Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 8 | Bài 10 >> | Hướng Dẫn

Bài 9

Bất Hòa Trong Hôn Nhân [9]




Ông bà Hai sống với nhau đã hơn 20 năm nhưng tính tình khác nhau nên giữa vợ chồng thường có bất đồng ý kiến. Về việc chi dùng tiền bạc chẳng hạn, bà Hai thì thích mua sắm những đồ dùng mới cho tiện nghi hoặc để làm đẹp cho căn nhà. Ông Hai thì thích đơn giản nên không thấy cần phải mua sắm thêm gì cả. Mỗi khi vợ đề nghị mua một món gì, ông thường bàn ra, bảo là không cần thiết. Bà Hai không đồng ý nhưng muốn chiều chồng nên nói: Ông thấy không cần thì thôi. Tuy nói vậy nhưng trong lòng bà không vui. Bà cố gắng nhường, làm theo ý chồng, không mua những món đồ bà thích. Nhưng dần dần, mỗi khi muốn sắm cái gì, bà Hai tự ý mua chứ không hỏi chồng nữa, vì biết nếu hỏi, ông sẽ không đồng ý. Ông Hai biết chiến thuật của vợ nên giận dữ,la lối om sòm. Ịây là cách một số vợ chồng xử trí khi gặp bất đồng ý kiến. Như chúng tôi trình bày trước đây, bất đồng ý kiến giữa vợ chồng là điều không thể tránh được, vì thế chúng ta cần biết làm thế nào để, dù bất đồng ý kiến, vẫn giữ hòa khí trong gia đình và tình cảm vợ chồng không sứt mẻ. Tiến sĩ James Fairfield cho biết, năm cách người ta thường áp dụng khi có bất đồng ý kiến với người chung quanh là: Rút lui để tránh căng thẳng, lấn lướt để dành phần thắng, nhượng bộ để giữ hòa khí, thỏa hiệp để đôi bên đều vui hoặc quyết tâm tìm một giải pháp.

Trong Câu Chuyện Gia Ịình kỳ trước chúng tôi nói về hai phương cách đầu tiên nên hôm nay xin nói đến ba phương cách khác mà chúng ta thường áp dụng khi có bất hòa giữa vợ chồng.

Phương cách thứ ba: Nhượng bộ để bảo vệ hạnh phúc gia đình

Có người can đảm nói lên ý của mình hoặc bày tỏ sự bất đồng ý kiến với vợ hay chồng, nhưng khi thấy người kia không đồng ý hay bất bình thì sẵn sàng nhường hoặc rút lui để tránh sự căng thẳng giữa hai người. Người áp dụng phương cách thứ nhất này ít khi nào dám nói lên ý kiến của mình và cũng không bao giờ dám bất đồng ý kiến với người phối ngẫu. Người áp dụng phương cách thứ ba, là nhượng bộ, thì dám nói lên ý mình nhưng nói cách dè dặt, ngại ngần, và khi thấy người phối ngẫu tỏ vẻ không đồng ý hay không vui thì đổi ý ngay và chiều theo ý của người đó để giữa vợ chồng không có căng thẳng hay phiền giận. Người lúc nào cũng nhường để giữ hòa khí trong gia đình cũng dễ có tự ti mặc cảm. Người đó thương hại chính mình, buồn vì thấy mình lúc nào cũng phải hy sinh, phải chịu thiệt thòi. Cũng có khi người hay nhường có thái độ tự cao, cho mình là người trưởng thành hơn, vì biết cư xử theo Lời Chúa dạy. Vì lý do đó, có những người bề ngoài có vẻ khiêm nhường, sẵn sàng nhịn nhưng trong lòng xem thường người bạn đời, cho người đó ấu trĩ, không biết cư xử phải lẽ. Cũng có người nhường nhưng thật ra là để sau đó điều khiển những việc khác; nhường một bước để tiến hai bước, biết rằng cuối cùng sẽ đạt được mục tiêu vì người kia sẽ chiều theo ý mình.

Phương cách thứ tư: Thỏa hiệp để đôi bên đều vui

Người áp dụng phương cách thỏa hiệp là vì thấy mình không thể thắng khi có bất đồng ý kiến, hoặc thấy rằng nếu không thỏa hiệp sẽ bị thiệt hại hơn là ích lợi. Thỏa hiệp hay dung hòa là sẵn sàng lui một bước, đồng ý với người kia một chút, rút bớt đòi hỏi của mình hoặc hứa hẹn một điều gì để có thể đi đến một giải pháp chung ích lợi cho cả hai hoặc cả hai đều có thể chấp nhận. Áp dụng phương cách thỏa hiệp có thể được việc hoặc được lòng đôi bên vì không ai phải hy sinh, chịu thiệt hay mất thể diện. Phương cách này giúp giải quyết bất đồng ý kiến, giảm thiểu căng thẳng mà không ai thấy mình là người thua thiệt. Tuy nhiên, lắm khi vì thỏa hiệp mà vợ chồng không dám nói lên sự thật, hoặc phải bỏ qua những mục tiêu chính đáng, phải hy sinh những giá trị cao đẹp mình muốn hướng đến.

Có hai vợ chồng kia bất đồng ý kiến với nhau vì người chồng muốn đi làm thêm buổi tối để có thêm lợi tức cho gia đình. Người vợ không đồng ý vì muốn buổi tối là thì giờ của gia đình. Khi lập gia đình, hai vợ chồng đặt mục tiêu là sẽ chú trọng vào việc hướng dẫn con cái, nhất là về mặt tâm linh. Hai người muốn mỗi tối gia đình có giờ đọc Kinh Thánh và cầu nguyện với nhau. Bây giờ người chồng thấy đi làm buổi tối sẽ có thêm tiền nên không muốn bỏ qua cơ hội. Thấy vợ không đồng ý, anh hứa khi có tiền anh sẽ mua cho chị món nữ trang mà chị vẫn mơ ước. Người vợ không muốn chồng buồn và cũng thích điều chồng hứa, nên bằng lòng để chồng đi làm thêm buổi tối. Hai vợ chồng đi đến một giải pháp đôi bên có thể chấp nhận và thấy như tốt đẹp. Tuy nhiên, vì thỏa hiệp để tránh bất đồng ý kiến, hai người đã phải thay đổi mục tiêu của gia đình và phải hy sinh những thì giờ quý báu vợ chồng dành cho nhau và cho con cái.

Phương cách thứ năm: Quyết tâm tìm một giải pháp chung

Ịể áp dụng phương cách này, vợ chồng cần nói lên ý kiến của mỗi người cách rõ ràng, sau đó phân tích, bàn thảo cách cởi mở để thấy rõ vấn đề để rồi tìm một giải pháp chung. Khi giải quyết bất đồng ý kiến theo phương cách này, quan điểm, ước mơ và mục tiêu của chúng ta có thể cũng phải thay đổi, nhưng thay đổi đem đến do sự phân tích vấn đề cách khách quan và cân nhắc kỹ càng, và cả hai đều đồng ý với lòng thỏa nguyện; không ai buồn giận vì bị người kia lấn lướt hay điều khiển. Giải quyết bất đồng ý kiến theo phương cách này mất nhiều thì giờ, đòi hỏi đôi bên lòng kiên nhẫn và tôn trọng ý kiến của nhau nhưng sẽ đem lại kết quả tốt đẹp, dài lâu.

Hai vợ chồng kia có hai ý thích khác nhau. Khi có ngày nghỉ, người chồng thích đưa con ra biển còn vợ thì thích đi đến vùng đồi núi. Người chồng không thích núi, bảo rằng lên đó chẳng có gì làm, xuống biển có thể bơi lội, câu cá, đi bộ trên bãi và hít thở không khí trong lành. Bà vợ thì nói mỗi lần đi biển đem cát về nhà, bà phải dọn dẹp giặt giũ rất là mệt, hơn nữa bà không thích gió biển và mùi biển. Vì hai vợ chồng mỗi người một ý nên mỗi khi bàn đến chuyện đi chơi là vợ chồng lại bất đồng ý kiến. Sau cùng, hai vợ chồng quyết định ngồi lại trao đổi, phân tích để tìm hiểu xem tại sao mỗi người có một ý thích khác nhau như vậy, và nhờ đó tìm được một giải pháp chung. Từ dó hai vợ chồng có lúc đi biển, có lúc đi chơi núi nhưng cố gắng để không ai phải vất vả dọn dẹp hay phải đi một cách miễn cưỡng, nhờ đó mỗi người đều có những điều mình thích trong những buổi đi chơi chung của gia đình.

Phương cách nào chúng ta nên áp dụng?

Trong năm cách giải quyết bất hòa vừa trình bày, quý vị thấy phương cách nào là tốt nhất. Thật ra, chúng ta cần áp dụng những phương cách khác nhau, tùy từng hoàn cảnh, từng vấn đề và tùy cá tính của mỗi người. Có những vấn đề chúng ta không thể dung hòa hay nhượng bộ nhưng phải nói mạnh, nói rõ để người kia nhìn thấy và đồng ý với chúng ta. Chẳng hạn như khi người phối ngẫu có những toan tính đi ngược với lời Chúa dạy và có nguy cơ đi vào con đường tội lỗi hay đưa đến thất bại. Lúc đó chúng ta cần can đảm, dựa vào Lời Chúa, nói lên ý kiến của mình để thuyết phục và giúp người kia thoát ra khỏi những quyết định sai lầm. Có một ông chồng kia muốn hùn hạp làm ăn chung với bạn. Ịể được thành công trong việc buôn bán này, người chồng phải nghe theo bạn, làm một vài điều không ngay thẳng. Người vợ biết được thì không đồng ý nhưng nói ra thì chồng không nghe, viện lẽ rằng làm ăn thì ai cũng phải vậy. Người vợ lo lắm, vì chị biết Chúa dạy: "Hãy xem xét mọi việc, điều chi lành thì giữ lấy, bất cứ việc gì tựa như điều ác thì phải tránh đi" (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:21,22). Sau khi cầu nguyện, chị nhất định dùng lời Chúa thuyết phục để chồng bỏ đi ý định hùn hạp làm ăn với bạn. Trong trường hợp này, người vợ không thể rút lui, nhường hay thỏa hiệp nhưng phải trình bày lý lẽ của mình một cách mạnh mẽ để giúp chồng nhìn thấy vấn đề. Trong trường hợp vợ là người có cái nhìn sai lầm thì chồng cũng phải dùng lời Chúa, trình bày quan điểm cách rõ ràng để ngăn cản vợ đi vào con đường sai lầm. Tuy nhiên, nếu lúc nào chúng ta cũng muốn ý kiến của mình được chấp nhận mà không chịu lắng nghe ý kiến của người phối ngẫu, chúng ta sẽ có thể trở thành độc đoán, không quan tâm đến nhu cầu hay ước nguyện của người khác. Hạnh phúc gia đình vì thế sẽ bị ảnh hưởng.

Trước những vấn đề hay trường hợp mà ý của người nào cũng có phần đúng, chúng ta nên giải quyết bất đồng ý kiến bằng cách dung hòa hay thỏa hiệp. Trong trường hợp này, chúng ta không nên lấy uy quyền hay nói cách mạnh mẽ để lấn át ý kiến của người kia, trái lại, cần bày tỏ lòng thương yêu, kiên nhẫn, sự hiểu biết và thông cảm, và cuối cùng, sẵn sàng nhường nhau. Sứ đồ Phao-lô khuyên: "Tôi là người tù trong Chúa, khuyên anh em phải ăn ở một cách xứng đáng với chức phận mà Chúa đã gọi anh em. Phải khiêm nhường đến điều, mềm mại đến điều, phải nhịn nhục, lấy lòng thương yêu mà chiều nhau, dùng dây hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Thánh Linh" (Ê-phê-sô 4:1-3). Theo nguyên tắc Chúa dạy, vợ chồng cần cư xử với nhau cách khiêm nhường, mềm mại, lấy tình yêu thương mà chiều nhau để bảo toàn sự hiệp nhất.

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành