Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 41 | Hướng Dẫn

Bài 42

LỜI CHÀO (16:19-24)

 

19 Các Hội Thánh ở xứ A-si chào thăm anh em. A-qui-la và Bê-rít-sin gởi lời chào anh em trong Chúa, Hội Thánh hiệp trong nhà hai người ấy cũng vậy. 20 Hết thảy anh em đây chào thăm các anh em. Hãy lấy cái hôn thánh mà chào nhau.

21 Tôi là Phao-lô, chính tay tôi viết chào thăm anh em.

22 Bằng có ai không kính mến Chúa, thì phải bị a-na-them! Ma-ra-na-tha!

23 Nguyền xin ơn của Đức Chúa Jêsus Christ ở với anh em! 24 Lòng yêu thương của tôi ở với hết thảy anh em trong Đức Chúa Jêsus Christ.

 

1. “Các Hội Thánh ở xứ A-si” (c. 19a) là các Hội Thánh nào?

2. A-qui-la và Bê-rít-sin (c. 19b) là ai?

3. “Lấy cái hôn thánh mà chào nhau” (c. 20b) nghĩa là thế nào?

4. Xin giải thích những chữ “a-na-them” và “Ma-ra-na-tha” (c. 22).

 

Xứ A-si (c. 19a) là vùng Tiểu Á, thuộc miền Tây Thổ-nhĩ-kỳ ngày nay. Phao-lô viết thư I Cô-rinh-tô khi ông đang ở Ê-phê-sô (16:8). Trong thời La-mã, Ê-phê-sô là thủ phủ của “tỉnh A-si.” Các Hội Thánh ở xứ A-si bao gồm Ê-phê-sô, Lao-đi-xê và Hi-ê-ra-bô-li (Cô-lô-se 4:13, 16).

Hai vợ chồng A-qui-la và Bê-rít-sin là bạn đồng nghiệp và cũng là người cùng hầu việc Chúa với Phao-lô tại Cô-rinh-tô trước đây. A-qui-la và Bê-rít-sin vốn ở Rô-ma nhưng vì lệnh của hoàng đế Claudius đã dời về Cô-rinh-tô (Công vụ 18:1-3). Ông bà là người hướng dẫn A-bô-lô về giáo lý trong những bước đầu (Công vụ 18:26). Phao-lô nói về A-qui-la và Bê-rít-sin như sau:

Bê-rít-sin và A-qui-la, kẻ cùng làm việc với tôi trong Đức Chúa Jêsus-Christ, là hai người liều chết để cứu sự sống tôi. Ấy chẳng những một mình tôi tạ ơn hai người, nhưng cả các Hội Thánh của dân ngoại nữa (Rô-ma 16:3-4)

Trong Thư Rô-ma và I Cô-rinh-tô, Phao-lô đều nói về Hội Thánh nhóm tại nhà hai người, hàm ý A-qui-la và Bê-rít-sin đã dùng nhà của họ làm nơi thờ phượng cho Hội Thánh Rô-ma và Ê-phê-sô. Trong Thư II Ti-mô-thê, lá thư cuối cùng của Phao-lô, ông cũng còn nhắc đến đôi vợ chồng nầy (II Ti-mô-thê 4:19) chứng tỏ họ là những người trung tín hầu việc Chúa với Phao-lô. 

Chào nhau bằng cái hôn thánh là điều được nhắc đến nhiều lần trong các thư của Phao-lô (Rô-ma 16:16; II Cô-rinh-tô 13:12; I Tê-sa-lô-ni-ca 5:26). Phi-e-rơ thì nói đến “cái hôn yêu thương” (I Phi-e-rơ 5:14). Đây là tập tục trong Hội Thánh đầu tiên bày tỏ lòng yêu thương chân thật giữa các tín hữu cùng phái tính trong Hội Thánh.

Thư từ ngày xưa thường do những người chuyên việc viết thư (amanuensis) viết xuống. Tẹt-tiu và Sin-vanh là hai ví dụ về những người làm việc nầy (Rô-ma 16:22; I Phi-e-rơ 5:12). Sốt-then có lẽ là người viết thư I Cô-rinh-tô (1:1). Cuối thư, tác giả thường tự tay viết xuống một câu, chứng tỏ thư thật, không giả mạo. Đó là ý nghĩa của câu:

Tôi là Phao-lô, chính tay tôi viết chào thăm anh em (c. 21)

Ga-la-ti 6:11; Cô-lô-se 4:18; II Tê-sa-lô-ni-ca 3:17 là những ví dụ khác về việc nầy.

Trước khi chúc phước (c. 23), Phao-lô viết:

Bằng có ai không kính mến Chúa, thì phải bị a-na-them! (c. 22a)

Đây là lời rủa sả người không có lòng yêu mến Chúa. A-na-them là chữ được dùng trong 12:3: Đáng nguyền rủa! Chữ nầy nghĩa là “cống hiến cho thần” hay “cống hiến cho sự hủy diệt.” Phao-lô dùng chữ nầy trong ý nghĩa “phó cho sự thịnh nộ pháp lý của Đức Chúa Trời” (Alan Johnson trích Johannes Behm trong Theological Dictionary of the New Testament). Chắc hẳn Phao-lô muốn nhắn nhủ lời nầy với những người đang quấy rối Hội Thánh Cô-rinh-tô. Đây không phải là người ngoại nhưng là người gây rối trong Hội Thánh và làm Phao-lô đau lòng. Chữ a-na-them được dùng ở đây và trong 12:3 (có người nói Chúa Giê-xu đáng bị a-na-them) cho nên người nói có thể chính là nhân vật nầy. Do đó, Phao-lô muốn nói, người nói Chúa Giê-xu đáng nguyền rủa, đó là người đáng  bị nguyền rủa!

Ma-ra-na-tha là tiếng A-ram, ngôn ngữ của người Do-thái tại Palestine trong thời Tân Ước. Mar nghĩa là “Chúa,”  an hay ana nghĩa là “của chúng tôi/của chúng con.” Marana là: “Chúa của chúng con,” tha nghĩa là “đến.” Marana tha vì vậy là: “Chúa của chúng con, xin hãy đến!” (Khải huyền 22:20b). Phao-lô nói lên lòng mong ước của ông và Hội Thánh về ngày Chúa trở lại.

Lời kết của Thư I Cô-rinh-tô là:

 Nguyền xin ơn của Đức Chúa Jêsus Christ ở với anh em! Lòng yêu thương của tôi ở với hết thảy anh em trong Đức Chúa Jêsus Christ (c. 23-24)

Đây là lời chúc phước, cũng là lời nói lên tâm tình của Phao-lô với Hội Thánh Cô-rinh-tô. Nói cho cùng thì không còn gì ngoài hai điều nầy: ân sủng của Chúa và tình yêu thương của anh chị em trong Chúa. Ân sủng Chúa cứu rỗi chúng ta và tình yêu thương của chúng ta đối với nhau. Phao-lô đã viết một lá thư với lời lẽ mạnh bạo về nhiều vấn đề. Nhưng từ đáy lòng, vấn đề chính là tình yêu thương chân thành của ông với tín hữu tại Cô-rinh-tô, điều ông trình bày rõ ràng trong Chương 13.