Trang Đầu | Mục Lục | << Chương 45 | Chương 47 >> | Hướng Dẫn

THÁNH KINH

Giữa Cựu Ước Và Tân Ước 3

 

Các ngụy kinh

 

Ðây là tên thường đặt cho 14 quyển sách có trong một vài bản Kinh Thánh, giữa Cựu Ước và Tân Ước. Những sách nầy có từ thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ thứ 3 T.C., phần nhiều không biết chắc tác giả là ai, và đã thêm vào bản Septante, là bản dịch Cựu Ước ra tiếng Hy-lạp vào thời kỳ đó. Trong bản Cựu Ước Hê-bơ-rơ không có những sách nầy. Chúng được viết ra sau khi lời tiên tri, sấm ngôn (oracles) và sự khải thị trực tiếp của Cựu Ước đã chấm dứt. Josèphe chối không thừa nhận toàn thể chúng. Người Do-thái chẳng bao giờ nhìn nhận chúng là một phần của Kinh Thánh Hê-bơ-rơ. Ðức Chúa Jêsus và các tác giả Tân Ước không hề trưng dẫn một câu nào của chúng. Hội Thánh đầu tiên không hề nhìn nhận chúng là có thẩm quyền như Kinh điển, hoặc do Ðức Chúa Trời soi dẫn, khi Kinh Thánh được dịch ra tiếng La-tinh nhằm thế kỷ thứ 2 S.C., thì Cựu Ước không dịch từ Cựu Ước tiếng Hê-bơ-rơ, nhưng dịch từ bản Septante, tức là Cựu Ước bằng tiếng Hy-lạp. Từ bản Septante, các Ngụy kinh nầy được chuyển qua bản dịch tiếng La-tinh, rồi lại từ đó chuyển qua bản Vulgate bằng tiếng La-tinh, là bản thông dụng ở Tây-âu cho tới thời kỳ Cải chánh. Các tín đồ Tin Lành căn cứ phong trào của mình trên thẩm quyền thiên thượng của Lời Ðức Chúa Trời, lập tức bác bỏ những Ngụy kinh đó, không kể chúng là một phần của Lời Ðức Chúa Trời, cũng như Hội Thánh đầu tiên và dân Hê-bơ-rơ thời xưa đã bác bỏ vậy. Rồi năm 1546 S.C., tại Giáo-nghị-hội nhóm ở Trente (nước Ý), cốt để chận đứng phong trào Cải chánh (Tin Lành), Giáo hội kia tuyên bố rằng những sách nầy thuộc trong Kinh điển; và ngày nay chúng còn ở trong bản Douay (Kinh Thánh của Giáo hội kia). Những Ngụy kinh nầy kể ra dưới đây:

 

I Esdras

Esdras là "E-xơ-ra" trong tiếng Hy-lạp. Sách nầy là bản sưu tập nhiều khúc sách E-xơ-ra, II Sử ký, Nê-hê-mi, và có thêm những truyện hoang đường về Xô-rô-ba-bên. Mục đích của nó là mô tả sự khoan hồng của Si-ru và Ða-ri-út đối với dân Do-thái, cốt để làm gương mẫu cho các Ptolémée (vua Hy-lạp cai trị Ai-cập).

 

II Esdras

Có khi gọi là "IV E-xơ-ra." Sách nầy ra vẻ chứa các sự hiện thấy của E-xơ-ra liên quan đến việc Ðức Chúa Trời tể trị thế giới, một thời đại mới mẻ hầu đến, và sự "khôi phục" một vài phần Kinh Thánh đã thất lạc.

 

Tobit

Tiểu thuyết hoàn toàn không có giá trị lịch sử, mô tả một thanh niên giàu có làm phu tù ở Ni-ni-ve, và một thiên sứ đã dẫn chàng đi cưới một "trinh nữ quả phụ" đã chết 7 đời chồng.

 

Judith

Tiểu thuyết mô tả một quả phụ Do-thái giàu có, xinh đẹp và mộ đạo. Ðương thời quân Ba-by-lôn xâm lăng nước Do-thái, nàng đã khéo léo đến trại của đại tướng Ba-by-lôn, giả bộ hiến thân cho hắn, rồi cắt đầu hắn, nhờ đó cứu được thành của nàng.

 

Sự yên nghỉ của Ê-xơ-tê

Những khúc xen vào sách Ê-xơ-tê trong bản Septante của Cựu Ước, cốt để tỏ ra có bàn tay Ðức Chúa Trời trong truyện tích nầy. Những khúc sách nầy do Jérôme thâu thập và thêm vào.

 

Sự khôn ngoan của Sa-lô-môn

Rất giống một vài phần của các sách Gióp, Châm Ngôn, và Truyền đạo. Ðây là tư tưởng Hê-bơ-rơ hòa lẫn với triết lý Hy-lạp. Do một người Do-thái ở thành phố Alexandrie biên soạn; người nầy tự nhận là Sa-lô-môn.

 

Ecclesiasticus

Cũng gọi là: "Sự khôn ngoan của Giê-su, con trai của Si-rách." Giống như sách Châm Ngôn. Do cây viết của một triết gia Do-thái đã du lịch rất nhiều. Sách nầy nêu lên các qui tắc hành vi trong mọi chi tiết của đời sống công dân, tôn giáo và gia đình. Tán dương một số đông anh hùng Cựu Ước.

 

Ba-rúc

Sách nầy tự tỏ ra là do Ba-rúc, thơ ký của Giê-rê-mi, trứ tác. Theo sách nầy, thì Ba-rúc đã sống phần chót của đời mình ở Ba-by-lôn. Sách nầy gởi cho các phu tù. Phần nhiều là chú giải sách Giê-rê-mi, sách Ða-ni-ên và nhiều sách tiên tri khác.

 

Bài ca của ba con thánh

Ðây là phần không chánh thức, thêm vào sách Ða-ni-ên, đặt sau đoạn 3:23, có ý chép lại lời ba bạn Hê-bơ-rơ cầu nguyện đang khi ở trong lò lửa hực và bài ca khải hoàn của họ ngợi khen Ðức Chúa Trời đã giải cứu mình.

 

Tiểu sử của bà Su-dan-nơ

Một phần không chánh thức khác thêm vào sách Ða-ni-ên, thuật lại thể nào vợ tin kính của một người Do-thái ở Ba-by-lôn bị cáo gian phạm tội ngoại tình và được Ða-ni-ên minh oan cho.

 

Bên và con rồng

Một phần không chánh thức thêm vào sách Ða-ni-ên. Hai truyện tích trong đó Ða-ni-ên chứng tỏ rằng hình tượng của Bên và hình tượng con rồng chẳng phải là thần. Một trong hai truyện tích nầy dựa vào truyện tích Ða-ni-ên ở trong hang sư tử.

 

Lời cầu nguyện của Ma-na-se

Sách nầy có ý chép lại lời cầu nguyện của Ma-na-se, vua Giu-đa, khi ông bị giữ làm phu tù ở Ba-by-lôn, như có chép ở II Sử ký 33:12-13. Không biết tác giả là ai; niên hiệu có lẽ là thế kỷ thứ nhứt T.C..

 

I Macchabées

Một tác phẩm lịch sử rất có giá trị, chép về thời kỳ các Macchabées, thuật lại những biến cố trong cuộc chiến đấu anh dũng của dân Do-thái để giành tự do (175-135 T.C.). Do một người Do-thái ở xứ Pa-lét-tin viết vào khoảng 100 năm T.C..

 

II Macchabées

Ðây cũng là bản tường thuật cuộc tranh đấu của phái Macchabées, nhưng thu hẹp vào khoảng 175-161 T.C.. Nó tự nhận là bản tóm tắt tác phẩm của một người tên là Gia-sôn, ở Sy-ren. Ta chẳng biết chút chi về người nầy. Nó bổ túc sách I Macchabées, nhưng kém về phẩm.