[Home]
Hội Thánh Tin lành Việt Nam
Tối Thứ Bảy ngày 16 tháng 12: Lễ Giáng Sinh tại Hội Thánh Tin lành San Pablo lúc 6:00 pm. Kính mời quý con cái Chúa và quý vị đồng hương đến tham dự. Hội Thánh Tin lành Việt Nam San Pablo kính mời quý vị đồng hương dành thì giờ đến dự buổi Thờ Phượng Chúa mỗi trưa Chúa Nhật tại nhà thờ theo địa chỉ trên. Chương Trình Sinh Hoạt Mỗi Chúa Nhật: 12:30 pm Cầu Nguyện Trường Chúa Nhật 1:30 pm Chương Trình Thờ Phượng và Giảng Thánh Kinh 3:00 pm Chương Trình Sinh Hoạt và Tập Hát Của Thanh Niên. 3:15pm |
CON ĐƯỜNG CHÂN LÝ"Chúa Cứu Thế Jêsus tuyên bố: Ta là đường đi chân lý và nguồn sống.Nếu không nhờ ta, thì không ai được đến cùng Cha." (Giăng 14:6) Số 7, tháng 12 năm 2000 Tình Yêu Toàn HảoTình yêu, hai chữ ấy đã, đang và có lẽ là đề tài cho các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, ca sĩ v.v Họ ca tụng tình yêu của con người đối với con người, của con người đối với cảnh thiên nhiên hùng vĩ, đối với ý niệm toàn thiện, toàn mỹ và cảnh thanh bình, an lạc, họ tưởng như thế gian này đã biết thành một thiên đàng, ở đó nhân loại yêu nhau, các nước sống chung trong hòa bình và thịnh vượng. Nhưng thực tế khác hẳn, con người vẫn hiềm thù lẫn nhau, mỗi ngày trên thế giới loan tin qua mạng lưới toàn cầu Internet, và truyền hình, những vụ tranh chấp đất đai của những dân tộc trên thế giới, điểm hình gần nhất là vùng Trung Đông. Quân đội Do-thái và Palestine bạo loạn và bắn giết lẫn nhau mỗi ngày; và tôi liên tưởng như là đại chiến tranh của thế giới thứ ba chỉ chờ ngày bùng nổ. Tại sao vậy? Vì tình yêu của con người đối với đồng loại chỉ là thứ tình yêu vụ lợi. Thế nào là tình yêu toàn hảo? Muốn có tình yêu toàn hảo người ta phải yêu bằng tình yêu toàn hảo. Tình yêu toàn hảo là một tình yêu xa kỷ, vị tha, nghĩa là vì người, quên mình. Chúa Cứu Thế Jêsus đã dạy rằng: "Chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn vì bạn hữu mà phó sự sống mình" (Giăng 15:13). Nói một cách khác, yêu bằng một tình yêu toàn hảo có nghĩa là thể hiện bằng sự ban cho "nhưng không" điều quý giá nhất của chính mình, một sự dâng hiến trong tinh thần hy sinh tuyệt đối. Chính Chúa Jêsus đã yêu nhân loại đến nỗi lìa ngôi trời vinh hiển cách đây 2000 năm xuống cõi trần ô nhục, sinh nơi máng cỏ chuồng chiên, hôi tanh khó chịu, rồi Ngài chịu muôn ngàn đau đớn, sĩ nhục, thậm chí bị đóng đinh trên cây thập tự cho đến chết để cứu thoát nhân loại ra khỏi tối tăm đau đớn và hình phạt kinh khiếp đời đời của tội lỗi trong đó có tôi và quý vị. Ngài đã yêu nhân loại bằng tình yêu toàn hảo và dạy cho cả nhân loại một bài học tuyệt vời nhất của tình yêu. Hãy yêu! Chúng ta muốn người ta yêu mình thể nào thì hãy yêu người thể ấy. Hãy cho người sẽ cho mình "Họ sẽ lấy đấu lớn nhận, lắc cho đầy tràn mà nộp cho các ngươi, vì các ngươi lường mực nào thì họ sẽ lường lại cho các ngươi mực nấy." (Lu-ca 6:38). Vâng, chúng ta có thể yêu người bằng một tình yêu toàn hảo khi chúng ta đã đáp ứng tình yêu của Chúa. Chúng ta chỉ có thể đáp ứng tình yêu của Chúa khi đã thật sự tin Chúa. Ngài phán: "Nuớc ta cho sẽ thành một mạch nước trong người đó, văng ra cho đến sự sống đời đời." (Giăng 4:14). Tình yêu toàn hảo của Chúa ban cho chúng ta cũng sẽ thành một mạch yêu thương trong đời sống chúng ta, tuôn tràn bất tận. Làm thế nào để đáp lại tình yêu của Chúa? Lời Chúa phán được ghi lại trong Mathiơ 10:37-39 như sau: "Ai yêu cha mẹ hơn ta thì không đáng cho ta. Ai yêu con trai hay là con gái hơn ta thì cũng không đáng cho ta. Ai không vác thập tự mình mà theo ta thì cũng không đáng cho ta. Ai gìn giữ mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai vì cớ ta mất sự sống mình thì sẽ tìm lại được." Chúa không bảo chúng ta đừng yêu cha mẹ, con cái, nhưng Ngài đòi hỏi chúng ta yêu Ngài. Thánh Gióp, trong cùng một ngày bị mất sạch tài sản và mười đứa con thân yêu, sau đó bản thân bị vướng một chứng ung độc ghê tởm, người vợ lại xúi giục ông phỉ báng Chúa rồi chết đi, nhưng ông kêu to lên: "Mặc dầu xảy đến cho ta điều gì dầu Chúa giết ta, ta cũng còn nhờ cậy nơi Ngài." (Gióp 13:13,15). Thưa quý vị, ý nghĩa của cây thập tự mà Chúa bảo kẻ theo Chúa phải vác là chính sự tình nguyện chết đi con người cũ, tấm lòng gian ác, hư hỏng, với những sự tham dục của đời. Chúa không bảo kẻ theo Ngài phải tiêu diệt con người cũ của mình rồi theo Chúa, vì chúng ta không thể làm điều đó được. Chúa chỉ bảo chúng ta vác cây thập tự giá mà theo Ngài, nghĩa là chúng ta sẵn sàng để cho con người cũ của mình chết đi, rồi mời chính Chúa Jêsus vào làm chủ cuộc đời của chúng ta. Muốn theo Chúa chúng ta phải sẵn sàng hy sinh những thú vui tội lỗi ở đời nầy để bước theo Ngài. Chẳng phải chúng ta không ở trên trần gian nầy nữa mà chúng ta vẫn ở trần gian nầy, vẫn sống, vẫn đi học, đi làm. Phải đi ngược lại với đời, sống làm sao cho người đời nhìn vào mình là người có Chúa, có chân lý, có sự sống của Chúa ngự vào lòng. Phần của Chúa, Ngài sẽ giúp chúng ta sống đắc thắng tội lỗi và sống một đời sống mới trong Chúa. Mất đi sự sống ô uế tội lỗi của mình, thì Ngài ban sự sống mới cho chúng ta, một sự sống sung mãn, tuôn tràn bất tận. Những ai cố giữ lấy sự vui thú trong tội lỗi của mình sẽ mất đi sự sống đời đời. Qúy vị đã đáp ứng tình yêu toàn hảo của Chúa chưa? Tình yêu toàn hảo của Ngài đã trở thành mạch yêu thương tuôn tràn bất trận trong bạn chưa? Hãy đến với Chúa trước khi quá trễ. Hãy xét lại lòng mình, hãy kiểm điểm đời sống của mình, hãy nhìn xem mình có vác cây thập tự của mình mà đi với Chúa chăng? Lời Chúa được phán dạy trong Mathiơ 7:21 như sau: "Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng lạy Chúa, lạy Chúa thì đều vào nước thiên đàng đâu, nhưng chỉ kẻ nào làm theo ý muốn Cha ta ở trên trời mà thôi." Kính thưa qúy vị, Chúa đã yêu chúng ta bằng tình yêu toàn hảo. Ngài đã lìa bỏ ngôi trời giáng thế làm người. Ngài đã sống rất là đơn giản, nghèo nàn ở giữa nhân loại, đến nỗi: "Con cáo có hang, chim trời có ổ, song con người không có chỗ gối đầu." (Mathiơ 8:20). Ngài đã làm gương cho chúng ta qua chính đời sống của Ngài. Hôm nay chúng ta là những người tự nhận là người yêu Chúa, tin Chúa, nhưng chúng ta có đang bước trên con đường mà Chúa đã đi qua chưa? Những công danh, sự nghiệp, học thức, bằng cấp, lỗ lời, hơn thua trong cuộc sống, tranh đua ganh trị với đời, chạy theo trần gian nầy có thỏa mãn quý vị chưa? Những yêu đương vị kỷ trong cõi đời nầy có đang là những chướng ngại vật ngăn cản chúng ta đáp ứng tình yêu của Chúa không? Chính Chúa đã chết để chúng ta được sống vĩnh cửu với Ngài chỉ khi nào quý vị bằng lòng để diệt đi bản ngã của mình thì bấy giờ mới thật sự sống trong Chúa. Chúa Jêsus đang đứng ngoài cửa để gõ mỗi tấm lòng của qúy vị. Nếu quý vị mở tấm lòng mình ra, Chúa Giáng Sinh sẵn sàng bước vào mỗi tấm lòng của quý vị, cuộc đời quý vị sẽ được thay đổi, những sự cũ đã qua đi nầy mọi sự đều trở nên mới. Như vậy chúng ta mới tiếp nhận được tình yêu toàn hảo, chúng ta mới có thể hầu việc Chúa một cách đẹp ý Ngài, có thể yêu người qua tình yêu toàn hảo của Chúa ban cho. "Chính lúc ấy và chỉ lúc ấy chúng ta mới có thể cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, tiếp rước khách lạ, mặc cho kẻ trần truồng, thăm kẻ bị đau, viếng kẻ bị tù, làm ơn cho kẻ ghét mình, chúc phước cho kẻ nhục mạ mình." (Mathiơ 25:35-36) Bằng tấm lòng yêu thương, khiêm nhường, nhu mì, bằng một niềm vui thật, hiến dâng phục vụ. Và cũng chỉ lúc ấy, Tin-Lành về nước Đức Chúa Trời mới thực sự rao giảng cho mọi người qua chúng ta. Như vậy chúng ta mới nhận được và nếm trải sự ngọt ngào của Chúa qua tình yêu toàn hảo của Chúa Jêsus qua chính đời sống chúng ta. Ước mong mùa Giáng Sinh năm nay mỗi chúng ta sẽ nhận được một tình yêu và một đời sống vĩnh cửu qua Chúa Cứu Thế Jêsus Christ. Muốn thật hết lòng. Mục Sư NC Châu An Phước |