Trang Đầu | Mục Lục | << Chương 4 | Chương 6 >> | Hướng Dẫn

Chương 5

TÌNH YÊU THIÊN CHÚA

Theo những nhận xét trong chương trước thì chúng ta thật ở trong một tình trạng vô cùng bi đát. “Đồng ý rằng đó là một cái nhìn khách quan,” bạn tự hỏi, “nhưng sao chúng ta phải nói đến, sao không vờ quên đi, để có thể tiếp tục sống trên đời?” Vâng, “quên đi” đúng là điều nên làm, nếu chúng ta hoàn toàn không còn lối thoát. Nhưng thưa bạn, trong chương nầy tôi xin đem đến bạn một “Tin Lành,” đó là chúng ta còn lối thoát: Có một liều thuốc nhiệm mầu có thể chữa lành cơn bệnh tội lỗi đang hủy hoại chúng ta.

Tội lỗi cám dỗ con người bằng cách thổi phồng con người phạm tội cho đến ngày nổ tung tan xác. Tội lỗi mời gọi anh hãy sống cuồng sống vội, vì ngày mai chẳng ăn nhập gì với hành động hôm nay. Tội lỗi nhỏ nhẹ rỉ tai dụ dỗ chị hãy thụ hưởng giây phút hiện tại, đừng để ý gì đến những hậu quả theo sau. Tội lỗi đưa con người lên chín tầng mây, để đập xuống hang cùng vĩnh viễn.

Kinh Thánh, ngược lại, cho con người biết rõ thế đứng của mình, để có một bàn đạp vững vàng hầu có thể vươn lên. Kinh Thánh là tia quang tuyến X tinh thần, cho phép ta nhìn xuyên qua bề ngoài vật chất, chụp hình những tế bào ung thư đang phát triển bên trong. Theo vị lương y đại tài Kinh Thánh, nguồn gốc của căn bệnh là tội lỗi; triệu chứng là chiến tranh, xung đột, bất an; và nếu không được chữa trị, mọi người sẽ phải chịu chết mất, trong cái chết đau đớn đời đời dưới hỏa ngục tối tăm. Còn thuốc chữa? Kinh Thánh khuyên mỗi người hãy uống thuốc Tình Yêu của Thượng Đế, đã được cô đọng lại thành dòng máu của Con Ngài trên thập tự giá năm xưa. Trong toa, Kinh Thánh dặn rõ rằng ta chỉ cần uống thuốc Tình Yêu nầy một lần, vì một lần là đủ cả.

Có lẽ từ ngữ bị người đời lạm dụng và bóp méo nhiều nhất là chữ “Tình Yêu.” Có chàng thanh niên học nói câu “Anh yêu em” bằng nhiều thứ tiếng, để nói với những người đẹp đến từ phương xa, mặc dầu trong lòng không còn một mảy may rung động. Có nhạc sĩ sáng tác bao nhiêu bài tình ca diễm lệ, mục đích chỉ để mưu sinh.

Người ta đâm ra nghi ngờ chữ “Tình yêu” như nghi ngờ lời hứa của các chính trị gia trong kỳ bầu cử. Người ta đòi phải thấy các hành động chứng tỏ tình yêu trước khi để các lời thề non hẹn biển thấu tận vào tai.

Đây là một thái độ thực tế và vì thế, để hiểu được tình yêu Thượng Đế dành cho chúng ta, xin chúng ta giờ đây tìm hiểu về sự hy sinh lớn lao của Ngài đã làm cho nhân loại. Chỉ khi nào chúng ta ý thức được ý nghĩa của sự hy sinh nầy, chúng ta mới ý thức được mức độ của tình yêu Thiên Chúa.

Như đã bàn trước đây, Thượng Đế là một Đấng Công Minh, không thể nào chấp nhận tội lỗi và vì thế phải trừng phạt chúng ta. Tuy nhiên, Thượng Đế cũng là Đấng Yêu Thương và không muốn thấy chúng ta chịu sự hủy diệt đời đời. Bị giằng co giữa lòng ghê tởm tội lỗi và tình yêu nhân thế, Thượng Đế ở trong một tình trạng rất khó xử: Tha hay phạt, hay có cách nào khác để giải quyết vấn đề một cách thỏa đáng hơn?

Xin tưởng tượng bạn là một quan tòa rất mực thanh liêm và bạn có một điều luật rằng hễ ai phạm tội cố sát thì hoặc sẽ bị án chung thân khổ sai, hoặc sẽ bị phạt một triệu đồng. Một ngày nọ, người ta bắt tại trận chính người con ruột mà bạn hằng thương yêu phạm tội giết người. Bạn phải làm sao? Nếu vì bị cáo là con bạn mà bạn không trừng phạt thì bạn không còn xứng đáng là một quan tòa nữa. Còn ngược lại, nếu bạn ra lệnh tống giam người con suốt đời thì bạn quả thật công minh, nhưng người con sẽ khó thấy rằng bạn thương con.

Có một điều bạn có thể làm, và điều nầy đòi hỏi sự hy sinh từ chính bạn. Đó là bạn phạt người con một triệu đồng rồi bán hết của cải của mình để trả tiền phạt thế cho con.

Đó chính là điều Thượng Đế đã làm cho chúng ta. Nơi thập tự giá năm xưa, Người-Cha-Thượng-Đế đã đối diện với đứa-con-nhân-loại mà Ngài hằng yêu thương nhưng mang đầy tội lỗi. Bản án truyền xuống làm luật pháp hài lòng, vì nếu “tiền công của tội lỗi là sự chết”1 thì phải có sự chết. Bản án truyền xuống cũng thể hiện tình yêu thương chan chứa, vì Thượng Đế đã không để chúng ta chết nhưng lại sai Con Ngài là Chúa Giê-xu xuống trần gian chết thế cho bạn và tôi.

Sứ đồ Giăng viết: “Thượng Đế biểu lộ tình yêu khi sai con Ngài xuống trần chịu chết để đem lại cho chúng ta sự sống vĩnh viễn. Nhìn hành động đó, chúng ta hiểu được đâu là tình yêu đích thực: Không phải chúng ta yêu Thượng Đế trước, nhưng Thượng Đế đã yêu chúng ta, sai Con Ngài đến hy sinh chuộc tội chúng ta.”2 Trong lá thư gửi các tín hữu tại Ga-la-ti, sứ đồ Phao-lô viết: “Chúa Cứu Thế đã cứu chúng ta khỏi bị luật pháp lên án khi Ngài hy sinh trên cây thập tự, tình nguyện thay ta bị lên án.”3

Cái chết của Chúa Giê-xu vì thế không phải là một sự tình cờ, hay là một chuyện đáng tiếc đã xảy ra như nhiều người vẫn nghĩ. Ngài chết đi không phải chỉ để lại cho chúng ta một gương cao thượng của một người xả thân vì chính nghĩa. Ngài cũng không phải là nạn nhân bất đắc dĩ của thời cuộc, chết đi trong lúc chưa hoàn thành sứ mạng của mình. Cái chết của Ngài không phải là chướng ngại vật cản Ngài đến đích, nhưng chính là mục đích của đời Ngài.

Lúc còn sống, Chúa Giê-xu luôn nói đến cái chết của Ngài, mặc dầu không ai hiểu được. Ngay sau khi Phi-e-rơ xưng Ngài là Chúa, Ngài “bắt đầu cho các môn đồ biết Ngài sẽ chịu nhiều đau khổ, bị các nhà lãnh đạo Do-thái khai trừ và bị giết, nhưng sau ba ngày sẽ sống lại.”4 Có lúc khác, Ngài nói về cái chết của mình như một điều đã được tiên đoán trong Cựu Ước5 và là một điều cần thiết để đem con người trở về với Đấng Tối Cao: “Đây là huyết ta, huyết đổ ra cho nhiều người, ấn chứng giao ước mới giữa Thượng Đế và nhân loại.”6

Có người, trước khi lìa trần, tiếc rằng đời mình quá ngắn nên không thể hoàn thành lý tưởng. Nhưng Chúa Giê-xu, trước khi trút hơi thở cuối cùng, đã thốt: “Mọi việc đã được trọn.”7 Hơn ba mươi năm là quá đủ với Ngài, vì như chính Ngài đã nói, Ngài xuống trần gian “không phải để cho người phục vụ, nhưng để phục vụ người và hy sinh tánh mạng cứu chuộc nhiều người.”8

Vì chỉ có một mình Chúa Giê-xu là người hoàn toàn vô tội, nên chỉ có một mình Ngài mới có thể chết cho chúng ta. Nếu có tội, Ngài đã phải đền tội cho chính mình. Oái oăm thay, cũng vì Ngài vô tội tuyệt đối, cái chết của Ngài đã đem cho Ngài niềm đau đớn đến tột cùng, vượt khỏi sự tưởng tượng của thế nhân.

Cũng như Thượng Đế, với bản tính thánh khiết tuyệt đối, Chúa Giê-xu rất ghê tởm tội lỗi. Xin bạn nghĩ đến một vật mà bạn ghê tởm hơn hết trên đời, một con bọ hôi thối chẳng hạn. Sự ghê tởm của Chúa Giê-xu đối với tội lỗi chắc phải nhiều hơn triệu lần sự ghê tởm con bọ hôi thối của bạn. Thế mà, trên thập tự giá năm xưa, không những chỉ phải chứng kiến tội lỗi, Ngài đã chịu chết thế cho chúng ta như một kẻ có tội, để bao nhiêu tội lỗi của thế gian chồng chất trên Ngài. Nếu giờ đây bạn tưởng tượng rằng mình bị nhốt chung với hàng ngàn con bọ hôi thối mà bạn hằng ghê tởm đó, rồi nhân cảm giác bạn có lên hàng triệu, triệu lần thì có lẽ bạn sẽ hiểu được phần nào, chỉ một phần nào thôi, sự hy sinh của Chúa Giê-xu trên thập tự giá.

Nhưng chưa hết, không những chỉ phải gánh chịu sự ghê tởm tội lỗi, Chúa Giê-xu còn bị Thượng Đế trừng phạt bằng cách cắt đứt tình Cha-Con trong lúc đó.

Chúng ta đã bàn về vấn đề nầy trong chương trước: vì chúng ta tội lỗi, Thượng Đế đã phải cắt đứt tình thông công với chúng ta, để đời chúng ta thiếu ý nghĩa và để linh hồn chúng ta chết mất. Gánh chịu tội lỗi của chúng ta, Chúa Giê-xu cũng đã phải chịu chung một số phận. Không rên xiết vì đớn đau trong thân thể, không than phiền vì bị tội lỗi làm nhuốc nhơ trên thập tự giá, Chúa Giê-xu lớn tiếng kêu than: “Thượng Đế ơi, Thượng Đế ơi, sao Ngài lìa bỏ con?”9

Thiếu mất tình thông công mật thiết với Thượng Đế từ lâu, chúng ta khó có thể hiểu được lời than nầy. Cũng như các con cháu người Việt được sinh trưởng ở hải ngoại, khi nghe lời than rằng sống ở ngoài dải đất Việt Nam thân yêu buồn quá, chúng không hiểu được. Vâng, đời chúng ta càng gắn liền với quê hương gấm vóc chừng nào, thì nỗi buồn xa quê hương càng đậm đà chừng đó. Vâng, chúng ta càng ý thức được rằng Chúa Giê-xu là Con Thượng Đế, đã từng sống bên Ngài ngay cả trước khi sáng thế, đã từng đặt Ngài lên trên tất cả những gì khác trong đời, thì chúng ta càng có hy vọng hiểu được phần nào, và chỉ một phần nào thôi, niềm đau Chúa Giê-xu phải chịu trên thập tự giá khi bị chính Cha mình ngoảnh mặt làm ngơ.

Nếu chỉ nhìn đến cơn đau thể xác, ta có thể kết luận rằng sự hy sinh của Chúa Giê-xu không nhiều lắm. Có nhiều cái chết còn dã man và đau đớn hơn cái chết trên thập tự nhiều. Tuy nhiên, chúng ta không nhìn vấn đề qua bề ngoài, và chỉ như thế, chúng ta mới hy vọng ý thức được phần nào sự đau đớn mà Chúa Tể Muôn Loài đã gánh thế cho chúng ta.

Đành rằng người chịu chết là Chúa Giê-xu, ta không thể không thấy được sự đau đớn đến tột cùng trong lòng Chúa Cha từ ái. Có cha nào trừng phạt con mà không cảm thấy tấc lòng quặn đau như thắt?

Trong những ngày cuối cùng của chiến tranh Việt Nam, tôi chứng kiến được nhiều hình ảnh đau thương vượt ngoài khả năng tưởng tượng của con người. Một trong những hình ảnh làm tôi đau lòng nhất là cảnh một bà mẹ nức nở đẩy con lên máy bay để đưa con đi nước khác. Tôi khóc với những giọt nước mắt của bà, và lòng tôi quặn đau khi nghĩ đến tâm trạng của người mẹ khi đưa tiễn con đi, biết rằng mình không bao giờ thấy mặt con lần nữa. Có lẽ điều an ủi bà hơn hết là bà tin tưởng rằng tương lai con mình sẽ sáng sủa hơn. Nếu không, bà đã không tức tưởi đẩy con mình lên phi cơ như thế.

Gần hai ngàn năm trước đây, Thượng Đế cũng đã có lần đưa tiễn Con Ngài. Nhưng còn đau đớn hơn bà mẹ Việt Nam bất hạnh, Ngài đưa Con đi không phải để tương lai con thêm sáng sủa nhưng để Con chịu chết một cách đớn đau và nhục nhã giữa hai tên cướp, mang nặng tội lỗi nhuốc nhơ của toàn nhân loại. Hơn ai hết, Ngài biết rõ điều nầy, vì đó là chương trình của Ngài từ trước khi sáng thế. Thế nhưng Ngài vẫn sai Con xuống thế để chịu chết cứu người.

Nếu chúng ta không thể nào thấu hiểu được mức độ của cơn đau mà cả Thượng Đế lẫn Chúa Giê-xu phải chịu, thì ít nhất chúng ta phải ghi nhận điều nầy, đó là Chúa Giê-xu đã tình nguyện hy sinh cho chúng ta. Dầu có chịu đau đớn đến bao nhiêu chăng nữa, nhưng nếu Chúa Giê-xu bị ép buộc và miễn cưỡng làm thì không hẳn Ngài yêu thương nhân loại.

Trước hết, Thượng Đế, là Đấng Sáng tạo và Chúa Tể Muôn Loài, không thể bị ai ép buộc, nhưng “đúng kỳ hạn, Thượng Đế sai con Ngài xuống trần gian.”10

Về phần Chúa Giê-xu, ý Ngài và ý Cha là một. Ngài phán, “Ta là người chăn từ ái: ta biết chiên ta và chiên ta biết ta, cũng như Cha biết ta và ta biết Ngài. Ta sẵn lòng hy sinh tính mạng vì chiên.… Chúa Cha yêu mến ta vì ta hy sinh tính mạng và được lại. Không ai có quyền giết ta, nhưng ta tình nguyện hy sinh. Ta có quyền hy sinh tính mạng và có quyền lấy lại.”11

Cả hai đều một lòng, một ý hy sinh cho nhân loại. Tất cả chỉ vì tình yêu nhân thế, một tình yêu thương vô bờ bến, không chỉ nói bằng lời.

Có người phân biệt tình yêu làm ba loại: tình-yêu-nếu, tình-yêu-vì và tình-yêu-mặc-dầu.

Tình-yêu-nếu là loại tình yêu chúng ta sẽ nhận được nếu đáp ứng được đòi hỏi của nó. “Nếu anh thi đậu thì em sẽ lấy anh.” “Nếu con ngoan, ba má sẽ yêu con.” Đây là loại tình yêu có điều kiện, tình yêu đổi chác. Nếu tình yêu này không còn được thỏa mãn, nó sẽ tan biến và có lúc trở nên hận thù. Loại tình yêu nầy không bao giờ ngưng đòi hỏi. Nếu người đẹp nói: “Phi bằng cấp bất thành phu phụ,” thì trong tương lai người đẹp sẽ đòi hỏi nhà lầu trước khi chịu tiếp tục sống chung.

Tình-yêu-vì thực tế hơn, không dựa vào những điều kiện trong tương lai, nhưng nhắm vào hiện tại. Trong tình-yêu-vì, người được yêu có một lý do nào đó đáng được yêu. “Một thương má lún đồng tiền, hai thương...” Than ôi, không khác gì tình-yêu-nếu, tình-yêu-vì hoàn toàn ích kỷ và mỏng manh như vật chất trên đời. Hơn nữa, như Chúa Giê-xu dạy: Nếu các con chỉ yêu những người yêu mình thì có gì đáng khen đâu? Kẻ tội lỗi cũng yêu nhau lối ấy. Nếu các con chỉ lấy ân báo ân thì tốt đẹp gì đâu? Kẻ tội lỗi cũng cư xử như thế.”12 Ai cũng có thể có tình-yêu-vì, vì ai cũng ích kỷ.

Loại tình yêu cuối cùng là tình-yêu-mặc-dầu. Đây là loại tình yêu vị tha, cao thượng nhất và hoàn toàn vô điều kiện, không tùy thuộc vào người được yêu. Đây là loại tình yêu ai cũng mong chờ khao khát và quí trọng hơn hết trên đời. Buồn thay, những tình yêu chúng ta tìm thấy chung quanh chỉ đủ làm chúng ta thêm thèm muốn có diễm phúc được một lần nếm hương vị ngọt ngào của tình-yêu-mặc-dầu lý tưởng.

Sứ điệp tuyệt vời của Kinh Thánh là chúng ta có thể tìm thấy tình-yêu-mặc-dầu này từ Thượng Đế. Kinh Thánh không nói: “Thượng Đế sẽ yêu các ngươi nếu các ngươi ăn hiền ở lành” hay “Thượng Đế yêu các ngươi vì các ngươi đã từng đem lễ vật dâng cúng mỗi ngày.” Kinh Thánh, ngược lại, qua ngòi bút của sứ đồ Phao-lô, viết: “Đang khi chúng ta bó tay tuyệt vọng, Chúa Cứu Thế đã đến đúng lúc để chết thay cho chúng ta, là người tội lỗi xấu xa. Thông thường ít ai chịu chết cho người công chính hiền lương, nhưng dù sao nghĩa cử ấy còn có thể xảy ra. Nhưng Thượng Đế đã chứng tỏ tình yêu thương của Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, Chúa Cứu Thế chịu chết thay cho chúng ta.”13

Mặc dầu chúng ta là kẻ có tội, đã từng phản nghịch cùng Thượng Đế, chỉ đáng bị hủy diệt đời đời trong hỏa ngục, Ngài vẫn yêu chúng ta. Tình yêu này Ngài không chỉ nói bằng lời, nhưng đã chứng tỏ bằng hành động, một hành động đòi hỏi từ Ngài một sự hy sinh đến cực độ. Đó mới là tình yêu chân chính. Và đó là tin lành tôi xin đem đến bạn. Tin lành này tôi xin tóm tắt ở đây bằng cách trích lời của sứ đồ Giăng: “Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy thì không bị hư mất nhưng được sự sống đời đời.”14