Trang Đầu | Mục Lục | << Chương 7 | Chương 9 >> | Hướng Dẫn

Chương 8

KINH THÁNH

Tôi có thể nói với không một chút do dự rằng Kinh Thánh là cuốn sách độc nhất vô nhị, lạ lùng nhất trong lịch sử nhân loại.

Kinh thánh do trên bốn mươi người viết, bằng ba thứ tiếng khác nhau, trong một khoảng thời gian trên 1500 năm. Những người viết Kinh Thánh gồm đủ các thành phần trong xã hội như từ vua chúa đến ngư phủ, từ bác sĩ đến nhà tiên tri. Kinh Thánh được viết bằng nhiều thể văn, từ thể thi ca trữ tình đến thể luật pháp minh bạch, từ những bài ngụ ngôn sâu sắc đến những lá thư tâm tình. Có phần được viết trong thời chiến, có phần trong thời bình. Có lúc tác giả viết với tấm lòng vui mừng hớn hơ, có lúc với một tình cảm đau buồn xót xa.

Không như số phận của những cuốn sách được viết ra nhiều thế kỷ trước khi kỹ nghệ làm giấy và ấn loát bắt đầu, Kinh Thánh trường tồn một cách kỳ diệu. Năm 1984, người ta tìm được một phần của bản Kinh Thánh được chép vào khoảng một trăm năm trước Thiên Chúa Giáng Sinh tại Vùng Biển Chết. Khi đem so sánh bản này với một bản được chép vào khoảng một ngàn năm sau đó, các học giả đã phải ghi nhận rằng, trừ một vài khác biệt nho nhỏ về chính tả đây đó, hai bản nầy giống nhau một cách khó tin được.

Mặc dầu có biết bao nhiêu chính quyền, bao nhiêu bạo chúa đã tìm cách cấm đoán hoặc diệt trừ Kinh Thánh, dù có biết bao nhiêu học giả đã tìm cách bắt bẻ cuốn sách này, cho đến ngày nay Kinh Thánh không những vẫn còn được phổ biến khắp nơi mà lại còn được dịch ra nhiều thứ tiếng hơn bất cứ cuốn sách nào khác, và được hàng tỉ người trên thế giới coi như kim chỉ nam trên đời.

Sự trường tồn và thịnh hành của Kinh Thánh là một bằng cớ chứng tỏ rằng Kinh Thánh là lời của Thượng Đế. Trong cuốn sách này tôi xin viện dẫn thêm một số bằng chứng khác. Ước mong rằng sau khi xem xét những bằng chứng này, bạn sẽ không còn nghi ngờ gì về giá trị của cuốn Kinh Thánh.

Xin chúng ta nhìn trở lại những tiến trình tư tưởng trong cuốn sách này để biết rằng chúng ta đã không lý luận vòng vo. Trong những chương đầu, khi bàn đến hành động và những lời dạy dỗ của Chúa Cứu Thế Giê-xu, chúng ta chỉ dùng Kinh Thánh như một tài liệu lịch sử không hơn không kém. Thật ra, chúng ta có thể dùng những tài liệu khác, mặc dầu chúng không đầy đủ bằng. Rồi khi bàn đến việc mất xác của Ngài, chúng ta nhìn đến lời giải thích của những người không tin rằng Ngài đã sống lại để thấy rằng chúng không đứng vững. Phải chọn lựa giữa ba kết luật rằng Ngài hoặc là một người điên, hoặc là kẻ khoác lác ba hoa, hoặc là Con Thượng Đế, chúng ta đã phải đi đến kết luận thứ ba.

Không cần xem Kinh Thánh như lời của Thượng Đế, chúng ta cũng có thể thấy Chúa Cứu Thế Giê-xu là Con Ngài. Giờ đây, xin chúng ta nghe Chúa Cứu Thế Giê-xu nói gì về cuốn Kinh Thánh.

Đối với Cựu Ước, tức là phần Kinh Thánh được viết trước khi Ngài giáng sinh, Chúa Cứu Thế Giê-xu tuyệt đối coi sách này như lời của Thượng Đế. Ngài trích dẫn và tuân theo Cựu Ước trong mọi hành động của Ngài. Chẳng hạn như khi phải đối chất với những nhà lãnh đạo tôn giáo lúc đó, Ngài dẫn chứng: “Các ngươi há chưa đọc lời Kinh Thánh này,...?”1Ngài chỉ trích họ: “Các ngươi vâng giữ tục lệ của loài người, mà bỏ quên mệnh lệnh của Thượng Đế.… Chẳng hạn khi Môi-se dạy: 'Phải hiếu kính cha mẹ,' thì các ngươi lại nói rằng...”2Khi có người đến hỏi Ngài “Thưa thầy, tôi phải làm gì để được sống vĩnh viễn?” Ngài hỏi lại “Luật Pháp Môi-se dạy thế nào về điều đó?”3

Đối với Tân Ước, tức là phần Kinh Thánh được viết sau khi Chúa Cứu Thế Giê-xu đã chịu chết, chúng ta khó thấy thái độ của Ngài hơn. Tuy nhiên xin chúng ta ghi nhận rằng phần lớn các sách trong Tân Ước là do những sứ đồ của Ngài, hay những đệ tử của họ, viết. Không chọn các sứ đồ một cách cẩu thả, nhưng “một hôm, Chúa Cứu Thế Giê-xu lên núi cầu nguyện suốt đêm. Đến sáng, Ngài gọi môn đồ đến, chọn mười hai người làm sứ đồ.”4 Ngài huấn luyện họ và coi họ như đại diện chính thức cho mình: “Ai tiếp rước các con là tiếp rước ta.”5 Họ sống chung với Ngài, chứng kiến tận mắt mọi việc làm của Ngài. Sau khi sống lại, Ngài hiện ra với họ để dạy dỗ họ thêm nhiều điều cần yếu khác. Nếu chúng ta tin rằng Chúa Cứu Thế Giê-xu là Con Thượng Đế thì chúng ta cũng phải tin vào những điều mà các sứ đồ do chính Ngài chọn lựa và dạy dỗ viết ra.

Chúng ta có thể hiểu rõ hơn vai trò của Kinh Thánh bằng cách phân tích câu chuyện “Thiếu Phụ Nam Xương” có chồng đi chiến đấu xa. Ở nhà đứa con nhỏ hỏi bà về cha nó. Vụng về, bà đợi đến khi lên đèn, chỉ vào chiếc bóng của mình trên tường nói đó là người cha. Khi người cha trở về, đứa con không nhận ông là cha và ngây thơ nói: “Không, cha tôi đêm tối mới về!” Nghe thế, người cha hiểu lầm rằng vợ mình đã không chung thủy. Đau thương và đổ vỡ xảy ra từ đó.

Trước hết chúng ta thấy rằng, không cần được dạy dỗ, đứa con cũng biết rằng nó có một người cha. Con người cũng vậy, chúng ta chỉ cần nhìn đến vạn vật, vũ trụ xung quanh để thấy rằng phải có một Đấng Sáng Tạo.

Mặc dầu kiến thức này là một điều hay, nhưng không đủ. Thiếu sự thông công với người cha, và không được dạy dỗ đúng đắn, kiến thức này chỉ đưa đứa con đến một hình bóng trên tường. Cũng vậy, thiếu tình thông công với Thượng Đế, nhiều người đã bị hướng dẫn lầm lạc đến những tượng hình bằng gỗ đá vô tri.

Trong lúc Lê Thánh Tôn “khá trách chàng Trương khéo phũ phàng,” tôi chỉ cho chàng Trương là nạn nhân của hoàn cảnh. Lúc đó, mặc dầu rất muốn, nhưng từ chiến trường xa, ông không thể liên lạc với gia đình. Nếu sống trong hoàn cảnh hiện tại, nhất định ông sẽ gởi hình ảnh mình về để người con có thể nhận ra mình khi gặp lại. May thay, Thượng Đế không bất năng như chàng Trương. Mặc dầu tội lỗi đã làm Ngài phải cắt đứt tình thông công với chúng ta, Ngài có một chương trình để đem chúng ta lại với Ngài. Nhưng để chúng ta khỏi lầm lẫn, trước đó Ngài đã gởi cho chúng ta một hình ảnh để chúng ta có thể nhận ra Con Ngài.

Một Đấng Cứu Thế được sinh ra tại làng Bết-lê-hem. Ngài thuộc dòng dõi của Áp-ra-ham, của Y-xác, của Gia-cốp, thuộc chi phái Giu-đa và nhà Đa-vít. Từ Ga-li-lê, Ngài bắt đầu hành đạo và làm nhiều phép lạ, dùng ngụ ngôn để dạy dỗ. Nhưng Ngài bị phản bội và bị bán với giá ba mươi nén bạc. Các môn đệ bỏ Ngài. Có người làm chứng gian nghịch lại cùng Ngài. Rồi trong lúc bầu trời trở nên đen tối, chân tay và hông Ngài bị đâm thủng, nhưng xương Ngài không bị bẻ gẫy. Ngài khát và người ta đem giấm cho Ngài uống. Ngài được chôn trong ngôi mộ của một người nhà giàu.

Đây là những điều viết sau khi Chúa Cứu Thế Giê-xu chịu chết? Thưa không, chúng là những hình ảnh rải rác trong Cựu Ước, và được viết ít nhất năm trăm năm trước khi Ngài sinh ra. Xin bạn đọc đoạn văn sau đây do tiên tri Ê-sai viết khoảng bảy trăm năm trước Thiên Chúa Giáng Sinh:

“Người đã bị người ta khinh dể và chán bỏ, từng trải sự buồn bực, biết sự đau ốm, bị khinh như kẻ mà người ta che mặt chẳng thèm xem; chúng ta cũng chẳng coi người ra gì.

Thật người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta; mà chúng ta lại tưởng rằng người đã bị Đức Chúa Trời đánh và đập, và làm cho khốn khổ. Nhưng người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. Bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh. Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy. Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người.

Người bị hiếp đáp, nhưng khi chịu sự khốn khổ chẳng hề mở miệng. Như chiên con bị dắt đến hàng làm thịt, như chiên câm ở trước mặt kẻ hớt lông, người chẳng từng mở miệng. Bởi sự ức hiếp và xử đoán, nên người đã bị cất lấy; trong những kẻ đồng thời với người có ai suy xét rằng người đã bị dứt khỏi đất người sống là vì cớ tội lỗi dân ta đáng chịu đánh phạt? Người ta đã đặt mồ người với những kẻ ác, nhưng khi chết người được chôn với kẻ giàu; dầu người chẳng hề làm điều hung dữ và chẳng có sự dối trá trong miệng.”6

Toàn bộ Kinh Thánh vì thế có thể được xem như quyển nhật ký của người-con-nhân-loại may mắn hơn con của chàng Trương. Trong phần Cựu Ước, người con ghi lại những hình ảnh của cha mình là Thượng Đế gởi về để có thể nhận ra Cha. Trong phần Tân Ước, người con kể lại cảnh sum họp vui vẻ bên người cha yêu dấu.

Đồng ý rằng những hình ảnh về Chúa Cứu Thế Giê-xu chính xác một cách lạ lùng, nhưng có thể nào những tác giả trong Cựu Ước chỉ may mắn không? Thưa, khó lắm. Vì những hình ảnh đó không ai có thể tưởng tượng được. Mặc dầu người Do-thái luôn mong chờ một Đấng Cứu Thế, không ai có thể tự nghĩ rằng Đấng Cứu Thế đó sẽ bị người đời đánh đập, nguyền rủa, và cuối cùng phải chịu chết một cách nhục nhã!

Bây giờ chúng ta cùng xét thêm một bằng chứng tương tự, đó là lời chính xác lạ lùng những lời tiên tri trong Cựu Ước liên quan đến lịch sử của dân tộc Do-thái và các dân tộc lân cận. Chúng ta không thể nói rằng những tiên tri này được viết sau những biến cố, vì có những biến cố xảy ra cả ngàn năm sau những lời tiên tri. Chúng cũng không phải bóng bẩy mơ hồ, hay dễ bị bóp méo, như “sanh con đầu lòng chẳng gái thì trai,” nhưng rất rõ ràng. Ta không thể nói rằng Cựu Ước may mắn, vì có hơn hai ngàn lời tiên tri trong đó đã thành sự thật. Ta cũng không thể nào nghĩ rằng những biến cố được tiên đoán là những điều dễ xảy ra, vì có nhiều biến cố vượt khỏi sự dự đoán của thế nhân.

Vì không kể hết những lời tiên tri ở đây, tôi xin đơn cử một trường hợp có lẽ ai cũng biết. Đó là sự tản mác của dân Do-thái. Nhiều ngàn năm trước đó, Môi-se viết, “Đức Giê-hô-va sẽ khiến ngươi bị những kẻ thù nghịch mình đánh bại. Ngươi sẽ do một đường ra đánh chúng nó, rồi do bảy đường chạy trốn trước mặt chúng nó; ngươi sẽ bị xô đùa đây đó trong khắp các nước của thế gian.”7 Tiên tri Ô-sê cũng nói trước, “Đức Chúa Trời ta sẽ bỏ chúng nó, vì chúng nó không nghe Ngài; và chúng nó sẽ đi dông dài trong các nước.”8 Đây là những điều viết về người Do-thái trong lúc họ còn là một quốc gia hùng mạnh, ai đã có thể ngờ rằng điều đó sẽ thành sự thật?

Nhưng chưa hết, có ai nghĩ rằng một dân tộc bị tản mác bốn phương như dân Do-thái trong gần hai ngàn năm lại có thể sống sót và trở về tái lập quốc gia? Thế mà Kinh Thánh đã dự đoán điều đó. Nếu tiên tri Giê-rê-mi dự đoán: “Ta sẽ phó chúng nó để bị ném đi ném lại giữa mọi nước thế gian cho chúng nó chịu khổ, chịu mắng nhiếc, xoi bói, cười chê, rủa sả, trong mọi xứ mà ta sẽ đuổi chúng nó đến,”9 thì cũng chính Giê-rê-mi viết: “Ta sẽ dựng lại ngươi.... Ta sẽ đem chúng nó về từ phương Bắc, nhóm lại từ các đầu cùng đất.... Đấng đã làm tan lạc Y-sơ-ra-ên sẽ thâu nhóm nó lại.”10

Trong năm 1948, nước Do-thái đã được tái lập, và đây là một hiện tượng lạ lùng chưa từng xảy ra trong lịch sử nhân loại.

Sự kiện rằng những hình ảnh mô tả Chúa Cứu Thế Giê-xu nằm rải rác trong Cựu Ước đưa đến một bằng chứng khác bênh vực cho cuốn Kinh Thánh. Đó là tính đồng nhất của nó. Nếu bạn họp mười người lại và yêu cầu họ viết mười bài bàn về con người hay Thượng Đế, bạn có nghĩ rằng họ sẽ có cùng một quan điểm? Bây giờ nếu mười người đó thuộc nhiều thế hệ khác nhau, bạn còn có hy vọng rằng tuyển tập của bạn sẽ được đồng nhất? Nhưng đó là điểm đặc biệt của Kinh Thánh. Mặc dầu có hơn bốn mươi tác giả thuộc mọi tầng lớp xã hội, sống trong một khoảng thời gian dài hơn mười lăm thế kỷ, Kinh Thánh vẫn là một cuốn sách đồng nhất với một chủ đề duy nhất là sự cứu rỗi nhân loại bằng dòng máu của Chúa Cứu Thế Giê-xu.

Không phải chỉ là một tuyển tập gồm những bài bình luận có tính cách độc lập lẫn nhau, Kinh Thánh có thể được ví như một cuốn tiểu thuyết trinh thám do nhiều tác giả viết. Trong phần Cựu Ước, tác giả này đưa ra một số manh mối, để rồi tác giả kế tiếp trưng dẫn thêm một số manh mối khác. Đến phần Tân Ước, các manh mối nầy, trước kia có vẻ rời rạc và khó hiểu, bỗng nhiên hội tụ lại trong một lời đáp. Thông thường, để viết cuốn tiểu thuyết như vậy, ta cần lời giải đáp trước rồi xây dựng các manh mối sau. Nếu vậy trong trường hợp Kinh Thánh, chỉ có Thượng Đế mới có thể là “tác giả” toàn bộ, vì trước khi Chúa Cứu Thế Giê-xu giáng sanh, chỉ có Ngài mới hiểu rõ được Tin Lành Cứu Rỗi và chỉ có Ngài mới có thể khải thị cho người viết để họ có thể trưng dẫn các manh mối thích hợp.

Nếu có bốn mươi nhạc sĩ đại tài ngồi lại với nhau, nhưng mạnh ai nấy chơi, thì chúng ta có một cái chợ. Tuy nhiên, nếu có thêm một nhạc trưởng và một bản đại hòa tấu, chúng ta có âm nhạc. Kinh Thánh là một bản tình ca mang tựa đề Cứu Rỗi, viết tặng con người tội lỗi bởi soạn giả Thượng Đế, do bốn mươi nhạc sĩ trình bày dưới sự điều khiển của Nhạc Trưởng Thánh Linh. Bạn có để lòng lắng dịu nghe bản tình ca đó?