Trang Đầu | Mục Lục | << Chương 26 | Chương 28 >> | Hướng Dẫn

THÁNH KINH

Ca Thương

 

 

Một bản ai ca về sự hoang vu của thành Giê-ru-sa-lem

 

Sách nầy bày tỏ sự buồn rầu của Giê-rê-mi vì cớ thành Giê-ru-sa-lem mà ông đã hết sức cố cứu; tuy nhiên, ông vẫn có đức tin rằng thành nầy sẽ từ đống hoang tàn chổi dậy (3:21, 31, 32). Nó nhắc ta nhớ lời Ðức Chúa Jêsus than thở về thành Giê-ru-sa-lem (Ma-thi-ơ 23:37-38; Lu-ca 19:41, 44). Giê-ru-sa-lem thật đã chổi dậy và làm thủ đô của thế giới được cứu chuộc, có vinh quang đời đời (Hê-bơ-rơ 12:22; Khải Huyền 21:2).

 

Phần phụ lục cho sách Giê-rê-mi

Ðoạn cuối cùng của sách Giê-rê-mi luận về sự thiêu hủy Giê-ru-sa-lem và khởi đầu cuộc lưu đày tại Ba-by-lôn. Phải dọc đoạn ấy như là tiểu dẫn của sách Ca Thương. Bản Septante thêm lời mở đầu rằng: "Xảy ra khi dân Y-sơ-ra-ên bị bắt đi làm phu tù và thành Giê-ru-sa-lem bị hoang vu, thì Giê-rê-mi ngồi khóc và than vãn về Giê-ru-sa-lem bằng bài than vãn nầy, mà rằng." Người ta cho rằng lời mở đường nầy chắc ở bản Hê-bơ-rơ đã dùng để dịch ra bản Septante.

Tuy nhiên, trong Cựu Ước tiếng Hê-bơ-rơ, sách Ca thương không tiếp theo liền sách Giê-rê-mi như trong Kinh Thánh của chúng ta, nhưng ở trong bộ sách gọi là "Hagiographa" hoặc "Tác phẩm," tức là: "Nhã Ca, Ru-tơ, Ca Thương, Truyền đạo, Ê- xơ-tê. Những sách nầy chép thành mấy cuốn riêng, vì đọc ở các lễ khác nhau. Cho tới ngày nay, khắp cả thế giới, bất cứ nơi nào có người Do-thái, họ cũng đọc sách Ca thương nầy trong nhà hội nhằm ngày 9, tháng 4 (Giê-rê-mi 52:6), để nhớ lại sự hủy phá Giê-ru-sa-lem. Ðây là một khúc ca sầu thảm, "mỗi chữ viết bằng nước mắt, và mỗi lời viết với tiếng vang của trái tim tan vỡ."

 

"Ðộng của Giê-rê-mi"

Là tên của chỗ ở ngay vách ngoài thành Giê-ru-sa-lem về phía Bắc, tại đó, theo truyền thoại, Giê-rê-mi đã khóc lóc đắng cay và viết bản ai ca sầu thảm nầy về thành mà mình đã hết sức cố cứu. Ðộng nầy ở dưới ngọn đồi nay gọi là "Gô-gô-tha," chính là ngọn đồi trồng cây Thập tự của Ðức Chúa Jêsus. Như vậy, đấng tiên tri đau thương đã khóc ở nơi về sau Cứu Chúa chịu chết.

 

Thơ chiết cú theo vần chữ cái

Sách nầy có 5 bài thơ, mà 4 bài thuộc thể chiết cú, nghĩa là mỗi câu bắt đầu bằng một chữ cái của vần Hê-bơ-rơ, cứ theo thứ tự của vần. Ðó là một hình thức thi ca Hê- bơ-rơ mà người ta rất ưa thích, cốt để giúp cho dễ nhớ. Những chữ cái của vần Hê-bơ-rơ là: Aleph, Beth, Gimel, Daleth, He, Waw, Zayin, Heth, Teth, Yodh, Kaph, Lamedh, Mem, Nun, Samekh, Ayin, Pe, Sadhe, Qoph, Resh, Sin, Taw. Trong các đoạn 1, 2, 4 mỗi đoạn có 22 câu, một chữ cái cho mỗi câu. Ðoạn 3 có 3 câu cho mỗi chữ, cộng là 66 câu. Ðoạn 5 có 22 câu, nhưng không theo thứ tự chữ cái.

 

Công dụng trực tiếp

Sách nầy chắc được trứ tác trong khoảng 3 tháng giữa lúc thành Giê-ru-sa-lem bị thiêu hủy và dân sót kéo xuống Ai-cập (Giê-rê-mi 39:2; 41:1, 18; 43:7). Trong thời gian nầy chánh phủ đóng đô tại Mích-ba (Giê-rê-mi 40:8), cách Giê-ru-sa-lem chừng 6 dặm về phía Tây bắc. Có lẽ sách đã được sao làm nhiều bản, -- bản thì đem xuống Ai-cập, bản thì đem qua Ba-by-lôn cho các phu tù học thuộc lòng và hát.

 

Ðoạn 1 -- Si-ôn bị hoang vu

Tìm đầu đề cho mỗi đoạn không phải là dễ. Những ý tưởng giống nhau chạy suốt các đoạn, duy có lời thì khác: nào cuộc vây hãm khủng khiếp, nào những đống hoang tàn, hết thảy do tội lỗi của Si-ôn. Giê-rê-mi sửng sốt, kinh ngạc, tan nát lòng và khóc lóc khủng khiếp, không sao yên ủi được. Một vài chỗ, ông viết như là chính Si-ôn lên tiếng. Ở đoạn nầy, ông đặc biệt nhấn mạnh vào nhiều điểm, trong đó có điểm nầy: Vì cớ tội lỗi của mình, nên nhơn dân tự chuốc lấy tai họa (câu 5, 8, 9, 14, 18, 20, 22).

 

Ðoạn 2 -- Cơn giận của Ðức Chúa Trời

Ông cho rằng thành Giê-ru-sa-lem bị tàn phá là trực tiếp bởi cơn giận của Ðức Chúa Trời (câu 1, 2, 3, 4, 6, 21, 22). Giê-ru-sa-lem ở trên núi, và chung quanh có núi non bao bọc; dầu đem so sánh với Ba-by-lôn, Ni-ni-ve, Thèbes và Mem-phi, là những thành kiến thiết trên đồng bằng, Giê-ru-sa-lem cũng là đô thị đẹp nhứt thời đó theo chỗ ta biết, và "là sự đẹp đẽ trọn vẹn" (câu 15). Hơn nữa, Giê-ru-sa-lem là thành được Ðức Chúa Trời săn sóc đặc biệt, được Ngài lựa chọn cho một sứ mạng vô song, là môi giới chính cho những đường lối Ðức Chúa Trời đối xử với loài người, là thành được ân huệ và đặc quyền cao nhứt thế giới, được Ngài yêu mến và che chở một cách rất đặc biệt. Hơn nữa, nó có vách lũy kiên cố đến nỗi ai cũng tưởng quân thù không tài nào chiếm được (4:2). Nhưng thành nầy của Ðức Chúa Trời đã hóa ra hư xấu, bại hoại hơn Sô-đôm (4:6), và những vách lũy bất khả xâm phạm không thể nào chống giữ khỏi cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời. Ðức Chúa Trời có sự yêu thương vô cùng, không sao dò được, cũng là Ðức Chúa Trời có cơn giận khủng khiếp nghịch cùng những ai cố ý cự tuyệt sự yêu thương của Ngài: Ðó là một giáo lý được quả quyết và chứng minh rất nhiều lần suốt cả Kinh Thánh.

 

Ðoạn 3 -- Sự sầu khổ của Giê-rê-mi

Trong đoạn nầy, Giê-rê-mi dường như than thở rằng Ðức Chúa Trời không kể đến ông và lời cầu nguyện của ông (câu 8); Ðức Chúa Trời đã "ẩn mình trong mây, đến nỗi chẳng lời cầu nguyện nào thấu qua được" (câu 44). Ông vì chính mình mà nói, nhưng cũng có lúc dường như nói thay cho dân Y-sơ-ra-ên. Dầu than thở, nhưng ông cũng xưng Ðức Chúa Trời là công bình, và nhìn nhận rằng họ đáng bị hình phạt nặng nề hơn nữa (câu 22). Ðây là một lời cầu nguyện thảm thương xin Ðức Chúa Trời lại tỏ lòng thương xót của Ngài, và chẳng phải là hoàn toàn vô hy vọng (câu 21.31, 32). Tuyệt điểm của sách nầy là câu 21-39.

 

Ðoạn 4, 5 -- Những sự đau đớn vì cuộc vây hãm

Những sự đau đớn nầy đã được kể ra tóm tắt. Giê-rê-mi không thể không nghĩ đến những nỗi khủng khiếp của cuộc vây hãm, nhưng tiếng kêu la của con trẻ đói khát (2:11, 12, 19; 4:4), và những bà mẹ nấu con nhỏ mình mà ăn (2:20; 4:10).

Mặc dầu có những sự đau đớn khủng khiếp ấy, Giê-ru-sa-lem vẫn không học bài cần phải học. Sau cuộc lưu đày, Giê-ru-sa-lem đã được xây cất lại, và đương thời Ðức Chúa Jêsus, nó lại trở thành một đô thị rộng lớn, hùng mạnh và tội lỗi nó lên tới tuyệt điểm vì đã đóng đinh Con Ðức Chúa Trời vào Thập tự giá. Rồi tới lúc đạo quân La-mã tuyệt diệt Giê-ru-sa-lem (70 S.C.). Xem ở dưới Hê-bơ-rơ 13.