Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 7 | Bài 9 >> | Hướng Dẫn

Bài 8

Bất Hòa Trong Hôn Nhân [8]




Có đôi bạn kia yêu nhau một thời gian khá lâu mới tiến đến hôn nhân, nhưng đời sống chung của hai người chỉ tốt đẹp được khoảng một năm. Sau đó, mỗi người để lộ con người thật của mình, nhất là khi vợ chồng có chuyện bất đồng ý kiến. Người chồng rất là nóng tính, khi vợ không đồng ý chuyện gì thì nổi giận lên và dọa điều này điều kia để vợ phải chiều theo ý mình. Người vợ tính trầm tĩnh hơn nhưng khi buồn giận chồng thì không nói ra nhưng dùng thái độ im lặng như là một vũ khí, khiến người chồng rất là tức tối. Khi người chồng càng nói to và càng giận dữ thì người vợ càng im lặng và tỏ thái độ bất cần, làm như không nghe, cũng không biểu lộ một phản ứng nào. Sự giận dữ và lấn áp của người chồng khiến người vợ ngao ngán, không muốn nói lên ý kiến của mình, nhưng bà im lặng cho chồng thấy rằng những giận dữ dọa nạt đó không có ảnh hưởng gì đến bà. Khi người vợ im lặng quá lâu, có khi đến ba bốn ngày, người chồng rất là bực bội, tức tối mà không làm gì được. Vì không biết cách giải quyết bất đồng ý kiến, đôi vợ chồng này luôn luôn sống trong ngột ngạt và căng thẳng.

Tác giả James Fairfield cho biết khi giữa hai người có sự bất hòa, chúng ta thường phản ứng bằng năm cách khác nhau: Rút lui để được yên thân, lấn lướt để dành phần thắng, nhượng bộ để gia đình êm ấm, thỏa hiệp để đôi bên đều vui vẻ hoặc quyết tâm giải quyết bất hòa. Trong Câu Chuyện Gia Ịình kỳ trước chúng tôi đã trình bày về phản ứng thứ nhất, là rút lui, và những điều thuận lợi hay bất lợi cho người lúc nào áp dụng phương cách rút lui. Hôm nay chúng tôi xin trình bày phản ứng thứ hai mà một số người thường áp dụng khi có chuyện bất hòa với người chung quanh, nhất là với người phối ngẫu.

Phương cách thứ hai: Lấn lướt để dành phần thắng

Có một số người mỗi khi vợ chồng có chuyện bất đồng ý kiến thì nhất định phải chiếm phần thắng cho mình. Những người này nghĩ rằng mình khôn ngoan nên không bao giờ sai; ý của mình luôn luôn đúng hơn, hay hơn và khôn ngoan hơn. Lấn lướt để chiếm phần thắng thường là cách của những người có tính cứng rắn, hay áp đảo người khác, cũng là phương cách các ông chồng hay áp dụng. Các ông biết mình là chủ gia đình, là người có quyền trong gia đình nên dùng quyền đó để buộc vợ con làm theo ý mình. Nếu vợ con nói hay làm điều gì trái với ý mình, các ông chồng này sẽ nổi giận, nạt nộ, la lối om sòm khiến vợ con hoảng sợ phải chiều theo ý các ông. Các bà cũng có người dùng phương cách lấn lướt nhưng nhẹ nhàng và êm dịu hơn. Chẳng hạn như các bà dùng sự hờn dỗi, lời đay nghiến phàn nàn ngày đêm, hoặc dùng nước mắt để chồng phải nhường bước. Khi vợ chồng có chuyện bất đồng ý kiến, người ta cũng thường tấn công vào tự ái hay thể diện của người kia để người đó phải chiều theo ý mình.

Rút lui, im lặng, không bày tỏ phản ứng hay ý kiến khi vợ chồng bất hòa hay xung đột với nhau không phải là phương cách tốt để giải quyết nan đề, nhưng lấn lướt để dành phần thắng cũng không phải là phương cách chúng ta nên áp dụng. Những người lúc nào cũng rút lui, không nói lên ý kiến và sẵn sàng hy sinh những ước muốn của mình để giữ hòa khí trong gia đình là người không nhìn thấy giá trị của chính mình. Người đó sẽ dễ bị đối xử bất công và phải chịu nhiều thiệt thòi trong đời sống. Người lấn lướt để dành phần thắng thì lại xem mình quá quan trọng, quyền lợi của mình phải được tôn trọng, ý kiến của mình lúc nào cũng hay, cũng đúng, và vì thế lúc nào cũng muốn dành phần hơn. Trong hai vợ chồng, nếu một người sẵn sàng rút lui thì người kia sẽ có khuynh hướng lấn lướt. Ịây là điều thường thấy trong các gia đình Á đông. Người vợ lúc nào cũng im lặng, sẵn sàng chịu thiệt thòi, còn người chồng thì bắt nạt, áp chế, lấn lướt vợ trong mọi phương diện.

Khi vợ chồng có chuyện bất hòa, người áp dụng phương cách lấn lướt để thắng là người ích kỷ, không nghĩ đến hạnh phúc của người phối ngẫu hay niềm vui chung của gia đình nhưng chỉ nghĩ đến phúc lợi của riêng mình. Người ta có nhiều cách lấn lướt để dành phần thắng. Có người dùng những thất bại hay lỗi lầm của người phối ngẫu trong quá khứ để tấn công, khiến người đó thấy mình có lỗi và không dám nói gì nữa. Người thì dùng nước mắt, nỗi buồn khổ, hoàn cảnh thương tâm, bất hạnh của mình để người kia cảm động, thương hại và chiều theo ý mình. Có người thì nhắc lại những đau đớn, thiệt hại mà người kia đã gây ra trước kia, khiến người đó phải nhường để đền bù cho mình. Nếu một người quyết tâm phải thắng khi có bất hòa giữa vợ chồng, người đó sẽ áp dụng bất cứ phương cách nào để đạt được mục tiêu của mình. Họ sẵn sàng hy sinh hạnh phúc chung để đạt được điều họ mong muốn. Khi vợ chồng có điều bất đồng ý kiến mà chúng ta nhất định muốn hơn, với bất cứ giá nào, chứ không kiên nhẫn nghe ý kiến của người phối ngẫu, chứng tỏ chúng ta là người ích kỷ, cứng cỏi và kiêu ngạo. Người như thế khó có thể đem lại hạnh phúc cho người khác. Kinh Thánh dạy về cách cư xử với người chung quanh như sau: Hãy lấy lòng yêu thương mềm mại mà yêu nhau như anh em; hãy lấy lẽ kính nhường nhau... Trong vòng anh em phải ở cho hiệp ý nhau... Chớ cho mình là khôn ngoan (Rô-ma 12: 10 & 16). Lời Chúa cũng dạy: Hãy khoan dung, tha thứ nhau khi anh chị em có điều than phiền nhau; như Chúa đã tha thứ anh chị em, thì anh chị em cũng phải tha thứ. Trên hết các mỹ đức ấy, hãy thêm tình yêu thương, là sợi dây ràng buộc toàn hảo (Thư Cô-lô-se 3:13, 14, Bản Dịch Mới).

Chúng ta cần kiểm điểm lại cách mình ứng xử khi có bất đồng ý kiến với người khác. Nếu chúng ta luôn luôn cho ý mình đúng và buộc người kia phải chấp nhận, có thể chúng ta có một trong hai nan đề sau:

Mặc cảm tự ti hoặc tự tôn


Khi một người không có cái nhìn đúng về chính mình sẽ có mặc cảm tự ti hoặc tự tôn. Người mặc cảm tự ti nghĩ rằng mình thấp kém, không có giá trị đối với người chung quanh, do đó thường có nhiều tự ái, cái tôi dễ bị chạm. Người tự ti mặc cảm sẽ cố gắng để được người khác chú ý và tôn trọng, vì thế không muốn nhường nhưng sẽ dùng những phương cách âm thầm, khéo léo để dành phần thắng. Người có mặc cảm tự tôn thì cho mình là người quan trọng, ý kiến và ước muốn của mình phải được chú ý và tôn trọng. Người tự tôn cũng có nhiều tự ái và cái tôi rất lớn, do đó sẽ dùng những phương cách mạnh bạo, rõ ràng để chiếm phần thắng về mình. Ví dụ về người có mặc cảm tự ti lấn lướt người khác cụ thể nhất là trong trường hợp người chồng thua kém vợ về một phương diện nào đó. Chẳng hạn như gia đình nghèo hơn, học vấn thấp hơn, dáng người thấp bé hơn hoặc đi làm lương ít hơn... Những người chồng này thường có mặc cảm là mình thua vợ, cái tôi dễ bị chạm nên khi vợ có ý kiến khác với ý mình thì dùng quyền làm chồng lấn lướt, chê ý của vợ, buộc vợ làm theo ý mình để tự ái và cái tôi được thỏa mãn. Khi có mặt bạn bè hay bà con trong gia đình, người chồng mặc cảm thường dùng uy quyền nạt nộ, bắt bẻ vợ để cho mọi người thấy mình thật sự là chủ gia đình.

Không phân biệt được giữa điều mình cần và điều mình muốn


Khi một người không phân biệt được rõ ràng điều mình cần và điều mình muốn cũng dễ bực bội khi người khác trái ý kiến với mình, và thường lấn lướt, áp đảo người khác để đạt được điều mình muốn. Trong đời sống chúng ta có những nhu cầu đích thực, không có không được, nhưng cũng có nhiều nhu cầu giả tạo, là điều ta muốn chứ không thật sự cần. Không phân biệt rõ ràng hai điều này cũng khiến ta muốn lấn lướt người khác để đạt được điều mình muốn. Chúng ta thường thấy điều này nơi trẻ con. Khi các em muốn ăn bánh kẹo không đúng lúc hay chơi những đồ vật nguy hiểm thì cha mẹ không cho hoặc ngăn cấm. Ịây là những điều các em muốn chứ không cần nhưng các em nghĩ đó là điều các em cần phải có, nên các em gào khóc hay nằm vạ để cha mẹ phải chiều theo ý các em. Những người đã lớn nhưng không trưởng thành cũng cư xử tương tự như vậy, không được điều mình muốn thì hờn dỗi hoặc áp đảo để người phối ngẫu phải chiều theo ý mình.

Có những ông chồng không những muốn vợ chăm sóc nhưng còn phải hầu hạ mọi chuyện. Nếu người vợ thấy đó là điều quá đáng và không chiều, các ông chồng đó sẽ phiền giận và áp đảo bằng cách này hay cách khác để vợ phải chiều ý mình. Tương tự như thế, cũng có những bà vợ đòi hỏi chồng những điều quá đáng, như đi làm về phải giao hết tiền bạc, phải mua sắm những món nữ trang đắt tiền, phải dành tất cả thì giờ cho gia đình, v.v... Nếu chồng thấy đó là những đòi hỏi quá đáng và không làm thì các bà sẽ hờn giận, cằn nhằn để chồng không chịu nổi mà phải chiều theo ý mình. Ịây là trường hợp những người chưa trưởng thành vì cái tôi còn quá lớn, và cũng không phân biệt được rõ ràng đâu là điều mình muốn, đâu là điều mình cần (còn tiếp).

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành