Trang Đầu | Mục Lục | << Chương 66 | Chương 68 >> | Hướng Dẫn

THÁNH KINH

Thơ Gia-cơ

 

 

Sự khôn ngoan trong Ðấng Christ

Các việc lành

Sự tin đạo thanh sạch

 

Gia-cơ. Có 3 người mang tên nầy: Con trai của Xê-bê-đê, con trai của A-phê, và em trai của Chúa. Ông thứ ba (em Chúa) thường được kể là tác giả của thơ tín nầy. Trong lời chào thăm, ông chẳng nhận mình là em của Chúa, nhưng chỉ tự xưng là "tôi tớ" (tôi mọi), có lẽ vì dầu là người đạo đức, tin kính, ông cũng cảm thấy sự yếu đuối của mình rất thấm thía đến nỗi không dám tự nhận là người cùng huyết mạch với Ðấng Christ. Ông được nhìn nhận là người thánh khiết xuất chúng theo các mực thước của luật pháp. Người đồng hương đặt cho ông biệt danh là "Người công bình." Người ta nghĩ rằng ông đã thành hôn (I Cô-rinh-tô 9:5). Ông sớm được nhìn nhận là "Giám mục" tại Giê-ru-sa-lem. Ông rất có thế lực đối với cả người Do-thái và Hội Thánh Ðấng Christ. Khi Phi-e-rơ được ra khỏi khám, thì có nhờ báo tin cho Gia-cơ (Công vụ các sứ đồ 12:17). Phao-lô làm theo lời khuyên của ông (Công vụ các sứ đồ 21:18). Ông là một người Do-thái rất cẩn trọng, nhưng lại viết thơ rất khoan hồng cho các tín đồ thuộc về dân ngoại (Công vụ các sứ đồ 15:13-23). Ông xác nhận công việc của Phao-lô giữa vòng dân ngoại, nhưng chính ông lại chú ý đến người Do-thái hơn hết. Công việc của đời ông cốt để dắt đem người Do-thái trở về cùng Chúa, và "giúp họ nhẹ nhàng chuyển qua đạo Ðấng Christ."

Truyện tích ông tuận đạo (theo sử gia Josèphe, cũng theo Hegesippus, một người Do-thái tin theo Ðấng Christ, năm 160 S.C., -- truyện tích ông nầy thuật lại được Eusèbe thừa nhận). Lợi dụng khoảng trống giữa sự chết của Phê-tu và sự đáo nhậm của quan Thống đốc La-mã mới, An-ne, thầy tế lễ thượng phẩm, các thầy thông giáo và người Pha-ri-si bèn nhóm họp tòa Công luận và truyền lịnh cho Gia-cơ, "em của Ðức Chúa Jêsus, gọi là Christ," phải đứng ở hành lang Ðền thờ mà tuyên bố rằng Ðức Chúa Jêsus không phải là Ðấng Mê-si, cốt để ngăn cản dân chúng đang theo đạo Tin Lành rất đông đảo. Trái lại, Gia-cơ kêu lớn rằng Ðức Chúa Jêsus là Con Ðức Chúa Trời và Quan Án của cả thế giới. Bọn thù nghịch nổi giận phừng phừng, xô ông xuống đất, bèn ném đá ông cho đến khi một người thợ nện da đánh cho ông một chùy để chấm dứt đau đớn đang khi ông quì gối cầu nguyện rằng: "Lạy Cha, xin tha thứ cho họ vì họ chẳng biết mình làm chi!" Sau đó ít lâu, cuộc vây hãm thành Giê-ru-sa-lem rất khủng khiếp bắt đầu. Người Do-thái cảm thấy rằng nếu Gia-cơ còn sống, thì ông có thể cứu thành khỏi bị hủy phá, và họ cho rằng đó là sự đoán phạt giáng trên họ vì họ đã giết Gia-cơ.

Niên hiệu của thơ tín nầy. Người ta thường cho rằng ông viết thơ tín nầy lúc gần mãn kỳ ở đời nầy (năm 60 S.C.), sau 30 năm làm Mục sư của Hội Thánh xứ Giu-đê. Kẻ khác lại cho rằng ông viết sớm hơn nữa.

Bố cuộc của thơ tín nầy. Ðây là quyển sách thâu góp những lời lẻ tẻ; luận về nhiều đề mục dường như không liên lạc với nhau; thường có một đề mục lặp lại nhiều lần và xen vào giữa những đề mục khác. Những đề mục ấy là: Sự cám dỗ, nhịn nhục, khôn ngoan, nghèo túng, giàu có, tư dục, tội lỗi, đức tin, việc lành, vị nể người ta, tội của lưỡi, cãi lộn, tinh thần ham mến thế gian, tự mãn.

 

Ðoạn 1 -- Sự Thử Thách, Kẻ Làm Theo Lời Chúa

Ðoạn nầy ghi chép hầu hết mọi đề mục giải luận sau.

Kẻ "tan lạc" (câu 1). Những người Do-thái tan lạc nầy vẫn có trung tâm quốc gia, là thành Giê-ru-sa-lem. Ông gởi thơ cho người Do-thái đã tin theo Ðấng Christ (2:1).

Chịu thử thách (câu 2-3). "Sự thử thách" (câu 2) rèn luyện ta, còn sự "cám dỗ" ở câu 12 là sức quyến rũ của tội lỗi. Bởi các sự thử thách, Ðức Chúa Trời trọn lành hóa những kẻ kế tự cõi đời đời (5:13-14). Các sự thử thách nầy là "quí" (I Phi-e-rơ 1:7).

Sự nhịn nhục(1) (câu 3-4) là khả năng chờ đợi các điều mình mong muốn. Thử thách sanh ra nhịn nhục. Nhịn nhục sanh ra trọn lành (5:7-11).

Sự khôn ngoan (câu 5) để đối phó với những đòi hỏi của cuộc đời theo cách tín đồ phải đối phó (3:13-18). Xem Châm Ngôn đoạn 3 và 4. Thơ Gia-cơ là sách Châm Ngôn của đạo Ðấng Christ.

Sự cầu nguyện (câu 5-8). Thơ tín nầy bắt đầu và chấm dứt bằng lời luận về sự cầu nguyện (4:2-3; 5:13-18). Người ta nói rằng Gia-cơ để nhiều thì giờ quì cầu nguyện đến nỗi đầu gối ông thành chai như đầu gối con lạc đà vậy.

Ðức tin (câu 6-8). Ðó là lòng tin cậy Ðức Chúa Trời, đứng vững vàng, không bối rối, giữa các cơn giông tố ở đời; đó là điều kiện cho sự cầu nguyện có hiệu lực (2:14-26).

Của cải là hư không (câu 9-11). Chúng ta cốt phải lo về địa vị của mình trong cõi đời đời, chớ chẳng nên lo về địa vị của mình ở đời nầy (2:1-13; 4:1-10, 13-17; 5:1-6).

Sự cám dỗ (câu 12-16). Ðây, danh từ "cám dỗ" có nghĩa là sức quyến rũ của tội lỗi. Sự cám dỗ chẳng phát xuất từ Ðức Chúa Trời. Ngài có quyền phép giữ chúng ta khỏi sự cám dỗ và giúp ta chịu nỗi sự cám dỗ. Ðức Chúa Jêsus phán bảo chúng ta hãy cầu nguyện để tránh khỏi sự cám dỗ (Ma-thi-ơ 26:41).

Tội lỗi (câu 14-15) phát xuất từ tư dục, nghĩa là những sự ham muốn của xác thịt. Tội lỗi từ tư dục phát xuất và sanh ra sự chết.

Sự sanh ra của tín đồ (câu 17-18). Tội lỗi sanh ra sự chết thể nào (câu 15), thì cũng một thể ấy, bởi Lời Ngài, Ðức Chúa Trời tái sanh linh hồn của tín đồ Ðấng Christ. Phi-e-rơ cũng nói rằng Lời Ðức Chúa Trời (Kinh Thánh) là hột giống "kết thai" thành linh hồn tái sanh (I Phi-e-rơ 1:23).

Cái lưỡi (câu 19-20). Hãy coi chừng lưỡi mình. Hãy chế ngự tánh khí của mình. hãy lắng tai nghe (1:26; 3:1-18; 4:11-12; 5:12).

Kẻ làm theo Lời Chúa (câu 21-25). Gia-cơ vừa mới nói rằng Lời Kinh Thánh là dụng cụ tái sanh linh hồn ( câu 18) và là phương pháp cứu rỗi linh hồn (câu 21). Ðây nói nó là gương soi (câu 23), tỏ cho ta thấy chân tướng của mình, và là con đường đạt tới bậc trọn lành cao tột (2:14-16; Ma-thi-ơ 7:24-27).

Sự tin đạo thanh sạch (câu 26-27). Cái lưỡi bất trị của một người tin đạo chính là một điều hư hại. Vinh quang của đạo chính là một cuộc đời từ thiện, thoát khỏi sự quá tríu mến những vật trần gian.

* * *

Thơ Gia-cơ 2

 

Ðoạn 2 -- Sự Vì  Nể Người Ta.

Ðức Tin Và Việc Làm

 

Sự vì nể người ta (câu 13). Chắc trong Hội Thánh xứ Giu-đê có vài phần tử đầy tinh thần thế gian rõ rệt, nên Gia-cơ mới phải thốt ra những lời như vậy. "Luật pháp tôn trọng"(1) (câu 8) chính là "luật vàng" mà họ chỉ thi hành trong giới hạn giai cấp xã hội của mình. "Luật pháp tự do" (câu 12; 1:25) là luật pháp của Ðấng Christ trong đó có sự tha thứ và giải phóng khỏi tội lỗi. Luật pháp Môi-se, là luật pháp tôi mọi, không có dự trù ơn phước đó.

Ðức tin và việc làm (câu 14-26). Giáo lý của Phao-lô về sự xưng công bình bởi đức tin và giáo lý của Gia-cơ về sự xưng công bình bởi việc làm bổ khuyết lẫn nhau, chớ không mâu thuẫn nhau. Ông nầy không dạy dỗ trái với ông kia. Hai ông là bằng hữu và bạn đồng sự thân thiết với nhau. Gia-cơ hoàn toàn xác nhận công việc của Phao-lô (Công vụ các sứ đồ 15:13-29; 21:17-26). Phao-lô giảng đức tin là nền tảng sự xưng công bình trước mặt Ðức Chúa Trời, nhưng nhấn mạnh rằng nó phải có kết quả, là đời sống xứng đáng. Còn Gia-cơ gởi thơ tín cho những người đã tiếp nhận giáo lý xưng công bình bởi đức tin, nhưng lại thường lạm dụng giáo lý ấy một cách thô lỗ; ông bảo họ rằng đức tin như vậy chẳng phải là đức tin chi hết.

 

Ðoạn 3 -- Cái Lưỡi

Quyền lực của cái lưỡi (câu 1-12). Do sắc thái chung của đoạn nầy, chúng ta ngờ rằng trong Hội Thánh xứ Giu-đê có rất nhiều người tự thị, hay cãi lẫy, đầy tinh thần thế gian, không chế ngự tánh khí của mình, và tự dấy lên làm thủ lãnh và giáo sư. "Vấp phạm" (câu 2) chẳng những bởi nói lời xẵng xớm và nóng giận, song cũng bởi theo các giáo lý sai lạc và ngu dại nữa. Cái lưỡi là cơ thể chánh yếu bày tỏ cá tánh của chúng ta, và thường tức khắc gây phản ứng tốt đẹp hay tai hại nơi kẻ khác. "Ðã bị lửa địa ngục đốt cháy" (câu 6). "Ðầy dẫy những chất độc giết chết" (câu 8). Ðây là những lời mạnh mẽ, nhưng lại đúng biết bao! Lời nói đê hèn đã làm tan nát nhiều gia đình, chia rẽ nhiều Hội Thánh, khiến biết bao nhiêu triệu người phải tuyệt vọng và tàn hại! Tuy nhiên, có nhiều kẻ rất sùng đạo dường như chẳng chút cố gắng chế ngự lưỡi mình. Ðoạn nầy nhắc nhở ta một vài lời nói quyết trong sách Châm Ngôn: "Miệng kẻ ngu muội là sự bại hoại của nó" (18:7); "Kẻ canh giữ miệng mình, giữ được mạng sống mình" (13:3); "Sống, chết ở nơi quyền của lưỡi" (18:21); "Khi nín lặng, dầu người ngu dại, cũng được cầm bằng khôn ngoan" (17:28).

Sự khôn ngoan (câu 13-18). Khúc sách nầy dường như nhằm vào một số giáo sư hay lắm lời, muốn được kể là tay lý luận xuất sắc; họ cuồng tín một giáo lý nào đó mà mình ưa thích, ít hoặc không quí chuộng Thân vị Ðấng Christ, và chỉ sanh ra ghen tị, phe đảng. Gia-cơ gọi sự khôn ngoan đó là "thuộc về ma quỉ," và ông dùng những lời đẹp đẽ lạ lùng mà đối chiếu nó với :sự khôn ngoan từ trên mà xuống".

 

Ðoạn 4 -- Tinh Thần Thế Gian

Nguyên nhân của chiến tranh (câu 1-2) là sự tham muốn, tức là mong ước được những cái thuộc về kẻ khác. Ðó là nguyên nhân của hầu hết các cuộc chiến tranh đã tàn phá trái đất.

Lời cầu nguyện vô hiệu (câu 2-3). Có nhiều lời Ðức Chúa Trời hứa đáp lại kẻ cầu nguyện, nhưng các lời hứa ấy chẳng dành cho người ham mến thế gian đâu (5:13-18).

Những kẻ hai lòng (câu 4-10). Ðây giải rộng lời Ðức Chúa Jêsus quả quyết rằng người ta không thể vừa hầu việc Ðức Chúa Trời, vừa hầu việc Ma-môn (Ma-thi-ơ 6:24); và đây cũng giống như lời Sứ đồ Giăng cảnh cáo chớ ham mến thế gian (I Giăng 2:15-17). Những khúc sách nầy gợi lên sự cần phải tự xét mình luôn. Vì chúng ta phải sống trong thế gian và những vật trần gian là thiết yếu cho đời sống hằng ngày của mình, nên ta cần phải tỉnh táo canh chừng để giữ vẹn lòng tríu mến những cái thuộc về thiên thượng.

Lại luận về cái lưỡi (câu 11-12). Lần nầy Gia-cơ luận về sự phi lý hoàn toàn của một tội nhân tự tôn làm quan án phán xét một tội nhân khác.

Sự tự mãn (câu 13-17). "Ví bằng Chúa muốn" (câu 15). Một trong những giáo lý lạ lùng hơn hết của Kinh Thánh là: dầu Ðức Chúa Trời cai trị cả vũ trụ vô biên, nhưng Ngài cũng có một kế hoạch dứt khoát cho mỗi con cái Ngài (Công vụ các sứ đồ 18:21; Rô-ma 1:10; 15:32; I Cô-rinh-tô 4:19; I Phi-e-rơ 3:17).

 

Ðoạn 5 -- Người Giàu. Sự Nhịn Nhục. Sự Cầu Nguyện

Người giàu (câu 1-6). Trong vòng người giàu, cũng thấy có một ít linh hồn tin theo Ðấng Christ; song nói chung, bức tranh Gia-cơ mô tả họ vẫn còn đúng lắm.

Sự nhịn nhục (kiên nhẫn) (câu 7-11) cho tới ngày Chúa tái lâm, khi ấy mọi sự bất công sẽ được sửa chữa, và tín đồ trung tín sẽ nhận được kết quả đầy đủ do công lao và sự đau đớn của mình.

Sự thề (chửi thề) (câu 12). Lại nói đến cái lưỡi. Trong khi nói chuyện thông thường, biết bao người có danh là tín đồ Ðấng Christ lại xúc phạm đến Danh Ðức Chúa Trời!(1)

Ca hát (câu 13). Các tín đồ Ðấng Christ hãy hát lên, vì mình đang có hạnh phước. Làm vậy, họ sẽ được hạnh phước hơn, và cũng khiến kẻ khác được hạnh phước hơn.

Cầu nguyện (câu 13-18). Ê-li đóng và mở các từng trời, thật là một phép lạ vĩ đại (I Các Vua, đoạn 18). Tuy nhiên, phép lạ nầy đã được trưng dẫn để thúc giục chúng ta cầu nguyện. "Xức dầu" (câu 14) là một phương thuốc được thừa nhận (Lu-ca 10:34; Ê-sai 1:6), cần được lời cầu nguyện tăng cường, chớ không nên dùng làm pháp thuật.

Dắt đem một linh hồn đến với Ðấng Christ (câu 19-20) thì đẹp lòng Ngài vô cùng, do đó Ngài bỏ qua nhiều nhược điểm của chúng ta. Tham khảo I Phi-e-rơ 4:8.

 

 

 



(1) Nên dịch là: "Kiên nhẫn."

(1) Có thể dịch là: "Luật pháp vương giả."

(1) Lời nầy ít thích ứng với tín hữu ở Việt nam.