Trang Đầu | Mục Lục | << Chương 7 | Chương 9 >> | Hướng Dẫn

THÁNH KINH

Phục Truyền Luật  Lệ Ký

 

Các bài giảng từ biệt của Môi-se

Thuật lại lịch sử

Lặp lại những luật pháp chánh yếu

Những lời cảnh cáo long trọng

 

Trong sách nầy có:

·        Lời dự ngôn về một Ðấng Tiên tri giống như Môi-se (18:15-19).

·        Mạng lịnh mà Ðấng Christ gọi là "điều răn thứ nhứt và lớn hơn hết" (6:4).

·        Những lời mà Ðấng Christ đã trưng dẫn khi ma quỉ cám dỗ Ngài (6:13, 16; 8:3).

·        Một vài lời hùng biện nhứt thế giới.

Theo nguyên văn, tên "Phục truyền luật lệ ký" nghĩa là "Luật pháp thứ hai," hay là "Nhắc lại Luật pháp." Trong các sách Xuất Ê-díp-tô ký, Lê-vi ký và Dân số ký, đã ban hành nhiều luật pháp từng hồi từng lúc. Bây giờ dân Y-sơ-ra-ên không đi lưu lạc nữa, nhưng sắp vào xứ Ca-na-an, nên những luật pháp đó được nhắc lại và giải thích để dự liệu và áp dụng cho đời sống định cư.

Một vài đoạn thật là hùng biện, không có áng văn nào trổi hơn được, dầu là của Démosthènes, Cicéron, Pitt hay là Webster cũng vậy.

 

Ðoạn 1, 2, 3 -- Từ núi Si-na-i đến sông Giô-đanh

Ðây là tóm tắt ôn lại sách Dân số ký, đoạn 1-33.

Sau khi làm nên một sự nghiệp cao quí và anh hùng hơn hết của các thời đại, Môi-se xin Ðức Chúa Trời ban cho ơn cuối cùng, là được vượt qua sông Giô-đanh, nhưng Ðức Chúa Trời không cho (3:23-28), vì Ðức Chúa Trời đã dành cho ông một phước tốt đẹp hơn trong một thế giới tốt đẹp hơn.

 

Ðoạn 4, 5 -- Nắm chặt Lời Ðức Chúa Trời

Môi-se tha thiết khuyên nhủ dân Y-sơ-ra-ên hãy vâng theo các mạng lịnh của Ðức Chúa Trời, chuyên cần dạy cho con cháu biết các mạng lịnh ấy, và tránh xa sự thờ lạy hình tượng; ông luôn luôn nhắc họ nhớ rằng sự an ninh, thạnh vượng của họ tùy theo họ có trung thành với Ðức Chúa Trời và vâng lời Ngài hay chăng.

10 Ðiều răn (đoạn 5) cũng có chép ở Xuất Ê-díp-tô ký, đoạn 20.

 

Ðoạn 6 -- Ðiều răn lớn

"Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ngươi" (câu 5). Ðiều răn nầy được nhắc đi nhắc lại nhiều lần (10:12; 11:1, 13, 22). Ðức Chúa Jêsus lại nhấn mạnh vào Ðiều răn nầy (Ma-thi-ơ 22:37), và đặt nó ở hàng đầu sự dạy dỗ của Ngài.

Ðể lưu truyền các ý tưởng của Ðức Chúa Trời giữa vòng nhơn dân, họ không được nương cậy sự giáo huấn công cộng mà thôi, song phải chuyên cần bày dạy các ý tưởng ấy trong gia đình nữa (câu 6-9). Vì sách vở ít ỏi và tản mác, nên họ phải ghi chép một vài phần hệ trọng của Luật pháp trên cột cửa, buộc nó vào cánh tay, vào trán và nói đến nó luôn luôn. Ấy cốt để ghi sâu Lời Ðức Chúa Trời trên họ, đến nỗi Lời ấy trở thành một phần của tâm trí họ.

 

Ðoạn 7 -- Phải tiêu diệt dân Ca-na-an và hình tượng

Không được lập giao ước hoặc cưới gả lẫn lộn với chúng. Cần làm vậy để cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi sự thờ lạy hình tượng và mọi điều gớm ghiếc do thờ lạy hình tượng.

 

Ðoạn 8 -- Nhắc lại những việc lạ lùng trong đồng vắng

Trong 40 năm, dân Y-sơ-ra-ên đã bị "thử," bị "hạ xuống," được "ăn ma-na," và "áo xống không hư mòn, chơn chẳng phù lên," ngõ hầu họ học tập tin cậy Ðức Chúa Trời và sống bởi Lời Ngài (câu 2-5).

 

Ðoạn 9, 10 -- Dân Y-sơ-ra-ên luôn luôn dấy nghịch

Ba lần nhắc cho họ nhớ rằng Ðức Chúa Trời đối xử với họ lạ lùng như vậy chẳng phải "vì cớ sự công bình" của họ đâu (9:4, 5, 6). Suốt cả đường, họ là một dân hay than phiền, dấy loạn và cứng cổ.

 

Ðoạn 11 -- Phước lành do sự vâng lời

Ðây là một đoạn quan trọng. Cũng như đoạn 6 và đoạn 28, nó kêu gọi dân Y-sơ-ra- ên hãy sùng kính Lời Ðức Chúa Trời và vâng theo các Ðiều răn của Ngài, lấy đó làm nền tảng của sự thạnh vượng quốc gia. Kèm theo tiếng kêu gọi nầy, có những lời hứa lạ lùng và những lời cảnh cáo khủng khiếp.

 

Ðoạn 12, 13, 14, 15 -- Các mạng lịnh linh tinh

Phải phá hủy hết hình tượng. Dầu Môi-se được trưởng dưỡng trong "lòng" nước Ai- cập thờ lạy hình tượng và suốt đời có những dân tộc thờ lạy hình tượng vây quanh, nhưng ông chẳng hề thỏa hiệp với sự thờ lạy hình tượng. Theo như ông đã nhiều lần cảnh cáo, sự thờ lạy hình tượng thật đã gây cho quốc gia Y-sơ-ra-ên bị hủy hoại.

Hãy "vui vẻ." Xin chú ý, chữ nầy thường được dùng lắm (12:7, 12, 18; 14:26; 28:47). Ðó cũng là một chữ mà Thi Thiên và các thơ tín hay dùng. Hãy vui sướng trong Ðức Chúa Trời.

Súc vật sạch và không sạch (14:1-21; xem thêm Lê-vi ký 11); các thuế một phần mười (14:22-29; xem thêm Lê-vi ký 27); năm Sa-bát (15:1-11; xem thêm Lê-vi ký 25); chế độ tôi mọi (15:12-18; xem Lê-vi ký 19); trái đầu mùa (15:19-23; xem thêm Lê-vi ký 27).

 

Ðoạn 16 -- Các kỳ lễ

Mỗi năm ba lần, hết thảy người nam phải đến chầu trước mặt Ðức Chúa Trời, tức là nhằm Lễ Vượt Qua, Lễ Ngũ Tuần, và lễ Lều tạm. Ngoài ra còn có lễ Thổi Kèn và đại lễ Chuộc Tội. Những lễ nầy cốt để làm cho nhơn dân tưởng đến Ðức Chúa Trời luôn và để thực hiện sự thống nhứt quốc gia. Nó nhằm mục đích tôn giáo và xã hội, nhứt là đối với người nghèo."

Lễ Vượt Qua: Cũng gọi là lễ Bánh Không Men, cử hành vào mùa xuân, ngày 15 tháng giêng, kéo dài 7 ngày, cốt để kỷ niệm sự giải cứu họ khỏi nước Ai-cập.

Lễ Ngũ Tuần: Cũng gọi là lễ Bảy Tuần, lễ Mùa Gặt, hoặc lễ Trái Ðầu Mùa, cử hành ngày thứ 50 sau Lễ Vượt Qua, và kéo dài 1 ngày.

Lễ Lều tạm: Cũng gọi là lễ Mùa Gặt (Xuất Ê-díp-tô ký 23:16), cử hành ngày 15 tháng 7, 5 ngày sau đại lễ Chuộc Tội, và kéo dài 7 ngày.

Lễ Thổi Kèn: Cử hành ngày 1 tháng 7, mở đầu năm hành chánh (xem thêm Dân số ký 28).

Ðại lễ Chuộc Tội: Cử hành ngày 10 tháng 7 (xem thêm Lê-vi ký, đoạn 16).

 

Ðoạn 17 -- Nói tiên tri về một vua

Chính Ðức Chúa Trời phán tiên tri ở đây, thêm vào mấy huấn thị và mấy lời cảnh cáo (câu 14-20). Chừng 400 năm sau mới có chế độ quân chủ (xem thêm I Sa-mu-ên 8). Sa-mu-ên bảo dân chúng rằng họ đòi có vua tức là chối bỏ Ðức Chúa Trời đó. Ấy không phải là mâu thuẫn đâu. Ðức Chúa Trời biết trước họ muốn có một vua, thì chẳng có nghĩa là Ngài ưng chịu hành động của họ; nhưng chỉ có nghĩa là Ngài biết trước họ sẽ làm như vậy và muốn họ cầu vấn Ngài trong khi lựa chọn. Khi họ từ bỏ chánh thể mà Ðức Chúa Trời thiết lập cho họ, thì tức là họ từ bỏ Ngài vậy. Hãy chú ý lời Chúa dạy rằng các vua phải đọc Lời Ðức Chúa Trời trọn đời mình (câu 18-20). Ðó là lời khuyến cáo quí báu thay cho các bậc cầm quyền ngày nay! Cũng hãy chú ý rằng các vua đã lập tức bắt đầu làm những việc mà Ðức Chúa Trời bảo họ chớ làm, tức là cưới nhiều vợ, nuôi nhiều ngựa và tích trữ nhiều bạc, vàng (câu 16, 17; I Các vua 10:14-29; 11:1-13).

 

Ðoạn 18 -- Một Ðấng Tiên tri giống như Môi-se

Lời dự ngôn nầy (câu 15-19) có thể là một lời phụ thuộc nói chung đến ban tiên tri, tức là các đấng tiên tri nối tiếp nhau dấy lên để đối phó với những lúc khẩn trương trong lịch sử Y-sơ-ra-ên. Nhưng từ ngữ của lời dự ngôn nầy chắc chắn chỉ về một Cá nhơn Trứ danh, tức là Ðấng MÊ-SI. Ðó là một trong những lời dự ngôn đặc biệt nhứt của Cựu Ước về Ðấng Christ. Chính Ðức Chúa Jêsus đã hiểu như vậy (Giăng 5:46), và Phi-e-rơ cũng đã hiểu như vậy (Công vụ các sứ đồ 3:22).

Quốc gia Hê-bơ-rơ đã được Ðức Chúa Trời thành lập làm môi giới do đó một ngày kia, mọi dân tộc sẽ được phước. Ðây là một lời tuyên bố minh bạch rằng chế độ theo đó quốc gia Hê-bơ-rơ lúc ấy được thành lập chẳng phải là chế độ do đó quốc gia Hê-bơ-rơ sẽ ban phước cho mọi dân tộc khác; nhưng chế độ ấy sẽ được thay thế bởi một chế độ khác do một Ðấng Tiên tri khác thiết lập. Chế độ sau nầy sẽ truyền sứ điệp (message) của Ðức Chúa Trời cho muôn dân. Ấy là đạo Do-thái sẽ bị thay thế bởi đạo Ðấng Christ.

 

Ðoạn 19 -- Các thành ẩn náu

Cốt để bảo vệ những kẻ ngộ sát. Môi-se đã biệt riêng 3 thành ẩn náu ở phía Ðông sông Giô-đanh, là Bết-se, Ra-mốt, Gô-lan (4:41-43). Về sau, Giô-suê biệt riêng 3 thành ẩn náu ở phía Tây sông Giô-đanh, là Kê-đe, Si-chem, Hếp-rôn (Giô-suê 20:7). Cả 6 thành nầy là của người Lê-vi, và gồm trong số 48 thành dành riêng cho họ (Dân số ký 35:6).

 

Ðoạn 20 -- Luật chiến tranh

Những kẻ mới xây nhà, hoặc mới trồng vườn nho, hoặc mới cưới vợ đều được miễn quân dịch. Phải tiêu diệt người Ca-na-an; những cây sanh thực phẩm thì phải chừa lại.

 

Ðoạn 21 đến 26 -- Các luật pháp linh tinh

Trong trường hợp không biết kẻ sát nhơn. Vợ của kẻ tôi mọi. Con cái do chế độ đa thê. Các con cái bội nghịch. Xử giảo. Súc vật đi lạc. Ðồ vật bị mất. Quần áo đờn ông và đờn bà phải khác nhau. Phải thả con chim đang ấp. Mái nhà phải có câu lơn. Trồng tỉa và y phục. Kỵ nữ. Gian dâm. Cưỡng hiếp. Người hoạn. Con ngoại tình. Người A-môn, A-háp, Ê-đôm. Trại quân phải sạch sẽ. Cách đối đãi những tôi mọi tỵ nạn. Buôn hương. Kê-gian. Cho vay lấy lời. Hứa nguyện. Ly-dị. Hôn nhơn. Của cầm. Bắt cóc. Bịnh phung. Tiền công. Xử công bình với kẻ nghèo. Mót lúa. Chỉ được đánh đòn 40. Anh em chồng lấy chị em dâu. Can thiệp khi đánh lộn. Cân già và cân non. Người A-ma-léc. Trái đầu mùa và thuế một phần mười (xem thêm Lê-vi ký 27).

 

Ðoạn 27 -- Phải ghi Luật pháp trên núi Ê-banh

Giô-suê đã làm việc nầy (Giô-suê 8:30-32). Trong thời đại sách vở hiếm có, người ta có thói quen ghi luật pháp trên bia đá, đem dựng tại các đô thị, hầu cho nhơn dân được biết. Tại Ai-cập và tại xứ Ba-by-lôn, người ta đã làm như vậy, thí dụ như bộ luật của Hammurabi. Môi-se truyền cho dân Y-sơ-ra-ên phải làm việc ấy trước nhứt khi vào xứ Ca-na-an. Bia đá phải thoa vôi, và Luật pháp phải "khắc(1) cho thật rõ ràng" (câu 8). Theo thời gian, vôi long lở và chữ viết biến mất. Nếu ghi khắc trên đá, thì chữ có thể vẫn còn; nhưng theo thời gian, các bia đá sẽ trở thành thần tượng. Trong thế giới của Môi-se, sự cám dỗ thờ hình tượng rất mạnh mẽ, và các thần của người Ca-na-an phần lớn là hình tượng bằng đá; vậy nên Ðức Chúa Trời truyền lịnh cho dân Y-sơ-ra-ên chớ dùng đá khắc, tức là đề phòng cho họ khỏi sa vào những sự gớm ghiếc của người Ca-na-an .

 

Ðoạn 28 -- Lời tiên tri trọng đại về người Do-thái

Ðây là một đoạn sách kỳ diệu, vì nó phác họa tất cả lịch sử tương lai của quốc gia Hê-bơ-rơ. Sự lưu đày tại Ba-by-lôn và sự phá diệt bởi người La-mã được mô tả linh động. "Chim ưng" (câu 49) là biểu hiệu của quân đội La-mã. Khi quân Ba-by-lôn và quân La-mã vây thành Giê-ru-sa-lem, thì đờn ông, đờn bà ăn chính con cái mình (câu 53-57). Người Do-thái bị tản lạc, phải rày đây mai đó, chịu bắt bớ luôn luôn, lòng run rẩy và linh hồn hao mòn cho tới ngày nay, đều đã được dự ngôn linh động. Ðem sách Phục truyền luật lệ ký, đoạn 28 nầy đối chiếu với lịch sử quốc gia Hê-bơ-rơ, ta sẽ có bằng cớ lạ lùng hơn hết, không sao chối cải được, tỏ ra Kinh Thánh đã được Ðức Chúa Trời soi dẫn. Bằng không, sao có như vậy?

 

Ðoạn 29, 30 -- Giao ước và những lời cảnh cáo sau chót

Vì Môi-se thấy những kết quả tai hại của sự bội đạo, nên ông nói mấy lời sau chót nầy: Hầu việc Ðức Chúa Trời là con đường sống, còn hầu việc hình tượng thì chắc phải chết.

 

Ðoạn 31 -- Môi-se chép Luật pháp nầy trong một quyển sách

40 năm trước, Môi-se đã chép các lời Ðức Chúa Trời phán trong một quyển sách (Xuất Ê-díp-tô ký 17:14; 24:4, 7). Ông đã chép nhựt ký các cuộc hành trình của mình (Dân số ký 33:2). Bây giờ ông đã chép sách xong, bèn giao cho các thầy tế lễ cùng người Lê-vi, và dặn họ phải thường đọc cho dân chúng nghe. Dạy Lời Ðức Chúa Trời cho dân chúng luôn, đó là phương pháp an toàn nhứt và hiệu nghiệm nhứt để giữ cho đạo của họ khỏi suy bại. Khi dân Y-sơ-ra-ên chăm chú vào Lời Ðức Chúa Trời, thì họ thạnh vượng. Còn khi xao lãng Lời ấy, thì họ lâm vào nghịch cảnh.

Chính nhờ đọc Lời Ðức Chúa Trời mà Giô-si-a đã thực hiện được cuộc phục hưng lớn lao (II Các vua 23). E-xơ-ra (Nê-hê-mi 8) và Luther cũng đã từng trải như vậy. Các sách Tân Ước đã được chép ra để đọc trong các Hội Thánh (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:27; Cô-lô-se 4:16). Chính Lời Ðức Chúa Trời là quyền phép ở trong lòng người ta. Ôi! Ước gì các vị Mục sư, Truyền đạo ngày nay học tập đặt mình ở đằng sau và đặt Lời Ðức Chúa Trời ở hàng đầu!

 

Ðoạn 32 -- Bài ca của Môi-se

"Khi Môi-se chép... cuốn sách xong rồi" (31:24), thì ông làm một bài ca cho dân chúng hát. Ông đã mừng sự giải phóng họ khỏi Ai-cập bằng một bài ca (Xuất Ê-díp- tô Ký 15). Ông cũng đã viết một bài ca khác, tức là Thi Thiên 90. Những bản dân ca là phương pháp tốt nhứt để ghi khắc ý tưởng trên tấm lòng dân chúng. Ðê-bô-ra và Ða-vít đã dốc đổ linh hồn trước mặt Ðức Chúa Trời trong những bài ca. Từ lúc khởi thủy đến nay, Hội Thánh cũng dùng thánh ca làm phương pháp bảo tồn và truyền bá những ý tưởng mà mình binh vực. Chỉ khi nào Hội Thánh thâm nhiễm tinh thần thế gian, thì mới giảm bớt sự hát thánh ca của hội chúng và thay thế bằng ban hát huy hoàng thường không có chi gây dựng đời tin kính.

 

Ðoạn 33 -- Lời chúc phước của Môi-se

Trong lời chúc phước nầy, ông gọi tên hết các chi phái, và có lời tiên tri về mỗi chi phái; ấy cũng giống như Gia-cốp chúc phước cho các con trai mình (Sáng thế ký 49).

 

Ðoạn 34 -- Môi-se qua đời

"Lúc 120 tuổi, mắt chưa mờ, sức thiên nhiên chưa mòn mỏi, ông già nầy leo lên núi Phích-ga; và đang khi ông nhìn xem Ðất Hứa mà ông mong ước được vào, thì Ðức Chúa Trời nhẹ nhàng cất ông lên Xứ tốt đẹp hơn. Trong giây lát, linh hồn ông đã bay vào phía trong màn, và ông đã về ở nhà với Ðức Chúa Trời. Ðức Chúa Trời an táng thân thể ông. Không ai biết mộ phần ông ở đâu. Thi hài ông đã được đem xa, để dân chúng không thể thờ lạy thi hài ông như một hình tượng."

Môi-se hầu chuyện Ðức Chúa Trời "giáp mặt" (câu 10; Xuất Ê-díp-tô ký 33:11; Dân- số Ký 12:8). Ấy không có nghĩa là ông đã thấy Ðức Chúa Trời trong sự sáng chói của Ngài, chẳng chút che khuất, vì đang khi ở trong xác thịt, chúng ta không thể thấy Ngài như vậy (Giăng 1:18); nhưng là sự biểu thị vinh quang của Ðức Chúa Trời một cách thân mật hơn là đã dành cho kẻ khác.

Môi-se qua đời ở ngoài Ðất Hứa vì ông đã phạm tội liên quan đến một phép lạ tại Ca-đe (Dân số ký 20:12). Hơn nữa, ông cũng đã cao tuổi, đã chịu nhiều nỗi nhọc nhằn nơi đồng vắng, nên không còn đủ sức đảm đương cuộc chinh phục xứ Ca-na-an.

 

Núi Nê-bô

Ðó là ngọn cao nhứt của núi Phích-ga, ở cách cửa sông Giô-đanh 8 dặm về phía Ðông; đây là cuối cùng cuộc hành trình của Môi-se trên mặt đất. Từ ngọn núi nầy có thể thấy các gò nỗng xứ Giu-đê và xứ Ga-li-lê, cùng núi Cạt-mên, là nơi 500 năm sau, đấng tiên tri Ê-li đã xin và được lửa từ trời giáng xuống; cũng từ núi Cạt-mên nầy, Ê-li đã đi tới núi Si-na-i, là nơi Môi-se ban bố Luật pháp, rồi đi tới núi Phích-ga, là nơi Môi-se qua đời, dường như ông muốn ở chung với Môi-se lúc chết. Bấy giờ từ nơi Môi-se đã qua đời, các thiên sứ giáng xuống và rước Ê-li đi gặp Môi-se trong nơi vinh hiển.

 

Lúc Ðức Chúa Jêsus hóa hình

Nhằm ngày trong sáng, từ đỉnh núi Phích-ga, có thể thấy rất xa ở phương Bắc, ngọn núi Hẹt-môn có tuyết phủ, là nơi Ðức Chúa Jêsus hóa hình. Tại đây, mắt loài người lại thấy Môi-se và Ê-li, đại diện cho Luật pháp và các Tiên tri, trò chuyện với Ðức Chúa Jêsus về công cuộc mà Luật pháp và các đấng Tiên tri đã mở đường cho. Tại đây, Môi-se dự phần cuộc báo cáo từ trời rằng đã đến lúc chế độ do ông thiết lập phải nhường chỗ cho chế độ của Ðấng Tiên tri cao trọng hơn mà ông đã dự ngôn; rằng từ nay trở đi, không còn sấm sét của núi Si-na-i nữa, nhưng có "tiếng êm dịu, nhỏ nhẹ" của "Ðức Chúa Jêsus mà thôi" (Ma-thi-ơ 17:8). Núi Si-na-i, núi Phích-ga, Núi Hẹt-môn, Môi-se, Ê-li, Ðức Chúa Jêsus!

 

Môi-se

Tới đây chấm hết phần tư thứ nhứt của Cựu Ước (gần bằng cả Tân Ước), do một người, là Môi-se, viết ra. Môi-se phải là một người phi thường dường nào! Ông thân mật với Ðức Chúa Trời biết bao! Ông làm công việc vĩ đại biết bao! Ông làm ơn cho loài người là dường nào! 40 năm trong cung điện Pha-ra-ôn. 40 năm tỵ nạn trong xứ Ma-đi-an. 40 năm dắt dẫn dân Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng. Giải phóng một dân tộc 3 triệu người khỏi ách tôi mọi; di cư họ từ xứ nầy qua một xứ khác; tổ chức cho họ một nền tư pháp làm căn nguyên của phần lớn văn minh thế giới!

 

Ý kiến của ông Winston Churchill, nguyên Thủ tướng nước Anh, về Môi-se

"Chúng tôi khinh dể mà chối bỏ hết mọi ý kiến hoang đường, tuy thông thái và dụng công, rằng Môi-se chỉ là một nhơn vật thần thoại trên đó các thầy tế lễ và nhơn dân Hê-bơ-rơ đã san định những qui tắc chánh yếu của họ về xã hội, luân lý và tôn giáo. Chúng tôi tin rằng nếu công nhận truyện tích Kinh Thánh đúng theo tự nghĩa, thì quan điểm khoa học hơn hết, quan niệm tân tiến và duy lý hơn hết cũng sẽ được thỏa mãn đầy đủ hơn hết. Chúng ta có thể chắc chắn rằng mọi việc nầy xảy ra đúng như Kinh Thánh đã chép. Chúng ta có thể tin rằng mọi việc nầy đã xảy ra cho những người không khác chúng ta bao nhiêu; ấn tượng của những người ấy đã được ghi chép rất đúng, và được lưu truyền trải qua các thế kỷ; còn xác thực hơn các biến cố mà ta đọc trong điện tín ngày hôm nay. Theo lời trong một tác phẩm của ông Gladstone mà người đã quên, chúng ta có thể vững lòng và yên nghỉ trên Vầng Ðá không hề rúng động, tức là Kinh Thánh. Các nhà khoa học và các học giả hãy cứ mở rộng tri thức, cứ dò xét và tìm kiếm, đối với mỗi một chi tiết của những ký văn đã bảo tồn cho chúng ta từ các thời đại thượng cổ. Kết quả là họ chỉ tăng cường tánh chất đơn giản cao trọng và xác thực tuyệt đối của những chơn lý ghi chép đây, bấy lâu đã soi sáng con đường của loài người."

 



(1)  Bản tiếng Anh dịch là: "viết" thì đúng hơn.