Trang Đầu | Mục Lục | << Chương 9 | Chương 11 >> | Hướng Dẫn

Chương 10

VỀ TỪ TRÊN ĐÓ

Trong những chương trước, tôi đã cố gắng trả lời một số câu hỏi tôi thường gặp khi nói về Tin Lành Cứu Rỗi với người đồng hương. Hy vọng rằng những câu trả lời này đã giải đáp thỏa đáng những thắc mắc chính về Thượng Đế, con người và chương trình cứu rỗi của Ngài. Có nhiều học giả đã hy sinh cả đời để học hỏi thêm về những điều này trong thần học. Nhưng dù rất hoan nghênh thái độ tìm cầu này, tôi xin bạn trước hết hãy bước một bước nhảy vọt vào niềm tin. Chúng ta không thể nào đợi cho đến khi biết hết rồi mới tin. Vì thứ nhất, trí óc hữu hạn của chúng ta không thể nào biết hết. Thứ hai, chúng ta không cần phải biết hết rồi mới tin. Tôi không cần phải thông thạo về y khoa trước khi đi bác sĩ, cũng không cần tốt nghiệp kỹ sư mới dám bước lên máy bay. Thật ra, chữ “tin” nằm ở đó; đòi hỏi biết hết là đòi hỏi trở thành Thượng Đế. Hơn nữa, sau khi tin vào Chúa Cứu Thế Giê-xu, Đức Thánh Linh sẽ ngự vào lòng mỗi chúng ta để giúp chúng ta hiểu thêm những điều mầu nhiệm cần thiết khác. Chúng ta sẽ bàn đến Đức Thánh Linh trong chương kế tiếp.

Nhưng trong chương nầy, tôi đề nghị chúng ta trước hết hãy nhìn lại ý nghĩa của thập tự giá. Thứ nhất để chúng ta không đánh mất chủ đề của cuốn sách. Thứ hai để chúng ta có một điểm khởi đầu cho việc tìm hiểu Đức Thánh Linh.

Chúng ta đã thấy ý nghĩa của thập tự giá qua cái nhìn của Quan Tòa Thượng Đế, vừa yêu thương nhân loại nhưng vừa phải trừng phạt tội lỗi. Giờ đây, chúng ta có thể nhìn vấn đề dưới một khía cạnh khác và xem cái chết của Chúa Cứu Thế Giê-xu như một sự cứu chuộc cho chúng ta. Sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Thượng Đế đã trả giá rất cao để cứu chuộc anh em khỏi nếp sống lầm lạc của tổ tiên. Không phải trả giá bằng bạc vàng dễ mất mau hư, nhưng bằng huyết quý báu của Chúa Cứu Thế.”1

Ngày xưa, khi Lê Lợi bị quân địch bao vây, Lê Lai tình nguyện mặc áo bào của Lê Lợi, cỡi ngựa chạy phá vòng vây. Bị lừa, địch quân đuổi theo Lê Lai. Nhờ đó, Lê Lợi sống sót để tiếp tục kháng chiến và cuối cùng có thể giải phóng dân tộc. Cũng vậy, con người bị địch quân Ma Quỷ bao vây, tìm cách đẩy chúng ta vào hỏa ngục. Từ trên trời cao, Chúa Cứu Thế Giê-xu đã tình nguyện xuống trần làm người, khoác chiếc áo choàng tội lỗi của chúng ta, để chết thế cho chúng ta trên thập tự giá. Nhờ thế mỗi chúng ta mới được sự sống đời đời.

Nếu Nguyễn Du “chắp nhặt dông dài” chuyện Thúy Kiều bán mình chuộc cha chỉ để “mua vui cũng được một vài trống canh,” thì Kinh Thánh trái lại kể chuyện Chúa Cứu Thế Giê-xu “đã hy sinh tính mạng để cứu chuộc nhân loại”2 với mục đích quan trọng là để chúng ta tin mà được cứu.

Nhưng không một ví dụ nào có thể diễn tả hết được ơn cứu chuộc cao cả mà Thượng Đế đã làm cho chúng ta. Vì sự cứu chuộc nào trên đời cũng chấm dứt với một cái gì mất mát, thua thiệt; nếu không thì câu chuyện thiếu điểm hy sinh cao quý. Con của một nhà triệu phú bị bắt cóc. Nếu ông trả tiền chuộc con, thì ông vừa chịu hy sinh mất mát, vừa thua trí kẻ lừa đảo. Nếu lấy tiền lại được thì ông cao trí thật, nhưng đã không phải hy sinh. Trong chương trình của Thượng Đế, Chúa Cứu Thế Giê-xu phải hy sinh vì Thượng Đế phải trừng phạt tội lỗi, nhưng cuối cùng lại chiến thắng vinh quang, vì Ngài đã sống lại sau khi chết thế cho chúng ta.

Chúng ta đã phân tích những bằng chứng của sự sống lại. Giờ đây chúng ta hãy cùng nhìn đến ý nghĩa của nó.

Quan trọng hơn hết, sự sống lại của Chúa Cứu Thế Giê-xu chứng tỏ rằng Ngài đã khắc phục được cái chết. “Nhưng Đức Chúa Trời đã khiến Người sống lại, bứt đứt dây trói của sự chết, vì nó không thể giữ người lại dưới quyền nó.”3 Người tin Chúa vì thế không còn sợ cái chết nữa. Dĩ nhiên, một ngày nào đó thân thể họ cũng sẽ ngã gục; nhưng chết không phải là hết. Vì Chúa Cứu Thế Giê-xu đã sống lại, người tin Ngài cũng sẽ sống lại. “Sự sống lại diễn ra theo thứ tự: Chúa Cứu Thế Giê-xu sống lại trước hết, đến ngày Chúa tái lâm, những người thuộc về Ngài sẽ sống lại.”4 Lúc đó, “thân thể bằng xương thịt hư hoại này sẽ biến thành thân thể thần linh bất tử. Lúc đó, lời Kinh Thánh này sẽ ứng nghiệm: 'Sự chết bị chiến thắng tiêu diệt.’”5 Lúc đó người tin Chúa có thể diễu cợt với cái chết: “Nầy sự chết, ngươi chiến thắng nơi nào? Nầy sự chết, nọc độc ngươi để đâu?”6

Theo lời chứng của bác sĩ Lu-ca, trong vòng bốn mươi ngày sau khi Chúa Cứu Thế Giê-xu sống lại, Ngài đã hiện ra với nhiều người. Cuối cùng, “Chúa được tiếp rước lên trời đang khi họ ngắm nhìn Ngài. Một đám mây che khuất Chúa, không ai còn trông thấy nữa.”7

Vâng, không những Chúa Cứu Thế Giê-xu đã sống lại nhưng Ngài đã lên trời. Nói văn hoa hơn, sau sự phục sinh là sự thăng thiên. Nếu bạn đồng ý với tất cả những điều đã bàn đến trong sách nầy, bạn chắc sẽ thấy đây là một điều đương nhiên. Vì sau khi hoàn thành sứ mạng trên thập tự giá, Chúa Cứu Thế Giê-xu không cần phải kéo dài cuộc sống trên thế gian nầy nữa. Bốn mươi ngày là quá đủ để Ngài có thể dạy dỗ mọi người thêm về những điều mà trước kia họ không hiểu được.

Trở về trong chiến thắng vinh quang, Chúa Cứu Thế Giê-xu được Thượng Đế thưởng công: “Hãy ngồi bên hữu ta, cho đến chừng ta đặt kẻ thù nghịch ngươi làm bệ chân cho ngươi.”8

Thành “cánh tay phải” của Thượng Đế, Chúa Cứu Thế Giê-xu dầu vậy vẫn không quên tín đồ của Ngài. Kinh Thánh dạy rằng Ngài “bây giờ vì chúng ta hiện ra trước mặt Đức Chúa Trời”9 để “cầu thay cho chúng ta.”10 Vì thế, người tin Chúa không phải chỉ biết trông chờ đến ngày cuối cùng để nhận lãnh sự sống đời đời, nhưng ngay trong đời sống hiện tại có thể mạnh dạn đến với Thượng Đế qua sự cầu nguyện trong danh Chúa Cứu Thế Giê-xu “để nhận lãnh tình thương và ân phúc giúp ta khi cần thiết.”11

Chúng ta sẽ không có dịp bàn đến vấn đề cầu nguyện trong cuốn sách nầy. Dù vậy, xin chúng ta ghi nhận ở đây rằng Chúa Cứu Thế Giê-xu hoàn toàn thông cảm mỗi khó khăn của chúng ta. Có thể bạn có một người bà con làm lớn trong Tòa Bạch Ốc. Nhưng nếu người nầy rời Việt Nam đã quá lâu, ông ta sẽ không thông cảm được những khó khăn của bạn. Cảm ơn Chúa, biết được Ngài còn hơn biết được ngàn ông tổng thống mà ông nào cũng đã có lần vượt biên tị nạn. Vì Ngài đã có lần mang thân phận làm người; vì “Ngài từng chịu đựng mọi cám dỗ như chúng ta.”12 Vừa mới sinh ra, cha mẹ Ngài đã phải đưa Ngài đi tị nạn ở Ai-cập. Ngài đã bị người ta phỉ nhổ, đánh đập. Ngài đã trải qua mọi cô đơn, buồn bực. Ngài đã bị xử tử trên thập tự giá giữa hai tên cướp. Vì thế, Ngài thông cảm, và có thừa khả năng để lo lắng và giúp đỡ những ai biết đặt niềm tin vào Ngài.

Chúa Cứu Thế Giê-xu không hứa hẹn cho chúng ta vinh hoa phú quý trên đời. Ngược lại, Ngài cảnh cáo: “Phải đề phòng, đừng để lòng tham lam lôi cuốn. Vì đời sống con người không cốt ở chỗ giàu có dư dật đâu.”13 Một trong những điều Ngài hứa là sự bình an: “Ta để lại cho các con sự bình an trong tâm hồn. Ta ban cho các con sự bình an ta, chẳng phải thứ bình an mong manh của trần gian. Lòng các con đừng bối rối sợ hãi.”14 Sự bình an đến với người tin Chúa vì họ biết rằng Đấng họ tin là Đấng Hằng Sống, đầy quyền năng và thông cảm, đang ngồi bên tay phải Đức Chúa Trời. Sự bình an đến khi họ biết rằng “mọi việc đều hợp lại làm ích cho người yêu mến Đức Chúa Trời.”15

Rồi Chúa Cứu Thế Giê-xu sẽ trở lại trần gian. Chúng ta đã bàn qua vấn đề nầy. Chúng ta đã nghe lời xác nhận của Ngài: “Các ngươi sẽ thấy ta ngồi bên phải ngai Thượng Đế, và cỡi mây trời trở lại trần gian.”16 Chúng ta đã biết rằng đây là Ngày Cuối Cùng, Ngày Xét Xử và trong ngày đó con người phạm tội phải chịu hủy diệt đời đời, nhưng những người tin vào Ngài sẽ sống lại, như Ngài đã sống lại. Giờ đây chúng ta có thể bàn thêm một vấn đề khác liên quan đến sự tái lâm nầy.

Nếu bạn hỏi khi nào Chúa Cứu Thế Giê-xu trở lại, thì tôi xin thưa rằng không ai biết được. Chính Ngài cũng đã xác nhận: “Không một ai biết được ngày giờ tận thế. Ngay cả thiên sứ và chính ta cũng không biết.”17 Tại sao vậy? Tại sao Kinh Thánh không cho chúng ta biết rõ ngày giờ của một biến cố tối quan trọng như vậy? Chúa Cứu Thế Giê-xu trả lời: “Nếu chủ nhà biết trước lúc nào bọn gian phi đến, tất phải canh gác đề phòng để khỏi bị mất trộm. Các con phải luôn luôn sẵn sàng vì ta sẽ đến trong giờ các con không ngờ.”18

Đây là điều rất quan trọng mà tôi xin nhấn mạnh với bạn, nếu bạn còn chần chờ chưa chấp nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu. Nếu bạn biết chắc ngày và giờ Ngài trở lại, bạn có thể đợi đến lúc đó mới tin để được cứu như bao người khác. Nhưng thưa bạn, Chúa Cứu Thế Giê-xu không muốn một niềm tin tính toán như vậy. Chúa có thể trở lại đêm nay và nếu vậy bạn có sẵn sàng chờ đón Ngài chưa?

Mặc dầu không nói rõ ngày giờ Chúa Cứu Thế Giê-xu trở lại, Kinh Thánh cho chúng ta biết những “điềm” hay những dấu hiệu sẽ xảy ra trước đó.

Trước hết, trong những ngày cuối cùng, chúng ta sẽ chứng kiến một nền đạo đức thật sự suy đồi. Đây là cố gắng cuối cùng của Ma Quỷ, như một ngọn đèn lóe lên trước khi tắt lịm. Sứ đồ Phao-lô viết, “Trước ngày Chúa đến, phải có thời kỳ bội đạo, và Người Tội ác (hiện thân của Địa Ngục) xuất hiện. Nó sẽ chống nghịch mọi thần linh, khuynh loát mọi thần thánh được người ta thờ phượng.”19 Ông cảnh cáo, “Chúa Thánh Linh đã dạy dỗ rằng: Trong thời kỳ cuối cùng, một số người sẽ bỏ đức tin, đi theo các thần lừa gạt và lời dạy của các quỷ, qua môi miệng bọn giả nhân giả nghĩa chuyên nói dối đến nỗi lương tâm trở thành chai đá.”20 Chúa Cứu Thế Giê-xu cũng dặn, “Khi ấy, nếu ai bảo các con: 'Chúa Cứu Thế vừa đến nơi kia!' các con đừng tin. Vì nhiều người sẽ mạo nhận là Chúa Cứu Thế hay nhà tiên tri làm phép lạ để lừa gạt nhiều người, có thể đánh lừa cả con dân Chúa. Các con phải đề phòng! Ta đã nói trước cả rồi!”21

Vâng, nếu hôm nay bạn nhìn quanh và thấy có nhiều người chống Chúa, có nhiều lý thuyết viển vông đưa con người đi xa chân lý, thì xin bạn hãy thêm đề phòng và giữ vững niềm tin. Vì đây chính là tiếng chân của Chúa Cứu Thế Giê-xu, báo hiệu sự trở lại của Ngài.

Ngày nay, với bao nhiêu khám phá của tâm lý học và với các kỹ thuật quảng cáo truyền tin, những người chống nghịch lại Chúa có thêm trong tay bao nhiêu vũ khí để đả phá Tin Lành Cứu Rỗi. Nhưng xin bạn đừng vội nghe theo họ. Đó chỉ là những cố gắng cuối cùng trước sự tắt lịm đời đời trong hỏa ngục tối tăm.

Chúa Cứu Thế Giê-xu cũng cho chúng ta một dấu hiệu khác: “Khi nghe có chiến tranh loạn lạc, các con đừng khiếp sợ. Những biến cố ấy phải xảy ra trước, nhưng chưa đến ngày tận thế. Dân tộc nầy sẽ tấn công dân tộc khác; nước nọ tuyên chiến với nước kia. Sẽ có động đất dữ dội, nhiều xứ bị đói kém và bệnh dịch. Sẽ có những biến cố khủng khiếp và trên trời sẽ có nhiều dấu lạ.”22

Thật ra chiến tranh, loạn lạc và đói kém không phải là điều mới lạ. Chúng là sản phẩm của con người tội lỗi và vì thế đã xảy ra từ khi A-đam phạm tội. Điều mới lạ mà chúng ta ghi nhận ngày nay là khả năng hủy hoại của chúng. Không ai còn lạc quan cho rằng con người càng văn minh thì càng biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Kinh Thánh không có sự lạc quan đó và nói rõ rằng, mãi cho đến ngày cuối cùng, con người sẽ vẫn còn cấu xé lẫn nhau và chiến tranh đói kém không những vẫn còn, nhưng còn với một cường độ hủy hoại khủng khiếp.

Tôi không dám dựa vào những dấu hiệu nầy để đoan quyết với bạn rằng Chúa Cứu Thế Giê-xu sẽ trở lại trong đời chúng ta. Điều tôi muốn thưa với bạn là thế giới ngày nay đang gần với những dấu hiệu này hơn bao giờ hết. Chúng ta phải luôn luôn đề cao cảnh giác đón chờ ngày Chúa trở lại. Nếu bạn đã đặt niềm tin vào Ngài, xin bạn hãy giữ vững niềm tin, đừng để các tà đạo làm niềm tin của bạn bị lung lay. Nếu bạn còn chần chờ chưa tin Chúa, thì xin bạn hãy mau đến với Ngài, vì có thể Ngài sẽ trở lại trong giây phút này.

Nhưng làm sao chúng ta giữ vững niềm tin để đón chờ ngày Chúa Cứu Thế Giê-xu trở lại? Đồng ý rằng giờ đây Ngài đang ở trên Thiên Đàng cầu thay cho chúng ta, nhưng như vậy vẫn còn xa cách quá. Nếu phải đương đầu với bao nhiêu quyến rũ và bao nhiêu lý thuyết lầm lạc đang dùng những kỹ thuật thuyết phục tân thời, nếu phải sống trong hiểm họa chiến tranh khiến con người cố gắng thụ hưởng những gì hiện có, thì làm sao tôi không bị lung lạc?

Lần nữa, khi thấy câu trả lời, chúng ta càng phải thêm khâm phục và cám ơn Thượng Đế. Vì Ngài đã không để chúng ta bị cô đơn. Sau khi Chúa Cứu Thế Giê-xu lên trời, Đức Thánh Linh đã hiện xuống, để ngự trị trong lòng những ai biết trông cậy vào Ngài, để cho họ một đời sống mới, để dạy dỗ, để ban thêm ân tứ, để an ủi, và để khuyến khích họ giữ vững niềm tin trong khi chờ ngày đối diện với Cứu Chúa.