Trang Đầu | Mục Lục | << Chương 10 | Chương 12 >> | Hướng Dẫn

Chương 11

ĐỨC THÁNH LINH

Nếu không biết gì về những lời dạy trong Kinh Thánh, và giả thử rằng bạn chưa đọc chương trước, thì bạn nghĩ Chúa Cứu Thế Giê-xu sẽ làm gì sau khi đã hoàn thành sứ mạng chết thế cho bạn và tôi? Dĩ nhiên, Ngài sẽ không chết mãi mãi nhưng sẽ sống lại. Rồi hoặc Ngài sẽ tiếp tục sống trên trần gian, hoặc sẽ trở về Thiên Đàng. Có lẽ chúng ta thích thấy Ngài chọn con đường thứ nhất, nhưng Ngài lại dạy các sứ đồ: “Ta cho các con biết: ta đi là ích lợi cho các con.”1

Tại sao vậy? Vì nếu tiếp tục sống trên trần gian, Chúa Cứu Thế Giê-xu sẽ phải mang thân xác con người với bao nhiêu giới hạn của nó. Thử tưởng tượng Ngài còn ở lại trên trần gian cho đến hôm nay và bị bao nhiêu tín đồ trên thế giới đổ dồn đến để hỏi ý kiến, để rờ Ngài, hay để xin một mảnh quần áo của Ngài làm kỷ niệm! Rõ ràng là không được. Nếu ở lại trần gian, Chúa Cứu Thế Giê-xu phải dứt bỏ thân xác con người, để vượt trên giới hạn của không gian và nhờ đó có thể tiếp xúc với nhiều người ở rải rác khắp năm châu trong cùng một lúc. Trong một hình thức, Ngài đã làm như vậy: Ngài đang ở với chúng ta dưới dạng của Đức Thánh Linh. Ngài và Đức Thánh Linh là một. Chúng ta sẽ bàn về vấn đề này thêm trong chương sau.

Nhưng bây giờ, xin chúng ta tạm hiểu rằng vấn đề đã được giải quyết một cách khác, đó là Chúa Cứu Thế Giê-xu đã trở về Thiên Đàng, ngồi bên tay phải Thượng Đế, rồi gửi Đức Thánh Linh xuống trần gian. “Nếu ta không đi, Đấng An Ủi sẽ không đến với các con. Khi ta đi, ta sẽ sai Ngài đến.”2 Lần này, Đức Thánh Linh mang một dạng rất “uyển chuyển,” như gió chẳng hạn, để có thể “ngự trị trong lòng” mỗi tín đồ.

Chúa Cứu Thế Giê-xu đã không để các sứ đồ mù mờ về vấn đề này. Ngài nói rất nhiều đến Đức Thánh Linh. Đặc biệt, trước khi lên trời, Ngài căn dặn rõ ràng: “Các con đừng vội ra khỏi thành Giê-ru-sa-lem, nhưng phải ở lại chờ đợi điều Cha hứa, như ta đã nói trước. Vì Giăng chỉ làm báp-tem bằng nước, nhưng ít ngày nữa các con sẽ được làm báp-têm bằng Thánh Linh.”3

Các sứ đồ đã vâng theo lời Ngài. Họ ở nán lại trong thành Giê-ru-sa-lem, mặc dầu tại đó có đầy những người chống họ. Họ chờ đợi và cầu nguyện. Lúc đó, thành Giê-ru-sa-lem đang nhộn nhịp chuẩn bị lễ Ngũ Tuần và đường phố đông nghẹt người từ xa về dự lễ.

Rồi việc phải đến đã đến. Chính trong ngày lễ Ngũ Tuần, Đức Thánh Linh đã hiện xuống. Như bác sĩ Lưu-ca diễn tả:

“Đến ngày lễ Ngũ Tuần, các môn đệ Chúa đều họp mặt đông đủ. Thình lình, có tiếng động từ trời như luồng gió mạnh thổi vào đầy nhà. Các môn đệ thấy những chiếc lưỡi bằng lửa xuất hiện, đậu trên đầu mỗi người. Tất cả đều đầy dẫy Thánh Linh, mỗi người bắt đầu nói một ngoại ngữ do Thánh Linh chỉ bảo.

Lúc đó, tại thủ đô Giê-ru-sa-lem có những người Do-thái và người mộ đạo từ nhiều dân tộc về dự lễ. Tiếng động vang ra, một đám đông kéo đến, vô cùng kinh ngạc vì nghe các môn đệ nói đúng ngôn ngữ của mỗi dân tộc. Họ sửng sốt hỏi nhau: “Những người ấy không phải là người Ga-li-lê sao? Tại sao họ nói được tiếng mẹ đẻ của chúng ta, để miêu tả những công việc phi thường của Thượng Đế?”4

Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên Đức Thánh Linh hiện xuống. Cựu Ước đã ghi lại việc làm của Ngài trước khi Chúa Cứu Thế Giê-xu giáng sinh. Chẳng hạn như Ngài ban cho Giô-xép sự khôn sáng5, giúp Sam-sôn thêm can đảm và hùng mạnh6.... Và như đã bàn trước đây, “không có lời tiên tri nào trong Kinh Thánh do các tiên tri tự nghĩ ra, nhưng chính Chúa Thánh Linh đã cảm ứng họ nói ra lời của Thượng Đế.”7 Kinh Thánh cũng nói rằng chính Chúa Cứu Thế Giê-xu đã được thụ thai bởi Đức Thánh Linh8, và sau khi Ngài nhận phép báp-têm, Đức Thánh Linh đã ngự xuống trên Ngài.9

Điều khác biệt quan trọng là trước ngày lễ Ngũ Tuần lịch sử đó, Đức Thánh Linh chỉ đến với một vài người đặc biệt, nhiều khi chỉ trong một giai đoạn ngắn, để giúp họ hoàn thành một số trách nhiệm. Ngược lại, sau biến cố trên, Đức Thánh Linh hiện xuống không những chỉ để ngự trong lòng mỗi tín đồ, nhưng cũng để giúp những người thật lòng muốn đến với Chúa Cứu Thế Giê-xu trong niềm tin.

Vâng, đến với Chúa Cứu Thế Giê-xu trong niềm tin không phải là chuyện dễ làm. Điều nầy đòi hỏi một người phải dẹp bỏ lòng tự ái để chấp nhận rằng mình tội lỗi. Vì thế, không ai có thể làm người khác tin Chúa ngoại trừ Đức Thánh Linh, và cũng không ai có thể tự mình tin Chúa nếu không được sự giúp đỡ của Đức Thánh Linh. Chúng ta đã có lần ví mình như đang tuyệt vọng trên con thuyền Bản Ngã gần chìm. Thấy chiếc phao cứu rỗi trước mặt, thế mà chúng ta không thể đưa tay nắm phao. Chỉ có một điều chúng ta làm được, đó là cầu nguyện. Thật ra, chúng ta chỉ cần làm chừng đó, vì nếu chúng ta thật lòng cầu nguyện, Đức Thánh Linh sẽ đến giúp chúng ta ăn năn và tin.

Khi ngự vào lòng một cá nhân, không phải Đức Thánh Linh chỉ ban cho họ khả năng làm được một vài điều, nhưng Ngài ban cho họ một đời sống mới. “Cuộc đời cũ đã qua, nhường chỗ cho đời sống hoàn toàn đổi mới.”10 Trong đời sống mới nầy, người tin Chúa nhận được thêm một “chiều sâu” mà trước kia họ không hiểu được. Người ta thường nghĩ rằng tin Chúa là một mất mát và đời sống người tín đồ rất nhàm chán. Nhưng có rất nhiều người tin Chúa sẵn sàng làm chứng rằng sự thực hoàn toàn trái ngược. Trước kia họ thấy đời lạnh lùng trôi qua một cách vô nghĩa. Giờ đây, với Đức Thánh Linh trong lòng, họ có một đời sống mới, đem đến cho họ một nguồn năng lực mới, một chí hướng mới, một tình cảm mới và một niềm hy vọng mới. Nói theo Kinh Thánh, họ đã được “sinh lại” hay được “tái sinh.”

Có lần, Chúa Cứu Thế Giê-xu nói với một người tên Ni-cô-đem: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu một người chẳng sanh lại thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời.... Thể xác chỉ sanh ra thể xác; Thánh Linh mới sinh ra tâm linh. Chớ lấy làm lạ về điều ta đã nói với ngươi: Các ngươi phải được sinh lại.”11 Vì thế giờ đây xin bạn cho tôi hỏi thẳng câu nầy: “Bạn đã được tái sinh chưa?” Có thể bạn không biết sự tái sinh này đã xảy ra lúc nào, nhưng bạn phải biết rằng bạn đã được thay đổi hay chưa? Trước kia, khi theo bạn bè đi nhà thờ, tôi cảm thấy thật “lạc lõng,” đôi khi phải véo vào người để khỏi ngủ gục; lén nhìn người ta cầu nguyện, tôi tự hỏi tại sao họ có thể chân thành đến thế; nghe người ta hát với cả tấm lòng, tôi tự nghĩ mình không thể làm được chuyện trẻ con như vậy. Thế mà giờ đây tôi luôn mong chờ mỗi ngày Chúa Nhật, để đến nhà thờ nhận lãnh thức ăn tinh thần mà linh hồn tôi thèm khát. Tôi biết tôi đã được tái sinh.

Nhưng đây chỉ là một trong nhiều dấu hiệu của sự tái sinh. Có một dấu hiệu rõ ràng nhất mà bạn phải tìm kiếm đó là bạn có tin vào dòng máu cứu rỗi của Chúa Cứu Thế Giê-xu hay chưa?

Cũng như không ai lọt lòng mẹ nửa vời, không ai chỉ tái sinh được một nửa. Có thể người khác không biết bạn đã được tái sinh hay không, nhưng bạn phải biết. Xin đừng nghĩ rằng đi nhà thờ thường xuyên hay thuộc gia đình “đạo gốc” là đủ. Những suy nghĩ này chỉ đưa bạn đến sự hủy diệt đời đời, cộng thêm nỗi khổ sở, miễn cưỡng lúc sinh hoạt trong hội thánh. Xin bạn nhớ lời Kinh Thánh: “Người không có Thánh Linh của Chúa Cứu Thế dĩ nhiên không thuộc về Chúa Cứu Thế.”12

Có nhiều lý do khiến tôi thích so sánh Đức Thánh Linh với người mẹ Việt. Cả hai đều đem lại cho tôi một cái gì gần gũi, nhẹ nhàng, thấm thía. Tin Chúa là được sinh lại, là trở thành như con trẻ. Nhưng tin Chúa không phải là bị mồ côi. Tin Chúa là về với đại gia đình trong đó Thượng Đế là Cha, các tín hữu là anh chị em và Đức Thánh Linh là Mẹ.

Mẹ Thánh Linh dạy người tín đồ những điểm cần thiết cho niềm tin. Chúa Cứu Thế Giê-xu nói với các môn đồ: “Ta còn nhiều điều muốn nói với các con, nhưng hiện giờ các con chưa hiểu nổi. Khi Thần Chân Lý đến, Ngài sẽ dạy cho các con biết chân lý toàn diện. Ngài không nói theo ý mình, nhưng truyền lại những điều Ngài đã nghe và báo cho các con biết những việc tương lai. Thần Chân Lý sẽ tôn vinh ta, vì Ngài sẽ cho các con biết sự thật về vinh quang ta.”13

Nếu Đức Thánh Linh đã khải thị để có Kinh Thánh thì chính mình Ngài cũng sẽ giúp người tín đồ hiểu được Kinh Thánh. Thưa bạn, đây không phải chỉ là lý thuyết. Tôi biết có người trước khi tin Chúa đã dùng sức mình tìm hiểu Kinh Thánh nhưng chỉ hiểu được một cách mù mờ. Rồi sau khi tin Chúa, người ấy bỗng cảm thấy Lời Chúa tự nhiên sáng tỏ, và ông hiểu được nhiều điều mà trước kia ông không lĩnh hội được. Có lẽ Kinh Thánh giống như những bài ca dao lục bát. Trong lúc âm điệu của những câu thơ lục bát không bao giờ tắt lịm trong lòng người Việt, người ngoại quốc có thể hiểu được ý nghĩa của bài thơ, nhưng không thể nào hoàn toàn rung cảm. Mẹ Thánh Linh không phải chỉ sinh thành những người được cứu, nhưng cũng là người mẹ à ơ ru con bằng những bài ca dao lục bát Kinh Thánh, để đời con luôn được gắn liền với tiếng dân ca trên Thiên Đàng.

Mẹ Thánh Linh dạy người tin Chúa biết bặp bẹ gọi cha. “Thánh Linh ngự trong anh em không bao giờ đem anh em trở về vòng nô lệ khủng khiếp của ngày xưa, nhưng Ngài đưa anh em lên địa vị làm con, nhờ thế anh em được gọi Thượng Đế bằng Cha. Chính Thánh Linh xác nhận với tâm linh chúng ta rằng chúng ta là con cái của Thượng Đế.”14

Chính Mẹ Thánh Linh bảo đảm rằng người con tín đồ sẽ thừa hưởng một gia tài kếch xù. Có thể bạn đã tin Chúa, nhưng còn nghi ngờ về những điều bạn sẽ nhận được như sự sống đời đời. Điều nầy không có nghĩa là bạn sẽ không được cứu. Người con có thể nghi ngờ về gia tài mình sẽ thừa hưởng, nhưng gia tài vẫn còn đó. Bạn nghi ngờ là vì bạn không nghe lời Mẹ Thánh Linh và nhìn sổ nhà băng Kinh Thánh. Giấy tờ đó, lời bảo đảm của Mẹ đó; sao còn nghi ngờ để thiếu mất bình an?

Rồi Mẹ Thánh Linh vỗ về, an ủi người con tín đồ khi bị Cha Thượng Đế sửa phạt. Mẹ nhắc con rằng vì Cha yêu nên mới phạt. Mẹ dùng lời Kinh Thánh: “Con ơi, đừng xem thường sự sửa dạy của Chúa. Khi Chúa quở trách, con đừng chán nản! Vì Chúa sửa dạy người Ngài yêu thương, dùng roi vọt sửa trị con ruột.”15 Dầu có gì xảy đến cho người tin Chúa họ cũng được Mẹ nhắc rằng đây chỉ là chuyện “Tái Ông mất ngựa.” Họ nhớ lời Mẹ Thánh Linh: “Mọi việc đều hợp lại làm ích cho người yêu mến Đức Chúa Trời.”16 Họ biết rằng Thượng Đế yêu họ, ngay cả trong những lúc Ngài để họ gặp khó khăn trên đời.

Có một sinh hoạt tuyệt đẹp giữa mẹ và con mà tôi xin bạn hãy tưởng tượng lúc này. Đó là cảnh một người mẹ đưa tay khuyến khích đứa con chập chững tập đi. Tôi thấy hình ảnh này thật giống với hình ảnh Đức Thánh Linh dạy các tín đồ được “nên thánh,” tức là được tốt hơn.

Thật ra, nội tâm của người tín đồ không phải luôn luôn phẳng lặng. Từ ngày tin Chúa, tâm hồn của họ bỗng trở thành một bãi chiến trường trong đó những quyến rũ của tội lỗi và những ý muốn làm đẹp lòng Thượng Đế luôn đối chọi với nhau. Người tín đồ có một sự bình an và vui vẻ trọn vẹn vì họ biết rằng, nhờ vào quyền năng của Thượng Đế, cuối cùng điều lành sẽ thắng. Tuy nhiên, khi nào linh hồn họ còn bị giam hãm trong thân thể hay hư nát nầy, họ vẫn còn chịu sự giằng co kéo dài trong tâm khảm.

Lần nữa, xin bạn đừng nghĩ rằng Tin Lành Cứu Rỗi không đúng vì có những tín đồ lầm lỗi; và nếu bạn đã tin Chúa, thì xin đừng vội bỏ cuộc vì thấy mình như “ngựa quen đường cũ.” Xin bạn nhớ đến lời của sứ đồ Phao-lô, “Tôi khuyên anh em đi trong sự hướng dẫn của Thánh Linh, để thoát khỏi dục vọng của bản tánh cũ. Bản tánh cũ thích làm những điều nghịch với Thánh Linh, trong khi Thánh Linh muốn anh em làm những việc trái với bản tánh cũ. Hai bên luôn luôn tranh đấu, nên anh em không thể làm điều mình muốn. Nhưng một khi anh em để Thánh Linh hướng dẫn, luật pháp không còn quyền trói buộc anh em.”17

Có lần, tôi được xem một phim tài liệu về các em trong cô nhi viện. Một điều làm tôi đau buồn hơn hết là các em rất thụ động. Thiếu người hướng dẫn khuyến khích, các em chỉ biết ngồi thừ người ra đó. Có em đã lớn nhưng chưa biết đi biết nói. Các em hoàn toàn thiếu sinh hoạt, thiếu sự tìm tòi cần thiết để trưởng thành. Con người cũng vậy, thiếu sự hướng dẫn của Mẹ Thánh Linh, nhiều người không buồn tranh đấu với tội lỗi, sống buông xuôi theo những quyến rũ của đời.

Tin Chúa là được Mẹ Thánh Linh khuyến khích, dạy dỗ; và sự giằng co trong tâm khảm là một phản ứng thuận lợi trong lòng người tín đồ. Điều quan trọng là người tín đồ phải “theo sự hướng dẫn của Thánh Linh”18 để khỏi bỏ cuộc. Mẹ đưa tay ra khuyến khích con đi, con chập chững bước theo từng bước. Nhờ có mẹ, con mới cố gắng bước đi. Mẹ là đối tượng con bước tới; vòng tay mẹ là phần thưởng con tìm đến. Thấy mẹ, con biết mình được an toàn. Nhìn đến mẹ con sẽ không bao giờ bị rớt vào những hố thẳm chứa đầy chông gai.

Đôi khi con té, và cảm thấy đau thấm thía. Nhiều khi người tín đồ thấy mình phạm tội và lòng bứt rứt khôn cùng. Tuy nhiên, Mẹ Thánh Linh vẫn kiên nhẫn khuyến khích, và người con tín đồ, nếu nhìn mẹ, sẽ thấy vòng tay mẹ vẫn còn đó, sẵn sàng bảo vệ, che chở và nâng đỡ con đứng dậy tiếp tục bước đi. Sau nầy, khi nhìn lại, con biết rằng mẹ để con té như vậy chỉ để con thêm sớm trưởng thành.

Không cần tin Chúa, con người cũng có thể sống một đời đạo đức gương mẫu. Dù đồng ý rằng những cố gắng như vậy rất đáng khâm phục, nhưng tôi cho rằng chúng không đáng noi theo. Thứ nhất là vì chúng không đưa đến sự cứu rỗi; và thứ hai là vì chúng đòi hỏi một nghị lực phi thường với bao cố gắng vượt bực, với nhiều hy sinh ép xác. Người tín đồ ngược lại, nếu chỉ cần biết đi theo sự hướng dẫn của Mẹ Thánh Linh, có thể sống một đời sống gương mẫu một cách dễ dàng. Họ làm điều nầy không phải để được cứu, vì họ đã được cứu; nhưng họ làm vì yêu thương Thượng Đế, Chúa Cứu Thế Giê-xu, và Đức Thánh Linh. Tình yêu là động lực, và tình yêu có thể khiến con người làm được nhiều chuyện phi thường không ngờ được.

Cũng vậy, trong khu vườn Niềm Tin, con người tự nhiên kết quả đem lại nhiều ơn phước dồi dào. “Nếp sống do Thánh Linh dìu dắt sẽ kết quả yêu thương, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân từ, hiền lương, thành tín, hòa nhã, tự chủ.”19 Tất cả đến không phải từ những cố gắng phi thường, nhưng từ sự ban cho của Mẹ Thánh Linh gần gũi.

Nếu bạn còn mẹ trên đời, tôi xin bắt chước Nhất Hạnh cài vào áo bạn một đóa hoa hồng. Nếu bạn có Mẹ Thánh Linh trong lòng, tôi xin nhắc rằng bạn đã được Thượng Đế gắn vào tim một đóa hoa mang hình thập tự. Tối nay, khi yên tĩnh, xin bạn một lần nữa đến nhỏ nhẹ nói với Mẹ Thánh Linh: “Chúa ơi, con cám ơn Ngài đã đến trong lòng con. Xin dạy con không làm phật lòng Ngài nữa. Xin dạy con luôn biết yêu Ngài, để đời con từ nay kết quả.”