Trang Đầu | Mục Lục | << Chương 28 | Chương 30 >> | Hướng Dẫn
Ða-ni-ên
Người Hê-bơ-rơ làm chánh khách và tiên tri tại
Ba-by-lôn.
Từ lúc còn thiếu niên, Ða-ni-ên đã bị đem qua
Ba-by-lôn, và sống tại đó suốt cả thời kỳ lưu đày; nhiều lúc ông giữ địa vị rất
cao trong đế quốc Ba-by-lôn và đế quốc Ba-tư.
Thành Ba-by-lôn
Ba-by-lôn, nơi Ða-ni-ên thi hành chức vụ, là thành
phố kỳ quan của thế giới thời xưa. Vị trí của Ba-by-lôn ở nơi loài người phát
tích, gần khu vực của vườn Ê-đen, và được kiến thiết chung quanh tháp Ba-bên.
Nó là thủ đô đầu tiên của đế quốc; là nơi ở của các vua Ba-by-lôn, A-si-ri,
Ba-tư và của cả A-lịch-sơn đại đế nữa; là một đô thị danh tiếng suốt cả thời kỳ
trước đạo Ðấng Christ. Ba-by-lôn lên tới tuyệt điểm hùng cường và vinh quang
đương thời Ða-ni-ên, bởi tay Nê-bu-cát-nết-sa, là bạn của Ða-ni-ên. Suốt
40 năm trị vì, Nê-bu-cát-nết-sa không ngừng xây cất và tô điểm các cung điện và
đền miễu tại Ba-by-lôn.
Diện tích thành Ba-by-lôn.--
Các sử gia thời xưa nói rằng châu vi vách thành nầy là 60 dặm, mỗi bề 15 dặm,
cao gần 100 thước tây, dày hơn 25 thước, và sâu xuống đất gần 12 thước, hầu cho
quân thù không đào ở dưới được. Vách thành xây bằng gạch chừng 1000 phân vuông,
và dày từ 7 đến 10 phân; suốt chung quanh, có khoảng trống 1/4 dặm giữa thành
và vách thành; vách thành được che chở bằng những đường mương (kinh đào) sâu,
rộng, đổ đầy nước. Trên vách thành có 250 tháp canh, những phòng cho lính gác,
và 100 cổng thành bằng đồng. Thành có sông Ơ-phơ-rát chảy qua, chia làm hai
phần đều nhau. Suốt dọc hai bờ sông, có vách gạch phòng vệ, với 25 cổng nối
liền các đường phố và đò ngang. Có một chiếc cầu xây trên trụ đá, dài nửa dặm,
rộng gần 10 thước tây, có cầu rút, ban đêm cất đi. Dưới sông có một đường hầm,
rộng chừng 5 thước tây và cao chừng 4 thước. Những cuộc đào bới trong mấy năm
gần đây đã chứng minh phần lớn ký văn dường như thần thoại của các sử gia thời
xưa.
Ðền đồ sộ thờ Marduk (Bel)
tiếp giáp tháp Ba-by-lôn (Ba-bên?), và là đền thờ có danh tiếng hơn hết suốt cả
thung lũng Ơ-phơ-rát. Trong đó có tượng thần Bel bằng vàng và một cái bàn bằng
vàng, cả hai cân nặng không dưới 50.000 cân Anh (chừng 22.650 kí-lô). Trên nóc
cũng có tượng thần Bel và thần Ishtar bằng vàng, 2 con sư tử bằng vàng,
một cái bàn bằng vàng dài chừng 13 thước tây và rộng chừng 5 thước tây, một cái
hình người bằng vàng đặc, cao gần 6 thước tây. Quả thật, Ba-by-lôn là kinh
thành có rất nhiều vàng. Thành nầy rất sùng đạo: Nó có 53 ngôi đền và 180 bàn
thờ thần Ishtar.
Có lẽ "tượng bằng vàng" đã được dựng lên
tại đồng bằng ở giữa tháp Ba-by-lôn và cung điện của Nê-bu-cát-nết-sa.
Cung điện của Nê-bu-cát-nết-sa mà Ða-ni-ên thường
ra vào, là một trong những công trình kiến trúc đẹp đẽ nhứt từng có trên mặt
đất. Năm 1899-1912, ông Koldeway khám
phá được di tích rộng lớn của cung điện nầy. Vách phía Nam của điện vua ngự
triều dày hơn 6 thước tây. Phía Bắc của cung điện có 3 bức tường phòng vệ. Ngay
phía Bắc 3 bức tường nầy lại có những bức tường dày hơn 16 thước tây. Xa hơn
chút nữa, lại có những bức tường đồ sộ. Và chừng một dặm nữa là vách lũy phía
trong của thành, gồm hai bức tường chạy song song, xây bằng gạch, mỗi bức dày
hơn 6 thước rưỡi, cách nhau hơn 13 thước tây, khoảng giữa đổ đầy gạch vụn; tổng
cộng bề dày là 26 thước và phía ngoài có đường mương (con kinh) vừa sâu, vừa
rộng. Xa hơn nữa là vách lũy phía ngoài, cũng xây cất theo cách đó. Trong những
ngày tranh chiến thời xưa, thành Ba-by-lôn quả là không sao chiếm được.
Vườn treo của Ba-by-lôn là một trong 7 kỳ quan của thế giới
thời xưa, do Nê-bu-cát-nết-sa xây dựng cho hoàng hậu, người Mê-đi, con gái kiều
diễm của Cyaxeres (tiếng Pháp là: Cyaxare), đã giúp cha của ông chiếm
thành Ni-ni-ve. Vườn nầy ở trên nhiều hàng khung vòm, hàng nọ chồng lên hàng
kia, và mỗi hàng đỡ một cái sân mặt phẳng đúc đặc. Mỗi sân chiếm chừng 36 thước
vuông. Sân và nóc có hoa, cây nhỏ, cây lớn bao phủ. Trên nóc có hồ chứa nước
tưới, do máy bơm thủy áp từ dưới sông đưa lên đó. Bên dưới, trong những khung
vòm, có nhiều căn phòng hoa lệ, là nơi tiêu khiển của cung điện. Vườn Treo xây
cất đang khi Ða-ni-ên cai quản các bác sĩ Ba-by-lôn. Ông Koldeway phát giác được các khung vòm ở góc Ðông-bắc của cung điện,
và ông cho đó là Vườn Treo.
Ðường rước kiệu,
là con đường lớn và thánh của nhà vua, bắt đầu ở phía Bắc, lần lần lên cao,
chạy vào khu cung điện ở góc Ðông-bắc, qua cổng Ishtar, lên trung tâm của thành, và lần lần xuống thấp tới góc
Ðông-nam của tháp Ba-by-lôn, tại đó nó xây thẳng ra phía Tây, tới cầu bắc trên
sông cái. Ở hai bên có những bức tường phòng thủ kiên cố, dày hơn 6 thước rưỡi,
tô điểm bằng những hình sư tử chạm nổi, có nhiều màu chói lọi và bóng láng.
Ðường lát bằng đá phiến 30 tấc vuông. Gần lối vào cung điện, các phiến đá vẫn
còn nguyên chỗ cũ, y như Ða-ni-ên bước chơn trên đó.
* * *
Thành Ba-by-lôn 2
Dự ngôn sự hủy phá.--
"Ba-by-lôn, là sự vinh hiển các nước, sự hoa mỹ của lòng kiêu ngạo người
Canh-đê, sẽ giống như Sô-đôm và Gô-mô-rơ mà Ðức Chúa Trời đã lật đổ. Nó sẽ
chẳng hề có người ở nữa, trải đời nọ sang đời kia không ai ở đó... Những thú
rừng nơi sa mạc sẽ cùng chó rừng làm ổ tại đó... Nhà cửa đầy những chim cú...
Sài lang sủa trong cung điện, chó rừng tru trong đền đài vui sướng... Chúng nó
sẽ ngủ một giấc đời đời và không tỉnh thức nữa (Ê-sai 13:17-22; Giê-rê-mi 51:37-43,
57).
Suốt thời kỳ đế quốc Ba-tư, Ba-by-lôn vẫn còn là
một đô thị quan trọng. A-lịch-sơn đại đế muốn khôi phục vinh quang của nó,
nhưng kế hoạch nầy không thành vì ông đã sớm băng hà. Sau ông, nó đã suy vi.
Ðương thời Ðấng Christ, nó mất ngôi bá chủ chánh trị và thương mại; nhằm thế kỷ
thứ nhứt S.C.; phần lớn nó đã thành đống hoang tàn. Gạch của nó dùng để kiến
thiết thành phố Bagdad và sửa chữa
các kinh đào. Trải qua nhiều thế kỷ, nó chỉ là một đám gò nỗng hoang vu, một
nơi ở của thú vật chuyên sống trong sa mạc. Lời tiên tri đã ứng nghiệm lạ lùng;
Ba-by-lôn vẫn chẳng có người ở, trừ ra một làng ở góc Tây-nam.
Di tích.-- Các gò nỗng ngày nay là di tích của những lâu đài
đồ sộ đã chiếm khu trung tâm của Ba-by-lôn. Phần nhiều ở phía Ðông của sông
cái, và chiếm một khu dài 3 dặm rưỡi, rộng 3 dặm. Ba gò nỗng chính mà ta nhận
thấy trên bản đồ là: Babil ở phía
Bắc, Kasr ở giữa, và Amran ở phía Nam. Babil là pháo lũy chống giữ lối vào thành ở phía Bắc; lối vào nầy
cách Babil và Kasr chừng một dặm rưỡi. Kasr
chừng nửa dặm vuông, cao chừng 23 thước tây, và gồm di tích cung điện của
Nê-bu-cát-nết-sa. Amran cách Kasr nửa dặm về phía Nam, cũng rộng và
cao như vậy, chứa di tích của miễu thờ thần Marduk
(Bel). Trên đồng bằng ở góc phía Bắc của gò nỗng Amran có di tích tháp Ba-by-lôn đồ sộ mà người ta thường cho là
tháp Ba-bên. Những gò nỗng thấp ở giữa Kasr
và Amran, hơi hướng về phía Ðông,
mang tên Merkes, vốn là khu thương
mại và cư trú của thành Ba-by-lôn.
Bản đồ số 43 -- Di tích thành Ba-by-lôn
Nhìn vào đống hoang tàn, ta khó nhận thấy rằng đây
là vị trí của Ba-by-lôn vĩ đại thuở xưa, là thành hoa lệ, hoang phí và tội ác
quá mức tưởng tượng, vô song trong lịch sử thế giới, mà nay chỉ là một cảnh
tượng hoàn toàn hoang vu và tàn diệt.
Các cuộc đào bới do ông Rich bắt đầu năm 1811 S.C., rồi cứ
tiếp tục bởi Layard (1850), Oppert (1854) và Rassam (1878-1889). Nhưng công việc hoàn hảo nhứt đã do một phái
đoàn Ðức, dưới quyền điều khiển của Robert
Koldeway (1899-1912).
Ðế quốc Ba-by-lôn
Ðương thời Ða-ni-ên, Ba-by-lôn chẳng những là đô
thị bậc nhứt của thế giới trước kỷ nguyên Ðấng Christ, song còn là thủ phủ của
đế quốc hùng mạnh nhứt chưa từng có tới ngày đó. Ðế quốc nầy tồn tại được 70
năm. Ða-ni-ên ở đó từ lúc nó dấy lên cho tới lúc nó suy vong.
Ða-ni-ên đã sống dưới đời trị vì của các vua sau
đây: Nabopolassar (625-604 T.C.);
Nê-bu-cát-nết-sa (604-561 T.C.); Ê-vinh-mê-rô-đác (561-560 T.C. -- xem II Các
vua 25:27); Neriglissar (559-556
T.C.); Labash-marduk (556 T.C.); Nabonidas (555-436 T.C.); con trai ông
nầy là Bên-xát-sa, đồng trị với ông trong những năm cuối cùng của đời ông trị
vì.
Như vậy, Ða-ni-ên sống tại Ba-by-lôn từ năm thứ
nhứt của Nê-bu-cát-nết-sa, trải qua đời trị vì của 5 vua kế tiếp, trải qua lúc
đế quốc Ba-by-lôn sụp đổ, đến đế quốc Ba-tư, trải qua đời trị vì của Ða-ri-út,
người Mê-đi, mãi tới năm thứ ba của Si-ru, người Ba-tư (10:1). Tổng cộng là 72
năm, từ 606 T.C. tới 534 T.C., tức là từ năm thứ nhứt dân Do-thái bị lưu đày
tới năm thứ hai sau khi họ từ chốn lưu đày hồi hương. Ông là người làm chứng cho
Ðức Chúa Trời trong triều đình của đế quốc đã cai trị thế giới.
Nê-bu-cát-nết-sa
Ða-ni-ên là bạn hữu và cố vấn
của Nê-bu-cát-nết-sa. Nê-bu-cát-nết-sa là bậc thiên tài và là người thật đã tạo
lập đế quốc Ba-by-lôn. Ông trị vì 45 năm trong số 70 năm của đế quốc nầy.
Nabopolassar, cha của
Nê-bu-cát-nết-sa, làm phó vương Ba-by-lôn và đã bẻ gãy ách thống trị của người
A-si-ri (625 T.C.). Ông thực hiện nền độc lập của Ba-by-lôn, và cai trị thành
nầy từ 625 đến 604 T.C..
Năm 609 T.C., Nê-bu-cát-nết-sa
được cử làm thống tướng các đạo quân của cha mình. Ông xâm lăng các nước ở
phương Tây, đoạt quyền kiểm soát xứ Pa-lét-tin nơi tay người Ai-cập (606 T.C.),
và bắt một số người Do-thái về Ba-by-lôn làm phu tù, trong số đó có Ða-ni-ên.
Cùng năm đó (606 T.C.), ông
lên ngôi đồng trị với cha mình; và năm 604 T.C., ông trị vì một mình. Ông tự tỏ
ra là một vua hùng mạnh nhứt của mọi thời đại.
Năm sau (605 T.C.), ông phá
tan thế lực của Ai-cập tại trận Cạt-kê-mít lừng danh trong lịch sử. Năm 597 S.C., ông đè bẹp một cuộc nổi loạn
mới tại xứ Pa-lét-tin, bắt vua Giê-hô-gia-kin và nhiều phu tù khác về
Ba-by-lôn, trong số ấy có Ê-xê-chi-ên.
Năm 586 T.C., ông thiêu hủy
thành Giê-ru-sa-lem, bắt thêm nhiều phu tù. Rồi suốt 13 năm, quân đội của ông
vây hãm thành Ty-rơ (585-573 T.C.).
Năm 582 T.C., ông xâm lăng,
cướp phá các xứ Mô-áp, Am-môn, Ê-đôm và Li-ban. Năm 581 T.C., ông lại bắt thêm
phu tù Do-thái. Ông xâm lăng, cướp phá Ai-cập năm 572 T.C., và 568 T.C.. Ông
băng hà năm 561 T.C..
Ða-ni-ên có ảnh hưởng mạnh mẽ
trên ông; ba lần ông nhìn nhận rằng Ðức Chúa Trời của Ða-ni-ên là Chân Thần
(2:47; 3:29; 4:34).
Bí Chú Khảo Cổ: Viên đá ngũ sắc của Nê-bu-cát-nết-sa
Trong quyển Thánh Kinh từ điển
của Schaff có lời chép rằng:
"Tại Bảo-tàng-viện của kinh thành Bá-linh, có một viên đá ngũ sắc nền đen,
chạm hình Nê-bu-cát-nết-sa do lịnh ông truyền, và có ghi câu nầy: Ðể tôn vinh
Mê-rô-đác, Chúa của mình, Nê-bu-cát-nết-sa, vua Ba-by-lôn, đang lúc sanh tiền,
đã truyền lịnh làm vật nầy." Ta há chẳng thích thú vì thấy hình của ông
vua hùng mạnh trong lịch sử Kinh Thánh thời xưa, sao?
Sách Ða-ni-ên
Chính sách nầy tỏ ra Ða-ni-ên
là tác giả của nó (7:1, 28; 8:2; 9:2; 10:1, 2; 12:4, 5). Chính Ðấng Christ đã
thừa nhận như vậy (Ma-thi-ơ 24:15). Người Do-thái và các tín đồ trong Hội Thánh
đầu tiên đều đã nhìn nhận như vậy. Porphyre,
một nhà vô tín ở thế kỷ thứ 3 S.C., đưa ra lý thuyết rằng sách Ða-ni-ên là sách
giả mạo soạn trong thời kỳ phái Macchabées
khởi nghĩa (168-164 T.C.). Tuy nhiên, cái quan điểm cổ truyền rằng sách nầy là
một tài liệu lịch sử có từ lúc Ða-ni-ên sanh tiền, đã được toàn thể các học giả
tin theo Ðấng Christ và các học giả Do-thái chấp nhận, cho tới khi phái phê
bình kim thời dấy lên. Ngày nay, nhơn danh "học giới kim thời," các
nhà phê bình làm sống lại lý thuyết của Porphyre,
nêu ra như một thực sự hiển nhiên rằng sách nầy do một tác giả vô danh biên
trứ, -- tác giả nầy sống 400 năm sau đời Ða-ni-ên, mạo nhận tên Ða-ni-ên, và
trao tác phẩm giả mạo của mình cho người đương thời mà bảo đó thật là tác phẩm
của một vị anh hùng đã chết từ lâu. Tuy nhiên, các nhà phê bình nhấn mạnh rằng
sự trạng nầy không thủ tiêu giá trị tôn giáo của sách. Ðó là một quan điểm kỳ
lạ về luận lý, phải không? nếu sách không phải do Ða-ni-ên trứ tác như nó tự
nhận đó, thì chúng ta làm thế nào mà nghĩ được rằng Ðức Chúa Trời đã dự phần
trong sự lừa dối đó? Vì nếu tác giả đội danh các vị anh hùng đã sống lâu lắm về
trước mà trình bày ý tưởng riêng của mình thì đó chưa phải là sự lương thiện
thông thường nữa kia. Hơn nữa, các nhà phê bình kim thời cố gắng "giải
thích rằng việc xảy ra trước chỉ là phản chiếu việc xảy ra sau, thành thử chính
việc xảy ra sau không sao giải thích được," và gây thêm nhiều khó khăn,
chớ chẳng giải quyết chi cả. Chúng tôi ngờ rằng then chốt thật của sự toan làm
mất giá trị của sách Ða-ni-ên chính là trí khôn kiêu hãnh, không chịu nhìn nhận
các phép lạ tuyệt vời và các lời tiên tri kỳ diệu ghi chép trong sách ấy.
Sách chép bằng tiếng Araméen, hoặc Canh-đê, từ 2:4 đến 7:28,
là tiếng thương mại và ngoại giao đương thời ấy. Còn thì chép bằng tiếng
Hê-bơ-rơ. Ðó là điều ta có thể tiên liệu trong một quyển sách viết cho người
Do-thái đang sống giữa người Ba-by-lôn, trong có bản sao các công văn của chánh
phủ Ba-by-lôn bằng nguyên văn Ba-by-lôn. Chắc E-xơ-ra đã đem sách nầy về
Giê-ru-sa-lem.
Ðoạn 1 -- Con người Ða-ni-ên
Ða-ni-ên ở trong đoàn phu tù
đầu tiên bị bắt từ Giê-ru-sa-lem qua Ba-by-lôn (606 T.C.). Ông thuộc về hoàng
tộc hoặc quí tộc (câu 3). Sử gia Josèphe
nói rằng Ða-ni-ên và ba bạn của ông là bà con với vua Sê-đê-kia. Do đó, họ được
phép ra vào cung điện Ba-by-lôn dễ dàng hơn. Họ là những thanh niên đẹp đẽ,
thông minh, xuất sắc, đã được Ðức Chúa Trời săn sóc đặc biệt và huấn luyện để
làm chứng cho Danh Ngài tại triều đình ngoại đạo khi ấy đang cai trị thế giới. "Ðồ
ngon vua ăn" (câu 8) mà họ không chịu ăn, chắc đã dâng làm tế lễ cho các
hình tượng Ba-by-lôn rồi. Việc Ða-ni-ên dấy lên địa vị tiếng tăm khắp thế giới
một cách kỳ lạ đã được ghi ở sách Ê-xê-chi-ên 14:14, 20 và 28:3, là sách chép
15 năm sau, trong lúc Ða-ni-ên còn là một thanh niên. Ông là một người phi
thường thay! Ông tuyệt đối không tẻ tách khỏi lòng tin đạo kiên quyết, nhưng
lại rất trung thành với ông vua thờ lạy hình tượng đến nỗi được giao cho cai
quản công việc của đế quốc Ba-by-lôn.
Ðoạn 2 -- Pho tượng trong chiêm bao
Việc nầy xảy ra năm thứ hai đời vua
Nê-bu-cát-nết-sa trị vì một mình. Ða-ni-ên vẫn còn là một thanh niên, và mới ở
Ba-by-lôn có 3 năm.
Theo như người ta thường hiểu, thì 4 đế quốc cầm
quyền bá chủ thế giới dự ngôn ở đây thì chính là các đế quốc Ba-by-lôn, Ba-tư,
Hy-lạp và La-mã. Từ thời Ða-ni-ên cho đến khi Ðấng Christ xuất hiện, thế giới
do bốn đế quốc nầy cai trị, đúng như Ða-ni-ên đã dự ngôn. Ðương thời đế quốc
La-mã, Ðấng Christ xuất hiện và lập một Nước: Mới đầu như hột cải, Nước Ngài
trải qua nhiều cuộc thăng trầm, và ngày nay tự chứng tỏ rằng sẽ trở nên một
Nước đời đời, gồm cả thế giới và sẽ được vinh quang đầy trọn khi Chúa tái lâm.
Các nhà phê bình cho rằng sách Ða-ni-ên được trứ
tác đương thời khởi nghĩa của phái Macchabée;
vậy, muốn giải thích rằng sách Ða-ni-ên liên quan đến những biến cố quá khứ,
chớ chẳng phải là dự ngôn về tương lai, họ thấy cần đặt cả 4 đế quốc vào niên
hiệu trước khi biên trứ sách Ða-ni-ên nầy. Vậy, họ chia đế quốc Ba-tư làm hai
đế quốc: Mê-đi và Ba-tư, để đặt đế quốc Hy-lạp vào hàng thứ tư. Nhưng thật ra
không có đế quốc Mê-đi và đế quốc Ba-tư sau khi đế quốc Ba-by-lôn sụp đổ. Muốn
đặt ra tình trạng ấy, thì chỉ là cố gắng làm sai lạc các thực sự lịch sử để
chứng minh một lý thuyết. Người Mê-đi và người Ba-tư là một đế quốc ở dưới
quyền cai trị của các vua Ba-tư. Ða-ri-út, người Mê-đi, chỉ là một phó vương
cai trị ít lâu và ở dưới quyền của Si-ru, người Ba-tư, cho đến khi Si-ru tới
nơi.
Hơn nữa, trong thời kỳ phái Macchabée khởi nghĩa, không xảy ra biến cố nào khả dĩ tương xứng với
"Hòn Ðá đục ra từ núi" (câu 45), hoặc khả dĩ gọi là khởi đầu của Nước
Ðức Chúa Trời bất cứ theo phương diện nào.
Hơn nữa, không thể có cách nào "nắn" các
con số để khiến cho 70 tuần lễ ở đoạn 9 được đầy trọn nhằm thời phái Macchabée khởi nghĩa.
Lời tiên tri về 4 đế quốc đây lại được nói rộng
thêm ở đoạn 7 luận về 4 con thú, ở đoạn 8 luận về chiên đực và dê đực, ở đoạn 9
luận về 70 tuần lễ, và ở đoạn 11 luận về các cuộc giao tranh giữa vua phương
Bắc và vua phương Nam.
Ðoạn 3 -- Lò lửa hực
Theo bản Septante,
biến cố nầy xảy ra năm thứ 18 đời trị vì của Nê-bu-cát-nết-sa, sau khi Ða-ni-ên
và ba bạn ông đã ở Ba-by-lôn chừng 20 năm. Ðó chính là năm mà Nê-bu-cát-nết-sa
thiêu hủy thành Giê-ru-sa-lem (năm 586 T.C.).
Mấy năm trước, Ðức Chúa Trời đã tỏ cho Ða-ni-ên
chiêm bao của Nê-bu-cát-nết-sa và cách giải thích chiêm bao thể nào, thì cũng
một thể ấy, bây giờ Ngài đặt trong lòng ba người nầy sự kiên quyết trung thành
với Ðức Chúa Trời. Rồi Ngài cùng đi vào lò lửa với họ, chẳng những để tôn trọng
đức tin họ, song cũng để bày tỏ trước mắt quần thần của đế quốc rất rộng lớn
đang tụ hội kia rằng Ðức Chúa Trời của Giê-ru-sa-lem có quyền phép trên các
thần của Ba-by-lôn mà chúng vẫn khoe khoang. Như vậy, lần thứ hai, Ðức Chúa
Trời đã tỏ mình trong triều đình của một đế quốc hùng mạnh, và cũng lần thứ
hai, vua Nê-bu-cát-nết-sa hùng mạnh sấp mình trước mặt Ðức Giê-hô-va và tuyên
bố Ngài là Chân Thần cho tới biên giới cùng tột của đế quốc mình.
Có một ngụy kinh gọi là "Bài ca của ba đứa con
thánh," nội dung là lời ba người nầy ca khen Ðức Chúa Trời vì được Ngài
giải cứu. Bài ca nầy được thêm vào sách Ða-ni-ên, sau đoạn 3:23. Nó thể hiện
một truyền thuyết lan rộng trong dân chúng, nhưng không bao giờ được coi là một
phần của Kinh Thánh (Cựu Ước) Hê-bơ-rơ.
Năm 1854, ông Oppert
đào bới di tích ở Ba-by-lôn, đã thấy cái bệ của một pho tượng khổng lồ tại một
chỗ gọi là Duair; có lẽ đó là di tích
tượng vàng khổng lồ của Nê-bu-cát-nết-sa (câu 1).
Ðoạn 4 -- Nê-bu-cát-nết-sa hóa điên và được lành mạnh
Ðây là truyện tích một chiêm bao khác của
Nê-bu-cát-nết-sa mà Ða-ni-ên giải thích, và mọi sự đã xảy ra rất đúng.
Nê-bu-cát-nết-sa bị một bịnh tinh thần, tưởng mình là con thú và đã hành động
như một con thú. Ông đi lang thang giữa những con thú trong vườn của khu hoàng
cung. Lần thứ ba Nê-bu-cát-nết-sa sấp mình trước mặt Ðức Giê-hô-va, và tuyên bố
quyền phép của Ngài với cả thế giới. "Bảy kỳ" (câu 32), -- chữ nầy
nghĩa là "mùa." Có người tưởng là 7 năm, có kẻ cho là 7 tháng. Ông Rendal Harris nói rằng: "Ở xứ
Ba-by-lôn, người ta chỉ kể mùa hạ và mùa đông." Như vậy là 3 năm rưỡi.
Trong một bi văn của Nê-bu-cát-nết-sa ghi các công
cuộc kiến thiết và công nghiệp của ông, Huân tước Henry Rawlinson có đọc những lời nầy: "Trong 4 năm, nơi ở của
nước ta chẳng làm cho lòng ta vui thích. Ta chẳng dùng quyền lực mình mà xây
cất một dinh thự trọng đại nào trên các lãnh thổ của ta. Ta không xây dựng cung
điện nào ở Ba-by-lôn cho mình và để danh mình được tôn vinh. Trong sự thờ lạy
Mê-rô-đác, là thần của ta, ta chẳng hát ngợi khen thần ấy; ta cũng chẳng dâng
tế vật trên bàn thờ thần ấy, và không dọn sạch các kinh đào." Có người
nghĩ rằng đây là nói đến bịnh điên của ông một cách xa xôi, mặc dầu các vua
thời xưa vẫn ra lịnh không được ghi những việc như vậy trên bi văn của mình.
Ông Lenormant
quả quyết người Canh-đê có truyền thoại rằng Nê-bu-cát-nết-sa leo lên mái hoàng
cung và kêu la: "Hỡi người Ba-by-lôn, một người Ba-tư sẽ đến bắt các ngươi
làm tôi mọi. Một người Mê-đi sẽ hợp tác với hắn." Nếu thật vậy, thì dường
như Nê-bu-cát-nết-sa đã lãnh hội được một vài ý tưởng của Ða-ni-ên.
Ðoạn 5 -- Bữa tiệc của Bên-xát-xa
Việc nầy xảy ra chính đêm đế quốc Ba-by-lôn sụp đổ.
Ða-ni-ên đã ở Ba-by-lôn 70 năm, và lúc nầy ông cao tuổi lắm.
Bí Chú Khảo Cổ: Bên-xát-xa
Cho tới năm 1853, người ta không thấy các ký văn
Ba-by-lôn có chép đến Bên-xát- xa. Người ta chỉ biết rằng Nabonidas (555-538 T.C.) là vua Ba-by-lôn sau chót. Ðối với các nhà
phê bình, đó là một bằng cớ tỏ ra rằng sách Ða-ni-ên không đúng với lịch sử.
Song năm 1853, người ta tìm thấy một ký văn trên phiến đá góc của đền thờ do Nabonidas xây tại U-rơ cho một thần. Ký
văn rằng: "Nguyện tôi, là Nabonidas,
vua Ba-by-lôn, không phạm tội nghịch cùng thần! Và nguyện sự tôn kính thần ở
trong lòng Bên-xát-xa, con trai đầu lòng yêu quí của tôi!"
Do những bi văn khác, người ta được biết rằng phần
nhiều Nabonidas ẩn dật ở phía ngoài
kinh thành Ba-by-lôn; còn Bên-xát-xa chỉ huy quân đội, điều khiển chánh phủ,
đồng trị với cha mình, và chính Bên-xát-xa đã đầu hàng Si-ru. Ðiều nầy giải
thích tại sao Ða-ni-ên, có thể "dự chức thứ ba trong việc chánh trị nhà
nước" (câu 16, 29). "Nê-bu-cát-nết-sa, cha vua" (câu 11), không
phải là cha thật của Bên-xát-xa, nhưng là bậc tiên đế đối với ông.
Bí Chú Khảo Cổ: Bàn tay viết trên tường (câu 25, 28)
Người ta đã phát giác được chính nền móng của bức
tường nầy.
Các ông Xénophon,
Hérodote và Bérose đã thuật lại sự suy vong của Ba-by-lôn như sau đây:
"Si-ru đào một con kinh mới cho sông Ơ-phơ-rát chảy vào đó, rồi nhờ hai
tên lính đào ngũ dẫn lối, ông do lòng sông khô cạn mà tiến vào trong thành,
đang khi người Ba-by-lôn say sưa yến tiệc mừng các thần của họ."
Ký văn trên các tấm bảng Ba-by-lôn mà người ta tìm
thấy mấy năm gần đây, có ghi rằng đạo quân Ba-tư dưới quyền chỉ huy của Gobryas, đã chiếm Ba-by-lôn mà không
phải đánh một trận nào, và Gobryas đã
giết con trai của vua (tức là Bên-xát-xa); còn Si-ru thì sau mới vào thành.
Ða-ri-út, người Mê-đi, đã nhận lấy nước (câu 31) và
trị vì tại Ba-by-lôn cho tới khi Si-ru lên cầm quyền (6:28; 9:1). Dưới đời trị
vì của Ða-ri-út, Ða-ni-ên đã bị quăng vào hang sư tử. Nhưng các ký văn không
chép chi về Ða-ri-út. Người ta cho rằng hoặc Ða-ri-út là Gobryas, người mà các tấm bảng Ba-by-lôn ghi là đã chiếm thành ấy,
hay là -- theo lời sử gia Josèphe --
Cyaxares, người Mê-đi, cha vợ của Si-ru. Có một tên Ba-by-lôn và một tên
bổn quốc là điều thông thường; tỉ như Ða-ni-ên và ba bạn ông đã được đặt tên
mới (1:7). Nhưng dầu Ða-ri-út là cha vợ của Si-ru hoặc là một tướng của Si-ru,
ông cũng đã cầm đầu đạo quân chiếm Ba-by-lôn trong khi Si-ru bận đánh trận ở phía
Bắc và phía Tây. Cho tới ngày Si-ru đến nơi, Ða-ri-út đã làm vua trị vì tại
Ba-by-lôn, có lẽ chừng 2 năm (538-536 T.C.).
Ðã có lời dự ngôn rằng người Mê-đi sẽ chiến thắng
Ba-by-lôn (Ê-sai 13:17; 21:2; Giê-rê-mi 51:11, 28). Cho tới lúc Si-ru đến nơi,
thì là "người Mê-đi và người Phe-rơ-sơ" (Ba-tư -- 5:28; 6:8). Sau đó
thì là "Phe-rơ-sơ (Ba-tư) và Mê-đi" (Ê-xơ-tê 1:14, 18, 19).
Ðoạn 6 -- Ða-ni-ên trong hang sư tử
Ða-ni-ên là một đại thần của đế quốc Ba-by-lôn suốt
70 năm, là cả thời gian đế quốc ấy tồn tại. Dầu lúc nầy ông rất già, có lẽ đã
trên 90 tuổi, nhưng Ða-ri-út, người chiến thắng Ba-by-lôn, lập tức đặt ông cầm
đầu chánh quyền Ba-by-lôn. Ấy có lẽ vì Ða-ni-ên vừa mới nói tiên tri rằng người
Mê-đi thắng trận (5:28). Ðó là một cách khen tặng sự khôn ngoan, thanh liêm và
vô tư của ông. Nhưng ông vẫn kiên quyết tận tụy với Ðức Chúa Trời mình (câu
10). Ðức tin lớn lao thay! Can đảm lớn lao thay! Thật là một ông già dũng cảm
biết bao! Chúng tôi có nghe một vị Truyền đạo nói rằng sở dĩ bầy sư tử không
cắn xé, ăn nuốt Ða-ni-ên là vì ông cứng quá!
Ngụy kinh "Bel
và Con Rồng" là phần thêm vào truyện tích Ða-ni-ên trong hang sư tử.
Các
phép lạ trong sách nầy
Trong sách nầy có kể lại nhiều chuyện lạ lùng. Với
những ai thấy là khó tin những chuyện nầy, chúng ta xin nói rằng: Chúng ta hãy
nhớ rằng trải qua 1000 năm, Ðức Chúa Trời đã trưởng dưởng dân tộc Hê-bơ-rơ vì
một mục đích, là bởi dân tộc ấy, giữa thế giới gồm toàn những nước thờ lạy hình
tượng, Ngài lập vững cái Ý Tưởng rằng Giê-hô-va Là Ðức Chúa Trời.
Lúc nầy dân tộc của Ðức Giê-hô-va đã bị tiêu diệt bởi một dân tộc thờ lạy hình
tượng. Trước mắt cả thế giới, đó là bằng cớ tỏ rõ rằng các thần của Ba-by-lôn
có quyền phép hơn Ðức Chúa Trời của dân Do-thái. Ðó là một lúc khẩn trương
trong cuộc tranh đấu của Ðức Giê-hô-va nghịch cùng sự thờ lạy hình tượng. Nếu
có lúc nào mà Ðức Giê-hô-va cần làm một việc gì để Tỏ Ra Ai Là Ðức Chúa Trời,
thì chính là lúc dân Do-thái bị lưu đày tại Ba-by-lôn. Nếu không có điều chi
phi thường xảy ra, hẳn cũng lạ thật! Nếu những phép lạ vĩ đại nầy không thực
hiện, thì trong lịch sử Kinh Thánh chắc phải thiếu một cái gì. Dầu khó tin
những phép lạ nầy, nhưng nếu không có nó, thì ta càng khó tin các phần khác của
truyện tích trong sách Ða-ni-ên. Từ lúc
đầu, hết thế hệ nầy tới thế hệ khác, người Do-thái luôn luôn sa vào vòng thờ
lạy hình tượng; song rốt lại, lúc nầy, đang khi bị lưu đày tại Ba-by-lôn, ít ra
họ cũng tin quyết rằng Ðức Chúa Trời của họ là Chân Thần; và từ đó trở đi, họ
không hề sa vào vòng thờ lạy hình tượng nữa. Chắc những phép lạ nầy đã góp phần
thuyết phục họ. Những phép lạ nầy có một ảnh hưởng mạnh mẽ trên cả
Nê-bu-cát-nết-sa và Ða-ri-út (3:29; 6:26).
Ðoạn 7 -- Bốn con thú
Ðây là tiếp tục lời tiên tri ở đoạn 2, đã nói ra 60
năm trước: Ta thấy hai trạng thái của một hệ thống lịch sử vĩ đại, là 4 đế quốc
bá chủ thế giới, rồi tới Nước Ðức Chúa Trời. Ðoạn 2 hình dung bằng một pho
tượng đầu bằng vàng, ngực và cánh tay bằng bạc, bụng và vế bằng đồng, và chơn
bằng sắt, cả thảy bị nghiền nát bởi Hòn Ðá đục ra từ núi. Trong đoạn nầy, 4 đế
quốc bá chủ thế giới ấy lại được hình dung bằng con sư tử, con gấu, con beo và
một con thú kinh khiếp. Ðoạn nầy thêm nhiều lời giải thích tỉ mỉ, nhứt là về đế
quốc thứ tư.
Người ta thường cho 4 đế quốc bá chủ thế giới nầy
là Ba-by-lôn, Ba-tư, Hy-lạp, và La-mã (xem ở dưới đoạn 2), gồm khoảng thì giờ
từ thời Ða-ni-ên cho tới Ðấng Christ. Những con thú nầy dường như làm nền tảng
cho sự hiện thấy về con thú có 7 đầu và 10 sừng ở sách Khải Huyền, đoạn 13.
Người ta cho "mười cái sừng" của con thú
thứ tư (câu 24) là 10 nước mà đế quốc La-mã đã bị phân tán ra. Còn "cái
sừng nhỏ khác" (câu 8, 20, 24, 25) dấy lên giữa 10 cái sừng, thì người ta
thường hay cho là thủ lãnh của một Giáo hội kia, tức là sự liên hiệp của con
beo và con chiên con ở sách Khải Huyền, đoạn 13. Người ta cho rằng "ba
vua" bị đánh đổ (câu 8, 24) chỉ về xứ của người Lombards, thành Ravenne
và thành La-mã đã được trao cho các thủ lãnh kia lúc họ bắt đầu có nước ở trần
gian (năm 754 S.C.).
Do lời giải thích nầy cùng với lời giải thích lịch
sử về con thú bảy đầu và mười sừng của sách Khải Huyền, chúng ta được thấy sơ
lược cả lịch sử thế giới: Ai-cập, A-si-ri, Ba-by-lôn, Ba-tư, Hy-lạp, La-mã,
La-mã của thủ lãnh Giáo hội kia. Theo sau La-mã có "mười nước;" chúng
tôi tưởng đó là con số chẵn tỏ ra quyền cai trị thế giới không giao cho một
quốc gia nào, nhưng cho một số quốc gia. Ðó như là mười nước tiếp tục đế quốc
La-mã cho tới kỳ sau rốt. Từ đó tới nay, không hề có một đế quốc nào làm bá chủ
thế giới. Nã-phá-luân đã thử làm như vậy, nhưng thất bại. Vua nước Ðức (Kaiser) và Hitler cũng thử làm như vậy, nhưng cũng thất bại.
"Cái sừng nhỏ khác" (câu 8, 20, 24, 25)
rất đúng với thủ lãnh của Giáo hội kia. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng nó cũng chỉ
về Antichrist.
Các khoảng thì giờ trong sách Ða-ni-ên
"Một kỳ, những kỳ, và nửa kỳ" ở 7:25, chỉ
về thời gian "cái sừng nhỏ khác" của con thú thứ tư tồn tại.
"Một kỳ, những kỳ và nửa kỳ" ở 12:7 chỉ
về thời gian từ Ða-ni-ên cho tới "kỳ sau rốt."
"Một thì, các thì và nửa thì" được dùng ở
Khải Huyền 12:14, tương đương với 42 tháng và 1260 ngày (Khải Huyền 11:2, 3;
12:6, 14; 13:5). Các câu nầy chỉ về thời gian Thành Thánh bị giày xéo, hai
người làm chứng nói tiên tri, người đờn bà ở trong đồng vắng, và con thú sống
lại ngồi trên ngôi.
"Hai ngàn ba trăm buổi chiều và buổi mai"
(8:14) chỉ về thời gian Nơi Thánh bị cái sừng nhỏ của con thú thứ ba giày xéo
dưới chơn. Có thể là 2300 ngày, hoặc 2300 nửa ngày, tức là 1150 ngày, tức là
gần 3 năm rưỡi, hoặc gần 7 năm.
"Một ngàn hai trăm chín mươi ngày"
(12:11) là thời gian tồn tại của "sự gớm ghiếc làm cho hoang vu,"
hoặc thời gian từ khi nó bắt đầu cho tới kỳ sau rốt. Ấy là hơn khoảng 1260 ngày
một chút.
"Một ngàn ba trăm ba mươi lăm ngày"
(12:12), dường như là thêm 40 ngày nữa, vào khoảng 1290 ngày, sau đó có phước
lành chung kết.
"Bảy mươi tuần lễ" (9:24) là thời gian từ
khi có chiếu chỉ xây lại thành Giê-ru-sa-lem cho tới khi Ðấng Mê-si xuất hiện.
Nó gồm "bảy tuần lễ" của "kỳ khó khăn" (9:25) và "một
tuần lễ" trong đó Ðấng chịu xức dầu bị trừ đi (9:26, 27).
Người ta thường cho rằng chữ "kỳ" (thì) ở
câu "một kỳ, những kỳ, và nửa kỳ" có nghĩa là một năm; như vậy, câu
nầy nghĩa là 3 năm rưỡi, tức là 42 tháng, hoặc (tính mỗi tháng có 30 ngày) 1260
ngày.
Người thì cho đó thật có nghĩa đen là 3 năm rưỡi.
Người khác, theo lối giải thích một ngày là một năm (Dân số ký 14:34;
Ê-xê-chi-ên 4:6), lại cho đó là một khoảng 1260 năm. Kẻ khác nửa lại không cho
là con số chỉ về khoảng thời gian hay thì giờ, mà là con số tượng trưng: 7
tượng trưng cho sự hoàn toàn, 3 rưỡi, tức là một nửa 7, chỉ về sự bất toàn,
nghĩa là đời trị vì của tội ác chỉ tạm thời thôi.
Những khoảng thì giờ nầy có liên quan mật thiết với
câu "sự gớm ghiếc làm cho hoang vu," là công tác do cái sừng nhỏ của
con thú thứ ba (8:13; 11:31). "Sự gớm ghiếc" nầy cũng có sau khi Ðấng
Mê-si bị trừ đi (9:27), và là khởi điểm của 1290 ngày (12:11). Ðức Chúa Jêsus
trưng dẫn câu "sự tàn phá làm cho hoang vu" nầy, và cho là nó chỉ về
thành Giê-ru-sa-lem gần bị đạo quân La-mã phá hủy (Ma-thi-ơ 24:15). Ngài trưng
dẫn câu ấy trong một bài giảng có những lời hỗn hợp bao hàm kỳ tận thế.
Có nói đến "kỳ khó khăn" dành cho 7 tuần
lễ lúc đầu và 1 tuần lễ lúc cuối của khoảng 70 tuần lễ (9:25, 27). Có dự ngôn
về "tai nạn, đến nỗi... chẳng có như vậy bao giờ" (12:1), dành cho
"kỳ cuối cùng" (hoặc kỳ sau rốt -- 12:4, 9, 13). Ðức Chúa Jêsus đã
trưng dẫn câu nầy để chỉ về sự hủy phá thành Giê-ru-sa-lem luôn với lúc tận thế
(Ma-thi-ơ 24:21).
Antiochus đã xúc phạm Ðền thờ trong 3 năm rưỡi (168-165
T.C.). Quân đội La-mã tấn công thành Giê-ru-sa-lem trong 3 năm rưỡi (67-70
S.C.). Thủ lãnh của Giáo hội kia quản trị thế giới gần 1260 năm, từ thế kỷ thứ
6 đến thế kỷ thứ 18 S.C.. Hồi giáo cai trị xứ Pa-lét-tin năm 637 S.C., và mãi
vào khoảng 1260 năm sau (1917 S.C.), quyền cai trị ấy mới chuyển qua
Cơ-đốc-giáo.
Chúng tôi nghĩ rằng không một lời giải thích nào có
thể thấu triệt ý nghĩa các điểm thời gian nầy của Ða-ni-ên. Có thể hiểu các
điểm ấy theo nghĩa đen, nghĩa bóng và nghĩa tượng trưng. Có thể các điểm ấy
được ứng nghiệm trước nhứt trong một biến cố lịch sử, rồi được ứng nghiệm trong
một biến cố khác, và cuối cùng được ứng nghiệm ở kỳ sau rốt. Sự xúc phạm Ðền
thờ bởi Antiochus, sự hủy phá thành
Giê-ru-sa-lem bởi Titus, và sự tiếm
quyền trong Hội Thánh do thủ lãnh kia, có thể đều là tiền khu và tượng trưng
cho cơn Ðại nạn trong thời Antichrist. Nếu không cảm thấy chắc chắn mình đã
hiểu biết, thì chúng ta chớ quá thất vọng; chính Ða-ni-ên cũng phát đau ốm vì
không hiểu rõ (8:27).
Ðoạn 8 -- Chiên dực và dê đực
Ðoạn nầy chứa thêm lời dự ngôn về đế quốc bá chủ
thế giới thứ hai và thứ ba đã nói đến ở đoạn 2 và đoạn 7, tức là đế quốc Ba-tư
và đế quốc Hy-lạp.
Ðế quốc Ba-tư được hình dung ở đoạn 7:5 là một con
gấu cắn nuốt, và ở đây được hình dung là con chiên đực có hai cái sừng (câu
3-4), vì nó là cuộc liên minh của người Mê-đi và người Ba-tư.
Ðế quốc Hy-lạp được hình dung ở đoạn 7:6 là con beo
có bốn đầu, và ở đây được hình dung là con dê đực hùng hổ và mau lẹ từ phía Bắc
xông tới, có một sừng lớn, và khi sừng nầy bị gãy, thì có bốn sừng khác thay
thế.
Sừng lớn là A-lịch-sơn đại đế, đã phá tan đế quốc
Ba-tư năm 331 T.C.. Lời tiên tri nầy viết năm 539 T.C., tức là 200 năm trước
khi được ứng nghiệm. Ðó là dự ngôn rất lạ lùng về sự xung đột và kết quả sự
xung đột giữa hai đế quốc bá chủ thế giới mà lúc dự ngôn, chưa một đế quốc nào
đã dấy lên.
"Bốn cái sừng" (câu 8, 21-22) và bốn cái
đầu (7:6) là bốn nước mà đế quốc của A- lịch-sơn đại đế đã phân tán ra (xem
thêm ở đoạn 11).
"Cái sừng nhỏ" (câu 9) từ bốn cái sừng
kia mọc lên, thì người ta đồng ý cho là chỉ về Antiochus Epiphane (175-164 T.C.), thuộc nhánh Sy-ri của đế quốc
Hy-lạp, người đã cương quyết cố gắng trừ diệt đạo Do-thái (xem ở dưới
11:21-35). Tuy nhiên, mấy chữ "kỳ sau rốt" được lặp lại (câu 17, 19)
có thể có nghĩa là cùng với Antiochus
sắp xuất hiện, ở bối cảnh xa xăm của sự hiện thấy còn có hình ảnh bất tường của
một tay hủy diệt khủng khiếp hơn bội phần (câu 26), -- nó sẽ làm đen tối những
ngày sau chót của lịch sử, và Antiochus
chỉ là một tiền khu tượng trưng cho nó mà thôi.
Ðoạn 9 -- 70 tuần lễ
Cuộc lưu đày đã kéo dài 70 năm và gần chấm dứt. Ðây
thiên sứ bảo Ða-ni-ên rằng cho tới lúc Ðấng Mê-si xuất hiện, còn có "70
tuần lễ" nữa (câu 24).
Người ta thường hiểu rằng "70 tuần lễ"
nghĩa là 70 lần 7 năm, hoặc 7 lần 70 năm, tức là 490 năm. Dường như thiên sứ
nói rằng: "Cuộc lưu đày đã kéo dài 70 năm; khoảng thì giờ giữa cuộc lưu
đày và sự xuất hiện của Ðấng Mê-si sẽ dài gấp bảy lần chừng đó."
Con số 7 và những vòng 7 bảy năm thường có ý nghĩa
tượng trưng; song các biến cố thực sự trong lời tiên tri nầy thật rất lạ lùng
như sau đây:
Niên hiệu phải bắt từ đó mà tính 70 tuần lễ là năm
ban hành chiếu chỉ xây lại thành Giê-ru-sa-lem (câu 25). Các vua Ba-tư đã giáng
ba chiếu chỉ nhằm mục đích ấy, vào các năm 536 T.C.; 457 T.C.; và 444 T.C.,
(xem dưới sách E-xơ-ra). Quan trọng nhứt là chiếu chỉ ban hành năm 457 T.C..
70 tuần lễ được chia ra làm 7 tuần lễ, 62 tuần lễ
và 1 tuần lễ (câu 25, 27). Ta khó nhận thấy "7 tuần lễ" được áp dụng
thể nào; nhưng 69 tuần lễ (gồm cả 7 tuần lễ kia) bằng 483 ngày, ấy là theo
thuyết một ngày thay cho một năm (Ê-xê-chi-ên 4:6); như vậy là 483 năm, theo
cách giải thích thường được công nhận.
483 năm nầy là thời gian ở giữa chiếu chỉ xây lại
thành Giê-ru-sa-lem và sự xuất hiện của "Ðấng chịu xức dầu" (câu 25).
Như đã ghi chú trên kia, chiếu chỉ xây lại thành Giê-ru-sa-lem giáng năm 457
T.C.. Thêm 483 năm vào năm 457 T.C., ta sẽ có năm 26 S.C., là chính năm Ðức
Chúa Jêsus chịu phép báp-têm và khởi thi hành chức vụ công khai. Ðó là lời tiên
tri của Ða-ni-ên được ứng nghiệm rất lạ lùng, đúng cả năm nữa (kỷ nguyên Cơ-đốc
bắt đầu năm thứ 4 T.C.).
Hơn nữa, sau 3 năm rưỡi, Ðức Chúa Jêsus bị đóng
đinh vào Thập tự giá, tức là vào khoảng tuần ấy, "Ðấng chịu xức dầu sẽ bị
trừ đi", "đặng... trừ tội lỗi, làm sạch sự gian ác, và đem sự công
bình đời đời vào" (câu 24, 26, 27).
Như vậy, Ða-ni-ên chẳng những dự ngôn lúc Ðấng
Mê-si xuất hiện, song cũng dự ngôn thời gian Ngài thi hành chức vụ công khai và
sự chết của Ngài để đền tội lỗi loài người.
Có người nghĩ rằng Ðức Chúa Trời ngưng niên biểu
của Ngài lúc Ðấng Christ chịu chết, cứ để nguyên vậy đang khi dân Y-sơ-ra-ên bị
tản lạc, và nửa cuối của "một tuần lễ" thuộc về kỳ sau rốt.
Tóm tắt các lời tiên tri của Ða-ni-ên
Bốn nước, rồi tới Nước đời đời của Ðức Chúa Trời
(đoạn 2).
Nê-bu-cát-nết-sa bị chứng điên và được lành (đoạn 4).
Ðế quốc Ba-by-lôn sụp đổ và đế quốc Ba-tư dấy lên
(đoạn 5).
"Ðế quốc thứ tư," "mười cái
sừng" của nó và cái "cái sừng nhỏ khác" (đoạn 7).
Ðế quốc Hy-lạp và "bốn cái sừng" của nó
(đoạn 8).
"Bảy mươi tuần lễ," thời gian từ Ða-ni-ên
đến Ðấng Mê-si (đoạn 9).
Các hoạn nạn của Ðất Thánh trong thời gian giữa Cựu
Ước và Tân Ước (đoạn 11).
Các dấu hiệu về kỳ sau rốt (đoạn 12).
Ðoạn 10 -- Thiên sứ của các nước
Sự hiện thấy cuối cùng nầy (đoạn 10, 11, 12) xảy ra
hai năm sau khi dân Do-thái trở về xứ Pa-lét-tin (534 T.C.). Ðức Chúa Trời giở
bức màn lên và tỏ cho Ða-ni-ên thấy một vài thực sự của thế giới vô hình, --
tức là cuộc giao tranh tiếp diễn giữa các bậc trí tuệ siêu nhân, một bên thiện,
một bên ác, để cố gắng kiểm soát trào lưu của các nước; một vài bậc ấy tìm cách
che chở dân Ðức Chúa Trời. Mi-ca-ên là thiên sứ bảo vệ dân Y-sơ-ra-ên (câu 13,
21). Một thiên sứ không được ghi tên, trò chuyện với Ða-ni-ên. Hy-lạp có thiên
sứ riêng của mình (câu 20) và Ba-tư cũng vậy (câu 13, 20). Dường như Ðức Chúa
Trời tỏ cho Ða-ni-ên thấy một vài cán bộ bí mật của Ngài đang hoạt động để thực
hiện sự hồi hương của dân Y-sơ-ra-ên. Một thiên sứ giúp đỡ Ða-ri-út (11:1).
Trong đoạn nầy, các thiên sứ ấy được tỏ ra là đang chăm chú đến số phận dân
Y-sơ-ra-ên; và trong sách Khải Huyền, thì họ được tỏ ra là chăm chú đến số phận
của Hội Thánh. Ở Khải Huyền 12:7-9, Mi-ca-ên và các thiên sứ của mình giao
chiến với Sa-tan và các quỉ sứ của nó. Theo thơ Ê-phê-sô 6:12, các quyền lực
gian ác của thế giới vô hình là kẻ thù chánh yếu mà tín đồ Ðấng Christ phải
giao tranh với. Khi Ðức Chúa Jêsus giáng sanh, thì các thiên sứ rất hoạt động.
Ðức Chúa Jêsus tin có thiên sứ (xem ở dươi Ma-thi-ơ 4:11).
Ðoạn 11 -- Các vua phương Bắc và các vua phương Nam
Các đoạn 2, 7, 8, 9, 11 chứa những lời dự ngôn về 4
đế quốc và các biến cố từ Ða-ni-ên đến Ðấng Christ; các đoạn ấy dường như có
liên quan đến những cường quốc trên thế giới về sau và những biến cố tiếp diễn
từ thời Ðấng Christ cho tới kỳ sau rốt. Ðây là đại cương sử ký thế giới gồm
trong các đoạn ấy:
Ðế quốc Ba-by-lôn (606-536 T.C.).
Ðế quốc Ba-tư (536-332 T.C.).
Ðế quốc Hy-lạp, sau chia làm 4 nước (331-146 T.C.).
Chiến tranh giữa các vua Hy-lạp cai trị khu Sy-ri
và khu Ai-cập (323-146 T.C.).
Antiochus Epiphane và việc hắn xúc phạm thành Giê-ru-sa-lem (175-164
T.C.).
Ðế quốc La-mã (146 T.C.- 400
S.C.).
Thủ lãnh Giáo hội kia cầm đầu
đế quốc bá chủ thế giới (thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 18).
Hồi giáo cai trị Ðất Thánh
(thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 20).
Những hoạn nạn trên thế giới
và sự sống lại nhằm "kỳ cuối cùng."
Những lời dự ngôn nầy cứ lần
lần giải thích thêm chi tiết. Ở đoạn 2 có lời tuyên bố đại cương rằng có 4 đế
quốc bá chủ thế giới từ thời Ða-ni-ên cho đến thời Ðấng Mê-si. Ở đoạn 7 có chi
tiết về đế quốc thứ tư. Ở đoạn 8 có chi tiết về đế thứ quốc thứ hai và đế quốc
thứ ba. Ở đoạn 11 có thêm chi tiết về đế quốc thứ ba.
Ðế quốc thứ ba là đế quốc
Hy-lạp do A-lịch-sơn đại đế sáng lập năm 331 T.C.. Khi ông qua đời, thì đế quốc
nầy chia ra giữa các tướng của ông và trở thành: Hy-lạp, Tiểu-Á-tế-á, Sy-ri, Ai-cập.
Trong đoạn nầy, các vua Sy-ri được gọi là "vua phương Bắc," còn các
vua Ai-cập được gọi là: "vua phương Nam." Ða-ni-ên dự ngôn về cuộc
hành quân của các vua nầy 200 năm trước khi có đế quốc Hy-lạp và 400 năm trước
khi có những vua nầy. Lời ông mô tả tỉ mỉ các cuộc hành quân của họ tỏ ra dự
ngôn và lịch sử theo sau ăn hiệp với nhau một cách rất lạ lùng. Ðoạn 11 là lịch
sử viết trước của thời kỳ giữa Cựu Ước và Tân Ước. Dưới đây là đại lược các
biến cố ăn hiệp với những câu Kinh Thánh đã dự ngôn nó:
"Ba vua trong nước
Phe-rơ-sơ" (câu 2): Ấy là Si-ru, Cambyse
và Ða-ri-út Hystaspe. "Vua thứ
tư" là Xerxès, vua Ba-tư giàu có nhứt và hùng mạnh nhứt, đã xâm lăng
Hy-lạp, song bị thất trận tại Salamine
(480 T.C.).
"Một vua mạnh" (câu
3) là A-lịch-sơn đại đế. Nước của vua nầy bị chia ra làm "bốn" (câu
4), là Hy-lạp, Tiểu-Á-tế-á, Sy-ri, Ai-cập.
"Vua phương Nam"
(câu 5) là Ptolémée I, vua Ai-cập. "Một
trong các tướng của vua" là Séleucos
Nicartor; ông nầy vốn là một tướng ở dưới quyền Ptolémée, đã trở thành vua Sy-ri và là vua kế vị hùng mạnh nhứt của
A-lịch-sơn đại đế.
"Công chúa" (câu 6):
Ðây là Bérénice, con gái của Ptolémée II, gả cho Antiochus II và bị mưu sát.
"Một chồi ra từ rễ công chúa" (câu 7) là Ptolemée III, em của Bérénice,
đã xâm lăng Sy-ri để trả thù, và thắng một trận lớn (câu 8).
"Hai con trai" (câu
10) là Séleucos III và Antiochus III (đại đế). Câu 11-12: Ptolémée IV đánh bại Antiochus III, gây cho tổn thất nặng nề,
trong trận Raphia, gần biên giới
Ai-cập (217 T.C.). Câu 13: 14 năm sau, đem đạo quân lớn trở lại đánh Ai-cập. Câu 14: Người Do-thái giúp đỡ Antiochus. Câu 15: Antiochus
đánh bại các lực lượng của Ai-cập. Câu 16: Antiochus,
chiếm xứ Pa-lét-tin. Câu 17: Antiochus
gả con gái, là Cléopâtre cho Ptolémée V,
mong nhờ tình thông gia bịp bợm mà kiểm soát được Ai-cập. Nhưng nàng đã theo
chồng. Câu 18, 19: Bấy giờ Antiochus
xâm lăng Tiểu-Á-tế-á và Hy-lạp, rồi bị đạo quân La-mã đánh bại tại Magnésie (190 T.C.). Ông trở về xứ mình
và bị giết.
"Kẻ đáng khinh dể"
(câu 21-35) là Antiochus Epiphane. Câu
21: Hắn không phải là kẻ kế vị chánh thống, nhưng đã dùng mưu chước quỉ quyệt
mà được ngôi vua. Câu 22-25: Hắn tự tôn làm vua Ai-cập, một phần bởi võ lực,
một phần bởi mưu mô lừa gạt. Câu 26: Ptolémée
VI, con trai của Cléopâtre, cháu
của Antiochus, bị bầy tôi phản bội,
nên thua trận. Antiochus và Ptolémée làm
bộ thân thiện, nhưng lại tranh giành và phản bội nhau. Câu 28: Trên đường từ
Ai-cập trở về, Antiochus tấn công
Giê-ru-sa-lem, giết 80 ngàn người Do-thái, bắt 40 ngàn người và bán 40 ngàn
người làm tôi mọi. Câu 29: Antiochus lại
xâm lăng Ai-cập. Nhưng hạm đội La-mã bắt buộc hắn phải rút lui. Câu 30-31: Hắn
trút cơn thạnh nộ trên thành Giê-ru-sa-lem, và trong lúc điên cuồng, hắn xúc
phạm cả Ðền thờ. Câu 32: Có những người Do-thái bội đạo giúp đỡ hắn. Câu 32-35:
Sự nghiệp hiển hách của các anh em Macchabées
anh dũng.
Về câu 36-45, thì có ý kiến
khác nhau, có người nói rằng nó luận về Antiochus
Epiphane: người thì cho là chỉ về thời kỳ Hồi giáo chiếm Ðất Thánh; người
thì tưởng là chỉ về Antichrist, người
lại cho là chỉ về cả ba và "đã bắt đầu ứng nghiệm lần đầu."
Ðoạn 12 -- Kỳ cuối cùng
Ðể chấm dứt bức họa các thời
kỳ và biến cố của lịch sử thế giới, Ða-ni-ên lẹ làng tiến tới kỳ cuối cùng (câu
4, 9, 13), là lúc sẽ có tai nạn chưa từng thấy (câu 1), theo sau có sự sống lại
của kẻ chết và sự vinh hiển đời đời cho các thánh đồ (câu 2, 3).
"Có tai nạn, đến nỗi từ
khi mới có nước đến kỳ đó cũng chẳng có như vậy bao giờ" (câu 1). Câu nầy
không phải là không thể ứng dụng cho thế hệ chúng ta: Nào khảo đả, đau đớn và chết
mất của nhiều toàn thể dân tộc, do tay bọn độc tài như quỉ sứ. Có lẽ không khốc
liệt hơn những sự hung bạo do tay của Antiochus,
Titus, các hoàng đế La-mã và các thủ lãnh Giáo hội của thời Tôn giáo Pháp
đình (Inqufsition), nhưng với một mực
độ vô song trong tất cả lịch sử từ trước đến nay. Nhưng chưa đến cuối cùng đâu.
"Nhiều kẻ sẽ đi qua đi
lại, và sự học thức sẽ được thêm lên" (câu 4). Ðó là đặc điểm của kỳ cuối
cùng. Ðiều nầy cũng ứng dụng cho thế hệ chúng ta, chớ không còn ứng dụng cho
thế hệ nào khác: Xe lửa, xe hơi, tàu biển, phi cơ, sách vở, báo chí, máy thâu
thanh, đó là những phương pháp du hành và phổ biến trí thức với một mực độ chưa
hề có ai mơ tưởng trong bất cứ thời kỳ lịch sử quá khứ nào.
Và ngày nay, trên hết mọi sự
đó, đã có bom nguyên tử, làm cho lòng người ta khủng khiếp đến nỗi ta tự hỏi
phải chăng mình thật đang sống trong thời kỳ mà Ðức Chúa Jêsus phán là khung
cảnh tái lâm của Ngài: "Dưới đất, dân các nước sầu não, rối loạn vì biển
nổi tiếng om sòm và sóng đào. Người ta nhơn trong khi đợi việc hung dữ xảy ra
cho thế gian, thì thất kinh, mất vía" (Lu-ca 21:25-26)?