Trang Đầu | Mục Lục | << Chương 102 | Chương 104 >> | Hướng Dẫn

THÁNH KINH

Thói Quen Ðọc KINH THÁNH 3

Hãy đọc Kinh Thánh với một trí óc cổi mở.-- Chớ thử xếp tất cả các đoạn Kinh Thánh vào khuôn của một vài lẽ đạo mà mình ưa thích. Cũng đừng thêm vào các đoạn Kinh Thánh những ý tưởng không có trong đó, dầu là để soạn một bài giảng cũng vậy. Nhưng hãy bình tâm và thành thực cố tìm ra những sự dạy dỗ cùng bài học chánh yếu của mỗi đoạn. Như vậy chúng ta sẽ sanh ra lòng tin điều chi mình đáng phải tin; vì nếu có cơ hội, thì Kinh Thánh dư sức tự lo liệu cho mình.

Hãy đọc Kinh Thánh một cách cẩn trọng.-- Khi đọc Kinh Thánh, chúng ta phải tự canh chừng mình rất cẩn mật, kẻo tư tưởng mình chạy dông dài đây đó, và sự đọc thành ra chiếu lệ, vô nghĩa. Chúng ta phải cương quyết để trí óc vào đoạn mình đang đọc, gắng hết sức cho có một quan niệm sáng suốt về đoạn ấy, và chăm chú tìm ra nhiều bài học cho mình.

Có sẵn cây bút chì.-- Ðang khi đọc, ta nên đánh dấu những câu mình ưa thích, thỉnh thoảng nên lần mở các trang sách, đọc lại và ôn lại những câu đã đánh dấu như vậy. Với thời gian, ta càng gần ngày gặp Tác giả Kinh Thánh, thì quyển Kinh Thánh có đánh dấu cẩn thận càng được ta quí mến.

Ðọc Kinh Thánh thường lệ và có phương pháp, đó là điều đáng kể. Thỉnh thoảng mới đọc, hoặc đọc không chừng mực, thì chẳng có giá trị bao nhiêu. Nếu chúng ta không có một phương pháp nào, và không cương quyết theo phương pháp ấy, thì kết quả là ta chẳng đọc Kinh Thánh bao nhiêu. Sự sống bề trong chúng ta, cũng như thân thể bề ngoài, đều cần món ăn hằng ngày.

Bất cứ ta đọc Kinh Thánh theo chương trình nào, mỗi ngày cũng phải biệt riêng một thì giờ nhứt định để đọc. Bằng không, ta sẽ xao lãng Kinh Thánh.

Nếu công việc thường lệ cho phép ta đọc Kinh Thánh trước nhứt lúc sáng sớm, thì tốt lắm. Hoặc buổi tối, lúc công việc một ngày đã xong, vì khi ấy ta thấy mình thơ thái hơn, không còn chi vội vã nữa.

Hoặc có lẽ cả buổi tối và buổi sáng. Ðối với một số người, lúc buổi trưa có lẽ lại thích hợp hơn.

Thì giờ đặc biệt trong ngày không quan hệ lắm. Ðiều quan hệ là chúng ta lựa chọn một thì giờ thích hợp hơn hết với công việc hằng ngày của mình, cố giữ đúng thì giờ ấy, và chớ ngã lòng nếu thỉnh thoảng thường lệ bị đứt quãng vì những sự kiện ngoài quyền kiểm soát của mình.

Ðến Chúa nhật, ta có thể đọc Kinh Thánh nhiều hơn, vì là ngày của Chúa, biệt riêng cho công việc Chúa.

Hãy học thuộc lòng tên các sách Kinh Thánh.-- Hãy làm điều nầy trước nhứt. Kinh Thánh gồm 66 quyển. Mỗi quyển nói về một điều gì. Khởi điểm của bất cứ quan niệm sáng suốt nào về Kinh Thánh là -- trước hết mọi sự khác -- biết những quyển nầy tên là gì, được sắp đặt theo thứ tự nào, và tổng quát mỗi quyển nói về gì.

Học thuộc lòng những câu mình ưa thích.-- Hãy học thuộc lòng những câu ấy cho trọn vẹn, và thường lặp đi lặp lại những câu nuôi sống linh hồn ta. Lặp lại khi ở một mình, hoặc lúc đêm, để giúp mình thiếp ngủ trong Cánh Tay Ðời Ðời.

Ðể cho tư tưởng của Ðức Chúa Trời thấm qua tâm trí ta, thì tâm trí ta thường hóa ra giống như tâm trí Ðức Chúa Trời. Tâm trí ta càng giống như tâm trí Ðức Chúa Trời, thì cả đời sống ta càng hóa ra giống hình ảnh Ngài. Ðó là một sự giúp đỡ thiêng liêng tốt nhứt mà ta có thể được.

Chương trình đọc Kinh Thánh.-- Người ta đề nghị nhiều chương trình. Kẻ thích chương trình nầy, người thích chương trình kia. Cùng một người có thể thích những chương trình khác nhau, trong những thời gian khác nhau. Chương trình đặc biệt không quan hệ bao nhiêu. Ðiều quan hệ là chúng ta đọc Kinh Thánh đều mực một phần nào.

Chương trình đọc phải gồm cả Kinh Thánh, và phải lặp đi lặp lại khá nhiều, vì tất cả Kinh Thánh là Lời Ðức Chúa Trời, là một truyện tích, là một áng văn có sự thống nhứt sâu nhiệm, lạ lùng, lấy Ðấng Christ làm Trung tâm. Ðấng Christ là Trái Tim và Tuyệt điểm của Kinh Thánh. Mọi điều chép trước Ngài thì dự ngôn về Ngài cách nầy hay cách khác. Mọi điều chép về Ngài thì giải thích về Ngài. Có lý lắm mà gọi cả Kinh Thánh là truyện tích Ðấng Christ. Cựu Ước dọn đường cho Ngài ngự đến. Bốn sách Tin Lành chép về cuộc sanh hoạt của Ngài trên mặt đất. Các thơ tín giải thích sự dạy dỗ của Ngài. Sách Khải Huyền giải thích sự đắc thắng của Ngài.