Trang Đầu | Mục Lục | << Chương 58 | Chương 60 >> | Hướng Dẫn

THÁNH KINH

Thơ Cô-lô-se

 

 

Ðấng Christ là Ðức Chúa Trời và có đầy đủ mọi sự

 

Hội Thánh tại thành Cô-lô-se. Cô-lô-se là một đô thị thuộc xứ Phi-ri-gi; một số người xứ nầy có mặt tại Giê-ru-sa-lem nhằm ngày Lễ Ngũ Tuần (Công vụ các sứ đồ 2:10). Phao-lô đã đi qua xứ nầy trong hành trình truyền giáo thứ hai và thứ ba (Công vụ các sứ đồ 16:6; 18:23). Có lẽ trong một hành trình truyền giáo nầy, Phao-lô đã ghé thăm thành Cô-lô-se, mặc dầu lời lẽ ở đoạn 2:1 có thể (nhưng không tất nhiên) ngụ ý rằng Phao-lô không hề ở đó. Còn một việc có thể xảy ra nữa, là Hội Thánh nầy là kết quả do công việc của Phao-lô tại thành Ê-phê-sô (Công vụ các sứ đồ 19:10), vì thành Cô-lô-se ở gần biên giới "cõi A-si," cách thành Ê-phê-sô chừng 100 dặm về phía Ðông. Có lẽ Ê-pháp-ra sáng lập Hội Thánh nầy (1:7; 4:12-13).

Cơ hội và niên hiệu của thơ tín nầy. Phao-lô ở tù tại thành La-mã (61-63 S.C.). Ông đã viết một thơ trước liên quan đến Mác (4:10). Ðương khi ấy, Ê-pháp-ra, một tín đồ Cô-lô-se, đã tới thành La-mã, đem tin rằng một tà giáo nguy hiểm lan rộng trong Hội Thánh. Dường như Ê-pháp-ra bị tù (Phi-lê-môn 23). Phao-lô bèn viết thơ nầy, sai Ti-chi-cơ và Ô-nê-sim cầm đi (Cô-lô-se 4:7-9). Hai ông nầy cũng đã cầm thơ cho Hội Thánh Ê-phê-sô và thơ cho Phi-lê-môn (Ê-phê-sô 6:21).

Tà giáo tại Cô-lô-se. Tà giáo nầy dường như là sự pha trộn tôn giáo Hi-lạp, Do-thái và Ðông phương, một thứ phụng thờ "tư tưởng cao siêu" diễn hành dưới nhãn hiệu "triết học" (2:8). Nó hô hào thờ lạy các thiên sứ như là trung gian giữa Ðức Chúa Trời và loài người (2:18), lại nhấn mạnh vào sự triệt để vâng giữ một vài qui tắc Do-thái, đến nỗi gần thành ra chủ nghĩa khổ tu (2:16-21). Nó được nêu lên bằng những đại ngôn tự tôn, và được kể là một phần Tin Lành Ðấng Christ.

Giống như thơ Ê-phê-sô. Thơ Cô-lô-se và thơ Ê-phê-sô viết cùng một lúc. Cả hai là những bản tuyên ngôn soạn thảo cẩn thận về các giáo lý trọng đại của Tin Lành, phải đem đọc lớn tiếng trong nhà thờ, và có nhiều khúc sách rất giống nhau. Song đề mục chính thì khác hẳn: thơ Ê-phê-sô luận về Hội Thánh duy nhứt và vĩ đại, còn thơ Cô-lô-se luận về Ðấng Christ là Ðức Chúa Trời và đầy đủ mọi sự.

 

Ðoạn 1 -- Ðấng CHRIST Là Ðức Chúa Trời

Phao-lô cảm tạ Chúa vì cớ họ (câu 3-8). "Chúng tôi  cảm tạ" (câu 3). Nhiều lần Phao-lô mở đầu các thơ tín như vậy: Rô-ma 1:8; I Cô-rinh-tô 1:4; Ê-phê-sô 1:16; Phi-líp 1:3; I Tê-sa-lô-ni-ca 1:2; II Tê-sa-lô-ni-ca 1:3; Phi-lê-môn 4. Những tin vui từ các anh em rải rác khắp nơi gởi đến làm cho linh hồn ông đầy vui mừng, cảm kích. "Ðức tin," "sự yêu thương," "sự trông cậy" (câu 4-5) là những danh từ ông ưa dùng lắm: Ðức tin đến Ðấng Christ, sự yêu thương đối với các thánh đồ, và sự trông cậy (hy vọng) lên Thiên đàng. Hãy chú ý rằng sự trông cậy của họ là cớ tích phát sanh sự yêu thương. "Vì cớ" (câu 5). Xem I Cô-rinh-tô 13 và I Tê-sa-lô-ni-ca 1:3. "Ðã nghe về" (câu 4) không tất nhiên có nghĩa là ông đã ở tại Cô-lô-se, vì ông cũng dùng chữ nầy ở Ê-phê-sô 1:15. Chúng ta biết ông đã ở thành Ê-phê-sô. Nhưng ông đã đi khỏi đó từ mấy năm rồi. "Cả thế gian" (câu 6) và "mọi vật dựng nên" (câu 23) có nghĩa rằng vào khoảng đó, tức là 32 năm sau khi Ðức Chúa Jêsus chịu chết, Tin Lành đã được giảng khắp thế giới mà người ta biết khi ấy. Trong vòng thế hệ thứ nhứt, Hội Thánh đã trở thành một thực sự hiển nhiên khắp trên thế giới.

Phao-lô cầu nguyện cho họ (câu 9-12). Ðây là một trong bốn lời cầu nguyện tuyệt diệu của Phao-lô cho các chi hội do ông sáng lập. Ba lời cầu nguyện kia chép ở Ê-phê-sô 1:16-19; 3:14-19; Phi-líp 1:9-11. " Khôn ngoan       thiêng liêng" (câu 9) nghĩa là biết sống một đời giống như Ðấng Christ. "Ðược có sức mạnh mọi bề" (câu 11) để có thể vui vẻ và kiên nhẫn trong mọi cảnh ngộ.

Ðấng Christ là Ðức Chúa Trời (câu 13-20). Những hình dung từ ứng dụng cho Ðấng Christ trong thơ tín nầy là: "Hình ảnh của Ðức Chúa Trời không thấy được," -- "Ðấng sanh ra đầu hết thảy mọi vật dựng nên," -- "Muôn vật đã được dựng nên trong Ngài," "Ngài có trước muôn vật," -- "Muôn vật đứng vững trong Ngài," -- "Ðầu Hội Thánh," -- "Ban đầu," -- "Sanh trước nhứt từ trong những kẻ chết," -- "Mọi sự đầy dẫy của Ðức Chúa Trời chứa trong Ngài," -- "Muôn vật.... đều nhờ Ngài mà hòa thuận cùng chính mình Ðức Chúa Trời," "Ðấng Christ ở trong anh em, là sự trông cậy về vinh hiển," "Trong Ngài đã giấu kín mọi sự quí báu về khôn ngoan, thông sáng," -- "Sự đầy dẫy về bổn tánh Ðức Chúa Trời đến ở trong Ðấng ấy như có hình," -- "Nhờ Ngài mà anh em có được đầy dẫy mọi sự," -- "Ðầu của mọi quyền cai trị và mọi thế lực."

"Ðấng sanh ra đầu hết thảy muôn vật dựng nên" (câu 15) không có nghĩa là Ngài đã chịu dựng nên, song theo Cựu Ước, thì nghĩa là Ngài "kế tự" vũ trụ mà Ðức Chúa Trời đã dựng nên.

Ngôi vua, quyền cai trị, chấp chánh, cầm quyền (1:16). Câu nầy, và nhiều câu khác, tỉ như Ê-phê-sô 6:12, là những lời Kinh Thánh ngụ ý rằng trong thế giới vô hình có nhiều loại thân vị và chánh quyền mà thế giới hữu hình của chúng ta là một đối chiếu nhỏ bé; rằng sự chết của Ðấng Christ chẳng những khiến loài người được cứu chuộc, song cũng là phương pháp khôi phục sự hòa hiệp của cả vũ trụ minh mông đã bị dứt tuyệt.

Chịu khổ vì Hội Thánh (câu 24-29) để làm đầy đủ cái đang thiếu sót. Không phải là sự thương khó của Ðấng Christ chẳng đủ cứu rỗi chúng ta, nhưng nếu không trải qua sự đau khổ, thì toàn thể Hội Thánh không đạt tới bậc trọn lành được. Phao-lô muốn gánh chịu phần của mình. Xem I Phi-e-rơ, đoạn 4. "Sự mầu nhiệm" (câu 26, 27). Xem lời chú giải Ê-phê-sô, đoạn 3:3.

"Ðấng Christ ở trong anh em, là sự trông cậy về vinh hiển" (câu 27). Ðấng Christ, Ðầu của vũ trụ, -- đó là yếu tố của sứ điệp Phao-lô trong thơ tín nầy. Chúng ta trực tiếp đến gần Ngài, chớ không phải nhờ thiên sứ làm trung gian. Không phải triết lý nầy hay triết lý kia, không phải mớ qui tắc nọ hay qui tắc khác, nhưng chính Ðấng Christ là sự khôn ngoan, sự sống và sự trông cậy về vinh hiển của chúng ta. Yếu tố của sự làm tín đồ Ðấng Christ chính là yêu mến Ngài, sống trong Ngài, một Thân vị thiên thượng, vinh hiển, nhờ Ngài mà vũ trụ được dựng nên, và trong Ngài có đầy đủ mọi sự cho loài người được cứu chuộc, được trọn lành đời đời.

* * *

Thơ Cô-lô-se 2

Ðoạn 2 -- Ðấng CHRIST Hoàn Toàn Ðầy Ðủ

Phao-lô đặc biệt chú ý đến họ (câu 1-5). "Cho những kẻ không thấy mặt tôi về phần xác" (câu 1). Một vài người cho lời nầy có nghĩa là Phao-lô chưa hề tới thành Cô-lô-se. Nhưng ta không thể biết lời nầy gồm cả "anh em" ở đầu câu, hay chỉ là thêm sau "anh em" đó. Những lời chào thăm riêng ở 4:7-18 tỏ ra Phao-lô được nhiều người quen biết ở thành Cô-lô-se. Ông tỏ ý hy vọng chẳng bao lâu sẽ được tới đó (Phi-lê-môn 22 -- Phi-lê-môn là một tín đồ ở Cô-lô-se). "Lao-đi-xê" (câu 1) là một đô thị ở gần đó, cách chừng 10 dặm. Phao-lô cũng đã viết cho họ một bức thơ cùng với thơ gởi cho chi hội Cô-lô-se đây (4:16). Có người cho đó là một bản sao của thơ Ê-phê-sô.

"Sự mầu nhiệm" (câu 2). Ðây có lẽ là một chữ mà bọn "triết học" ở thành Cô-lô-se hay dùng lắm. Ông dùng chữ nầy nhiều lần (1:26, 27; 4:3) để chỉ về những giai đoạn của ý định Ðức Chúa Trời từ trước tới nay chưa được khải thị. Xem lời chú giải thơ Ê-phê-sô 3:3-9.

Các nhà triết học ở thành Cô-lô-se (câu 4, 8). Nhà triết học là một người suốt đời tìm cách hiểu những điều mà trước khi khởi tìm, ông đã biết mình không sao hiểu được. Ðấng Christ là Trung tâm của cả một hệ thống chân lý, một phần rất dễ hiểu, còn một phần không dễ hiểu đâu, vì vượt tới những điều "quá tầm linh hồn chúng ta." Nhà triết học thấy trong giáo lý Ðấng Christ một vài điều ăn hiệp với triết lý của mình. Ông bèn tiếp nhận Ðấng Christ và tự xưng là tín đồ của Ngài. Nhưng khi ông suy nghĩ, thì một vài suy luận triết lý của ông vẫn ở trọng tâm, còn chính Ðấng Christ chỉ là cái bóng ở bối cảnh. Chúng ta biết nhiều người thuộc hạng ấy: Họ hăng hái đề xướng những lý thuyết hoặc chủ nghĩa mà họ ưa thích, song anh em không bao giờ nghi ngờ lòng kính mến hoặc sùng bái tha thiết của họ đối với Ðấng Christ.

Những kẻ chủ trương vâng giữ luật pháp (câu 16:20-22). Khác với nhà triết học, người có tâm tánh thực tế hơn không quá lo về những điều mình không thể hiểu biết, song muốn biết phải làm gì để trở thành tín đồ Ðấng Christ. Họ thấy một vài điều răn rõ ràng, hoặc thấy cái mà họ cho là điều răn rõ ràng, và họ vâng theo những điều răn ấy. Ðối với họ, những điều răn ấy là trọng tâm, còn Ðấng Christ chỉ là một cái bóng ở bối cảnh. Chúng tôi biết nhiều người thuộc hạng nầy.

Ai là người chủ trương vâng giữ luật pháp? Họ là những kẻ nương cậy mình để được cứu rỗi, chớ chẳng nương cậy Ðấng Christ. Lẽ tự nhiên, chúng ta muốn tin mọi giáo lý một cách thích đáng, và hết sức vâng giữ mọi điều răn. Nhưng nếu trong tư tưởng, chúng ta quá nhấn mạnh vào điều mình tin hoặc việc mình làm, thì nguy hiểm thay, ta há chẳng gần tự nương cậy mình để được cứu rỗi sao? Ðấng Christ (chớ không phải giáo lý, hoặc điều răn) là Cứu Chúa chúng ta. Ngài (chớ không phải chúng ta) là nền tảng hy vọng của ta. Ta chớ nên thu hẹp cái lẽ cần phải tin những giáo lý chánh đáng. Nhưng rốt lại, làm tín đồ Ðấng Christ cốt tại yêu mến Ngài, là một Thân vị, chớ không cốt tại tin giáo lý nầy hoặc giáo lý kia, vâng giữ điều răn nọ, hoặc điều răn khác. Chúng ta tin nhận giáo lý hoặc vâng giữ điều răn, là để đạt tới Ðấng Christ. Ta không nên yêu mến giáo lý và điều răn hơn Ðấng Christ. Nếu ta yêu mến một giáo lý quá mức, thì có cơ hóa ra cáu kỉnh, khắc nghiệt, cay đắng đối với những ai không đồng ý với giáo lý của mình. Nếu chúng ta yêu mến Ðấng Christ như một Thân vị, thì sẽ nên giống như Ngài. Trong thơ tín nầy, Phao-lô nhằm mục đích sữa chữa những tà giáo của bọn Do-thái hóa một đằng, và của nhóm triết học Hi-lạp đằng khác, cùng những giáo lý dung hòa. Nhưng dầu sự tín ngưỡng của chúng ta là hoàn toàn phù hợp với Kinh Thánh, vẫn còn một nguy cơ, là tôn một chân lý về Ðấng Christ lên cao hơn chính Ðấng Christ. Khi chúng ta để phần mình phải gánh vác nặng hơn phần Ðấng Christ, thì ta là kẻ chủ trương vâng giữ luật pháp. Ðối với một giáo lý của ân điển, ta vẫn có thể là kẻ chủ trương vâng giữ luật pháp.

Sự thờ lạy thiên sứ (câu 18). Có kẻ dạy rằng loài người hèn kém quá, không thể trực tiếp đến gần Ðấng Christ; vậy, cần có thiên sứ làm trung gian. Rồi họ tự hào vì sự khiêm nhường của mình. Ngày nay chúng ta không thấy ai dạy như vậy. Nhưng đổi lại, họ thờ lạy một nữ thánh kia như là trung gian giữa mình và Chúa.

Chủ nghĩa khổ tu (câu 20-23). Không nói rõ họ thực hiện sự khổ tu cách nào. Những sự khắc khổ tự mình buộc lấy và những sự hèn hạ tự mình chọn lấy trong một vài phạm vi, lại không có giá trị, vì nó gia tăng sự phóng túng nhục dục không kìm hãm trong những phạm vi khác.

 

Ðoạn 3 -- Sự Sống Trong Ðấng CHRIST

Mối liên quan với Ðấng Christ như một thân vị với một Thân vị, đó là điểm mà thơ tín nầy nhấn mạnh. "Ðấng Christ ở trong anh em, là sự trông cậy về vinh hiển" (1:27). Anh em hãy bước đi trong Ngài, đâm rễ trong Ngài, tự gây dựng trong Ngài (2:6, 7), được nên trọn lành trong Ngài (2:10), đồng chết với Ngài (2:20), đồng sống lại với Ngài (3:1). Sự sống của anh em đã giấu với Ngài trong Ðức Chúa Trời (3:3).

Lời nói và sự ca hát (câu 16) được nói đến chung nhau. Câu nầy liên quan đến các cuộc nhóm họp của tín đồ Ðấng Christ, tại đó sự giảng dạy lời Chúa và sự hát thánh ca là phương pháp chánh yếu để phát triển đời sống tín đồ. Ôi! Ước gì trong Hội Thánh có thêm hai phần đó rất nhiều!

 

Ðoạn 4 -- Những Việc Riêng

Các chi hội nhóm họp ở tư gia. Có nói đến nhiều chi hội như vậy. Nim-pha ở Lao-đi-xê (4:15). Phi-lê-môn ở Cô-lô-se (Phi-lê-môn 2), Gai-út ở Cô-rinh-tô (Rô-ma 16:23), A-qui-la và Bê-rít-sin ở Ê-phê-sô (I Cô-rinh-tô 16:19) và về sau ở kinh thành La-mã (Rô-ma 16:5). Tín đồ phải nhóm họp ở bất cứ nơi nào họ có thể nhóm họp. Mãi đến thế kỷ thứ ba, tín đồ mới xây cất nhà thờ để xử dụng một cách phổ thông. Tuy nhiên, Hội Thánh đã lớn lên lạ lùng. Nhiều chi hội nhỏ thì tốt hơn một vài chi hội lớn.