Trang Đầu | Mục Lục | Chương 2 >> | Hướng Dẫn

Chương 1

GIÊ-XU KHÔNG LÀ MỘT VĨ NHÂN

Không phải vì thời gian là một dòng nước chảy mạnh, ăn mòn nguyên nhân chia cách, mà người tín đồ Tin Lành có thể hàn gắn lại được mối tình đã có lần tan vỡ, nhưng vì trong lịch sử đã có một người hoàn thành trách nhiệm phá vỡ ranh giới phân rẽ hai bên.

Người đó đến thế gian khoảng hai ngàn năm trước, và mang tên là Giê-xu.

Không ai chối cãi được rằng Giê-xu đã thật sự hiện hữu, vì hiện nay vẫn còn có nhiều tài liệu lịch sử ghi lại những hành động cũng như những lời nói của Ngài. Tài liệu quan trọng nhất là bốn cuốn sách do các ông Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng viết. Ma-thi-ơ và Giăng là hai sứ đồ của Giê-xu. Lu-ca là một vị bác sĩ đã từng cộng tác đắc lực với một sứ đồ khác tên Phao-lô. Mác là đệ tử của một sứ đồ khác nữa tên Phi-e-rơ. Bốn cuốn sách này trở thành một phần quan trọng trong Kinh Thánh và thường được gọi là bốn sách Phúc Âm. Chúng ta sẽ dựa vào bốn sách này để tìm hiểu thêm về Ngài.

Một điều ai cũng phải để ý đến khi nghiên cứu về Giê-xu là tính cách độc nhất vô nhị của Ngài. Trong suốt lịch sử nhân loại, không một người nào lại có nhiều nét đặc thù như Ngài.

Một trong những nét đặc thù đáng để ý nhất là cách Giê-xu nói về mình. Một lãnh tụ tôn giáo bao giờ cũng xác nhận vai trò của mình, phải cho người khác biết mình lấy thẩm quyền gì để dạy dỗ. Có vị cho mình chỉ là một người đi trước; có vị cho mình may mắn được một Đấng Tối Cao mặc khải cho thấy con đường. Trong trường hợp Giê-xu, xin chúng ta nghe Ngài nói về chính mình:

“Ta là Bánh Hằng Sống. Ai đến cùng ta chẳng bao giờ đói, ai tin ta chẳng bao giờ khát.”1

“Ta là Nguồn Sáng cho nhân loại, người nào theo ta sẽ không quờ quạng trong bóng tối, nhưng có ánh sáng sự sống soi đường.”2

“Ta là Con Đường, Chân Lý và Nguồn Sống. Nếu không nhờ ta, không ai được đến với Cha.”3

Đọc mấy câu nầy, chúng ta khó có thể nói Giê-xu là người khiêm nhường. Không những thế, chúng ta thấy có một điểm quan trọng khác là Ngài nói chính Ngài là nguồn của sự sống, chứ không phải chỉ là người hướng dẫn con người đến sự sống. Trong sự dạy dỗ của các lãnh tụ tôn giáo khác, vấn đề họ là ai chỉ quan trọng vì nó cho họ một thẩm quyền. Đến khi thẩm quyền của họ đã được chấp nhận, những điều họ dạy không còn quan hệ gì với cá nhân của họ nữa. Trong lãnh vực giáo dục cũng vậy, trong ngày đầu niên học, vị giáo sư cho biết: “Tôi là Tiến sĩ X, nên tôi có khả năng dạy môn nầy.” Tuy nhiên sau đó, vấn đề ông là ai không còn ảnh hưởng gì đến nội dung môn học nữa. Ông chỉ là người có thẩm quyền hướng dẫn ta đi tìm chân lý, nhưng không phải là chân lý đó. Nhưng Giáo Sư Giê-xu lại khác, Ngài nói: “Ta sẽ dạy các ngươi về chính ta, vì ta là Chân Lý.”

Khác thường thật, nhưng không hẳn là vô lý. Tuy nhiên, trước khi có thể hiểu được lý do, xin chúng ta tìm hiểu xem Giê-xu nói gì về mình.

Nói một cách tóm tắt, người thợ mộc nghèo nàn ở vùng Na-xa-rét đã nhận mình là Con của Thượng Đế.

Việc Giê-xu nhận mình là Con Thượng Đế không phải là chuyện tầm thường. Nếu một người “coi Trời bằng vung” có những hành động như thể là một “Ông Trời con” thì không có gì đáng cho ta ngạc nhiên cả. Tuy nhiên, đối với Giê-xu, cũng như đối với người Do-thái lúc đó, Thượng Đế là một Đấng Cao Siêu, Đấng Sáng Tạo mà sự vinh hiển quyền oai vượt khỏi sức tưởng tượng của con người. Nhận mình là Con Thượng Đế, Giê-xu không chỉ hàm ý rằng mình “thiêng liêng” hơn người khác, nhưng đã tự đem mình từ nơi hữu hạn đến chốn vô hạn, từ một tạo vật phải chết đến một Đấng Hằng Hữu, từ sự luôn thay đổi đến sự bất biến, từ khả năng hạn hẹp của con người đến sự thông biết mọi việc, ở được mọi nơi trong cùng một lúc và làm được mọi chuyện.

Đối với người Do-thái, khi tự nhận là Con Thượng Đế, Giê-xu đã phạm một tội rất nặng; đó là tội phạm thượng. Họ sẵn sàng ném đá cho đến chết kẻ phạm tội nầy. Giăng kể lại rằng sau khi Giê-xu nói “Ta với Cha là một,” các nhà lãnh đạo Do-thái liền lượm đá ném Ngài. Ngài hỏi: “Ta đã làm trước mắt các ngươi bao nhiêu phép lạ theo lệnh Cha ta. Vì lý do nào các ngươi ném đá ta?” Họ đáp: “Không phải vì Thầy làm phép lạ mà chúng tôi ném đá, nhưng vì Thầy xúc phạm Thượng Đế. Thầy là người mà dám tự xưng là Thượng Đế!”4 Trong một dịp khác, khi các nhà lãnh đạo Do-thái hạch tội Giê-xu vì Ngài chữa bệnh trong ngày lễ, Ngài đáp: “Trước nay, Cha ta luôn làm việc thiện, ta cũng làm việc thiện như Ngài.” Họ càng muốn giết Ngài, vì chẳng những “phạm ngày lễ” Ngài còn gọi Thượng Đế là Cha, tự cho mình đồng giai cấp với Thượng Đế.5

Trong một xã hội mà ngay cả danh hiệu Giê-hô-va của Thượng Đế người ta cũng không dám nói đến vì sợ “phạm húy” như vậy, mà Giê-xu dám đòi hỏi người khác phải tôn thờ mình như tôn thờ Thượng Đế. “Ai không tôn kính Con cũng không tôn kính Cha, là Đấng sai Con xuống đời.”6

Theo lời Giê-xu, biết Ngài là biết Thượng Đế, thấy Ngài là thấy Thượng Đế, tin Ngài là tin Thượng Đế, Ngài là Con của Thượng Đế và Thượng Đế thể hiện qua Ngài.

Không những chỉ trực tiếp nhận mình là Con Thượng Đế, Giê-xu còn cho mình có khả năng làm những việc mà chỉ có Thượng Đế mới làm được.

Chẳng hạn như Ngài tha thứ tội lỗi con người. Mác kể lại câu chuyện sau: Có một người bại được bạn bè khiêng trên cáng đem đến xin Giê-xu chữa lành. Lúc đó Ngài đang giảng đạo trong nhà. Biết không thể chen qua đám đông, họ liền gỡ mái nhà, dòng người bại xuống trước mặt Ngài. Thấy đức tin của họ, Giê-xu bảo người bại: “Con ơi, tội lỗi con được tha rồi!” Mấy thầy dạy luật ngồi đó nghĩ thầm: “Phạm thượng thật! Không lẽ ông này tưởng mình là Thượng Đế sao? Ngoài Thượng Đế còn ai có quyền tha tội?”7

Các thầy đã nghĩ rất đúng, ta chỉ có thể tha lỗi cho người phạm lỗi với ta; nhưng đối với sự phạm nghịch giữa hai người khác, không người thứ ba nào có quyền xen vào để tha thứ. Hơn nữa, nếu tội lớn nhất của con người là sự phạm nghịch với Thượng Đế, thì ai có thể tha thứ tội này ngoài Thượng Đế?

Rồi Giê-xu lại nói Ngài có quyền ban sự sống. Sự sống là điều con người nhận được từ Thượng Đế và chỉ Thượng Đế mới có thể ban cho. Thế mà Giê-xu nói: “Ta là sự Sống Lại và Nguồn Sống. Người nào tin ta dù chết, rồi cũng sẽ sống. Người đang sống mà tin ta sẽ được sống vĩnh viễn.”8 Ngài so sánh mình như một “mạch nước trong tâm hồn, tuôn tràn mãi mãi sức sống vĩnh viễn.”9 Ngài ví mình như người chăn chiên hiền lành: Chiên của Ngài nghe tiếng Ngài; Ngài biết chúng và chúng theo Ngài. “Ta cho chúng sự sống vĩnh viễn, chúng chẳng bị hư vong.”10

Ngài lại cảnh cáo rằng Ngài sẽ xét xử thế gian. “Cha không xét xử ai hết, vì đã giao trọn quyền xét xử cho Con.”11 “Khi ta quang vinh trở lại địa cầu với tất cả các thiên sứ thánh, ta sẽ ngồi trên ngôi vinh hiển. Tất cả các dân tộc sẽ tập họp trước mặt ta. Ta sẽ phân chia họ làm hai, như người chăn chia chiên với dê, sắp người công chính đứng bên phải và người gian ác bên trái.”12

Chẳng những thế, Ngài còn nhấn mạnh rằng tiêu chuẩn xét xử của Ngài không phải là cách con người đối xử với nhau nhưng là thái độ của họ đối với Ngài. Người nào công khai nhận Ngài trên thế gian Ngài sẽ nhận họ; còn người nào từ chối Ngài Ngài sẽ từ chối họ. Ngài nói: “Trong Ngày Phán Xét, sẽ có nhiều người phân trần: ‘Thưa Chúa, chúng tôi đã giới thiệu Chúa cho nhiều người, đã dùng danh Chúa để đuổi quỷ và làm nhiều phép lạ.’ Nhưng ta sẽ đáp: ‘Ta không hề biết các ngươi! Lui ngay cho khuất mắt ta, vì các ngươi chỉ làm việc gian ác!’”13 Nói như vậy, Ngài hàm ý rằng Ngài biết tất cả, và Ngài xét xử tùy theo tấm lòng thật của mỗi cá nhân đối với Ngài hơn là theo những việc họ làm.

Ngài tự nhận có thể thỏa mãn những nhu cầu cao quí nhất của con người mà không tiền bạc nào mua được. “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.”14

Những lời Giê-xu nói về chính mình như đã trình bày trên là những dữ kiện không ai chối cãi được. Hơn nữa, những lời ấy không phải chỉ là những nhận xét lẻ tẻ đó đây nhưng đã đóng một vai trò quan trọng trong sự dạy dỗ của Giê-xu. Vì vậy, khi đối diện với những câu nói nầy, chúng ta không thể nào đẩy chúng qua một bên như những điều không đáng quan tâm. Nếu thật sự muốn tìm hiểu về Ngài, chúng ta phải suy nghĩ thêm về những lời tự nhận nầy.

Có rất nhiều người coi Giê-xu như một vĩ nhân nhưng không sao chấp nhận được rằng Ngài là Con Thượng Đế. Tôi e rằng, khi họ nghiên cứu thêm về Giê-xu, những lời tự nhận là Con Thượng Đế của Ngài sẽ “chạm trán” mãnh liệt với quan niệm vĩ nhân của họ.

Thật vậy, Giê-xu đã không để quan niệm nầy có chỗ đứng. Đối diện với Ngài, chúng ta không thể có thái độ vô thưởng vô phạt như vậy. Những lời tự nhận của Ngài chỉ có thể hoặc đúng hoặc sai. Nếu Ngài đúng là Con Thượng Đế thì chúng ta có bổn phận phải tôn thờ Ngài mà không cần biết Ngài có hứa hẹn ban cho gì hay không. Ngược lại nếu sai, Giê-xu không còn là một vĩ nhân nhưng chỉ là hoặc khùng hoặc khoác lác ba hoa. Ta chỉ có thể hoặc khinh bỉ Ngài và sẵn sàng chấp nhận hậu quả của thái độ nầy, hay thờ phượng Ngài, chứ không thể nào chỉ kính nể Ngài như một vĩ nhân.

Dĩ nhiên, muốn đi đến một kết luận chín chắn hơn, chúng ta cần phải nghiên cứu thêm về những khía cạnh khác của đời Ngài.