Trang Đầu | Mục Lục | << Chương 31 | Chương 33 >> | Hướng Dẫn

THÁNH KINH

A-mốt

 

Y-sơ-ra-ên bội đạo và làm gian ác
Sự đoán phạt chắc chắn
Sự khôi phục
Vinh quang tương lai của nước Ða-vít

 

 

Lời tiên tri nầy dường như đã được nói ra trong dịp thăm viếng Bê-tên (7:10-14), chừng 30 năm trước khi Y-sơ-ra-ên suy vong.

A-mốt là một tiên tri của Giu-đa, nước phía Nam, có truyền sứ điệp cho Y-sơ-ra-ên, nước phía Bắc, dưới đời trị vì của Ô-xia, vua Giu-đa (787-735 T.C.), và Giê-rô-bô-am II, vua Y-sơ-ra-ên (790-749 T.C.), xem 1:1 -- Sử gia Josèphe nói rằng "cơn động đất" (1:1) xảy ra cùng một lúc Ô-xia bị bịnh phung (II Sử ký 26:16-21). Ðó là lúc Giô-tham bắt đầu đồng trị, chừng năm 749 T.C.. Như vậy, lời tiên tri của A-mốt nói ra khoảng năm 751 T.C..

Ðời trị vì của Giê-rô-bô-am II rất thành công. Nước được mở rộng nhiều lắm (II Các vua 14:23-29). Mức thạnh vượng của Y-sơ-ra-ên lên như thủy triều; nhưng họ cứng lòng trong sự thờ lạy hình tượng, và đời đạo đức xông mùi thúi tha, hư hoại. Cả đất nước đầy dẫy sự chưởi rủa, trộm cắp, bất công, hà hiếp, cướp bóc, tà dâm và sát nhân.

Mười chi phái ly khai với nước Ða-vít đã gần được 200 năm (kể từ năm 933 T.C.), và đã dựng nước độc lập ở phía Bắc, lấy sự thờ lạy bò con làm quốc giáo (II Các vua 12:25-33). Trong một phần thời gian nầy, họ cũng theo sự thờ lạy Ba-anh, và nhiều thói tục gớm ghiếc trong sự thờ lạy hình tượng của người Ca-na-an vẫn còn thạnh hành. Trong thời gian nầy, Ðức Chúa Trời đã sai Ê-li, rồi Ê-li-sê, rồi Giô-na. Nhưng vô ích, dân Y-sơ-ra-ên cứ cứng lòng trong sự thờ lạy hình tượng và sự gian ác; bấy giờ họ tiến mau tới chỗ hủy diệt, thì Ðức Chúa Trời lại sai A-mốt và Ô-sê để cố gắng lần chót, mong giữ dân tộc khỏi điên cuồng nhào tới chỗ chết.

 

Những người đồng thời với A-mốt

Lúc còn thiếu niên, có lẽ A-mốt đã biết Giô-na và nghe Giô-na kể lại cuộc thăm viếng thành Ni-ni-ve. Cũng có lẽ ông đã biết Ê-li-sê và nghe Ê-li-sê kể lại việc mình liên kết với Ê-li. Khi A-mốt bước lên sân khấu, thì Giô-na và Ê-li-sê vừa rời khỏi đó. Có lẽ ông đã nói đến tai vạ cào cào trong đời Giô-ên (4:9). Ô-sê là bạn đồng sự với A-mốt. Có lẽ ông có mặt tại Bê-tên đương lúc A-mốt tới thăm. Chắc hẳn hai ông quen biết nhau lắm, và có lẽ thường trao đổi ý kiến về các sứ điệp mà Ðức Chúa Trời đã truyền cho mình. Ô-sê trẻ tuổi hơn, nên cứ tiếp tục chức vụ sau khi A-mốt đã qua đời. Lại nữa, khi A-mốt chấm dứt chức vụ, thì Ê-sai và Mi-chê bắt đầu chức vụ. Cả hai ông lúc còn thiếu niên có lẽ đã nghe A-mốt rao giảng. Ðức Chúa Trời dấy lên những tiên tri, chẳng khác gì ngân hà sáng chói biết bao, để cố giải thích cho người Y-sơ-ra-ên hiểu sự đoán phạt và giúp họ tránh khỏi sự đoán phạt đó!

 

Ðoạn 1, 2 -- Sự đoán phạt nước Y-sơ-ra-ên và các nước lân cận

A-mốt mở đầu bằng một bản cáo tội chung cả một miền, gồm tám nước: Sy-ri, Phi-li-tin, Phê-ni-xi, Ê-đôm, Am-môn, Mô-áp, Giu-đa, và Y-sơ-ra-ên. Rồi ông chuyên chú vào Y-sơ-ra-ên. Ông tố cáo mỗi nước bằng cùng một công thức: "Tội ác... đến gấp ba, gấp bốn lần." Ông cũng chỉ rõ người tội ác đặc biệt của họ, và báo cáo rằng họ sẽ bị hủy diệt, bị lưu đày. "Ðày làm phu tù" là một trong những từ ngữ chánh yếu của sách nầy (1:5, 15; 5:5, 27; 6:7; 7:9, 17). Trong vòng 50 năm, những dự ngôn nầy đã được ứng nghiệm. Số ít người thoát khỏi tay quân A-si-ri, thì về sau đã ngã trước quân Ba-by-lôn và quân Hy-lạp.

"Thê-cô-a" (1:1), quê hương của A-mốt, ở cách Giê-ru-sa-lem 10 dặm về phía Nam và cách Bết-lê-hem 5 dặm, trên một ngọn núi cao gần 900 thước Tây. Ðây là miền đồng cỏ trống trải, trông xuống đồng vắng Giu-đê; Thê-cô-a ở cùng một khu vực mà theo như người ta tưởng, 8 thế kỷ sau, chính Giăng Báp-tít được trưởng dưỡng. A-mốt chẳng phải là thầy tế lễ, hoặc tiên tri chuyên nghiệp, (7:14), nhưng là một kẻ chăn chiên và trông nom cây sung. Cây sung là một loại cây vả, kém về phẩm, là sự pha giống giữa cây vả và cây dâu.

"Cơn động đất" (1:1) chắc đã rùng rợn lắm, vì 200 năm sau, người ta còn nhớ nó, và nó được ví sánh với ngày phán xét (Xa-cha-ri 14:5). Cơn động đất xảy ra 2 năm sau khi A-mốt nói lời cảnh cáo, nên dân chúng chắc cho nó là bất thường.

 

Ðoạn 3 -- Các cung điện xa hoa ở Sa-ma-ri

Sa-ma-ri, thủ đô của nước phía Bắc, ở trên trái đồi cao chừng 100 thước Tây, trong một thung lũng đẹp tuyệt vời, ba phía có núi non bao bọc, khó ai chiếm được nó. Song những cung điện của nó xây dựng bằng máu của kẻ nghèo (2:6-7; 3:10; 5:11; 8:4-7), do một sự tàn nhẫn mà cả đến người Ai-cập và người Phi-li-tin thờ lạy hình tượng cũng phải lấy làm phẫn nộ (câu 9-10). Tuy nhiên, ngày đoán phạt họ đã gần (câu 11).

Bê-tên (câu 14), nơi A-mốt truyền giảng, là trung tâm tôn giáo của nước phía Bắc, cách Giê-ru-sa-lem 12 dặm về phía Bắc, và là một trong hai chỗ mà Giê-rô-bô-am đã dựng bò con bằng vàng lên (I Các vua 12:25-33); bò con vàng còn ở đó (Ô-sê 13:2). A-mốt đến trung tâm thờ lạy hình tượng bại hoại nầy để cảnh cáo dân bội đạo lần chót.

 

Ðoạn 4 -- "Khá sửa soạn mà gặp Ðức Chúa Trời ngươi" (câu 12)

Bọn phụ nữ Sa-ma-ri được nuông chiều (câu 13), đang sống trong xa hoa, phóng túng, hưởng lợi chắt bóp được của dân nghèo. A-mốt gọi họ là "những bò cái của Ba-san" (câu 1), là những súc vật được nuôi mập, chờ ngày làm thịt. Mấy năm sau, họ sẽ bị "người ta... dùng móc bắt đi" (câu 2). Quân A-si-ri thật đã dùng móc, móc vào môi bọn phu tù mà dẫn đi.

Sự mộ đạo của Y-sơ-ra-ên (câu 4-5). Họ tàn ác, chẳng chút thương xót ai, nhưng lại nhiệt thành mộ đạo, thật là châm biếm tôn giáo biết bao!

Ðức Chúa Trời nhiều lần cố gắng cứu họ (câu 6-13), nhưng vô ích. Thì giờ đã điểm để dân tộc gian ác gặp Ðức Chúa Trời mình,

 

Ðoạn 5 -- Ngày của Ðức Giê-hô-va

Có lời than vãn vì dân Y-sơ-ra-ên suy vong (câu 1-3), và thêm một lời kêu gọi họ quay về với Ðức Giê-hô-va (câu 4-9), cùng lời tố cáo các đường lối gian ác của họ (câu 10-27). Câu 18-26 dường như tỏ ra họ hoặc tưởng rằng dâng tế lễ cho bò con tức là dâng cho Ðức Giê-hô-va qua bò con, hoặc họ sẵn lòng quay lại mà dâng tế lễ cho Ðức Giê-hô-va thay cho bò con. Nhưng cái mà A-mốt muốn không phải là tế lễ của họ, bèn là thay đổi cách sanh hoạt đi.

 

Ðoạn 6 -- Cảnh phu tù

Nhiều lần A-mốt đối chiếu sự thanh nhàn theo tư dục, sự xa hoa trong cung điện và cảm giác an ninh của các bậc thủ lãnh và người giàu có với những sự đau đớn sắp xảy đến cho họ, không sao chịu nổi. Họ là những kẻ đầu tiên sẽ cảm thấy ách tôi mọi của người A-si-ri đau đớn, xót xa dường nào.

 

Ðoạn 7 -- Ba sự hiện thấy về nạn hủy diệt

"Cào cào" (câu 1-3) tượng trưng sự hủy diệt đất nước. A-mốt cầu thay, và Ðức Chúa Trời nguôi đi.

"Lửa" (câu 4-6) là một biểu hiện khác về sự hủy diệt. A-mốt lại cầu thay, và Ðức Chúa Trời lại nguôi đi.

"Dây chuẩn mực" (câu 7-9). Thành được đo để bị hủy diệt. Ðức Chúa Trời đã nguôi đi hai lần. Nhưng chừng đó thôi. Ngài đã hình phạt nhiều lần và tha thứ nhiều lần. Song trường hợp của họ là tuyệt vọng.

"Thầy tế lễ của Bê-tên" (câu 10-17). Ta chẳng biết A-mốt ở Bê-tên bao lâu. Nhưng các lời tố cáo và cảnh cáo liên tiếp của ông đã lay chuyển cả xứ (câu 10). Thầy tế lễ bèn trình lại với Giê-rô-bô-am. Nhưng A-mốt càng ngày càng dạn dĩ hơn, và bảo thầy tế lễ rằng chính hắn sẽ bị bắt làm phu tù, và vợ hắn "sẽ buông dâm" (câu 17 -- bản tiếng Anh dịch là: "làm kỹ nữ") nghĩa là một người đờn bà chuyển qua tay bọn lính A-si-ri xâm lăng.

 

Ðoạn 8 -- Giỏ trái mùa hạ

Một biểu hiện khác về nước tội lỗi đã chín mùi để bị hủy diệt. Cũng nhắc lại các nguyên nhân: tham lam, bất lương và tàn ác đối với kẻ nghèo, chẳng chút thương xót. Nhiều lần và bằng nhiều tượng trưng, Kinh Thánh tỏ rõ rằng không có cách nào thoát khỏi hiệu quả của sự cố quyết phạm tội. Các tiên tri kêu la rằng: "Hỡi tội nhơn, hãy xây lại, xây lại, xây lại. Sao ngươi muốn chết?" Nhưng tội nhơn cứ tiến bước, vui vẻ mà đui mù, chẳng thấy sự đoán phạt chắc chắn.

 

Ðoạn 9 -- Vinh quang tương lai của nước Ða-vít

Dự ngôn thêm về sự lưu đày (câu 1-8). Trong vòng 30 năm, lời nầy đã ứng nghiệm, và nước bội đạo không tồn tại nữa.

Ngôi Ða-vít được khôi phục (câu 8-15). Các tiên tri luôn luôn lại được sự hiện thấy về những ngày tươi sáng ở bên kia bóng tối tăm. A-mốt đã sống gần Bết-lê-hem, thành của Ða-vít. Ông đau đớn trong lòng vì 10 chi phái chối bỏ ngôi vua Ða-vít mà Ðức Chúa Trời đã chỉ định cho dân Ngài, và vì suốt 200 năm, họ ngỗ nghịch, không chịu quay về ràn. Ðây, lời cuối cùng của ông: Trong đời tương lai, nước Ða-vít mà họ đã khinh dể, sẽ được khôi phục và sẽ cai trị chẳng những một nước, song là cả muôn nước trên thế giới, trong sự vinh hiển đời đời.