả, không có đức tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Đức Chúa Trời.” (Sách Hê-bơ-rơ, chương 11, câu 6). Không có sự trông cậy, thì cuộc sống của con người đâu còn có ý nghĩa gì? Cuộc sống không có sự hy vọng, trông cậy là một cuộc sống buồn thảm và thất vọng. Vượt lên trên đức tin, vượt lên trên cả sự trông cậy, đó chính là tình yêu thương. Không có tình yêu thương thì tất cả mọi điều khác sẽ không có ý nghĩa gì hết.
Còn nhớ Mẹ Tê-rê-sa ở xứ Calcutta, Ấn Độ có nói một câu nói khá hay rằng: “Chúng ta không thể làm được những việc lớn, nhưng chúng ta có thể làm được những việc nhỏ với một tình yêu lớn.”
Thật vậy, tất cả mọi việc làm của con người, nếu không làm với một tình yêu, một trái tim lớn, thì đều chẳng có ý nghĩa gì đâu.
...
Với những... trang phục đặc biệt mà Kinh Thánh dạy người tin Chúa phải... mặc là nhân từ, khiêm nhường, mềm mại, nhịn nhục và yêu thương; một con người thiên nhiên thì không thể nào... mặc được, vì bản tính yếu đuối, tội lỗi trong con người đó.
Người tin Chúa thật mới... mặc những trang phục nầy, bởi vì nhờ sức toàn năng của Chúa Giê-xu ban cho họ.
Thánh Phao-lô cho biết: “Đêm đã khuya, ngày gần đến; vậy, chúng ta hãy lột bỏ những việc tối tăm mà mặc lấy áo giáp sáng láng. Hãy bước đi cách hẳn hoi như giữa ban ngày. Chớ nộp mình vào sự quá độ và say sưa, buông tuồng và bậy bạ, rầy rà và ghen ghét; nhưng hãy mặc lấy Đức Chúa Giê-xu Christ, chớ chăm nom về xác thịt mà làm cho phỉ lòng dục nó.” (Sách Rô-ma, chương 13, câu 12-14)
Không mặc lấy Đức Chúa Giê-xu Christ (tức tin nhận Chúa Giê-xu làm Chúa, làm Chủ cuộc đời) vào trong đời sống mình trước tiên, thì không thể nào... mặc lấy được những trang phục đặc biệt đó.
Bạn có muốn... mặc lấy những trang phục quý báu: Nhân từ, khiêm nhường, mềm mại, nhịn nhục và yêu thương cho cuộc đời của mình không?
Nếu bạn muốn, trước hết xin mời bạn hãy... mặc lấy Đức Chúa Giê-xu Christ vào trong đời sống, thì chắc chắn bạn sẽ được trang bị những trang phục quý giá ấy cho cuộc đời của mình.
Ước ao bạn sẽ... mặc lấy Đức Chúa Giê-xu Christ ngay hôm nay!
California, tháng 9/ 2021
Mục Sư Nguyễn Đình Liễu.
(*): Những câu Kinh Thánh trong bài viết là trích từ Kinh Thánh Bản Truyền Thống (BTT)
1: https://vi.wikipedia.org/wiki/Lịch_sử_trang_phục
2: https://khoahoc.tv/con-nguoi-biet-mac-quan-ao-tu-khi-nao-31112