Trang Đầu | Mục Lục | << Chương 25 | Chương 27 >> | Hướng Dẫn

THÁNH KINH

Giê-rê-mi

 

 

Ðức Chúa Trời Cố Gắng Lần Chót Ðể Cứu Giê-ru-sa-lem

 

Giê-rê-mi sống chừng 100 năm sau Ê-sai.
Ê-sai đã cứu Giê-ru-sa-lem khỏi tay quân A-si-ri.
Giê-rê-mi cố cứu Giê-ru-sa-lem khỏi tay quân

Ba-by-lôn, nhưng thất bại

 

 

Giê-rê-mi được kêu gọi làm tiên tri năm 626 T.C.. Giê-ru-sa-lem bị phá hủy một phần năm 606 T.C., bị tàn phá thêm năm 597 T.C.; rốt lại, bị thiêu hủy và hoang vu năm 586 T.C.. Giê-rê-mi đã sống trải qua 40 năm khủng khiếp nầy, là lúc nền quân chủ kết liễu, quốc gia hấp hối và chết. Ông là một nhân vật sầu thảm, cô đơn, truyền sứ điệp sau chót của Ðức Chúa Trời cho Thành Thánh đã dính theo các hình tượng một cách tuyệt vọng và cuồng tín. Ông kêu la không dứt rằng nếu họ ăn năn, thì Ðức Chúa Trời sẽ cứu họ khỏi tay Ba-by-lôn.

Như vậy, A-si-ri là bối cảnh của chức vụ Ê-sai thể nào, thì Ba-by-lôn là bối cảnh của chức vụ Giê-rê-mi thể ấy.

 

Tình hình quốc nội

Nước phía Bắc đã sụp đổ, và phần lớn nước Giu-đa cũng đã sụp đổ. Cả hai đã chịu hết khổ nạn nầy đến khổ nạn khác, cho đến khi chỉ còn lại thành Giê-ru-sa-lem. Nhưng họ vẫn không kể đến những lời cảnh cáo liên tiếp của các Tiên tri, càng ngày càng cứng lòng trong sự thờ lạy hình tượng và tội ác. Giờ đoán phạt sắp điểm.

 

Tình hình quốc tế

Ba nước A-si-ri, Ba-by-lôn và Ai-cập tranh nhau làm bá chủ thế giới. Trải qua 300 năm, A-si-ri ở thung lũng phía Bắc sông Ơ-phơ-rát, thủ đô là Ni-ni-ve, đã thống trị thế giới; nhưng lúc nầy nó đã suy yếu. Ba-by-lôn ở thung lũng phía Nam sông Ơ-phơ- rát, đã trở nên hùng cường. Ai-cập ở cách 300 dặm về phía Tây nam, trong thung lũng sông Ni-lơ, 1000 năm trước, Ai-cập là một cường quốc bá chủ thế giới và đã suy yếu, nhưng nay lại có tham vọng. Vào khoảng giữa chức vụ của Giê-rê-mi, Ba-by-lôn đã thắng, phá tan quyền lực của A-si-ri năm 607 T.C., và 2 năm sau (605 T.C.), đè bẹp Ai-cập tại trận Cạt-kê-mít (Giê-rê-mi 46:2). Và trong 70 năm, Ba-by-lôn đã thống trị thế giới; trong thời kỳ ấy, dân Do-thái đã lâm cảnh phu tù.

 

Sứ điệp của Giê-rê-mi

Ngay lúc đầu, tức là hai mươi năm trước khi kết cuộc phân minh, Giê-rê-mi đã luôn luôn nhấn mạnh rằng Ba-by-lôn sẽ thắng. Trong mọi lời than phiền đắng cay không dứt về sự gian ác của dân Do-thái, ta thấy Giê-rê-mi luôn luôn nhắc lại những ý sau đây:

1.    Nước Giu-đa (Do-thái) sẽ bị tiêu diệt bởi Ba-by-lôn toàn thắng.

2.    Nếu nước Giu-đa xây bỏ tội ác mình, thì dẫu sao, Ðức Chúa Trời cũng cứu nó khỏi bị tiêu diệt bởi tay Ba-by-lôn.

3.    Về sau, khi dường như chẳng còn hy vọng cho dân Do-thái ăn năn nữa, thì chỉ còn một phương tiện chánh trị, là nếu họ đầu phục Ba-by-lôn. ắt sẽ được dung tha.

4.    Nước Giu-đa bị hủy phá, nhưng sẽ khôi phục và thống trị thế giới.

5.    Ba-by-lôn đã tiêu diệt nước Giu-đa, thì chính mình nó sẽ bị tiêu diệt, không hề chổi dậy nữa.

 

Sự dạn dĩ của Giê-rê-mi

Giê-rê-mi không dứt khuyên bảo dân Giê-ru-sa-lem hãy hàng phục vua Ba-by-lôn, đến nỗi kẻ thù cáo ông là phản quốc. Vì ông khuyên bảo dân chúng như vậy, nên Nê-bu-cát-nết-sa ban thưởng cho ông: Chẳng những bảo toàn mạng sống ông, nhưng còn hiến ông bất cứ danh vọng nào mà ông muốn nhận, ngay cả một địa vị xứng đáng tại triều đình Ba-by-lôn (39:12). Nhưng Giê-rê-mi nhiều phen kêu la lớn tiếng rằng vua Ba-by-lôn đã phạm trọng tội hung tàn vì tiêu diệt dân của Ðức Giê-hô-va, và bởi trọng tội đó, một ngày kia, Ba-by-lôn sẽ bị hoang vu và sẽ cứ hoang vu cho đến đời đời (xem các đoạn 50, 51).

 

Các vua Giu-đa đồng thời với Giê-rê-mi

Ma-na-se (697-642 T.C.).- Trị vì 55 năm. Rất gian ác (xem ở II Sử ký 33). Giê-rê-mi sanh ra dưới đời trị vì của vua nầy.

A-môn (641-640 T.C.).- Trị vì 2 năm. Ðời trị vì lâu dài và gian ác của Ma-na-se, cha của ông,đã quyết định số mạng nước Giu-đa.

Giô-si-a (639-608 T.C.).- Trị vì 31 năm. Vua hiền đức,thực hiện cuộc cải cách lớn lao. Giê-rê-mi bắt đầu chức vụ năm thứ 13 của đời trị vì Giô-si-a.Cuộc cải cách chỉ có bề ngoài. Trong lòng, nhơn dân vẫn còn khuynh hướng thờ lạy hình tượng.

Giô-a-cha (608 T.C.).- Trị vì 3 tháng. Bị đem xuống Ai-cập.

Giê-hô-gia-kim (608-597 T.C.).- Trị vì 11 năm. Công khai thờ lạy hình tượng,liều lĩnh bất chấp Ðức Giê-hô-va, và là một kẻ thù cay độc của Giê-rê-mi.

Giê-hô-gia-kin (597 T.C.).- Trị vì 3 tháng, bị đem qua Ba-by-lôn.

Sê-đê-kia (597-586 T.C.).- Hơi thân thiện với Giê-rê-mi, nhưng là một vua nhu nhược, một dụng cụ trong tay của các quan trưởng gian ác.

 

Niên biểu thời Giê-rê-mi

627 T.C. Giô-si-a bắt đầu các cuộc cải cách. Xem ở dưới II Sử ký 34.

626 T.C. Giê-rê-mi được Chúa kêu gọi.

626 T.C. Cuộc xâm lăng của quân Sy-the. Xem ở dưới Giê-rê-mi 4.

621 T.C. Tìm thấy Quyển Sách. Cuộc cải cách lớn lao của Giô-si-a (II Các vua 22, 23).

608 T.C. Giô-si-a bị Pha-ra-ôn giết tại Mê-ghi-đô.

607 T.C. Ni-ni-ve bị Ba-by-lôn tiêu diệt (hoặc 612 T.C.?)

606 T.C. Giu-đa bị Ba-by-lôn khắc phục. Cuộc lưu đày thứ nhứt.

605 T.C. Trận Cạt-kê-mít: Ba-by-lôn đè bẹp Ai-cập.

597 T.C.. Giê-hô-gia-kin bị bắt làm phu tù.

593 T.C. Sê-đê-kia qua thăm Ba-by-lôn.

586 T.C. Giê-ru-sa-lem bị thiêu hủy. Nước Ða-vít tạm thời chấm dứt.

 

Các tiên tri đồng thời với Giê-rê-mi

Giê-rê-mi là thủ lãnh của nhóm tiên tri xuất sắc qui tụ như một chòm sao sáng chung quanh sự hủy phá thành Giê-ru-sa-lem.

Ê-xê-chi-ên, một bạn cùng làm thầy tế lễ, nhưng hơi trẻ tuổi hơn Giê-rê-mi, cũng giảng tại Ba-by-lôn, giữa vòng các phu tù, chính những điều mà Giê-rê-mi giảng tại Giê-ru-sa-lem.

Ða-ni-ên, một người thuộc về hoàng tộc, cứ giữ được địa vị ấy trong triều đình Nê-bu-cát-nết-sa.

Ha-ba-cúc và Sô-phô-ni giúp việc Giê-rê-mi tại Giê-ru-sa-lem.

Ðồng thời, Na-hum dự ngôn rằng thành Ni-ni-ve sẽ suy vong.

Ðồng thời, Áp-đia dự ngôn rằng xứ Ê-đôm sẽ bị hủy diệt.

 

Niên biểu trong sách Giê-rê-mi

Các sứ điệp của Giê-rê-mi khi thì có niên hiệu, khi thì không. Những chỗ có chỉ tỏ thời gian là: Dưới đời trị vì của Giô-si-a: 1:2; 3:6. Dưới đời trị vì của Giê-hô-gia-kim: 22:18; 25:1; 26:1; 35:1; 36:1; 45:1. Dưới đời trị vì của Sê-đê-kia: 21:1; 24:1, 8; 27:3, 12; 28:1; 29:3; 32:1; 34:2; 37:1; 38:5; 39:1; 49:34; 51:59. Tại Ai-cập: 43:7, 8; 44:1. Như vậy, ta thấy rằng sách nầy không sắp đặt theo thứ tự niên đại. Một vài sứ điệp cuối lại ở đầu sách, còn một vài sứ điệp đầu lại ở cuối sách. Những sứ điệp nầy truyền bằng miệng, và có lẽ lặp đi lặp lại nhiều lần trải qua lâu năm, rồi sau Giê-rê-mi mới viết ra. Viết cuốn sách như vậy là một công việc lâu dài và khó nhọc. Viết trên những tấm giấy làm bằng da chiên hoặc da dê, thật là ít có và tốn kém. Những tấm giấy nầy cuốn quanh cây gậy, thành một cuốn sách. Có lẽ một phần vì đó mà sách Giê-rê-mi thiếu thứ tự. Sau khi chép một biến cố hoặc một diễn văn, ông mới nhớ lại một bài đã giảng từ mấy năm trước, bèn viết ra; và trong một vài trường hợp, ông không đề niên hiệu; bằng cách đó, ông viết trọn tấm giấy da đang khi mở nó ra. Về sau, khi nghĩ đến một vài bài giảng khác mà muốn viết ra, thì ông phải bắt đầu ở nơi mới ngừng viết trên cuốn giấy da, mặc dầu có mạch lạc hay không.

 

Ðoạn 1 -- Giê-rê-mi được Chúa kêu gọi

Ông được kêu gọi làm một công việc khó nhọc và bạc bẽo. Như Môi-se (Xuất Ê-díp-tô ký 3:11; 4:10), ông miễn cưỡng nhận lấy trách nhiệm. Ông được kêu gọi lúc còn "là con trẻ" (câu 6), có lẽ chừng 20 tuổi. "A-na-tốt" (câu 1), quê hương ông, cách Giê-ru-sa-lem 2 dặm rưỡi về phía Ðông bắc, ngày nay gọi là "Anata." Nhắc đến "cây hạnh" (câu 11-12), là cây trổ bông rất sớm lúc mùa xuân, thì có nghĩa rằng Ðức Chúa Trời sẽ mau lẹ làm thành mọi lời Ngài đặt vào miệng ông. "Nồi nước sôi" (câu 13) chỉ về đạo quân Ba-by-lôn. Lời giảng đầu tiên của ông là sự hủy diệt bởi tay Ba-by-lôn (câu 14).

 

Ðoạn 2 -- Dân Y-sơ-ra-ên bội đạo

Trong một lời bi thảm và hăng hái quở trách dân Y-sơ-ra-ên thờ hình tượng một cách vô liêm sỉ, ông ví họ với người vợ bỏ chồng để đi giao du hỗn loạn với bọn đờn ông, làm cho mình thành một con điếm đĩ thô bỉ.

 

Ðoạn 3 -- Dân Giu-đa còn xấu hơn dân Y-sơ-ra-ên

Trong đoạn 2, "Y-sơ-ra-ên" chỉ về cả nước. Trong đoạn nầy, nó chỉ về nước phía Bắc: 300 năm trước, nước phía Bắc đã phân tách khỏi nước Giu-đa, và 100 năm trước, đã bị quân A-si-ri bắt đi làm phu tù. Ám ý (métaphore) về người vợ ngoại tình đã tiếp theo đoạn 2. Nước Giu-đa đui mù không thấy ý nghĩa sự suy vong của nước Y-sơ-ra- ên: Chẳng những họ không ăn năn, nhưng dưới đời trị vì lâu dài và gian ác của Ma-na-se, họ càng ngày càng sa ngã xuống vực sâu bại hoại. Giê-rê-mi dự ngôn rằng Giu-đa và Y-sơ-ra-ên sẽ lại thống nhứt (câu 17-18). Cũng xem 50:4-5 và Ô-sê 1:11.

 

Ðoạn 4 -- Nước Giu-đa sắp bị hoang vu

Ðoạn nầy mô tả bước tiến của đạo quân Ba-by-lôn hủy phá thành Giê-ru-sa-lem (606-586 T.C.). Một phần có lẽ cũng chỉ về cuộc xâm lăng của quân Sy-the, xảy ra trước cuộc xâm lăng của quân Ba-by-lôn ít lâu.

 

Cuộc xâm lăng của quân Sy-the

Chính năm Giê-rê-mi được kêu gọi (626 T.C.), thì những đạo quân man rợ rất đông đúc từ phương Bắc gieo khủng khiếp cho các nước ở Tây nam Á-châu. Chúng đánh cho cường quốc A-si-ri đang nghiêng ngã một đòn kinh khủng. Nếu Pha-ra-ôn không nộp tiền cho chúng tại Ách-đốt để chúng kéo đi, thì chắc chúng đã hủy diệt nước Giu- đa. Rawlinson luận về chúng rằng: "Hết đoàn nầy tới đoàn khác của quân Sy-the tràn qua các đèo của dãy núi Caucase; chẳng ai biết chúng từ đâu đến và định làm gì. Chúng đóng đen nghịt các đồng bằng phì nhiêu của phương Nam. Chúng tiến lên như một đoàn châu chấu, không sao đếm được, không sao cự địch được; chúng thấy đất đai ở trước mặt mình như một cảnh vườn, nhưng khi chúng đi qua rồi, thì chỉ còn là một đồng vắng hiu quạnh. Người già và phụ nữ cũng chẳng được dung tha. Quân xâm lăng tàn sát dân chúng, chẳng chút thương xót; tử tế nhứt là chúng bắt họ làm tôi mọi cho chúng. Mùa màng bị ăn hết, các bầy sức vật bị đuổi đi hoặc tiêu diệt, làng mạc và nhà cửa bị thiêu hủy; khắp xứ hiện ra một cảnh tượng quạnh hiu. Sự tàn phá của chúng giống như sự tàn phá của bọn Hung nô khi tràn vào đất Ý, hoặc của quân Bảo-gia-lợi khi xâm lăng các tỉnh tốt đẹp nhứt của đế quốc Byzantin."

 

Ðoạn 5 -- Cả nước Giu-đa hư hoại

Không có một người nào công bình (câu 1), hoặc trong vòng thường dân, hoặc trong vòng các quan trưởng (câu 4-5). Ai nấy phóng túng, dâm loạn, dầu người đã có vợ, có chồng cũng vậy, chẳng khác gì thú vật (câu 7-8). Họ chế giễu lời tiên tri cảnh cáo rằng gần có sự hình phạt (câu 12). Họ hoàn toàn bươn theo sự dối gạt, hà hiếp và trộm cắp (câu 26-28); họ hoàn toàn lấy sự thúi nát trong chánh phủ làm thỏa mãn (câu 30-31). Xem bí chú về các tiên tri giả (câu 30) ở dưới đoạn 23.

 

Ðoạn 6 -- Sự hủy diệt từ phương Bắc tới

Ðây là lời tiên tri linh động mô tả sự hủy phá thành Giê-ru-sa-lem bởi tay quân xâm lăng Ba-by-lôn cứng rắn và hung ác (câu 22-26). Về sau, sự hủy phá nầy đã xảy ra đương lúc Giê-rê-mi còn sống. Năm nầy qua năm khác, nhiều lần, cũng như ở đây (câu 16-19), ông thiết tha và mạnh mẽ cảnh cáo họ rằng sự ăn năn là cơ hội cuối cùng cho họ có thể thoát khỏi bị hủy diệt.

 

Ðoạn 7 -- Ăn năn là hy vọng duy nhứt của họ

Ðây là một trong những lời Giê-rê-mi như xé lòng kêu gọi dân chúng ăn năn, căn cứ trên lời Ðức Chúa Trời hứa lạ lùng rằng nếu dân chúng chịu lắng tai nghe Ðức Chúa Trời mình, thì thành Giê-ru-sa-lem sẽ không sụp đổ (câu 5-7). Mặc dầu họ có những thói tục gớm ghiếc và đã dựng hình tượng ngay trong Ðền thờ (câu 30), nhưng họ vẫn mê tín tôn trọng Ðền thờ và các cuộc lễ ở đó. Họ dường như nghĩ rằng bất cứ việc gì xảy ra, Ðức Giê-hô-va cũng không để cho thành Giê-ru-sa-lem bị phá hủy, vì có Ðền thờ Ngài ở đó (câu 4-10). Giê-rê-mi nhắc cho họ nhớ gương của Si-lô (câu 12-14; xem ở dưới I Sa-mu-ên 1).

Ðức Chúa Jêsus đã trưng dẫn lời của Giê-rê-mi để ứng dụng cho Ðền thờ đương thời Ngài (câu 11; Ma-thi-ơ 21:13). "Nữ vương trên trời" (câu 18) là Át-tạt-tê, nữ thần chánh yếu của dân Ca-na-an, -- sự thờ lạy nó kèm theo những hình thức vô đạo, bại hoại hơn hết. "Hi-nôm" (câu 31-32) là trũng ở phía Nam Giê-ru-sa-lem, tại đó, con nít bị thiêu làm của lễ cho Mo-lóc; về sau người ta dùng tên "Hi-nôm" để chỉ về hỏa ngục.

 

Ðoạn 8 -- "Mùa gặt đã qua" (câu 20)

Giê-rê-mi hoàn toàn nhận thấy những lời kêu gọi và quở trách của mình là vô ích; ông bèn nói về sự hoang vu hòng gần của nước Giu-đa mà ông coi như đã thành sự thực rồi (câu 20). "Bới xương" (câu 1): Quân xâm lăng sẽ làm như vậy để nhạo báng các hình tượng của Giu-đa. "Các tiên tri giả" (câu 10-11): Chúng nhấn mạnh rằng thành Giê-ru-sa-lem chẳng bị nguy hiểm chi hết; đó là một trong những vấn đề khó khăn hơn hết cho Giê-rê-mi (xem ở dưới đoạn 23).

 

Ðoạn 9 -- Tiên tri tan vỡ cõi lòng

Giê-rê-mi là một người thương khó ở giữa một dân buông theo mọi sự hư xấu (8:6; 9:2-9). Ông khóc lóc ngày đêm vì nghĩ đến sự báo trả khủng khiếp hầu đến. Ông đi qua đi lại giữa vòng họ, nài nỉ, khuyên lơn, thuyết phục, hăm dọa và cố xin họ hãy xây khỏi tội ác, nhưng vô ích.

 

Ðoạn 10 -- Giê-hô-va là Chân Thần

Dường như mối đe dọa về quân Ba-by-lôn xâm lăng đã thúc giục nhơn dân nước Giu- đa làm việc hăng hái để chế tạo hình tượng, tưởng chừng hình tượng cứu họ được. Nhơn dịp nầy, Giê-rê-mi nhắc họ nhớ rằng công việc họ đang làm đó chẳng những không ích lợi gì, song còn khiến cho tội lỗi gớm ghê họ phạm nghịch cùng Ðức Chúa Trời càng nặng nề hơn.

 

Ðoạn 11 -- Giao ước bị vi phạm

Ðoạn nầy dường như thuộc về thời kỳ phản bội, sau khi đọc quyển sách Luật pháp mới tìm thấy và sau cuộc cải cách lớn lao của Giô-si-a, như II Các vua 23 đã thuật. Lúc nầy dân chúng đã dựng lại hình tượng, và chối bỏ giao ước mà họ vừa mới tái lập. Vì Giê-rê-mi quở trách họ, nên họ toan mưu giết ông đi (câu 9, 21).

 

Ðoạn 12 -- Lời than phiền của Giê-rê-mi

Giê-rê-mi than phiền về các đường lối của Ðức Chúa Trời khi ông đối chiếu sự khổ nạn của mình với cảnh thạnh vượng bề ngoài của những kẻ mà ông giảng nghịch đó, -- những kẻ đã chế giễu lời hăm dọa của ông. Ðức Chúa Trời đáp rằng Giê-rê-mi còn phải chịu khổ nạn nhiều hơn nữa (câu 5, 6), và sự thạnh vượng của quốc gia gian ác chẳng bao lâu sẽ hết (câu 7-14). Rồi có lời hứa khôi phục trong tương lai (câu 15-17).

 

Ðoạn 13 -- Cái đai mục

Trong khi giảng, Giê-rê-mi dùng rất nhiều vật tượng trưng (xem ở 19:1). Cái đai chắc được tô điểm đẹp đẽ, và là một phần dễ thấy của y phục Giê-rê-mi đang khi ông đi quanh các đường phố Giê-ru-sa-lem. Về sau, nó mục, rách và dơ bẩn, dễ làm cho người ta chú ý. Ðang khi đám đông tụ họp chung quanh tiên tri, thì ông được cơ hội mà giải thích rằng: Cũng một thể ấy, dân Giu-đa mà Ðức Chúa Trời đã mặc lấy để đi lại giữa loài người, vốn đẹp đẽ, vinh hiển, sẽ mục và bị quăng đi.

 

Ðoạn 14, 15 -- Lời cầu thay của Giê-rê-mi

Một cơn hạn hán dai dẳng đã làm cho xứ không có thực phẩm. Mặc dầu nhơn dân gian ác, cứng cõi đã ghen ghét, giễu cợt, nhạo báng ông, và nhiều lần tìm cách giết ông đi, nhưng Giê-rê-mi cũng đau lòng khi thấy họ khổ sở. Lời ông vì họ cầu xin Ðức Chúa Trời cất cơn hạn hán đi, theo như đã chép ở hai đoạn nầy, thật là gần giống tinh thần Ðấng Christ, ít thấy trong nơi nào khác của Cựu Ước. Ông bền đỗ, còn Ðức Chúa Trời thì không chuyển động. Kết quả, gần như có sự bất hòa giữa Giê-rê-mi và Ðức Chúa Trời. Cái gọi là "Ðộng của Giê-rê-mi" là một trong những nơi vắng vẻ mà người ta cho rằng ông -- giống như Cứu Chúa biết bao! -- đã lui về để than khóc. Hang nầy ở chơn ngọn đồi mà 600 năm sau, người ta đã trồng Thập tự giá của Ðức Chúa Jêsus.

 

Ðoạn 16 -- Ðức Chúa Trời cấm Giê-rê-mi cưới vợ

Trong một vài trường hợp, đời sống gia đình của các Tiên tri được dùng để tăng cường gánh nặng truyền giảng của họ. Ê-sai và Ô-sê có vợ, và đặt tên con cái để bày tỏ những ý tưởng chánh yếu của mình. Còn Giê-rê-mi thì Ðức Chúa Trời truyền cho ông ở độc thân để làm bối cảnh tượng trưng cho những lời ông kiên quyết dự ngôn rằng sắp có cuộc tàn sát kinh khủng. "Gây dựng một gia đình thì có ích gì chăng? Vì con cái sanh ra sẽ bỏ mạng trong cuộc tàn sát kinh khủng mà nhơn dân nước Giu-đa là nạn nhơn." Lại hãy chú ý lời hứa khôi phục trong tương lai (câu 14, 15).

 

Ðoạn 17 -- Tội lỗi của dân Giu-đa không thể bôi xóa được

Họ sẽ suy vong, không sao tránh khỏi. Nhưng lời hứa được lặp đi lặp lại rằng nếu họ chịu quay về với Ðức Chúa Trời, thì Giê-ru-sa-lem sẽ tồn tài mãi mãi (câu 24-15). Việc họ phạm ngày yên nghỉ đã đặc biệt làm mếch lòng Ðức Chúa Trời (câu 20-27).

 

Ðoạn 18 -- Ðất sét của thợ gốm

Ðây là một thí dụ rất linh động về Ðức Chúa Trời có quyền phép để thay đổi vận mạng của một quốc gia. Giê-rê-mi dùng thí dụ nầy làm nền tảng cho một lời khác kêu gọi dân tộc gian ác hãy sửa lại đường lối của mình, nhưng vô ích.

 

Ðoạn 19 -- Cái bình bằng đất

Ðây có thể là một cái bình tuyệt xảo. Giê-rê-mi cố ý đập bể bình trước mặt các thủ lãnh Giê-ru-sa-lem: Ðó là một cách thức dễ cảm động để rao truyền rằng thành kiêu hãnh ấy sắp bị hủy phá. "Tô phết" (câu 6) là góc phía Ðông của Hi-nôm (xem dưới đoạn 7).

Giê-rê-mi còn dùng một vài sự tượng trưng khác để khiến người ta chú ý đến, tỉ như: Cái đai mục (đoạn 13); ở độc thân (đoạn 16); đất sét của thợ gốm (đoạn 18); xiềng và ách (đoạn 27); mua ruộng (đoạn 32).

 

Ðoạn 20 -- Giê-rê-mi bị cầm tù

Sau khi đập bể bình trước mặt các thủ lãnh trong trũng Hi-nôm, Giê-rê-mi đi thẳng tới Ðền thờ, và tại đây, ông bắt đầu giảng cùng một bài đó cho dân chúng. Vì cớ ấy, Pha-su-rơ, một chức viên trọng yếu của Ðền thờ, bỏ tù ông. "Cùm" (câu 2) là một khung gỗ dùng để cột chơn, cổ và tay vào đó, khiến thân thể bị vẹo đi và đau đớn vô cùng. Bị khổ hình nầy, Giê-rê-mi lại cất tiếng phiền trách Ðức Chúa Trời (câu 7-18). Xem ở dưới đoạn 12.

 

Ðoạn 21 -- Cuộc vây hãm bắt đầu

Dầu đoạn nầy ở phần đầu sách, nhưng lại thuộc về những ngày cuối cùng của đời Giê-rê-mi. Vua Sê-đê-kia khiếp sợ khi đạo quân Ba-by-lôn kéo đến gần, bèn xin Giê-rê-mi kêu cầu với Ðức Chúa Trời. Giê-rê-mi khuyên Sê-đê-kia hãy nộp thành cho quân Ba-by-lôn để cứu dân khỏi chết.

 

Ðoạn 22 -- Cảnh cáo Giê-hô-gia-kim

Về niên hiệu, đoạn 22 nầy ở trước đoạn 21. Nó thuộc về đời trị vì của Giê-hô-gia-kin, là một vua cứng cỏi, gian ác và hung bạo, làm sỉ nhục cho dân tộc Ða-vít. "Sa-lum" (câu 11) chính là Giô-a-cha đã bị bắt qua Ai-cập và chết tại đó (II Các vua 23:31-34). Sự chết khốn nạn của Giê-hô-gia-kin (câu 18-19) đã được nhắc đến ở II Các vua 24:6 và II Sử ký 36:6. Giê-cô-nia (Giê-hô-gia-kin) "không có con cái" (câu 30): Ông thật có con cái (I Sử ký 3:17; Ma-thi-ơ 1:12). Do đó mà Ðấng Christ xuất hiện, nhưng ông và chú là Sê-đê-kia, là các vua trần gian cuối cùng ngồi trên ngôi Ða-vít. Ðó là chung cuộc của nước Giu-đa trong đời nầy.

 

Ðoạn 23 -- Các tiên tri giả

Ðây là một lời cay đắng cáo tội các thủ lãnh của dân Ðức Chúa Trời. Lời Giê-rê-mi gắt gao tố cáo các vua thuộc dòng Ða-vít là một bối cảnh cho sự hiện thấy về Ðấng Mê-si thuộc dòng Ða-vít sẽ ngự đến: Chính họ là trở lực lớn nhứt cản người ta tiếp nhận lời giảng của Giê-rê-mi. Những kẻ tự nhận là tiên tri của Ðức Chúa Trời đã nhơn Danh Ngài mà rao truyền sứ điệp riêng và phụng sự quyền lợi riêng của mình; chúng la lên rằng: "Giê-rê-mi nói dối. Chúng ta là tiên tri của Ðức Chúa Trời, và Ngài đã phán dạy chúng ta rằng thành Giê-ru-sa-lem bình an vô sự."

 

Ðoạn 24 -- Hai giỏ trái vả 

Trái vả tốt tiêu biểu cho những người quí phái trong dân đã bị bắt qua Ba-by-lôn làm phu tù cùng với Giê-hô-gia-kin năm 597 T.C., và trước nữa, trong số ấy có Ê-xê-chi-ên, Ða-ni-ên. Còn trái vả xấu tiêu biểu cho những người ở lại Giê-ru-sa-lem, toan nhờ Ai-cập viện trợ mà chống lại đế quốc Ba-by-lôn (II Các vua 24:10-20).

 

Ðoạn 25 -- Dự ngôn 70 năm làm phu tù

Lời dự ngôn nầy ở khoảng đầu đời trị vì của Giê-hô-gia-kin (câu 1). Chừng năm 604 T.C., là lúc thế giới mà ta biết thời đó bắt đầu bị giày xéo dưới chơn đế quốc Ba-by-lôn (câu 15-38). Có điểm kỳ diệu là dự ngôn đúng đế quốc ấy cầm quyền bao lâu (câu 11-14; 29:10; II Sử ký 36:21; E-xơ-ra 1:1; Ða-ni-ên 9:2; Xa-cha-ri 7:5). Một lời tiên tri lạ lùng. Nếu không bởi sự khải thị trực tiếp của Ðức Chúa Trời, thì Giê-rê-mi không làm sao mà biết được điều ấy.

 

Ðoạn 26 -- Giê-rê-mi bị xét xử trước mặt các quan trưởng

Các thầy tế lễ và tiên tri giả đã tố cáo ông. Nhưng Giê-rê-mi có bạn hữu trong vòng các quan trưởng, nhứt là A-hi-cam, đã cứu ông thoát chết. Tuy nhiên, một bạn đồng sự của Giê-rê-mi, là tiên tri U-ri, chẳng được may mắn như ông (câu 20-24).

 

Bí Chú Khảo Cổ:  U-ri, Ên-na-than, Nê-đa-bia, Sa-lum

U-ri chạy trốn qua Ai-cập (câu 20-24). Vua Giê-hô-gia-kin sai Ên-na-than, là một quan trưởng (câu 22; 36:12), qua Ai-cập bắt ông về.

Một trong những "Bức thư La-ki" viết đương thời ấy (xem ở dưới đoạn 34), có nhắc đến "vị chỉ huy quân đội, là Chebariah, con trai của Ên-na-tha, đã đi qua trên đường xuống Ai-cập." Lời nầy dường như chỉ về việc tường thuật ở câu 20-24.

"Bức thư La-ki" nầy cũng nói đến "bức thư của Nê-đa-bia, tôi tớ vua, đã do tiên tri trao cho Sa-lum." Nê-đa-bia là cháu nội của vua Giê-hô-gia-kin. Sa-lum (Giô-a-cha), là anh của Giê-hô-gia-kin (II Các vua 23:30, 34; I Sử ký 3:15; Giê-rê-mi 22:11), đã bị bắt qua Ai-cập.

 

Ðoạn 27, 28 -- Xiềng và ách

Giê-rê-mi mang ách trên cổ, chẳng khác gì ách bò, và đi khắp thành Giê-ru-sa-lem mà nói rằng: Người Ba-by-lôn sẽ tra ách trên cổ dân nầy như vậy." Một tiên tri giả, tên là Ha-na-nia, mặt chai mày đá, đã bẻ gãy ách ấy (28:10). Hắn bị phạt, phải chết trong vòng hai tháng (28:1, 17).

 

Ðoạn 29 -- Bức thư của Giê-rê-mi gởi cho những kẻ bị lưu đày

Viết sau khi vua Giê-hô-gia-kin và những người quí phái trong dân bị bắt qua Ba-by-lôn. Ông khuyên bảo họ hãy ở bình an và vâng phục trong cảnh phu tù, và hứa rằng sau 70 năm, họ sẽ được trở về cố hương (câu 10). Nhưng ngay ở Ba-by-lôn, các tiên tri giả, là kẻ thâm thù Giê-rê-mi, vẫn tiếp tục giao tranh với ông (câu 21-32).  Ðoạn 30, 31 -- Bài ca trùng hưng

Cho cả Y-sơ-ra-ên và Giu-đa, có kèm những lời dự ngôn về Ðấng Mê-si. Bài ca nầy do Ðức Chúa Trời bảo viết (câu 2), để giữ lại mà so sánh với các biến cố trong những thời đại tương lai.

Tiếng khóc ở Ra-ma (31:15-20) đã được trưng dẫn ở Ma-thi-ơ 2:17-18, và lời tiên tri về sự đau đớn của Bết-lê-hem vì con trẻ ở đó bị tàn sát khi Ðấng Christ giáng sanh. Ðại để mối liên quan dường như thế nầy: Ra-ma là chỗ mà Giê-rê-mi (đang khóc) được thả ra khỏi đoàn phu tù sắp bị giải qua Ba-by-lôn (40:1). Nơi nầy không xa Bết-lê-hem. Giê-rê-mi hình dung Ra-chên, một tổ mẫu của dân Y-sơ-ra-ên, an táng gần đó, đang khóc lóc con cháu bị hạ sát. Ngôn ngữ ông dùng đây cốt để làm hình bóng về sự đau khổ khác của Bết-lê-hem có liên quan với Biến Cố trong lịch sử thành ấy.

Giao ước mới (31:31-34). Cựu Ước là truyện tích Ðức Chúa Trời đối xử với dân tộc Hê-bơ-rơ trên căn bản của giao ước lập tại núi Si-na-i. Ðây là một dự ngôn minh bạch rằng giao ước Môi-se sẽ được thay thế bằng một giao ước khác. Sự thay thế giao ước Môi-se bằng giao ước Ðấng Christ là luận đề chánh yếu của thơ Hê-bơ-rơ.

 

Ðoạn 32 -- Giê-rê-mi mua một khu ruộng

Việc nầy xảy ra một năm trước khi Giê-ru-sa-lem bị tàn phá. Sự thiêu hủy thành phố và sự hoang vu của Giu-đa đã gần lắm. Giữa bóng tối tăm và sự tuyệt vọng của giờ phút ấy, Ðức Chúa Trời truyền lịnh cho Giê-rê-mi mua một khu ruộng trong cuộc lễ công khai và cất kỹ tờ khế, để thêm sức mạnh cho lời ông dự ngôn rằng đoàn phu tù sẽ được hồi hương và đất sẽ lại được trồng tỉa.

 

Ðoạn 33 -- "Nhánh"

Từ Ða-vít cho đến khi bị lưu đày, có 20 vua thuộc dòng Ða-vít trị vì nước Giu-đa trong 400 năm; phần nhiều các vua nầy rất xấu. Chỉ có mấy vua xứng đáng với danh Ða-vít. Trong đoạn 22 và 23, Giê-rê-mi gắt gao tố cáo dòng vua nầy mà Ðức Chúa Trời đã hứa ban cho Ngôi Ðời Ðời. Tới đoạn 33 đây, ông nhắc lại và giải thích đầy đủ hơn lời tiên tri về Một Vua Cao Trọng gọi là "Nhánh," trong Ngài lời hứa sẽ được ứng nghiệm.

 

Ðoạn 34 -- Sê-đê-kia tuyên bố tự do 

Trong khi thành Giê-ru-sa-lem bị vây, thì Sê-đê-kia tuyên bố trả tự do cho hết thảy tôi mọi, có lẽ để được ơn của Ðức Chúa Trời, nhưng ông không thi hành được lời tuyên bố ấy.

 

Bí Chú Khảo Cổ:  Các "Bức thư La-ki"

Ðoạn 34:7 có chép rằng thành La-ki và thành A-xê-ca đã bị vua Ba-by-lôn vây hãm đang khi vua ấy cũng vây hãm thành Giê-ru-sa-lem. Người ta tìm thấy nhiều mảnh của 21 bức thư từ một đồn tiền tuyến của La-ki gởi về cho vị tướng lãnh phòng thủ La-ki trong lúc bị vây hãm. Tìm thấy năm 1935, do phái đoàn khảo cổ Wellcome, dưới quyền điều khiển của ông J.L.Starkey và Huân tước Charles Marston.

Những thư nầy viết ngay trước khi Nê-bu-cát-nết-sa tấn công lần chót bằng cách đốt lửa rực trời để thiêu thành ấy.

Người ta tìm thấy một đống tro và than ở trên sàn phòng đội vệ binh, là nơi đóng cuối cùng của những người chống giữ La-ki.

Trong một bức thư, vị sĩ quan chỉ huy đồn tiền tuyến nói rằng mình đang "chờ xem các ám hiệu từ La-ki" và mình "không thể thấy ám hiệu từ A-xê-ca" (có lẽ thành nầy đã bị chiếm rồi).

Những bức thư nầy nói đến và nhắc đích danh một số người có tên trong bản tường thuật của Kinh Thánh: "Ghê-ma-ria," một sĩ quan của vua Sê-đê-kia (Giê-rê-mi 29:3); "Gia-a;xa-nia," một võ tướng của Nê-bu-cát-nết-sa (II Các vua 25:23); "Ma- tha-nia," tên cũ của vua Sê-đê-kia (II Các vua 24:17); "Nê-ri-gia," cha Ba-rúc, thơ ký của Giê-rê-mi (Giê-rê-mi 43:3). Những bức thư nầy do một người đồng thời với Giê- rê-mi viết bằng chữ Hê-bơ-rơ cổ điển. Như tiếng nói từ trong kẻ chết vang lên, nó xác nhận truyện tích của Giê-rê-mi.

 

Ðoạn 35 -- Gương của những người Rê-cáp

Người Rê-cáp là một chi phái nguồn gốc từ thời Môi-se (I Sử ký 2:55; Dân số ký 10:29-32; Các quan xét 1:16; II Các vua 10:15, 23). Trải qua các thế kỷ, họ đã triệt để sống một đời khắc khổ, giản dị.

 

Ðoạn 36 -- Vua đốt sách của Giê-rê-mi

Lúc nầy Giê-rê-mi đã nói tiên tri được 23 năm, từ năm thứ 13 đời Giô-si-a tới năm thứ 4 đời Giê-hô-gia-kin. Bây giờ, Chúa truyền bảo ông thâu góp những lời tiên tri ấy thành một quyển sách để đọc cho dân chúng nghe, vì lúc nầy Giê-rê-mi không được tự do giảng cho họ nữa (câu 5). Phải mất trên dưới một năm mới viết xong quyển sách (câu 1, 9). Sự đọc sách đã cảm động một vài quan trưởng rất sâu xa; nhưng vua đã cứng cỏi và liều lĩnh đốt sách đi. Bấy giờ Giê-rê-mi phải chép lại.

 

Ðoạn 37, 38 -- Giê-rê-mi bị bỏ tù

Thành Giê-ru-sa-lem đang bị vây hãm, thì quân Ba-by-lôn tạm thời rút lui vì quân Ai-cập gần kéo tới; có lẽ vì tại Giê-ru-sa-lem thiếu thực phẩm, nên Giê-rê-mi toan lìa khỏi đó mà về quê hương, là A-na-tốt. Vì cớ ông bền đỗ khuyên phải đầu hàng vua Ba- by-lôn, nên kẻ thù nghịch cho đó là ông toan nhập bọn với quân Ba-by-lôn. Vậy, Giê-rê-mi bị bỏ tù vì chúng nghi ông phản quốc, làm tay sai của quân Ba-by-lôn. Sê- đê-kia thân thiện với Giê-rê-mi, nhưng lại là một vua nhu nhược.

 

Ðoạn 39 -- Thành Giê-ru-sa-lem bị thiêu hủy

Biến cố nầy cũng được chép ở đoạn 52, ở II Các vua 25 (xem lời chú giải ở đó) và ở II Sử ký 36. Nê-bu-cát-nết-sa hay tin Giê-rê-mi đã suốt đời khuyên dỗ nhơn dân Giê-ru-sa-lem đầu phục mình, bèn hứa ban cho ông bất cứ danh vọng nào mà ông chịu nhận, dầu là một địa vị cao quí tại triều đình Ba-by-lôn cũng được (câu 11-14; 40:1- 6).

 

Ðoạn 40, 41 -- Ghê-đa-lia được lập làm tổng đốc

Ghê-đa-lia được Nê-bu-cát-nết-sa lập làm tổng đốc cai trị đám dân còn sót lại ở Giu-đa; ông là con trai A-hi-cam, bạn có thế lực của Giê-rê-mi (40:5; 26:24). Nhưng ba tháng sau, ông đã bị mưu sát (39:2; 41:1).

 

Bí Chú Khảo Cổ:  Cái ấn của Ghê-đa-lia

Năm 1935, tại La-ki, trong một lớp tro do Nê-bu-cát-nết-sa thiêu cháy còn lại, ông Starkey, nhân viên phái đoàn khảo cổ Wellcome, đã tìm thấy, cùng với những "Bức thư La-ki," một cái ấn có ghi lời nầy: "Thuộc về Ghê-đa-lia, người cai quản cả nhà."

Cũng tìm thấy cái ấn của Gia-a-xa-nia (Giê-xa-nia) (Giê-rê-mi 35:3; 40:8; II Các vua 25:23). Ông nầy là một trong những tướng lãnh của đạo quân Ghê-đa-lia. Năm 1932, trong đống di tích của thành Mích-ba, cách Giê-ru-sa-lem 6 dặm về phía Tây bắc, là thủ đô của chánh phủ Ghê-đa-lia, W.F.Bade, nhơn viên Thái-bình-dương Tôn giáo Học viện, tìm thấy một cái ấn tuyệt mỹ bằng ngọc mã não có ghi: "Thuộc về Gia-a-xa-nia, tôi tớ của vua."

 

Ðoạn 42, 43 -- Ði Ai-cập

Ðám dân còn sót lại sợ Nê-bu-cát-nết-sa trả thù vì đã giết Ghê-đa-lia, bèn chạy xuống Ai-cập, mặc dầu có lời Ðức Chúa Trời cảnh cáo rõ ràng rằng nếu chạy xuống đó, sẽ bị tuyệt diệt. Họ kéo cả Giê-rê-mi đi theo.

 

Bí Chú Khảo Cổ:  Tác-pha-nết (43:8-13)

Ðây là một nơi ở biên giới Ai-cập, vừa làm đồn lũy, vừa làm cung điện, trên đường đi xứ Pa-lét-tin. Người ta đã tìm thấy đúng vị trí của nó, ở chừng mười dặm về phía Tây kinh Suez. Năm 1886, Huân tước Flinders Petrie phát giác di tích của một cung điện rộng lớn, phía trước đó có một "sân gạch rộng lớn, lộ thiên." Petrie tin rằng đây chính là chỗ Giê-rê-mi đã cất những cục đá lớn (43:8, 9).

Lại nữa, trong biên niên sử của Nê-bu-cát-nết-sa, người ta thấy chép rằng ông thật đã xâm lăng Ai-cập năm 37 tuổi, tức là năm 568 T.C., -- 18 năm sau khi Giê-rê-mi nói tiên tri rằng vua ấy sẽ làm việc ấy (43:10). Người ta tìm thấy ba bi văn của Nê-bu-cát-nết-sa ở gần Tác-pha-nết. Sử gia Josèphe quả quyết rằng Nê-bu-cát-nết-sa bắt người Do-thái từ Tác-pha-nết đi làm phu tù.

 

Ðoạn 44 -- Lời kêu gọi cuối cùng của Giê-rê-mi

Ðây là ông cố gắng lần chót để thuyết phục họ hãy bỏ sự thờ lạy hình tượng và các thói tục kèm theo sự thờ lạy ấy; nhưng ông thất bại. Họ thách đố ông. "Nữ vương trên trời" (câu 17) là tà thần Át-tạt-tê, sự thờ lạy nó có kèm theo những hành vi đồi bại của phụ nữ, và trong trường hợp nầy, chồng họ cũng ưng thuận (câu 15, 19).

Ta không biết Giê-rê-mi qua đời tại đâu và cách nào. Theo một truyền thoại, ông đã bị người Do-thái ném đá chết tại Ai-cập. lại theo một truyền thoại khác, thì Nê-bu-cát-nết-sa đã đem ông cùng Ba-rúc từ Ai-cập qua Ba-by-lôn, và ông qua đời tại đó.

 

Ðoạn 45 -- Ba-rúc

Ba-rúc, thơ ký của Giê-rê-mi, là anh của Sê-ra-gia, quan thị vệ của vua (32:12; 51:59), và có lẽ là cháu nội của quan tổng đốc Giê-ru-sa-lem (II Sử ký 34:8). Vậy, ông là một người có địa vị và có dục vọng cao xa (câu 5). Bây giờ, tại Ai-cập ông nhớ lại lời cảnh cáo của Ðức Chúa Trời từ 18 năm trước và lời hứa cho sống. Ông được nhìn nhận là có ảnh hưởng lớn tới Giê-rê-mi (43:3). Ông có địa vị cao đến nỗi một số sách giả mạo được gán cho ông, trong số đó có cả ngụy thư Ba-rúc căn cứ trên khẩu truyền rằng ông đã được đem qua Ba-by-lôn.

 

Ðoạn 46 -- Ai-cập

Mô tả sự bại trận của đạo quân Ai-cập tại Cạt-kê-mít (605 T.C.), ở khoảng giữa đời Giê-rê-mi (câu 1-12); và thêm lời tiên tri rằng Nê-bu-cát-nết-sa sẽ xâm lăng Ai-cập (câu 13-26). Lời tiên tri nầy thêm vào lời tiên tri ở 43:8-13 (xin xem khúc sách nầy). Hơn 100 năm trước, Ê-sai đã nói tiên tri về quân A-si-ri xâm lăng Ai-cập (xem ở dưới Ê-sai 18 đến 20). Ê-xê-chi-ên cũng có nói về Ai-cập (Ê-xê-chi-ên 19 đến 32).

 

Ðoạn 47 -- Xứ Phi-li-tin

Ðây là lời tiên tri về quân Ba-by-lôn làm cho xứ Phi-li-tin phải hoang vu, và nói ra từ "trước khi Pha-ra-ôn chưa đánh Ga-xa" (câu 1), -- chắc là nhằm lúc đánh trận Mê-ghi-đô (608 T.C.), mà Giô-si-a bị giết, tức là lúc tương lai Ai-cập có vẻ tốt đẹp. Lời tiên tri nầy được ứng nghiệm 20 năm sau, lúc Nê-bu-cát-nết-sa chiếm đất Giu-đa. Các tiên tri khác có nói đến xứ Phi-li-tin là: Ê-sai 14:28-32; A-mốt 1:6-8; Ê-xê-chi-ên 25:15-17; Sô-phô-ni 2:4-7; Xa-cha-ri 9:1-7.

 

Ðoạn 48 -- Xứ Mô-áp

Bức tranh diễn tả sự hoang vu hòng gần của xứ Mô-áp, Mô-áp đã giúp Nê-bu-cát- nết-sa đánh nước Giu-đa, nhưng về sau chính nó lại bị tay vua ấy tàn phá (năm 582 T.C.). Trải qua nhiều thế kỷ, xứ nầy hoang vu và ít có dân ở; di tích của nhiều đô thị chứng tỏ rằng xưa kia nó rất đông dân. Sự khôi phục của Mô-áp (câu 47) và của Am-môn (49:6) có lẽ đã được thực hiện khi chúng sáp nhập chủng tộc Ả-rập. Một số người Ả-rập đã có mặt tại Lễ Ngũ Tuần, khi ơn phước của Tin Lành đã được công bố cho thế giới lần đầu tiên (Công vụ các sứ đồ 2:11). Hoặc có thể có nghĩa rằng xứ lại sẽ được thạnh vượng. Còn có những lời tiên tri khác về xứ Mô-áp: Ê-sai 15, 16; Ê-xê-chi-ên 25:8-11; A-mốt 2;1-3; Sô-phô-ni 2:8-11.

 

Ðoạn 49 -- Am-môn, Ê-đôm, Sy-ri, Hát-so, Ê-lam

Một lời tiên tri rằng Nê-bu-cát-nế-sa sẽ chiến thắng những nước nầy, và thật đã xảy ra như vậy. Về phần Am-môn, xin xem ở dưới Ê-xê-chi-ên 25:1-11; về Ê-đôm, xin xem ở dưới Áp-đia. Ða-mách đã bị Nê-bu-cát-nết-sa cướp phá năm 582 T.C..

 

Ðoạn 50, 51 -- Dự ngôn về đế quốc Ba-by-lôn suy vong

Ðây dự ngôn về Ba-by-lôn suy vong và bị hoang vu vĩnh viễn. Lời lẽ xứng đáng với đề tài vĩ đại (51:37-43), cũng như Ê-sai đã mô tả trước kia (Ê-sai 13:17-22). Người Mê-đi dẫn đầu số nhiều dân tộc và được gọi là kẻ chiến thắng (50:9; 51:11, 27, 28). Hai đoạn báo cáo sự suy vong của Ba-by-lôn nầy đã được sao lại thành một sách riêng và do một phái đoàn, có vua Sê-đê-kia cầm đầu, đem qua Ba-by-lôn, 7 năm trước khi Nê-bu-cát-nết-sa thiêu hủy thành Giê-ru-sa-lem (51:59-64), thơ nầy do chính Sê-ra-gia, quan thị vệ của vua, là anh Ba-rúc, thơ ký của Giê-rê-mi, đem đi (32:12; 51:59). Ða-ni-ên đã ở Ba-by-lôn 15 năm, và đã nói tiên tri cho Nê-bu-cát-nết-sa rằng nước của vua ấy sẽ sụp đổ (Ða-ni-ên 2). Phải đọc quyển sách nầy trước công chúng, rồi trong một cuộc lễ long trọng, phải quăng sách xuống sông Ơ-phơ-rát và nói rằng: "Ba-by-lôn sẽ chìm xuống như vậy! Nó sẽ chẳng còn chổi dậy nữa" (51:64).

 

Ðoạn 52 -- Giu-đa bị bắt làm phu tù

(Xem II Các vua 24, 25)