Trang Đầu | Mục Lục | << Chương 40 | Chương 42 >> | Hướng Dẫn

THÁNH KINH

Ma-la-chi

 

 

Sứ điệp sau chót của Cựu Ước cho một dân không vâng lời

 

 

Ta không biết đúng niên hiệu của Ma-la-chi. Người ta thường công nhận rằng ông sống ngót 100 năm sau A-ghê và Xa-cha-ri; rằng ông hợp tác với E-xơ-ra và Nê-hê- mi trong các cuộc cải cách của hai ông nầy. Người ta cho niên hiệu của ông vào khoảng năm 450 và năm 400 T.C..

Một phần dân sót đã từ chốn lưu đày hồi hương năm 536 T.C.. Do A-ghê và Xa-cha- ri lãnh đạo, họ đã xây lại Ðền thờ (520-516 T.C.). Rồi 60 năm sau (457 T.C.), E-xơ-ra đã từ Ba-by-lôn trở về Giê-ru-sa-lem để giúp cải tổ và tái lập quốc gia. Rồi 13 năm sau (444 T.C.), Nê-hê-mi về xây lại vách thành.

Như vậy, đương thời Ma-la-chi, dân Do-thái đã từ chốn lưu đày hồi hương được chừng 100 năm; nhờ cảnh lưu đày, họ gột bỏ được sự thờ lạy hình tượng, nhưng lại xao lãng Nhà (Ðền thờ) Ðức Chúa Trời. Các thầy tế lễ đã thành ra bê trễ và bại hoại. Các của lễ kém cỏi. Người ta xao lãng nộp phần mười huê lợi, và sự để bỏ thông thường. Nhân dân đã quay theo thói cũ, là cưới gả lẫn lộn với bọn lân cận thờ lạy hình tượng (xem ở E-xơ-ra, đoạn 9).

Vậy, dân Do-thái tuy được Ðức Chúa Trời ban ân huệ hơn muôn dân, nhưng lại ngã lòng vì sự yếu đuối của mình, không sao gỡ khỏi tội lỗi. Trong một tâm trạng bơ thờ ấy, họ đã an cư và chờ đợi sự ngự đến của Ðấng Mê-si mà Ðức Chúa Trời hứa ban cho. Ma-la-chi quả quyết với họ rằng Ðấng Mê-si sẽ ngự đến đúng kỳ hạn, nhưng Ngài sẽ đem sự đoán phạt cho những người như họ.

 

Ðoạn 1.-- Coi khinh các tế lễ ở Ðền thờ

Câu 2-3 được trưng dẫn ở thơ Rô-ma 9:10-13 để ứng dụng cho việc Ðức Chúa Trời chọn Gia-cốp mà bỏ Ê-sau (Sáng thế ký 25:22-34). Lời lẽ Ma-la-chi dùng ở đây như để chỉ về hai dân tộc phát xuất từ Gia-cốp và Ê-sau, tức là người Y-sơ-ra-ên và người Ê-đôm. cả hai đã bị quân Ba-by-lôn tiêu diệt. Y-sơ-ra-ên đã được khôi phục, nhưng Ê-đôm vẫn còn hoang vu. Ðó là bằng cớ tỏ ra Ðức Chúa Trời thương mến Y-sơ-ra-ên.

Họ dâng tế lễ bằng những súc vật chết và có tì vít mà họ chẳng dám đem biếu quan trấn thủ (câu 8); đó thật là một sự nhục mạ Ðức Chúa Trời. Thà không dâng tế lễ chi hết còn hơn. Nghịch cùng tình trạng ấy, Ma-la-chi được sự hiện thấy về ngày Ðức Chúa Trời (mà chính dân Ngài coi thường như vậy) sẽ trở nên Ðức Chúa Trời yêu dấu của cả trái đất (câu 11).

 

Ðoạn 2.-- Cưới gả lẫn lộn với những người lân cận thờ lạy hình tượng

Các thầy tế lễ đã được Ðức Chúa Trời phong chức để dạy dỗ và dắt dẫn nhân dân trong sự công bình (câu 5-7), nên phải chịu trách nhiệm về tình hình thảm hại nầy. Họ hèn hạ, vụ lợi và bại hoại đến nỗi danh từ "thầy tế lễ" (thầy cả) trở thành một chữ khinh khi giữa vòng dân chúng. Cho tới ngày nay cũng còn như vậy.

Ðạo vợ chồng lỏng lẻo (câu 10-16). Người Do-thái bỏ vợ để cưới phụ nữ thờ lạy hình tượng. Ðó là tội lỗi gấp hai, làm hại vừa cho sự nuôi dạy con cái thích đáng, vừa cho sự duy trì cuộc thờ lạy Ðức Giê-hô-va của quốc dân.

Hoài nghi là gốc rễ sự tín ngưỡng hờ hững và luân lý thấp kém của họ. Nhân dân nhận thấy các nước gian ác được thạnh vượng hơn, nên thường nói rằng: "Hầu việc Ðức Chúa Trời, thì được ích chi?" Ngày nay nhiều người còn nói như vậy. Xem ở dưới 3:13-18.

 

Ðoạn 3:1-6.-- Ngày Ðức Giê-hô-va hầu đến

Ma-la-chi đáp lại sự hoài nghi của họ: Ngày phán xét hầu đến sẽ trả lời những câu chế giễu của họ, và tỏ ra đến cuối cùng, sự hầu việc Ðức Chúa Trời có ích gì chăng (câu 5)? Xem thêm ở dưới 3:13-18.

 

Ðoạn 3:7-12.-- Thuế phần mười

Ðây lại thình lình đổi đề mục. Không nộp thuế phần mười tức là "ăn trộm của Ðức Chúa Trời," vì theo luật pháp Môi-se, thì thuế phần mười là vật sở hữu của Ðức Chúa Trời, và người dân không có quyền gì trên nó, cũng như không có quyền gì trên sản nghiệp của kẻ khác. Hãy chú ý lời Ðức Chúa Trời hứa làm cho những người nộp thuế phần mười được thạnh vượng, và Ngài đố thách người ta hãy thử Ngài về lời hứa ấy. Những ai dâng phần mười đều thỏa mãn vì lời hứa nầy thật đúng.

 

Ðoạn 3:13-18.-- Trở lại sự hoài nghi của quốc dân

Trở lại ý tưởng ở 2:17. Họ không tin lời Ðức Chúa Trời hứa về thuế phần mười. Họ cho rằng dâng tiền cho Ðức Chúa Trời và cố gắng hầu việc Ngài chỉ là phí phạm vô ích. Ma-la-chi đáp rằng: Hãy chờ xem, cuối cùng sẽ tỏ ra (câu 16-17). Khúc sách tuyệt diệu nầy mô tả số ít người trung tín khuyến khích lẫn nhau trong một thời kỳ toàn dân bội đạo, và Ðức Chúa Trời ghi tên của họ để nhận biết họ trong "ngày đó" (II Ti-mô-thê 1:12).

 

Ðoạn 4.-- Ngày Ðức Giê-hô-va hầu đến

Trở lại ý tưởng của đoạn 3. Xen vào giữa những lời quở trách 4 tội lỗi lan tràn đương thời mình (tế lễ có tì vít, cưới gả lẫn lộn với kẻ thờ lạy hình tượng, để vợ, và xao lãng nộp thuế phần mười), Xa-cha-ri bốn lần tiến vội tới "Ngày của Ðức Giê-hô-va" (1:11; 3:1-6, 16-18; 4:1-6). Ông gọi đó là "ngày" (3:2, 17; 4:1, 3, 5). Dường như nó chỉ về cả kỷ nguyên Cơ-đốc-giáo, và đặc biệt ứng dụng cho kỳ sau rốt. Lời khuyên của Ma-la-chi là: Hãy chăm chú vào tương lai.

Lời khuyến cáo cuối cùng của Cựu Ước là: Hãy nhớ luật pháp của Môi-se (câu 4).

Lời dự ngôn cuối cùng của Cựu Ước là: Ê-li sẽ mở đường cho "ngày của Ðức Giê- hô-va" (câu 5). Ông thật đã làm việc ấy 400 năm sau, trong thân vị của Giăng Báp-tít (Ma-thi-ơ 3: 1-12; 11:14), là người nhấn mạnh các giai đoạn phán xét của ngày ấy.

Ðức tánh cuối cùng mà Cựu Ước ghi nhắc là lòng yêu thương của cha con đối với nhau (câu 6); theo như đã trưng dẫn ở Lu-ca 1:17, thì lòng yêu thương nầy gồm sự tôn trọng lý tưởng của tổ tiên.

Tiếng cuối cùng của Cựu Ước là: "Rủa sả," nghĩa là nếu Ðức Giê-hô-va không ngự đến, thì loài người phải ở địa vị tuyệt vọng.

Cựu Ước kết thúc như vậy đó. 400 năm trôi qua. Rồi Ðấng Mê-si ngự đến, -- dân tộc Hê-bơ-rơ đã được tạo thành để sanh ra Ngài. Suốt các thế kỷ, họ đã chối bỏ các đấng tiên tri thể nào, thì cũng một thể ấy, khi Ðấng Mê-si ngự đến, họ đã chối bỏ Ngài vì trung thành với nghi thức. Từ đó tới nay, dân Do-thái không có quê hương, nhưng đi lưu lạc trên mặt đất, là tấn bi kịch và cũng là phép lạ của các thời đại.