Trang Đầu | Mục Lục | << Chương 55 | Chương 57 >> | Hướng Dẫn

THÁNH KINH

Thơ Ga-la-ti

 

 

Bởi ân điển chớ không bởi luật pháp

Tin Lành có tánh cách chung kết

 

Xứ Ga-la-ti. Xem bản đồ ở dưới sách Công vụ các sứ đồ, đoạn 13. Ở trung ương Tiểu-Á-tế-á. Ðây là khu vực hành trình truyền giáo thứ nhứt của Phao-lô. Không biết đúng biên giới xứ nầy. Nó gồm các thành Y-cô-ni, Lít-trơ, Ðẹt-bơ, và có lẽ cả thành An-ti-ốt ở miền Bi-si-đi. Ðọc bản tường thuật công việc của Phao-lô ở đó (Công vụ các sứ đồ 13:14), tức là mở đường hữu ích cho ta đọc thơ tín nầy.

Người Ga-la-ti là một nhánh của chủng tộc Gaulois, phát xuất từ phía Bắc Hắc-hải, tách khỏi cuộc di cư lớn qua phía Tây tới nước Pháp ngày nay, và định cư ở trung ương Tiểu-Á-tế-á nhằm thế kỷ thứ 3 T.C.. Họ đa cảm, xung động và hay dời đổi, bằng cớ là họ mới vừa thờ lạy Phao-lô, rồi lại ném đá ông ngay (Công vụ các sứ đồ 14:13, 19).

Lý do viết thơ tín nầy. Công việc của Phao-lô tại xứ Ga-la-ti đã có kết quả phi thường. Người đông vô kể, phần nhiều là dân ngoại, đã nhiệt liệt tiếp nhận Ðấng Christ. Sau khi Phao-lô đi khỏi xứ Ga-la-ti ít lâu, thì một số giáo sư Do-thái kéo tới, nhấn mạnh rằng nếu người dân ngoại không vâng giữ luật pháp Môi-se, thì không làm tín đồ của Ðấng Christ được. Người Ga-la-ti chăm chú đến lời dạy dỗ của họ một cách sốt sắng cũng như lúc đầu họ đã tiếp nhận lời giảng của Phao-lô vậy; và kết quả có một "bịnh dịch" chịu phép cắt bì lan tràn giữa vòng các tín đồ dân ngoại đó. Phao-lô hay tin ấy, bèn viết thơ nầy để bảo cho họ biết rằng họ hoàn toàn ngu dại là dường nào; rằng dầu phép cắt bì là một phần cần thiết của cuộc sanh hoạt quốc gia Do-thái, nhưng nó chẳng phải là một phần của Tin Lành và chẳng có liên quan đến sự cứu rỗi chi hết.

Niên hiệu. Phao-lô đã sáng lập các chi hội nầy, khoảng năm 45-48 S.C.. Ông có trở lại thăm viếng họ khi bắt đầu hành trình truyền giáo thứ hai, khoảng năm 50 S.C.. Và ông thăm họ lần nữa khi bắt đầu hành trình truyền giáo thứ ba, khoảng năm 54 S.C.. Theo truyền thoại mà người ta thường nhìn nhận, thì niên hiệu thơ tín nầy là khoảng năm 57 S.C., lúc hết hành trình thứ ba, đang khi ông ở thành Ê-phê-sô, hoặc xứ Ma-xê-đoan, hoặc thành Cô-rinh-tô, và trước khi ông viết thơ Rô-ma ít lâu. Như vậy là ông viết thơ tín nầy chừng 10 hoặc 12 năm sau khi sáng lập các chi hội ấy, và trong thời gian đó, ông đã ghé thăm họ hai lần. Người khác lại cho rằng có lẽ hơn, thơ nầy viết khoảng năm 49 S.C., tại An-ti-ốt, sau khi Phao-lô từ xứ Ga-la-ti trở về lần thứ nhứt ít lâu, và trước khi Giáo-nghị-hội họp tại Giê-ru-sa-lem, năm 50 S.C., -- Giáo hội nghị nầy đã gởi thơ quả quyết rằng phép cắt bì không cần thiết, và thơ ấy đã được đem tới Hội Thánh xứ Ga-la-ti lập tức (Công vụ các sứ đồ 15:1-16:4); vì nếu thơ Ga-la-ti viết sau thơ của Giáo nghị hội ở Giê-ru-sa-lem, thì Phao-lô chắc phải nói đến thơ ấy. Nhưng mấy chữ "lần thứ nhứt" (4:13) gồm ý các cuộc viếng thăm tiếp theo sau. Vậy, giả thuyết kia không chắc đúng.

Phép cắt bì. Ðó là tên gọi nghi lễ đầu tiên của đạo Do-thái. Người nào sanh ra không phải là người Do-thái mà muốn được kế tự các đặc quyền và ơn phước của Ðức Chúa Trời hứa cho dân tộc Do-thái, thì có thể được thừa nhận là người Do-thái bởi chịu phép cắt bì và vâng giữ luật pháp nghi lễ của dân Do-thái. Theo một vài phương diện, nó giống như sự nhập quốc tịch; người nhập quốc tịch cũng là công dân y như người sanh đẻ trong xứ vậy. Cũng một thể ấy, người dân ngoại có thể trở thành một người Do-thái, hoặc một người theo đạo Do-thái.

Nhóm chủ trương Do-thái hóa là phái tín đồ gốc Do-thái không nhận sự dạy dỗ của các Sứ đồ về vấn đề nầy (Công vụ các sứ đồ, đoạn 15), nhưng cứ nhấn mạnh rằng tín đồ Ðấng Christ phải đến cùng Ðức Chúa Trời qua đạo Do-thái; rằng người dân ngoại muốn làm tín đồ Ðấng Christ, thì phải trở nên người Do-thái trước đã. Họ tự cho là có phận sự đi thăm viếng Hội Thánh dân ngoại để làm cho lung lay, bối rối. Họ chỉ quyết định đóng nhãn hiệu Do-thái trên Ðấng Christ. Phao-lô kịch liệt phản đối điều đó. Nếu người dân ngoại trở lại tin Chúa buộc phải vâng giữ luật pháp, thì sư nghiệp suốt đời Phao-lô đã bị tan tành rồi. "Như thiêu, như đốt, Phao-lô ước mong có thể mở mang đạo Ðấng Christ từ một giáo phái Do-thái thành một tôn giáo của cả thế giới; theo đuổi mục đích ấy, ông đã phá tan mọi dây trở ngại, tận dụng mọi khả năng của tâm trí và thân thể trong hơn 30 năm."

Sự cố gắng Do-thái hóa các Hội Thánh dân ngoại đã chấm dứt khi thành Giê-ru-sa- lem bị hủy phá, năm 70 S.C., -- do biến cố nầy, mọi mối liên quan giữa đạo Do-thái và đạo Ðấng Christ đã đoạn tuyệt. Cho tới lúc đó, đạo Ðấng Christ được coi như một phái hoặc nhánh của đạo Do-thái. Từ lúc đó trở đi, người Do-thái và tín đồ Ðấng Christ phân rẽ nhau. Một tiểu phái tín đồ gốc Do-thái, gọi là Ebionites, vẫn tồn tại 2 thế kỷ nữa, nhưng số người theo càng ngày càng bớt đi; Hội Thánh chung hầu như không thừa nhận họ, còn người Do-thái thì kể họ như bọn bội đạo.

 

Ðoạn 1 -- Tin-Lành Của Phao-lô Trực Tiếp

Phát Xuất Từ Ðức Chúa Trời

Ðể làm cho Phao-lô mất giá trị trước mắt tín đồ Ga-la-ti, các giáo sư chủ trương Do-thái hóa dường như nói rằng Phao-lô không phải là một Sứ đồ từ lúc khởi thủy, và ông dạy dỗ được điều nào là nhờ học nơi các Sứ đồ khác. Ác ý nầy có lẽ là một lý do để ông hăng hái tự binh vực mình là một Sứ đồ độc lập. Ông nhận được Tin Lành do Ðức Chúa Trời trực tiếp khải thị, và chẳng có Tin Lành nào khác.

"Xứ A-ra-bi" (câu 17). Trong bản tường thuật của sách Công vụ các sứ đồ không có nói đến xứ nầy. Ba năm (câu 18) gồm thời gian ông ở thành Ða-mách và xứ A-ra-bi (Công vụ các sứ đồ 9:23). Theo tục lệ của người Do-thái kể những phần năm lúc bắt đầu và lúc chấm dứt một thời kỳ là những năm trọn, thì ba năm nầy có lẽ chỉ là một năm trọn và phần lẻ của hai năm. A-ra-bi là xứ hoang vắng ở phía Ðông xứ Pa-lét-tin, chạy từ thành Ða-mách tới phía Ðông nam. Phao-lô bị choáng váng dường như sét đánh, và lập tức nhìn nhận cả đời mình đã lầm lạc, đến nỗi cảm thấy mình nên nghĩ lại; vậy, ông tìm nơi cô tịch để được hồi phục. Chính là tại xứ A-ra-bi mà ông được nhiều sự khải thị (câu 16).

* * *

Thơ Ga-la-ti 2

Ðoạn 2 -- Mối Liên Quan Của Phao-lô Với Các Sứ Ðồ Khác

Thăm viếng thành Giê-ru-sa-lem (câu 1-10). Sau khi trở lại tin Chúa, Phao-lô chờ đợi 3 năm, rồi mới quay trở về Giê-ru-sa-lem, là nơi ông đã phá tán Hội Thánh. Ông chỉ ở đó 15 ngày, đàm luận với Phi-e-rơ (câu 18). Tham khảo bản tường thuật ở Công vụ các sứ đồ 9:26-30. Rồi 14 năm sau, ông lại lên thành Giê-ru-sa-lem. Ðó chắc là cuộc viếng thăm chép ở Công vụ các sứ đồ 11:27-30, nhằm năm 44 S.C., vì cùng với ý ngụ trong chữ "lại" ở câu 1, thừa tiếp văn dường như tỏ ra đó là ông thăm viếng lần thứ hai sau khi trở lại tin Chúa, mặc dầu luận đề của đoạn nầy thích hợp nhiều hơn với lần thăm viếng thứ ba có chép ở Công vụ các sứ đồ 15:2. Ông đem theo Tít, là một người dân ngoại mà ông đã dẫn về tin Chúa, để nêu lên làm trường hợp thử nghiệm trong nghi vấn về tín đồ dân ngoại phải chịu phép cắt bì. Ông giữ vững lập trường, và được các Sứ đồ khác hoàn toàn đồng ý với mình (câu 9).

Phi-e-rơ giả bộ tại An-ti-ốt (câu 11-21). Không có chép cuộc thăm viếng nầy xảy ra khi nào. Có lẽ là ít lâu sau khi Phao-lô thăm viếng như có chép ở câu 1 và trở về An-ti-ốt, và trước khi ông bắt đầu hành trình truyền giáo thứ nhứt. Ðể nêu rõ khung cảnh và tầm quan trọng của việc xảy ra đây, chúng tôi xin thử vạch niên biểu như sau nầy: Phi-e-rơ tiếp nhận người dân ngoại tin Chúa trước nhứt, là Cọt-nây, mà không buộc phải chịu phép cắt bì (Công vụ các sứ đồ, đoạn 10), có lẽ vào khoảng năm 40 S.C.; hành động ấy đã được các Sứ đồ khác chấp thuận. Rồi khoảng năm 42 S.C., Hội Thánh dân ngoại ở An-ti-ốt thành lập và được Ba-na-ba, quan sát viên từ Giê-ru-sa-lem cử đến, chấp thuận (Công vụ các sứ đồ 11:22-24). Rồi tới năm 44 S.C., Phao-lô cùng Tít đi lên thành Giê-ru-sa-lem, và Phi-e-rơ đồng ý chấp thuận việc Phao-lô tiếp nhận tín đồ dân ngoại mà không buộc họ chịu phép cắt bì. Sau đó ít lâu, khoảng năm 44 hoặc 45 S.C., thì Phi-e-rơ đi tới thành An-ti-ốt, đứng tránh các tín đồ dân ngoại không chịu phép cắt bì, và bị Phao-lô quở trách nghiêm khắc (câu 11). Nhưng 5 hoặc 6 năm sau, tại Giáo hội nghị Giê-ru-sa-lem (50 S.C.), Phi-e-rơ là người thứ nhứt lớn tiếng ủng hộ công việc của Phao-lô (Công vụ các sứ đồ 15:7-11).

Phi-e-rơ dời đổi như vậy, có ý nghĩa gì? Hai vị Sứ đồ thủ lãnh không đồng ý về một giáo lý nền tảng như vậy, thì có ý nghĩa gì? Sự không đồng ý ấy có ảnh hưởng gì đến sự Phao-lô và Phi-e-rơ được soi dẫn để trứ tác Tân Ước. Trong trường hợp đặc biệt nầy, hoặc Phi-e-rơ hay là Phao-lô đã lầm lỗi. Chúng ta làm thể nào mà biết được ai lầm lỗi? Nếu một trong hai ông lầm lỗi trong một điều nào, thì chúng ta làm thể nào mà biết rằng hai ông không lầm lỗi trong những điều khác? Giáo lý về các Sứ đồ được Ðức Chúa Trời soi dẫn há chẳng tiêu tan vì cớ việc xảy ra đây sao? Chẳng hề như vậy vì sự thực giản dị là Ðức Chúa Trời không khải thị tất cả chơn lý về Nước Ngài cho các Sứ đồ ngay một lúc, dường như bởi một luồng chớp nhoáng từ Thiên đàng, ngay trong ngày Lễ Ngũ Tuần cũng vậy. Trong đêm cuối cùng, Ðức Chúa Jêsus đã phán cùng họ rằng Ngài còn nhiều điều phải dạy họ, nhưng lúc đó họ chưa hiểu được (Giăng 16:12). Ðức Chúa Jêsus xử trí rất kiên nhẫn, từ ái với sự yếu đuối và thành kiến của loài người, cho phép họ nắm giữ những quan niệm cố hữu về Nước Ðấng Mê-si; cho đến khi có cần dùng, thì Ngài dắt dẫn họ từng bước một, vào trong những giai đoạn mới mẻ hơn của Nước Ngài. Ngài không đem vấn đề dân ngoại mà khuấy rối họ, vì vấn đề ấy chưa nêu lên. Khi Tin Lành đã được tuyên giảng đầy đủ giữa vòng người Do-thái ở khắp quê hương của họ, là xứ Pa-lét-tin, thì bởi sự khải thị trực tiếp và đặc biệt, Ðức Chúa Trời lo dạy dỗ Phi-e-rơ về vấn đề dân ngoại (Công vụ các sứ đồ đoạn 10), có lẽ vào khoảng 10 năm, sau khi Hội Thánh khai sanh nhằm ngày Lễ Ngũ Tuần. Tới đây, Ðức Chúa Trời phải thắng thành kiến thâm căn cố đế của người Do-thái. Phải hết mấy năm, các Sứ đồ mới thuận hiệp với tân giáo lý. Phao-lô ra khỏi quan niệm cũ mau lẹ hơn Phi-e-rơ. Việc ở Hội Thánh Ga-la-ti xảy đến sau khi Phao-lô đã đi ra trọn đường, còn Phi-e-rơ thì đang đi ra. Nhưng Phi-e-rơ đi ra trọn đường khi chưa một quyển nào của Tân Ước được trứ tác, và sự dạy dỗ của Phi-e-rơ và Phao-lô trong Tân Ước không khác nhau mảy may.

 

Ðoạn 3, 4 -- Ách Tôi Mọi Dưới Luật Pháp

Những tín đồ Ga-la-ti thuộc về dân ngoại đã "nuốt" trọn lời giảng của bọn Do-thái hóa, đến nỗi thiết lập các ngày lễ và nghi lễ Do-thái (4:8-11); rõ ràng là họ pha trộn Tin Lành với luật pháp Môi-se. Bọn Do-thái hóa có làm phép lạ nào giữa vòng họ như ông đã làm chăng (3:5)? Sự trạng ấy có ý nghĩa gì cho họ chăng? Hai đoạn nầy nói rất nhiều về Áp-ra-ham, vì lời giảng của bọn Do-thái hóa mà họ đã tiếp nhận phần lớn căn cứ trên lời Ðức Chúa Trời hứa cho Áp-ra-ham. Họ giải thích sai lời hứa, mặc dầu nó được tỏ rõ trong chính truyện tích Áp-ra-ham (4:21-31). Lòng yêu thương ban đầu của họ đối với Phao-lô mâu thuẫn bi đát với sự nguội lạnh, hờ hững hiện tại của họ (4:12-20). Xem lời chú giải về "Tật nguyền" của Sứ đồ Phao-lô (4:13), ở dưới II Cô-rinh-tô, đoạn 12.

 

Ðoạn 5, 6 -- Sự Tự Do Trong Ðấng CHRIST

Phao-lô không thể hiểu tại sao người ta lại cố quyết muốn nương cậy công đức để được cứu rỗi, chớ không nương cậy sự thương xót của Ðấng Christ. Ðấng Christ cứu chúng ta. Chúng ta không tự cứu mình được. Ðó là điểm khác nhau giữa cảnh tôi mọi và sự tự do. Nhưng tự do trong Ðấng Christ không có nghĩa là cứ phóng túng theo tội lỗi. Phao-lô chẳng bao giờ quên nhấn mạnh đặc biệt vào điểm ấy. Những kẻ làm theo tư dục xác thịt không thể nào được cứu (5:19-21). Một trong những "công lệ thiêng liêng của cõi thiên nhiên" là "ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy" (6:7). Nếu hột giống là lúa mì hay là cỏ lùng, thì sẽ mọc lên y như vậy, không sao tránh khỏi. "Chữ lớn là dường nào" (6:11), -- đây là bằng cớ tỏ ra thật chính tay ông đã viết. Xem lời chú giải về "Giằm xóc vào thịt" ở dưới II Cô-rinh-tô, đoạn 12. "Trong mình tôi có dấu vết của Ðức Chúa Jêsus" (6:17). Kẻ thù nghịch của Phao-lô rêu rao rằng ông không phải là Sứ đồ chân chánh của Ðấng Christ. Thân thể ông bị đánh đập, bầm nát và đầy sẹo, đủ làm chứng cho ông. Xem II Cô-rinh-tô 4:6, 11.