Trang Đầu | Mục Lục | << Chương 8 | Chương 10 >> | Hướng Dẫn

Chương 9

KHOA HỌC

Chúng ta vừa nhìn qua một số bằng cớ chứng tỏ rằng Kinh Thánh là lời của Thượng Đế. Hy vọng rằng bạn đồng ý với những bằng chứng đó. Tuy nhiên, tôi đoán rằng bạn vẫn còn cảm thấy một điều gì không ổn. Có lẽ trong trí bạn vẫn còn hai chữ cứ la lớn lên, như thể muốn cãi lộn với hai chữ “Kinh Thánh.” Đó là hai chữ “Khoa Học.”

Sau bao nhiêu thành công rực rỡ, đem đến nhiều kết quả rõ ràng, khoa học hầu như đã trở thành một tôn giáo mới. Có người cho rằng khoa học đã hoàn toàn thay thế Thượng Đế. Họ thường nói: “Trong thời buổi văn minh này mà còn tin Chúa!” Mặc dầu chưa có ai giải thích thêm cho tôi, tôi đoán rằng câu nầy tương đương với một trong ba câu sau:

1. ”Khoa học ngày nay có thể cung cấp được mọi sự;”

2. ”Khoa học ngày nay có thể giải thích được mọi sự; những giải thích của tôn giáo chỉ là mê tín dị đoan;” và

3. Thuyết tiến hóa đã minh chứng rằng không có Thượng Đế và Kinh Thánh là sai lầm.”

Trong chương này, chúng ta sẽ cùng nhau phân tích những nhận xét trên.

Tôi tin rằng không ai đồng ý với nhận xét thứ nhất. Đừng nói đến những điều cao hơn vật chất như sự bình an hay sự sống đời đời, khoa học hôm nay không thể cung cấp cho chúng ta mọi sự.

Ngược lại, càng ngày số người thất vọng về khoa học và đời sống văn minh càng nhiều. Hiểm họa về chiến tranh nguyên tử và sự ô nhiễm môi sinh đã trở thành mối lo ngại thật sự cho mọi người. Các máy tính điện tử, thay vì để phục vụ con người, đang lần lần nắm quyền cai trị xã hội chúng ta.

Xuất thân từ một nền văn hóa Á Châu, hơn ai hết, chúng ta thấy rõ bộ mặt thật của đời sống văn minh Tây Phương. Bên trong bộ áo khoa học kỹ thuật hào nhoáng, giữa chốn phồn hoa đô hội của thị thành, con người cô đơn cùng cực, âm thầm hùng hục tranh sống với tha nhân. Tìm được cái “nhàn” bởi “tri túc” đã là một chuyện khó, làm sao con người của xã hội văn minh hôm nay có thể tìm được sự bình an thật nếu không đến với Thượng Đế?

Không những ngày hôm nay còn có biết bao nhiêu vấn đề thuộc phạm vi khoa học mà chưa ai tìm được câu trả lời, chúng ta cũng cần câu trả lời cho nhiều vấn đề vượt ngoài khả năng của khoa học.

Mục đích chính của khoa học là để trả lời các câu hỏi “Làm thế nào?” chứ không phải “Để làm gì?” Khoa học cho ta biết cơ thể con người được cấu tạo ra sao nhưng hoàn toàn không có thẩm quyền để tìm hiểu mục đích sự hiện hữu của bạn và tôi.

Khoa học cũng không có thẩm quyền để bàn đến những giá trị tiềm ẩn trong thi văn, âm nhạc, hội họa.… Ai có thể dùng khoa học để phân tích Đoạn Trường Tân Thanh hay Chinh Phụ Ngâm Khúc? Ai có thể dùng khoa học để định nghĩa tình yêu?

Trong lúc chữ “mê tín dị đoan” có một ý nghĩa rất mơ hồ, trong phạm vi của vấn đề đang được bàn đến, tôi cho đó là những hành động mang hình thức tôn giáo để trả lời những câu hỏi mà khoa học chưa trả lời được. Làm sao tôi chiếm được tình yêu của người đó? “Đốt hình người ấy rồi pha nước uống” là một câu trả lời. Đến chừng khoa học có những câu trả lời tương tự như lời dạy trên TV: “Hãy xức dầu thơm hiệu Con Bọ Cạp,” thì cách đốt hình bỗng trở thành mê tín dị đoan. Tại sao trời sấm chớp? “Vì mấy ông thần đánh nhau” là một câu trả lời. Đến chừng khoa học có câu giải thích, các ông thần bẽn lẽn cuốn gói ra đi.

Vâng, dùng Thượng Đế hay tôn giáo để điền vào chỗ trống của khoa học như vậy chỉ là mê tín dị đoan. Nhưng người tin Chúa không có cái nhìn như vậy. Đối với họ, mọi hiện tượng, dầu khoa học giải thích được hay không, đều có bàn tay của Thượng Đế điều khiển.

Thật ra, khoa học được xây dựng trên một định đề rằng vũ trụ của chúng ta luôn tuân theo một số định luật nào đó. Nếu bạn ném một viên gạch, nó sẽ rớt xuống đất. Nếu bạn đặt nồi nước lên bếp, nhiệt độ của nước sẽ tăng lên. Mục đích chính của khoa học là đi tìm những định luật đó để tiên đoán những gì sẽ xảy ra. Trong lúc khoa học không tìm cách trả lời câu hỏi về nguồn gốc của những định luật, người tín đồ biết rằng tất cả đến từ Thượng Đế. Ngài tạo ra vũ trụ và ban cho vũ trụ một số định luật thiên nhiên để con người có thể sống được.

Trước khi Newton tìm ra định luật về sức hút của quả đất, trái táo vẫn rơi khi chín mùi. Khoa học không làm trái táo rơi, nhưng chỉ giúp ta hiểu thêm về hiện tượng này. Thượng Đế làm trái táo rơi, dầu có khoa học hay không.

Người tin Chúa vì thế không phủ nhận các thành quả khoa học. Khi đau ốm, tôi cũng đi bác sĩ. Khi đi xa, tôi cũng ngồi máy bay. Thật ra, lịch sử còn ghi lại nhiều thành quả lẫy lừng của các khoa học gia tín đồ như Corpernicus, Galileo, Kepler, Descartes, Newton.... Chính tôi cũng đã được huấn luyện trong lĩnh vực khoa học và hiện nay vẫn còn nghiên cứu cho khoa học. Tôi đã gặp nhiều khoa học gia nổi tiếng tin Chúa. Không những không thấy khoa học và niềm tin chống nghịch nhau, họ còn thấy rằng chính khoa học đã giúp họ trong niềm tin. Thật vậy, càng biết nhiều về giải phẫu học, chúng ta càng phải khâm phục một Đấng Sáng Tạo đã cho chúng ta một thân thể quá ư tinh vi tuyệt diệu; càng biết nhiều về vật lý, chúng ta càng thêm tin vào một Đấng Quyền Năng đã cho vũ trụ một sự tuần hoàn trật tự tuyệt vời.

Một khoa học gia tin Chúa không cố gắng đi tìm những sai lầm của khoa học để điền Thượng Đế trở lại. Cũng như các khoa học gia chân chính khác, họ chỉ làm điều nầy để đưa khoa học đến gần chân lý hơn, hầu có thể cảm nhận được nhiều hơn quyền năng của Thượng Đế, được thể hiện qua sự sáng tạo và gìn giữ thế gian.

Bây giờ chúng ta có thể bàn đến thuyết tiến hóa. Thuyết này giải thích rằng con người tiến hóa từ những con vật sơ đẳng hơn, trong một tiến trình kéo dài hằng bao nhiêu triệu năm. Thuyết tiến hóa có mâu thuẫn với niềm tin vào Đấng Sáng Tạo hay không?

Trước hết, thuyết tiến hóa có thể sai hoàn toàn. Có nhiều khó khăn về kỹ thuật khiến rất nhiều khoa học gia không công nhận thuyết này. Đây là một giả thuyết hoàn toàn không kiểm chứng được và chứa đầy những tổng quát hóa, những diễn dịch thiếu các dữ kiện hỗ trợ. Một trong những khó khăn lớn của thuyết tiến hóa là thuyết nầy đi nghịch lại với định luật thứ hai trong nhiệt động học mà ai cũng công nhận. Định luật nầy nói rằng vũ trụ tự nó luôn luôn thay đổi từ trật tự đến hỗn độn, từ phức tạp đến đơn giản. Thuyết tiến hóa, ngược lại, chủ trương rằng sinh vật biến thể từ những cấu tạo đơn giản đến phức tạp, và vì thế đã không phù hợp với luật này.

Nhưng nếu thuyết tiến hóa đúng thì sao? Vâng, bỏ những khó khăn kỹ thuật qua một bên, nếu - tôi xin nhấn mạnh chữ “nếu” - trong tương lai có người chứng minh một cách vững vàng rằng con người biến thân từ con khỉ, thì sao?

Chắc sẽ càng có thêm nhiều người lạm dụng thuyết tiến hóa để đả phá tôn giáo. Chưa gì, ngày nay chúng ta đã thấy duy vật biện chứng ca ngợi thuyết tiến hóa như một điều có thể giải thoát con người khỏi Thượng Đế. Thưa, đây là một sai lầm lớn, vì dù thuyết tiến hóa có đúng đi nữa, kết luận như vậy vẫn sai.

Chúng ta đã bàn về vấn đề này: Thượng Đế của người tin Chúa không phải là Thượng Đế để điền vào chỗ trống của khoa học. Thuyết tiến hóa không đẩy được Thượng Đế ra ngoài đời sống chúng ta. Nếu Thuyết tiến hóa đúng, thì trong quyền năng của Ngài, Thượng Đế đã dùng sự tiến hóa để dựng nên con người.

“Nhưng Kinh Thánh nói rằng Thượng Đế đã dựng nên vũ trụ trong sáu ngày? Vâng, nhưng xin chúng ta nhớ rằng Kinh Thánh không phải là một tài liệu khoa học mà là lời của Thượng Đế cho con người biết về chương trình cứu rỗi của Ngài. Vì thế, Kinh Thánh phải dùng ngôn ngữ thông dụng của người thường, thích hợp với bối cảnh xã hội lúc được viết, thay vì dùng ngôn ngữ chính xác nhưng khó hiểu của khoa học. Chẳng hạn Kinh Thánh nói mặt trời “lặn” và mặt trời “mọc.” Khi nói đến một hạt giống nhỏ nhất, Chúa Cứu Thế Giê-xu nói đến “hột cải”1 giống như người đương thời, thay vì dùng tên La-tinh của một hột giống mà có lẽ chính ngày hôm nay khoa học cũng chưa biết đến. Ngài chết vào chiều thứ sáu, và sống lại sáng Chúa Nhật, nhưng Kinh Thánh nói là “ba ngày sau đó” theo lối tính ngày của người Do-thái, giống như lối tính tuổi ta của người Việt Nam. Cũng vậy, khi bàn đến sự sáng thế, Kinh Thánh chỉ nói vỏn vẹn trong 34 câu2 và viết một cách đối xứng theo thể thơ văn, trong một bối cảnh xã hội sơ khai nhất. Chúng ta vì thế không thể dùng những câu này như một tài liệu khoa học khẳng định rằng vũ trụ đã được sáng tạo chỉ trong sáu ngày theo cách tính ngày giờ của chúng ta.

Thiết tưởng tôi cần phải nói thêm ở đây rằng nếu Thượng Đế dùng sự tiến hóa để dựng nên con người thì không có nghĩa là con người chỉ là một con vật không hơn không kém. Rõ ràng con người chúng ta không phải chỉ tìm mọi cách để thỏa mãn thú tính, nhưng có một đầu óc biết suy nghĩ, một đời sống đạo đức, một cái nhìn nghệ thuật và quan trọng hơn hết, một khái niệm về Thượng Đế. Điều nầy trước hết chứng tỏ rằng nếu sự tiến hóa đã xảy ra, thì nó chỉ là một khí cụ của Thượng Đế chứ không thể nào là “tác giả” tạo nên con người với bao đặc tính quí giá như vậy. Sau nữa, nếu thuyết tiến hóa đúng, thì tại một lúc nào đó trong quá trình tiến hóa, Thượng Đế đã can thiệp vào, đã “hà sinh khí vào lỗ mũi,”3 ban cho con người một linh hồn, để con người có thể “mang hình ảnh của Thượng Đế.”

Thật ra, khoa học không đồng ý với Kinh Thánh không phải ở những điều khoa học hiểu được nhưng ở những điều khoa học không có lời giải thích. Nói rõ hơn, khoa học không chấp nhận những điều mà người tín đồ gọi là những “phép lạ.” Phép lạ là những hiện tượng đi ngược lại với các định luật mà khoa học giả thử rằng cố định. Nếu tôi thả một viên đá và viên đá bay lên trời, thì tôi đã làm một phép lạ, vì điều nầy đi ngược lại với định luật về sức hút của trái đất.

Kinh Thánh ghi lại nhiều phép lạ do Thượng Đế, các nhà tiên tri, Chúa Cứu Thế Giê-xu hay các sứ đồ của Ngài làm. Biển Đỏ được phân làm hai để người Do-thái đi qua là một phép lạ. Một người mù từ thuở nhỏ được chữa lành là một phép lạ khác.

Chúng ta có thể ví vũ trụ như một chiếc đồng hồ. Khoa học quan sát chiếc đồng-hồ-vũ-trụ này, tìm được những nguyên tắc khiến nó chạy và có thể tiên đoán được những diễn biến trong tương lai. Chúng ta đã đồng ý rằng những khám phá này càng chứng tỏ rằng có một Đấng đã tạo ra nó. Giờ đây, chúng ta giả thử rằng Đấng nầy, vì một lý do nào đó, quyết định “đổi giờ” trên đồng hồ. Ngài có thể làm điều này một cách dễ dàng, vì Ngài đã tạo nên nó. Nhưng buồn thay, các khoa học gia trong đồng-hồ-vũ-trụ lại không chịu tin, vì cho rằng phép lạ không thể xảy ra.

Nhưng Thượng Đế không phải chỉ dựng nên vũ trụ, rồi lâu lâu làm một vài phép lạ, như ta đổi giờ trên đồng hồ. Thật ra, vũ trụ là một chiếc đồng hồ cần được Thượng Đế lên dây liên tục; nếu Ngài bỏ đi, nó sẽ không còn tồn tại. Trái ngược với những “ông thần” được con người đúc từ gỗ đá, Thượng Đế có quyền trên con người và luôn luôn để ý đến con người. Ngài bày tỏ ý Ngài qua lịch sử, qua thời tiết. Giống như bài ca dao “Lạy Trời mưa xuống,…” Kinh Thánh chép, “Ngài ban nắng cho người ác lẫn người thiện, ban mưa cho người công chính lẫn kẻ bất công.”4

Giả sử một ngày nọ, Thượng Đế làm mặt trời đứng yên trong vài tiếng đồng hồ. Những người chứng kiến hiện tượng này chắc chắn sẽ đồng ý rằng đây là một phép lạ. Nhưng những người khác lại không chịu tin và đòi phải tự mình chứng kiến tận mắt mới tin. Thượng Đế vì thế lập đi lập lại phép lạ này mỗi ngày để ai nấy cũng thấy quyền năng của Ngài. Oái oăm thay, vì hiện tượng này giờ đây xảy ra hàng ngày và khoa học nhờ đó có thể tiên đoán được, con người lại không cho đó là phép lạ nữa!

Chúng ta vì thế phải thấy “phép lạ” của Thượng Đế ngay trong những hiện tượng thông thường như một năm có bốn mùa hay hai khối trọng lượng thu hút lẫn nhau. Dầu khoa học có tìm ra được định luật nào hay không, dầu những hiện tượng này giờ đây xảy ra hàng ngày hay một cách bất thường, bàn tay Thượng Đế vẫn điều khiển tất cả.

“Đành rằng khoa học không phủ nhận sự hiện hữu của Thượng Đế,” chắc bạn đang nghĩ thầm, “nhưng được giáo dục trong một môi trường khoa học, làm sao tôi có thể 'tin' một cách mù quáng vào sự cứu rỗi của Chúa Cứu Thế Giê-xu?”

Thật ra, “tin” là điều con người văn minh chúng ta vẫn làm hàng ngày, đến nỗi không còn ý thức được rằng điều mình làm đến bởi niềm tin. Bị bịnh, ta uống thuốc, tin rằng thuốc sẽ chữa lành bịnh, mặc dầu có thể ta hoàn toàn không biết gì về thuốc. Bước lên máy bay, ta tin rằng mình sẽ đến bến đến bờ, mặc dầu có thể không có một khái niệm nào về hàng không cơ khí.

Nhưng những hành động đó không đến từ những niềm tin mù quáng. Vì thứ nhất, mặc dầu không hiểu hết được, từ những điều ta có thể hiểu được, ta thấy có lý; thứ hai, là vì trước kia chúng đã có lần đem lại kết quả khả quan.

Niềm tin vào sự cứu rỗi của Chúa Cứu Thế Giê-xu cũng vậy. Mặc dầu không ai có thể hiểu hết được, nhưng chúng ta phải công nhận rằng tất cả những điều có thể hiểu được đều có lý. Dòng máu cứu rỗi của Chúa Cứu Thế Giê-xu hòa đồng một cách huyền diệu với tình thương và công lý của Thượng Đế, và trả lời thỏa đáng nhiều câu hỏi trong lòng những kẻ đi tìm ý nghĩa cho đời. Nền giáo dục Tin Lành không xây dựng trên một chính sách “ngu dân,” nhưng luôn luôn khuyến khích tín đồ tìm hiểu thêm về Thượng Đế và sự cứu rỗi. Kinh Thánh không phải là cuốn sách gồm những bùa chú vô nghĩa, nhưng chứa đầy những lời dạy dỗ rõ ràng. Chúa Cứu Thế Giê-xu nói: “Các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi.”5

Tin Lành Cứu Rỗi cũng đã cho ta thấy kết quả rõ ràng. Có nhiều người sẵn sàng làm chứng rằng niềm tin vào Chúa Cứu Thế Giê-xu đã hoàn toàn thay đổi đời sống của họ. Ta chỉ cần nhìn quanh, để thấy.

Trên đời này có nhiều niềm tin mù quáng, nhưng tin vào dòng máu cứu rỗi của Chúa Cứu Thế Giê-xu là một quyết định được xây dựng trên một nền tảng chân lý vững vàng.

Chúng ta đã thấy rằng khoa học và niềm tin không chống nghịch lẫn nhau. Nhân thể, tôi muốn thưa với bạn điều nầy, đó là khoa học gồm nhiều ngành khác nhau và mỗi ngành chỉ có thể nhìn vũ trụ theo một khía cạnh. Trong lúc đó, đời sống gồm nhiều khía cạnh liên hệ với nhau một cách cực kỳ phức tạp. Cũng giống như những người chỉ biết bề ngoài vật chất, có nhiều người đã đánh giá mọi sự chỉ theo những khám phá của một ngành khoa học. Điều nầy đưa đến một cái nhìn máy móc, một chiều và đôi khi nguy hiểm.

Thí dụ thứ nhất liên quan đến vấn đề tình dục. Hiện nay trên thế giới có biết bao nhiêu phòng thí nghiệm nghiên cứu vấn đề nầy và có biết bao nhiêu sách báo dạy con người kỹ thuật làm cho người chồng hay người vợ thỏa mãn. Tôi không phủ nhận những khám phá nầy, nhưng cho rằng nhiều người đã đi quá xa và chỉ quan tâm đến kỹ thuật mà bỏ qua một khía cạnh khác quan trọng hơn nhiều mà khoa học không nói đến, vì không có khả năng để đo lường và nghiên cứu. Đó là tình yêu. Thiếu tình yêu, tình dục, mặc dầu với một kỹ thuật cao, chỉ có thể đặt con người ngang hàng với thú vật.

Thí dụ thứ hai là chủ nghĩa cộng sản. Người cộng sản chỉ biết nhìn mọi vấn đề theo khía cạnh kinh tế. Karl Marx vì thế giải thích rằng tôn giáo, như một chất ma túy, là do những người giàu đặt ra để ru ngủ những người bị bóc lột.

Ông A có lần tâm sự với tôi rằng đời ông giờ đây như đã bị “bỏ xó.” Ông nghĩ vậy vì khi đi bác sĩ, bác sĩ nói rằng ông đã quá già yếu; rồi khi đi học Anh Văn, thầy giáo nói rằng ông sẽ không bao giờ nói được tiếng Anh thông thạo.… Những người này có thể nói đúng, nhưng ông đã suy diễn sai, vì đời ông không phải chỉ có thân xác hay ngôn ngữ. Ông giống như một bức tranh bị chủ đem “bỏ xó,” vì trước kia đã có một nhà khoa học đến phân tích và khám phá một cách chính xác rằng vải tranh thì cũ còn sơn thì đã quá khô cằn rạn nứt.

Rồi một hôm ông đọc Kinh Thánh. Ông bỗng thấy rằng đời ông là một bức tranh do Nhà Nghệ Sĩ Thượng Đế sáng tạo. Chỉ cần nhờ dòng máu vô tội của Chúa Cứu Thế Giê-xu rửa sạch lớp bụi tội lỗi đang bao phủ xung quanh, ông đã trở thành một tuyệt tác để những người xung quanh ngắm nhìn và thán phục quyền năng của Đấng Cứu Thế.

Bỏ qua khía cạnh nghệ thuật của bức tranh, những phân tích của khoa học thành vô ích, nếu không nói là có hại. Nhưng khi giá trị nghệ thuật của tranh đã được thấu hiểu, khoa học trở thành một khí cụ hữu hiệu để giúp ta hiểu thêm về tài năng của nhà nghệ sĩ. Einstein viết: “Khoa học thiếu tôn giáo là què quặt, tôn giáo thiếu khoa học là mù quáng.”

Phần Bốn