Trang Đầu | Mục Lục | << Chương 106 | Chương 108 >> | Hướng Dẫn

THÁNH KINH

Ðiều Quan Trọng Hơn Hết Trong Sách Nầy 2

 

Mối liên quan giữa sự đọc Kinh Thánh của hội chúng và tòa giảng

Tôi không ngạc nhiên vì các ông tự nhận là Truyền đạo của "Tân phái" (moderniste), với quan niệm họ sẵn có đối với Kinh Thánh, không tỏ ra quan tâm giúp cho tín hữu của họ chuyên cần đọc Kinh Thánh. Trái lại, như đội quân thứ năm phá hại đạo Ðấng Christ ở ngay nội bộ, họ dường như không ưa thích đọc Kinh Thánh. Những lời nầy không nói với họ đâu.

Nhưng điều làm cho tôi bối rối, ấy là các ông Truyền đạo "bảo thủ" vẫn lấy tinh thần hăng hái chiến đấu mà tuyên bố rằng mình tin Kinh Thánh là Lời Ðức Chúa Trời, vẫn tận dụng ngữ vựng để tôn cao và tôn vinh Kinh Thánh, nhưng lại ít quan tâm đến việc tín hữu đọc Kinh Thánh cho chính mình họ được phước. Ðiều nầy làm cho tôi bối rối.

Các ông Truyền đạo giảng bài giảng, các giáo sư dạy bài học, các giáo sư trường Kinh Thánh huấn luyện Mục sư, Truyền đạo thanh niên cách mở mang những phần bài giảng, -- hết thảy đều dựa vào Kinh Thánh, chắc vậy. Nhưng đâu là những chi hội, những Mục sư, giáo sư lớp hoặc trường Kinh Thánh, ngoài sự thỉnh thoảng khuyên bảo, còn quyết định gây nên thói quen đọc Kinh Thánh giữa đám người ở dưới quyền chăn dắt của mình?

Tất cả chương trình và kỹ thuật của nền tổ chức và hoạt động trong Hội Thánh ngày nay dường như cốt để gây ấn tượng rằng mọi sự tùy thuộc bài giảng. Chắc vậy, Ðức Chúa Trời truyền cho chúng ta phải giảng, tức là giảng theo kiểu Tân Ước. Có lẽ người ta đã làm sai lệch ý nghĩa chữ "giảng" của Tân Ước khi áp dụng nó cho loại trình bày trên tòa giảng hiện đang thạnh hành. Chắc hẳn Tân Ước chẳng bao giờ ấn định rằng sự giảng hoàn toàn không có dạy Lời Ðức Chúa Trời như thường thấy trong các bài giảng mà ngày nay người đến nhà thờ vẫn phải nghe.(1) Dầu sao, dầu sự giảng có ý nghĩa chân chánh nhứt và đạt tới mức tốt đẹp nhứt, Ðức Chúa Trời cũng không chỉ định cho nó hoàn toàn và đầy đủ thay thế việc tín hữu vì chính mình mà đọc chính Lời Ðức Chúa Trời.

Mỗi Tín Ðồ Ðấng Christ phải là một người chuyên đọc Kinh Thánh. Nếu đọc Kinh Thánh theo tinh thần xứng hợp, thì đó là thói quen duy nhứt sẽ có hiệu lực hơn bất cứ thói quen nào khác để tạo nên tín đồ xứng đáng với danh nghĩa ấy về mọi phương diện. Chi hội nào có thể khiến toàn thể tín hữu chuyên cần đọc Lời Ðức Chúa Trời, thì chi hội ấy sẽ trải qua một cuộc cách mạng. Nếu toàn thể các chi hội ở một địa phương nào có thể khiến toàn thể tín hữu đọc Kinh Thánh thường xuyên, thì chẳng những các chi hội sẽ trải qua một cuộc cách mạng, song địa phương ấy cũng được tẩy sạch và lành mạnh hóa, -- đó là kết quả mà không điều chi khác thực hiện nổi.

Hãy lấy Hắc ám Thời đại làm thí dụ. Trải qua Hắc ám Thời đại, tức là trong 500 năm, từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ thứ 15, Hội Thánh, hoặc cái tự gọi là Hội Thánh dưới quyền điều khiển của các Giáo hoàng, đã cai trị thế giới với một bàn tay chuyên chế như mọi đế quốc chuyên chế khác trên mặt đất. Quyền bá chủ của Giáo hội và Hắc ám Thời đại đã Xảy Ra Cùng Một Lúc, thật là kỳ lạ, phải không? Hội Thánh, là "Sự Sáng" của thế giới, đã đem bóng tối tăm, bóng tối tăm như nửa đêm, vào trong thế giới. Tại sao vậy? Vì chế độ Giáo hoàng đã bãi bỏ quyền tự do và cấm lưu hành Kinh Thánh trong dân gian, thậm chí xử tử người ta vì "tội" đọc Kinh Thánh. Lại nữa, do tánh tự phụ vô biên, các Giáo hoàng đã đem những sắc lịnh của mình thay thế Lời Ðức Chúa Trời. Ðó là yếu tố đã tạo nên Hắc ám Thời đại, -- Những người hoàn toàn theo ý riêng đã tự tôn lên trên Lời Ðức Chúa Trời. Nếu Hội Thánh đầu phục Lời Ðức Chúa Trời, dạy cho người ta biết Lời ấy và khuyến khích lưu hành Lời ấy trong dân gian, thì đã có Một Ngàn Năm Hòa Bình, chớ chẳng phải Hắc Ám Thời Ðại đâu.

Lại lấy cuộc Cải chánh làm thí dụ. Vì Martin Luther tìm thấy Kinh Thánh, đem phân phát cho dân chúng, và lấy chính linh hồn vô song, vô địch của mình mà ủng hộ Kinh Thánh, nên cuộc Cải chánh Tin Lành đã thực hiện và quyền tự do đã được công bố cho thế giới hiện kim. Ðó là bước hùng mạnh nhứt đưa đến sự tấn bộ của nhân loại mà ta từng biết trong lịch sử. Những người đọc lịch sử đều biết quá rõ ràng chúng ta trực tiếp nhờ Kinh Thánh mà được quyền tự do cùng mọi điều quí báu cho mình.

Lại lấy nước Anh dưới đời nữ hoàng Elizabeth làm thí dụ. Trong quyển "Anh quốc Sử lược" của Green, có nói quyết rằng: "Chưa từng có cuộc biến cải đạo đức nào lớn hơn cuộc biến cải đạo đức đã thực hiện ở nước Anh trong phần cuối đời trị vì của Nữ hoàng Elizabeth. Nước Anh trở nên dân của một Quyển Sách, và Quyển Sách ấy chính là Kinh Thánh. Mọi tầng lớp dân chúng đọc Kinh Thánh. Kết quả thật lạ lùng. Cả bộ mặt đạo đức của quốc gia đã biến cải."

Ngày nay, việc tốt nhứt mà Hội Thánh có thể làm ấy là tận tâm tôn Lời Ðức Chúa Trời lên ngôi cai trị đời sống của tín hữu. Mọi sự khác sẽ theo sau. Việc duy nhất đó tự nó sẽ đi xa hơn mà giải quyết mọi vấn đề cá nhân, xã hội và quốc gia hơn bất cứ việc nào khác mà Hội Thánh làm được. Lời Ðức Chúa Trời là khí giới tốt nhứt mà Hội Thánh có trong tay.

Một sự trạng như vậy có thể có không? Có thực tế không? Toàn thể một hội chúng có thể trở thành nhóm người chuyên cần đọc Kinh Thánh không? Chắc có thể được như vậy, và chỉ trong một thời gian rất ngắn. Chỉ cần có một Mục sư tin ở lý tưởng đó và đặt cả tấm lòng mình vào đó.

Giảng về đọc sự Kinh Thánh, thì chưa đủ; dầu là thường giảng về mục ấy, cũng chưa đủ. Một số người sẽ hưởng ứng loại bài giảng như vậy. Nhưng nếu Mục sư muốn toàn thể hội chúng đọc Kinh Thánh, thì phương pháp tốt nhứt để đạt tới mục đích ấy chính là làm ra một chương trình đọc Kinh Thánh khá có giá trị, trình bày trước mặt tín hữu, và nói để họ hiểu rằng ông mong ước họ lấy chương trình đó làm một phần sanh hoạt trong Hội Thánh; đoạn, phải dẫn dắt họ theo chương trình ấy, giữ cho họ làm đúng chương trình ấy; từ Chúa nhật nầy qua Chúa nhật khác, từ năm nọ qua năm kia, bằng cách nầy hay cách khác, phải để chương trình ấy trước mặt tín hữu, tỏ ra Mục sư thật lấy đó làm quan trọng; phải luôn luôn lấy chương trình đó làm nền tảng cho các bài giảng của mình.

Còn về bài giảng, nếu chỉ chọn một câu gốc (hoặc một đoạn ngắn) trong phần Kinh Thánh tín hữu đã đọc, rồi phân tách thành bài giảng đặc biệt theo câu gốc, không có vẻ dạy dỗ chi hết, thì sẽ không thúc giục tín hữu đọc Kinh Thánh chút nào. Trái lại, bài giảng phải là nghiên cứu cả hoặc một phần những đoạn Kinh Thánh đã đọc, khiến tín hữu chú ý đến các đặc điểm tốt nhứt, các thực sự hào hứng nhứt, các bài học giá trị nhứt, dường như ông dạy một lớp học Kinh Thánh vậy.

Không còn nghi ngờ gì nữa, nếu Mục sư cố gắng như vậy, thì bất cứ hội chúng nào có mức thiêng liêng trung bình cũng sẽ vui vẻ và hết lòng hưởng ứng.

Nhưng có người nói rằng biến cuộc thờ phượng sáng Chúa nhật ra giống như một lớp dạy Kinh Thánh, thì sẽ hoàn toàn tầm thường và buồn tẻ. Một bài nghiên cứu Kinh Thánh lại buồn tẻ hơn loại bài giảng theo câu gốc đang thạnh hành sao? Phải chăng chúng ta nghĩ rằng hội chúng có mức thiêng liêng trung bình sẽ không đủ thông minh để mong ước một sự dạy dỗ vững chắc từ nơi Mục sư của họ? hoặc từ nơi Lời Ðức Chúa Trời?

Trái lại, chúng tôi hết lòng tin chắc rằng hội chúng có mức thiêng liêng trung bình sẽ Ưa Thích chương trình như vậy. Họ sẽ không bao giờ chán chương trình ấy. Không bao giờ. Không Bao Giờ. Trái lại, họ sẽ yêu mến và tôn trọng Mục sư vì đã dùng cách đó dắt dẫn, khuyến khích và giúp đỡ họ tạo nên thói quen mà họ biết mình đáng phải theo.

Chương trình trên đây sẽ làm nên những việc lạ lùng biết bao! Nó tạo nên sự trung thành với Hội Thánh, những nhà thờ đông nghẹt, sự chăm chú vào bài giảng, sự thông biết Lời Ðức Chúa Trời, sự lớn lên trong đời tin kính, quyền phép thiêng liêng, nền đạo đức và hòa thuận trong gia đình. Há có vị thuốc nào linh nghiệm hơn để cứu chữa những tín hữu phân tâm, lãnh đạm, thích vui chơi và có tâm trí ham mến thế gian? Mục sư há có thể làm một việc chi có giá trị hơn nữa?

Há có kỹ thuật nào tốt hơn để giảng Tin Lành? Ngoài sự xử dụng chính Lời của Ðấng Christ, há có phương pháp nào dễ dàng, chắc chắn và lành mạnh hơn để dắt đem một người đến cùng Ðấng Christ? Há có phương pháp nào hữu nghiệm hơn để tiếp xúc với người chưa được cứu rỗi? Há có nền tảng nào tốt hơn cho một cuộc phục hưng?

Một chi hội há có thể tự đặt cho mình một công việc nào tốt đẹp hơn công việc biến hội chúng của mình thành hội chúng chuyên cần đọc Kinh Thánh? Thí dụ, một chi hội có chương trình liên hiệp sự hội chúng đọc Kinh Thánh với sự giảng dạy sáng Chúa nhật như chúng tôi đề nghị ở đây; thí dụ, chi hội ấy tán trợ sự đọc Kinh Thánh, không những giữa vòng thuộc viên của mình, song khắp cả một địa phương nói chung, và theo định kỳ mà phân phát ở địa phương các truyền đơn in chương trình đọc Kinh Thánh, kèm theo lời mời đến dự cuộc thờ phượng tại nhà thờ, -- thì chi hội ấy há có phương pháp nào giảng Tin Lành tốt hơn? Nếu đó không phải Công Việc của Hội Thánh, thì là công việc của ai? Nếu đó không phải là công việc của Mục sư, Truyền đạo, thì Mục sư, Truyền đạo làm công việc gì?

 

 



(1) Tình trạng nầy có lẽ rõ rệt hơn ở các nước Âu Mỹ, là nơi khá nhiều người theo Tân phái.