Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 18 | Bài 20 >> | Hướng Dẫn

Bài 19

III GIĂNG 1-4 KHỎE MẠNH PHẦN XÁC THỊNH VƯỢNG PHẦN HỒN

1 Trưởng lão đạt cho Gai-út là người yêu dấu mà tôi thật thương yêu. 

2 Hỡi kẻ rất yêu dấu, tôi cầu nguyện cho anh được thạnh vượng trong mọi sự và được khỏe mạnh phần xác anh cũng như đã được thạnh vượng về phần linh hồn anh vậy. 3 Vì tôi rất lấy làm vui vẻ mà thấy mấy anh em đến đây, làm chứng về anh yêu mến lẽ thật và về cách anh làm theo lẽ thật ấy là thể nào. 4 Tôi nghe con cái tôi làm theo lẽ thật, thì không còn có sự gì vui mừng hơn nữa.

 

1. Tác giả gọi Gai-út là “người yêu dấu” rồi lại nói, “mà tôi thật thương yêu” cho thấy điều gì?

2. Thế nào là “Thịnh vượng về phần linh hồn” (2b)?

3. “Yêu mến lẽ thật” và “làm theo lẽ thật” (c. 3) khác nhau thế nào?

4. Theo câu 4, niềm vui của vị sứ đồ là gì? Tại sao?

Tương tự như Thư II Giăng, tác giả Thư III Giăng gọi mình là trưởng lão (c. 1). Trưởng lão nói đến người cao tuổi hay là chức vụ trong Hội Thánh (Công vụ 14:23). Có người cho rằng, trong thời sứ đồ Giăng có một trưởng lão cũng tên là Giăng, đã viết Thư Giăng II và III. Tuy nhiên, chúng ta không có bằng chứng gì về điều nầy. Ngoài ra, giọng văn cũng như nội dung của hai lá thư có nhiều điểm tương đồng với Thư Giăng I và Phúc Âm Giăng nên trưởng lão không ai khác hơn là sứ đồ Giăng.

Người tên Gai-út được nhắc đến vài lần trong Kinh Thánh (Công vụ 19:29; 20:4; Rô-ma 16:23; I Cô. 1:14) liên quan đến sứ đồ Phao-lô nhưng chúng ta không rõ Gai-út, người nhận lá thư Giăng III là ai. Có thể ông là người hướng dẫn một Hội Thánh nào đó trong thời sứ đồ Giăng.

Giăng gọi ông là người yêu dấu mà tôi thật thương yêu (c. 1). Từ yêu dấu được lặp lại ở đây và trong câu 2 và 5, cho thấy tình cảm đặc biệt vị sứ đồ dành cho ông. Thật thương yêu trong nguyên văn là “yêu trong lẽ thật” (“quý mến trong chân lý,” BHĐ). Chân lý hay lẽ thật được nhắc đến sáu lần trong lá thư chỉ về Phúc Âm chân chính của Chúa Giê-xu.

Lời cầu nguyện của vị sứ đồ cho Gai-út là:

Hỡi kẻ rất yêu dấu, tôi cầu nguyện cho anh được thạnh vượng trong mọi sự và được khỏe mạnh phần xác anh cũng như đã được thạnh vượng về phần linh hồn anh vậy (c. 2)

Đây là một lời cầu nguyện đầy đủ: khỏe mạnh phần xác thịnh vượng về phần linh hồn. Đây là ý nghĩa của từ shalom (“bình an”) trong tiếng chào của người Do-thái. Bình an nói đến hưng thịnh toàn diện, cả hồn lẫn xác.

Hai điều vị sứ đồ khen Gai-út qua lời chứng của người khác là: ông yêu mến lẽ thậtlàm theo lẽ thật (c. 3). Lẽ thật là chân lý Phúc Âm cho nên nói như vậy nghĩa là Gai-út yêu mến Chúa và thể hiện lòng yêu Chúa rõ ràng trong đời sống. Sứ đồ Giăng cho thấy đây là niềm vui của người hầu việc Chúa:

Tôi nghe con cái tôi làm theo lẽ thật, thì không còn có sự gì vui mừng hơn nữa (c. 4)

Chúng ta cần tự hỏi: Tôi có phải là niềm vui cho người hầu việc Chúa hay không?