Trang Đầu | Mục Lục | << Chương 35 | Chương 37 >> | Hướng Dẫn

THÁNH KINH

Na-hum

 

Sự phán xét Ni-ni-ve

 

 

Có hai tiên tri liên quan với Ni-ni-ve: Giô-na, khoảng năm 785 T.C.; và Na-hum khoảng năm 630 T.C.. Hai ông cách xa nhau chừng 150 năm. Giô-na truyền một sứ điệp thương xót, còn Na-hum truyền một sứ điệp phán xét. Hai ông cùng chứng minh cách Ðức Chúa Trời đối xử với các nước; Ngài kéo dài ngày ân điển, nhưng đến cuối cùng, Ngài sẽ thăm phạt tội lỗi họ.

 

Con người Na-hum

Ta ít biết về Na-hum. Ông được gọi là người "Ên-cốt" (1:1). Tên ông ở trong chữ "Ca-bê-na-um," nghĩa là: "Làng của Na-hum." Chữ nầy có lẽ tỏ ra rằng ông là một cư dân, hoặc người sáng lập Ca-bê-na-um, là thành về sau được nổi danh là trung tâm của chức vụ Ðức Chúa Jêsus. Ên-cốt, nơi ông sanh ra, có lẽ ở gần đó. Người ta nói rằng có một thành Ên-cốt trên sông Ti-gơ-rơ, cách Ni-ni-ve 20 dặm về phía Bắc, và có lẽ Na-hum đã ở giữa đoàn phu tù Y-sơ-ra-ên. Cũng có một thành Ên-cốt ở phía Nam Giê-ru-sa-lem. Nếu Ca-bê-na-um là quê hương của Na-hum, thì ông ở cùng một địa phương với Giô-na và Ðức Chúa Jêsus.

Niên hiệu của Na-hum.-- Chính sách nầy tỏ ra nó thuộc về thời kỳ nào. Thành Thèbes (Nô-A-môn) đã sụp đổ năm 663 T.C.. (3:8-10). Còn thành Ni-ni-ve thì nói là sắp sụp đổ. Sự sụp đổ nầy đã xảy ra năm 607 T.C.. Như vậy, Na-hum ở giữa khoảng 663 và 607 T.C.. Vì Ni-ni-ve được diễn tả là ở tuyệt điểm vinh quang, và vì hoạn nạn của nó bắt đầu khi bị quân Sy-the xâm lăng (năm 626 T.C.), nên ta có thể đoán đúng nếu đặt lời tiên tri nầy sau cuộc xâm lăng của quân Sy-the ít lâu, nghĩa là chừng năm 630 T.C.. Như vậy, Na-hum đồng thời với Sô-phô-ni, là tiên tri cũng dự ngôn về sự hủy diệt Ni-ni-ve bằng những lời lẽ linh động lạ lùng (Sô-phô-ni 2:13-15).

 

Ðoạn 1, 2, 3 -- Sự hoàn toàn hủy diệt Ni-ni-ve

Suốt cả ba đoạn nầy, phần thì nói về Ni-ni-ve, phần thì nói với Ni-ni-ve, sự hủy diệt Ni-ni-ve đã được dự ngôn với những chi tiết lạ lùng và linh động.

Có lẽ sự "chậm giận" của Ðức Chúa Trời (1:3) đã được ghi chép để nhắc lại lúc Giô- na đến thăm Ni-ni-ve lâu năm về trước. Suốt cả Kinh Thánh, cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời đối đầu với lòng thương xót của Ngài.

Thành đổ máu sụp đổ (3:1), -- đó là một tin vui khôn xiết cho thế giới mà nó đã chà đạp, không chút thương xót, nhứt là cho nước Giu-đa.

"Như ao chứa nước" (2:8): Số lớn kinh đào bảo vệ dọc theo bờ chiến lũy khiến Ni-ni-ve thật có vẻ như vậy.

Sô-phô-ni cũng dự ngôn sự suy vong của Ni-ni-ve như thế nầy: "Kìa, thành vui vẻ nầy đã ở yên không lo lắng và nói trong lòng mình rằng: Ta đây, ngoài ta không còn ai hết! Nó đã trở nên hoang vu, làm chỗ nằm cho loài thú vật là dường nào! Phàm kẻ đi qua sẽ khoa tay mà nhạo cười! (Sô-phô-ni 2:15).

 

Ni-ni-ve

Ni-ni-ve là thủ đô của đế quốc A-si-ri, là đế quốc đã hủy diệt Y-sơ-ra-ên. Ni-ni-ve do Nim-rốt sáng lập sau nạn nước lụt ít lâu (Sáng thế ký 10:11-12). Ngay từ lúc đầu, nó đã là đối thủ của Ba-by-lôn. Ba-by-lôn ở phía Nam của thung lũng Ơ-phơ-rát, còn Ni-ni-ve ở phía Bắc của thung lũng ấy. Hai thành nầy cách nhau chừng 300 dặm. Ni-ni-ve dấy lên địa vị cường quốc bá chủ thế giới khoảng năm 900 T.C.. Sau đó ít lâu. nó bắt đầu tiêu diệt nước Y-sơ-ra-ên. Khoảng năm 785 T.C., Ðức Chúa Trời đã sai Giô-na đến Ni-ni-ve để cố gắng khiến nó xây bỏ con đường chinh phục tàn bạo. Trong vòng 60 năm sau, khoảng năm 721 T.C., đạo quân A-si-ri đã hoàn toàn tiêu diệt nước Y-sơ-ra-ên ở phía Bắc. Suốt 100 năm nữa, Ni-ni-ve ngày càng hùng mạnh và kiêu căng.

Lúc Na-hum nói lời tiên tri nầy, thì Ni-ni-ve là "nữ hoàng" của trái đất, hùng mạnh và hung bạo ngoài trí tưởng tượng; nó là thủ đô của một quốc gia hiếu chiến, xây dựng trên vật cướp được của các nước. Của cải vô tận từ đầu cùng trái đất đổ vào các kho tàng của nó. Na-hum ví sánh nó với hang sư tử cắn xé, hang thú dữ săn mồi, nuôi mình bằng huyết của các nước (2:11-13).

Thành Ni-ni-ve lớn bề dài chừng 30 dặm, bề rộng chừng 10 dặm. Nó được bảo vệ bởi 5 chiến lũy và 3 hố nước (kinh đào), do không biết bao nhiêu ngàn phu tù ngoại quốc xây cất vì buộc phải khổ sai. Giô-na nói đến 12 vạn con đỏ (Giô-na 4:11), khiến ta nghĩ rằng dân số nó gần tới 1 triệu. Chính thành Ni-ni-ve ở bên trong dài chừng 3 dặm và rộng chừng 1 dặm rưỡi, xây dựng ở nơi sông Ti-gơ-rơ và sông Khoser gặp nhau, được che chở bởi những chiến lũy cao chừng 33 thước tây, và trên mặt rộng đủ cho 4 chiến xa chạy song song. Châu vi của chiến lũy là 8 dặm.

Chính lúc Ni-ni-ve hùng mạnh tuyệt điểm và cũng là lúc nó sắp sửa thình lình bị lật đổ, thì Na-hum xuất hiện, nói lời tiên tri nầy, mà có người gọi là: "Bài ca ai điếu Ni-ni-ve," hoặc: "Loài người kêu đòi công lý."

Bản đồ số 44 -- Di tích thành Ni-ni-ve

 

Ni-ni-ve 2

Ni-ni-ve sụp đổ, 607 T.C. (hay là 612?). Chừng 20 năm sau khi Na-hum dự ngôn, thì một đạo quân gồm người Ba-by-lôn và người Mê-đi, vây chặt Ni-ni-ve. Sau 2 năm vây hãm, thình lình nước sông lên, làm lở một phần chiến lũy. Na-hum đã dự ngôn rằng: "Các cửa sông mở ra" cho đạo quân hủy diệt (2:6). Do chỗ trống tự nhiên đó, quân Ba-by-lôn và quân Mê-đi đang tấn công bèn ào vô và ra tay hủy diệt. Nào ngựa dậm chơn, nào roi kêu vút, nào bánh xe lọc xọc, nào chiến xa chồm lên hung hăng, nào gươm sáng loáng, nào thây chất thành núi (2:3-4; 3:1-7). Mọi sự xảy ra đúng như Na-hum đã mô tả; và kinh thành đổ máu, hư xấu kia đã chìm trong lãng quên.

Nó bị hủy diệt hoàn toàn đến nỗi người ta quên cả vị trí của nó. 200 năm sau, khi Xénophon kéo 10 ngàn quân qua đó, thì ông tưởng những gò nỗng ấy là di tích một thành của xứ Parthie. Khi A-lịch-sơn đại đế đánh trận Arbelles lừng lẫy (năm 331 T.C.), gần vị trí Ni-ni-ve, thì ông chẳng biết là đã từng có một đô thị ở đó.

Phát giác di tích thành Ni-ni-ve.-- Mọi dấu tích về vinh quang của đế quốc A-si-ri đã biến mất trơn trọi, đến nỗi nhiều học giả bắt nghĩ rằng những đoạn Kinh Thánh và cổ sử khác nói đến nó chỉ là truyện thần tiên; rằng thật ra một kinh thành và một đế quốc dường ấy không hề có. Năm 1820, một người Anh, tên là Claude James Rich, để 4 tháng vẽ phát các gò nỗng chạy từ Mosul qua sông Ti-gơ-rơ, và ông nghi rằng đó là di tích của Ni-ni-ve. Năm 1845, ông Layard minh định được vị trí; ông và những người kế tiếp đã phát giác di tích cung điện nguy nga của các vua A-si-ri (ngày nay, tên các vua nầy đã thành ra quen thuộc) và hàng trăm ngàn bi văn trên đó ta có thể đọc lịch sử đế quốc A-si-ri đã chép. Tới một mực đ lạ lùng, những bi văn nầy bổ khuyết và minh xác Kinh Thánh.

Koyunjik là tên của gò nỗng quan trọng nhứt. Nó ở phía Ðông sông Ti-gơ-rơ, đối ngang với đô thị Mosul tân tiến ở phía tây sông ấy. Diện tích nó chừng 40 mẫu tây, và bề cao trung bình chừng 30 thước tây. Nó chứa cung điện của San-chê-ríp và Assur-banipal. San-chê-ríp là vua đã xâm lăng nước Giu-đa. Cung điện của ông vĩ đại hơn hết. Nó do ông Layard phát giác năm 1849-50. Nó rộng bằng ba khu phố lớn của một đô thị.

Thư viện của Assur-banipal.-- Có lẽ đây là sự phát giác quan trọng nhứt mà khảo cổ học từng thực hiện được. Nó do các ông Layard, Rawlinson và Rassam tìm thấy trong cung điện của San-chê-ríp. Nguyên thủy nó chứa 100 ngàn quyển sách. Chừng một phần ba đã tìm được và hiện để trong Anh quốc Bảo tàng viện. Assur-banipal có óc khảo cổ; ông đã truyền cho các ký lục tìm kiếm và sao lại sách vở của thư viện nước Ba-by-lôn thuở xưa, cỡ 2000 năm trước đời ông. Vậy, chúng ta nhờ ông mới được biết văn chương Ba-by-lôn thời cổ.