Trang Đầu | Mục Lục | << Chương 3 | Chương 5 >> | Hướng Dẫn

Chương 4

TÔI TỘI, TỐI, TỒI

Chúng ta đã nhìn qua một số bằng chứng về thần tính của Giê-xu và có lẽ những bằng chứng này đã đủ để chứng tỏ Ngài là Con Thượng Đế. Tuy nhiên, khi tin điều nầy, niềm tin của một người sẽ không ngừng tại đây, vì câu hỏi tự nhiên kế tiếp sẽ là tại sao một Chúa Tể Muôn Loài như vậy lại xuống trần gian, mang thân phận làm người, để cuối cùng chịu chết một cách nhục nhã trên thập tự giá.

Nếu phải trả lời vắn tắt, tôi xin thưa rằng Ngài làm điều nầy cho bạn và tôi, để cứu chúng ta khỏi sự hủy hoại đời đời, và đưa chúng ta về Thiên Đàng vĩnh cửu.

Tuy nhiên, có lẽ câu trả lời nầy không đủ, và bạn muốn chúng ta cùng nhau tìm hiểu thêm cho tường tận vấn đề.

Nếu Chúa Giê-xu giáng thế làm người để cứu rỗi nhân loại thì một trong những dữ kiện giờ đây chúng ta phải nhìn đến một cách khách quan là chính con người chúng ta. Phải thấy rõ thân phận mình, chúng ta mới có thể thấu hiểu được sự kỳ diệu trong việc làm của Ngài. Phải biết mình tội lỗi đáng bị hình phạt, chúng ta mới chịu nếm liều thuốc nhiệm mầu, tức dòng máu của Ngài trên thập tự giá hôm xưa.

Tội ác là một đề tài ít người muốn nói đến nhưng là một sự thật phũ phàng chúng ta phải công nhận khi nhìn vào chính mình. Quan niệm “nhân chi sơ tính bản thiện” mặc dầu thịnh hành vào thế kỷ thứ mười chín, ngày nay không còn mấy người tin. Lúc đó, người ta còn lạc quan cho rằng con người thật ra tốt, nhưng sở dĩ phạm tội là vì hoàn cảnh đẩy đưa. Họ chủ trương rằng, với một chương trình giáo dục rộng rãi và một kế hoạch xã hội có hiệu quả, con người sẽ không còn cấu xé lẫn nhau, và thế gian sẽ trở thành một thiên đàng nơi hạ giới. Trên lý thuyết, chủ nghĩa Cộng Sản cũng dựa trên quan niệm nầy.

Nhưng thực tế cho thấy quan niệm nầy không đứng vững. Ngày nay, tại nhiều nước tân tiến, giáo dục không còn là một đặc ân cho những người có tiền nhưng là quyền lợi của mỗi công dân. Thế mà, chính tại những nước văn minh đó, những tệ đoan xã hội lại trầm trọng hơn nơi nào hết. Đã thế, trong nhiều trường hợp, chính những người có học thức cao lại là người gây ra những tội ác dã man và tàn bạo vượt khỏi sự tưởng tượng của mọi người.

Nhìn quanh, chúng ta thấy đời sống hôm nay đầy dẫy những dữ kiện minh chứng bản tánh tội lỗi của con người. Luật pháp được đặt ra vì con người không thể sống hòa thuận với nhau và cùng nhau giải quyết những bất đồng tranh chấp. Đã vậy, luật pháp một mình không đủ và ta cần có cảnh sát, quân đội để chấp hành. Nơi nào không có những “bạn dân” nầy, con người để lộ ra bộ mặt thật của mình, và cấu xé nhau như bọn hải tặc cấu xé người Việt đi tìm tự do trên biển cả. Chúng ta không còn tin được ai! Lời hứa suông không đủ, chúng ta phải ký hợp đồng trước khi hợp tác làm ăn. Cửa nhà không còn “thường bỏ ngỏ” nhưng càng ngày càng thêm nhiều ổ khóa cùng các hệ thống báo động.

Có lẽ ai cũng công nhận rằng con người nói chung tội lỗi, nhưng điều chúng ta khó đồng ý là tất cả mọi người đều phạm tội. Chúng ta thích nghĩ mình là những đóa hoa thơm đem đến dịu ngọt cho đời trong lúc những kẻ khác mới là những “con sâu làm rầu nồi canh.”

Chúng ta nghĩ vậy là vì chúng ta có một cái nhìn rất khoan dung đối với mình. Theo nghĩa thông thường, một người chỉ có tội nếu bị tòa kết án, sau khi dựa vào những dữ kiện có được, và nghe lời bào chữa của bị can. Nếu tôi chưa một lần đứng trước vành móng ngựa thì tôi không thể nào có tội.

Quan niệm nầy rõ ràng là quá ư dễ dãi, vì có nhiều tội ác tày trời đã xảy ra mà không ai biết hoặc tìm ra thủ phạm.

Đối với Thượng Đế, vấn đề tội lỗi không giản dị như thế. Luật của Ngài không phải là luật của người đời và tiêu chuẩn của Ngài khác với tiêu chuẩn của con người.

Trước hết, luật của Ngài là tuyệt đối. Trong khi chúng ta phân biệt tội nặng và tội nhẹ, trước mặt Thượng Đế, tội lỗi, dầu nặng hay nhẹ, vẫn là tội lỗi. Lại nữa, Ngài thấy tất cả và hiểu tất cả. Ngài không chỉ nhìn đến hành động bên ngoài của chúng ta nhưng cũng để ý đến những ý nghĩ sâu kín trong tâm trí chúng ta. Chúa Giê-xu phán, “Các ngươi có nghe lời phán cho người xưa rằng: 'Ngươi chớ giết ai'; và rằng: 'Hễ ai giết người thì đáng bị tòa án xử đoán.' Song ta phán cho các ngươi: 'Hễ ai giận anh em mình thì đáng bị tòa xử đoán rồi.'”1 Ngài cũng phán: “Các ngươi có nghe lời phán rằng: 'Ngươi chớ phạm tội tà dâm.' Song ta phán cho các ngươi biết: 'Hễ ai ngó đàn bà mà động tình tham muốn thì trong lòng đã phạm tội tà dâm cùng người đó rồi.'”2

Theo Kinh Thánh, chúng ta phạm tội không phải chỉ vì làm điều quấy, nhưng cũng vì biết điều lành mà không làm. Sứ đồ Gia-cơ dạy: “Kẻ biết làm điều lành mà chẳng làm, thì phạm tội.”3

Nhưng những điều chúng ta vừa bàn trên về tội lỗi vẫn còn quá thiếu sót, vì chúng ta chỉ bàn đến những tội lỗi giữa con người với nhau mà chưa nói đến tội lỗi chúng ta phạm cùng Thượng Đế.

Tội phạm cùng Thượng Đế mang nhiều hình thức khác nhau, nhưng hình thức thông thường nhất là chúng ta xem thường Ngài. Người Việt chúng ta rất trọng chữ “hiếu,” nên không kính trọng cha mẹ là một cái tội. Nếu coi thường Thượng Đế, chúng ta phạm một tội nặng gấp triệu lần tội bất hiếu vì đã coi thường một Đấng không những chỉ ban cho tổ tiên chúng ta sự sống nhưng cũng đã dựng nên toàn vũ trụ.

Lúc tôi còn bé, mẹ tôi có lần phải nằm bệnh viện xa. Khi tôi vô thăm bà sau một thời gian xa cách, câu hỏi đầu tiên của bà là tôi có nhớ bà không. Không hỏi xem tôi có đối xử tử tế với bạn bè hay không, bà lặp đi lặp lại rằng bà nhớ tôi và muốn nghe tôi nói tôi nhớ bà.

Thượng Đế cũng vậy. Ngài quan tâm đến chúng ta và muốn chúng ta để ý đến Ngài, đặt Ngài trên hết trong đời sống chúng ta.

Than ôi, khi nhìn đến chính mình, mỗi chúng ta sẽ phải thành thật thú nhận là mình đã lãng quên Ngài! Dù không còn thờ thần núi, thần lửa như những dân tộc bán khai, chúng ta hôm nay thờ thần khoái lạc, thần tiền bạc và thần danh vọng. Có người đặt thể thao lên trên hết, có người say mê người đẹp đến độ tự tử vì không được yêu lại; nhưng chưa có người nào, ngoại trừ Chúa Giê-xu, từ bẩm sinh đã biết đặt Thượng Đế lên trên hết mọi sự trong đời.

Thật ra, tiền bạc, nhà cửa, gia đình tự chúng không xấu. Chúng chỉ trở nên nguồn gốc của tội lỗi khi ta đặt chúng lên trên Thượng Đế, và đẩy Ngài ra khỏi đời sống của chúng ta.

Có người hỏi Chúa Giê-xu, “Thưa Thầy, trong các điều răn, điều nào quan trọng hơn cả?” Ngài đáp, “Điều răn quan trọng nhất là: Dân Y-sơ-ra-ên, hãy lắng nghe! Thượng Đế chúng ta là Chân Thần duy nhất. Phải yêu thương Thượng Đế với cả tấm lòng, linh hồn, trí óc và năng lực. Điều răn thứ hai là: Phải yêu thương người đồng loại như chính bản thân. Không còn điều răn nào lớn hơn hai điều ấy.”4

Hai điều răn đó gói ghém tất cả những gì Thượng Đế đòi hỏi chúng ta, và mặc dầu giản dị như vậy, không ai có thể làm được.

Kinh Thánh không nịnh con người trong vấn đề tội lỗi. Kinh Thánh không nhìn chúng ta qua cặp lăng kính màu hồng dễ dãi, để nâng chúng ta lên tận mây xanh hầu cười ngặt nghẽo trong Ngày Cuối Cùng khi chúng ta bị hủy diệt. Ngược lại, Kinh Thánh nhìn chúng ta theo cái nhìn của Thượng Đế, cho chúng ta thấy rõ về mình, để biết mình mang trọng bịnh mà đi tìm thuốc chữa. Trong phần Cựu Ước, Thi Thiên 14 chép:

“Đức Giê-hô-va từ trên trời ngó xuống các con loài người,

đặng xem thử có ai khôn ngoan,

tìm kiếm Đức Chúa Trời chăng.

Chúng nó thay thảy đều bội nghịch,

cùng nhau trở nên ô uế.

Chẳng có ai làm điều lành,

dầu một người cũng không.”

Tiên tri Ê-sai khẳng định, “Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy.”5 Ông mô tả dân mình: “Chúng tôi hết thảy đã trở nên như vật ô uế, mọi việc công bình của chúng tôi như áo nhớp; chúng tôi hết thảy đều héo như lá, và tội ác chúng tôi như gió đùa mình đi.”6 Trong lá thư gửi các tín hữu tại thành La-mã, sứ đồ Phao-lô nhấn mạnh: “Mọi người đều phạm tội, không còn phản chiếu vinh quang Thượng Đế.”7 Sứ đồ Giăng cũng viết, “Ví bằng chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chính chúng ta lừa dối mình và lẽ thật không ở trong chúng ta.”8

Trong suốt lịch sử, chỉ có một người không có tội, đó là Chúa Giê-xu. Ngoài ra, tất cả chúng ta đều có tội, tội đối với người khác và đối với Đấng Tối Cao. Chúa Giê-xu đặt Thượng Đế lên trên hết, rồi đến nhân loại và cuối cùng mới đến chính Ngài. Đối với con người tội lỗi, thứ tự ưu tiên nầy đã bị đảo lộn. Con người đặt mình lên trên hết, sau đó đến người khác, và cuối cùng, may ra, mới đến Thượng Đế. Tội lỗi bắt nguồn từ lòng ích kỷ, tự kiêu. Tội lỗi là không biết rằng cái tôi vừa tối lại vừa tồi!

Chúng ta thường có một cái nhìn quá ư dễ dãi đối với tội lỗi, và cũng thường ước lượng quá thấp hình phạt đến từ tội lỗi. Mặc dầu chúng bao quanh chúng ta như bầu khí quyển, chúng ta thường chấp nhận những hình phạt nầy như một giá phải trả để sống trên đời.

Lòng vị kỷ, tự cao của chúng ta có ảnh hưởng sâu đậm đến mọi khía cạnh của đời sống. Chúng ta cảm thấy khó sống hòa thuận với người khác. Chúng ta thường so sánh, ganh đua. Chúng ta thèm muốn được như người nầy, khinh khi người kia. Chúng ta tìm đủ mọi cách để nổi bật hơn láng giềng. Chúng ta mang nặng bao nhiêu mặc cảm tự ti tự tôn trên đời, và những mặc cảm nầy trở thành những lằn roi quất mạnh vào lưng chúng ta, những người làm nô lệ cho chính mình.

Thế giới hôm nay có biết bao nhiêu gia đình phải chịu tan vỡ phũ phàng. Phần lớn, những tan vỡ nầy phát xuất từ lòng tự kiêu của những người không biết nhận lỗi. Chúng ta thích nhìn đến những điều hay của mình và điều dở của người. Chúng ta thích nghe mình nói hơn là để ý đến quan điểm, lý lẽ của người khác.

Từ xung đột gia đình đến chiến tranh giữa các quốc gia, chúng ta ghi nhận được một điểm chung. Đó là lòng vị kỷ, tự cao của con người: Ai cũng đặt mình lên trên hết --- và đặt Thượng Đế trong một góc kẹt của đời.

Không những chỉ tung hoành bên ngoài, đem đến chiến tranh xung đột, tội lỗi còn xâm nhập vào tận tiềm thức của mỗi cá nhân. Những mặc cảm tự tôn tự ti không đem lại cho ai niềm vui chân thật; những bon chen tranh chấp trên đời chỉ làm cho bao tử thêm đau! Bên ngoài, kẻ lừa lọc có vẻ phè phỡn, như thể hoàn toàn thụ hưởng những điều mình chiếm hữu; bên trong, tận phía trong, họ khóc thầm vì biết mình phạm tội. Trước kia họ hoạt bát vui vẻ; giờ đây nụ cười chân thật đã tắt lịm trên môi. Đêm đêm, một mình trong phòng vắng, giữa những giấc ngủ chập chờn, họ nghe tiếng lương tâm âm thầm trách móc. Không dám ngỏ lời thố lộ tội lỗi cùng ai, họ đành câm lặng nín chịu những dày vò trong tâm khảm. Tội lỗi cho con người tiền bạc, nhưng tước mất sự bình an quí giá vô vàn.

Bên ngoài là chiến tranh, tranh chấp, xung đột; bên trong là một tâm hồn bất an, một dày vò liên tục. Tất cả chỉ vì tội lỗi. Nhưng chưa hết, vì chúng chỉ là những hậu quả đương nhiên của tội lỗi. Chúng ta còn phải nói đến những hình phạt chờ sẵn chúng ta. Nếu một em bé chơi bùn, bị bùn làm dơ là hậu quả đương nhiên, nhưng bị cha mẹ đánh đòn là một điều khác; đó là hình phạt. Trong trường hợp con người tội lỗi chúng ta, hình phạt đến từ Đấng Sáng Tạo, từ Thượng Đế uy quyền và thánh khiết.

Người Việt nào cũng tin có một Ông Trời, một Thượng Đế. Tuy nhiên, theo cái nhìn của một số người, Thượng Đế hoặc quá ư tầm thường, hoặc quá ư xa vời diệu vợi không ăn thua gì với họ. Có người không để ý gì đến Ngài suốt năm, rồi khi Tết đến, liền mua chuộc Ông Táo để ông ấy về tâu lại Ngài những điều hay đẹp. Có người thực tế hơn, coi Ngài như một cái phao, lúc bình thường thì xếp bỏ một bên, đợi đến lúc nguy nan mới mời Ngài ra tiếp cứu.

Nói rằng Thượng Đế là một Cha hiền, một Bạn thật, một Chúa nhân từ, người ta có thể chấp nhận một cách dễ dàng. Nhưng nếu nói rằng Thượng Đế là một Thẩm Phán thanh liêm, một Quan Tòa không bao giờ chấp nhận tội lỗi và luôn trừng phạt kẻ phạm tội, người ta không muốn nghe thêm.

Kinh Thánh, lần nữa, không nói điều chúng ta muốn nghe, nhưng cho chúng ta biết một sự thật khó chối cãi: Thượng Đế là Đấng Công Chính, không thể không trừng trị kẻ phạm tội. Tác giả sách Hê-bơ-rơ trong Tân Ước viết: “Thượng Đế là Thẩm Phán Tối Cao của nhân loại.”9

Không chỉ chứa những lời diễn tả suông, Kinh Thánh còn ghi lại nhiều sự trừng phạt của Thượng Đế đối với người xưa. Ngài đuổi A-đam và Ê-va ra khỏi Vườn Địa Đàng sau khi họ bất tuân lời Ngài.10 Ngài cho nước lụt bao phủ trần gian, hủy hoại con người tội lỗi, ngoại trừ gia đình Nô-ê trung tín.11 Ngài tận diệt hai thành phố Sô-đôm và Gô-mô-rơ, vì dân trong hai thành phố đó sống theo thú tính ghê tởm.12 Ngài gây bao tai họa cho dân Ai-cập cứng lòng.13 Ngài trừng trị những người Do-thái thờ tượng bò vàng14.…

Vừa kể lại những sự trừng phạt của Thượng Đế để chúng ta tự rút tỉa bài học cho mình, Kinh Thánh cũng vừa trực tiếp nhắc nhở, khuyên nhủ, cảnh cáo chúng ta. Đọc luật lệ Ngài ban cho Môi-Se, chúng ta không thể không thấy Ngài ngồi trên ghế của vị quan tòa, sẵn sàng ban xuống những bản án thích đáng cho kẻ có tội. Lời của các nhà tiên tri trong Cựu-Ước không phải chỉ là lời tiên đoán về tương lai nhưng cũng là những lời kêu gọi kẻ phạm tội hãy trở lại đường ngay. Tác giả sách Truyền Đạo kết luận: “Đức Chúa Trời sẽ đoán xét các công việc, đến đổi việc kín nhiệm hơn hết.”15 Sứ đồ Phao-lô cảnh cáo, “Ngài đã chỉ định một ngày, khi Ngài sẽ lấy sự công bình đoán xét thế gian.”16

Thượng Đế trừng phạt tội lỗi vì Ngài gớm ghê tội lỗi. “Mắt Chúa thánh sạch chẳng nhìn sự dữ, chẳng có thể nhìn được sự trái ngược.”17 Đây là điều rất quan trọng mà chúng ta cần ý thức rõ ràng trước khi bàn đến những vấn đề khác.

Nếu Thượng Đế là Đấng đáng cho chúng ta thờ phượng, Ngài phải là Đấng Thánh Khiết. Nếu Ngài không thấy tội lỗi của chúng ta, hay thấy mà dửng dưng, thì Ngài cũng không hơn gì chúng ta. Một người hay ăn nói điêu ngoa, khi thấy con mình nói dối thì cười ha hả, ngợi khen thằng nhỏ khôn ngoan, sớm biết tranh đấu với đời. Ngược lại, đối với người đặt đời sống đạo đức lên trên hết, việc con cái nói dối đem đến cho họ một niềm đau vô hạn. Thượng Đế ghê tởm tội lỗi vì Ngài thánh thiện tuyệt đối.

Ghê tởm tội lỗi đi đôi với thái độ sẵn sàng trừng trị kẻ phạm tội. Nếu Thượng Đế không trừng trị con người tội lỗi, Ngài thành ra chấp nhận và khuyến khích tội lỗi.

Xin đừng tìm cách “hối lộ” Ngài. Xin đừng mong rằng nếu mình dâng cho Ngài một số tài vật, một ít tiền bạc, Ngài sẽ ngoảnh mặt làm ngơ trước tội lỗi của chúng ta. Điều nầy vô lý hết sức, vì những của hối lộ đó chỉ là những điều Ngài tạo ra và ban cho chúng ta. Làm sao tôi có thể hối lộ thầy tôi bằng cách đưa lại thầy những điểm thầy chấm? Hơn nữa, theo Kinh Thánh, “của tế lễ của kẻ ác là một vật gớm ghiếc; phương chi họ đem đến mà có ác tưởng.”18

Thánh thiện đến tuyệt đối, ghê tởm tội lỗi đến cùng cực, bản án dành cho chúng ta đã quá rõ ràng: chết! Chúng ta phải chết, chết về thể xác lẫn linh hồn, một cái chết nghẹn ngào vĩnh viễn.

Thể xác chết đi khi linh hồn lìa thân thể. Ai cũng biết về cái chết thể xác này, ai cũng chờ đến ngày thân thể mình ngã gục. Nhưng có mấy ai ý thức được rằng sở dĩ thân xác chúng ta không trường tồn là vì sự trừng phạt của Thượng Đế? Sau khi A-đam và Ê-va phạm tội, Thượng Đế phán cùng A-đam: “Ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra; vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi.”19

Linh hồn chết đi khi lìa khỏi nguồn của sự sống là Đức Chúa Trời.

Thượng Đế tạo nên con người, cho mang hình ảnh của Ngài để thờ phượng Ngài, làm sáng danh Ngài và hưởng tình mật thiết với Ngài. Không muốn tạo ra những người máy, Thượng Đế cho con người sự tự do. Than ôi, con người đã lạm dụng sự tự do này để đi đến chỗ vấp ngã, để tội lỗi xâm nhập vào đời mình. Không thể nào chấp nhận tội lỗi, Thượng Đế đã phải cắt đứt mối thông công với con người.

Giờ đây, thiếu Ngài, con người thiếu mất ý nghĩa làm người. Họ sống mà như chết, sống cho qua ngày, hoàn toàn vô hy vọng, vô mục đích. Thiếu hẳn dòng suối trường sinh chảy từ Thiên Thượng, bên trong thân thể hay hư nát, linh hồn người phạm tội khô cằn như sa mạc, úa tàn như chiếc lá mùa thu. Giờ đây, tất cả còn lại trong tâm hồn chỉ là một trống rỗng không có gì có thể bù đắp được.

Người ta đi tìm những tin tức giật gân sốt dẻo; người ta đi tìm những chén rượu canh bài; người ta thử thuốc phiện ma túy; người ta kiếm tiền tài danh vọng. Tất cả chỉ để tìm cách lấp đầy khoảng trống bên trong. Và tất cả đều vô hiệu. Không những không đem lại thỏa mãn cho tâm hồn, những thứ ấy trở thành những tên chủ dã man, biến con người thành những tên nô lệ cắm đầu phục vụ chúng cho đến ngày trở về với cát bụi.

Nhưng chưa hết, vì Kinh Thánh còn nói đến Ngày Cuối Cùng, Ngày Xét Xử, ngày linh hồn tội lỗi chết lần thứ hai, trong một sự trừng phạt vĩnh viễn và tối hậu. “Còn những kẻ hèn nhát, kẻ chẳng tin, kẻ đáng gớm ghiếc, kẻ giết người, kẻ dâm loạn, kẻ phù phép, kẻ thờ thần tượng và kẻ nói dối, phần của chúng nó ở trong hồ có lửa và diêm cháy bừng bừng: Đó là sự chết thứ hai.”20

Nếu có ngày con người sống theo bản ngã tội lỗi, thì cũng sẽ có ngày con người thấy quyền uy của Thượng Đế; nếu có ngày ta thấy kẻ phạm pháp qua mặt luật đời thì cũng sẽ có ngày họ đền tội trong luật Chúa. Xin đừng chỉ nhìn đến những gì xảy ra hôm nay mà oán rằng: “Trời không có mắt!” Thật ra, “lưới Trời lồng lộng” và không ai có thể vượt khỏi sự xét xử của Ngài.

Trong Ngày Cuối Cùng, mọi tội lỗi sẽ bị phơi bày và “Chúa Giê-xu sẽ xét xử mọi tư tưởng, hành động kín đáo của loài người.”21 Trong ngày đó, “miệng nào cũng phải ngậm lại, cả thiên hạ đều nhận tội trước mặt Đức Chúa Trời.”22

Chưa ai từng trải qua ngày nầy, và không ai có thể tưởng tượng hết được những sự trừng phạt khủng khiếp trong Ngày Sau Rốt đó. Kinh Thánh, dùng ngôn ngữ giới hạn của loài người, diễn tả: “Đến ngày tận thế, ...các thiên sứ ...sẽ ném những kẻ ác vào lò lửa; ở đó sẽ có khóc lóc và nghiến răng.”23

Khóc lóc và nghiến răng là điều đang chờ đợi chúng ta, vì mỗi chúng ta đều đã phạm tội; sự hủy diệt đời đời trong hỏa ngục là điều mỗi chúng ta phải gánh chịu, vì chúng ta đều đã xúc phạm đến Ngài. Xin đừng coi thường Thượng Đế và lời dạy của Ngài qua Kinh Thánh; nhưng hãy nghe theo lời cảnh cáo của Chúa Giê-xu: “Đừng sợ kẻ giết thân thể mà không giết được linh hồn; nhưng thà sợ Đấng làm cho mất linh hồn và thân thể trong địa ngục.”24