Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 9 | Bài 11 >> | Hướng Dẫn

Bài 10

Những Lời Nói Giá Trị

Một bà vợ kia than như sau:

Tôi lập gia đình đã mười ba năm, chồng tôi không uống rượu, không hút thuốc, không chạy theo các bà các cô; ông lo đi làm nuôi gia đình và cũng dành thì giờ giúp tôi chăm sóc con cái. Theo tiêu chuẩn chung, ông là một người chồng tốt, tuy nhiên có một điều nơi ông mà tôi không chấp nhận được, đó là khi có lỗi ông không bao giờ xin lỗi. Mỗi khi ông nói hay làm điều gì khiến tôi bị tổn thương hay xấu hổ, ông không nhận là ông có lỗi và cũng không bao giờ xin lỗi. Nếu tôi nói cho chồng tôi biết là tôi không thích những việc ông làm hay những lời ông nói, vì tôi bị tổn thương, thì ông nói: "Ngày nào anh thật sự có lỗi, anh sẽ xin" lỗi. Tôi không thích nghe câu đó, tôi rất khó chịu và rất giận mà không biết làm sao.

Có lỗi mà không xin lỗi là điều rất tai hại, nó khiến người bị tổn thương buồn giận, uất ức và dần dần mất lòng kính trọng, thương yêu đối với chúng ta. Theo các nhà tâm lý học, ba câu nói hay ba lời nói có tính cách xây dựng rất đặc biệt mà chúng ta cần dùng đến thường xuyên để có mối quan hệ tốt đẹp với người thân yêu là: lời xin lỗi, lời cảm ơn và lời nói yêu thương. Nhìn lại cách người trong gia đình trò chuyện với nhau, chúng ta phải nhận rằng đây là ba lời chúng ta ít dùng đến hơn hết. Có người không bao giờ nói những lời tốt đẹp này vì không quen nói, những người khác thì cho những lời đó là thừa và không cần thiết. Họ lý luận rằng, mình là người trong gia đình chứ đâu phải xa lạ mà phải cảm ơn nhau, phải khách sáo với nhau. Lời yêu thương thì người thân đã biết là mình thương rồi, đâu cần phải nói ra làm gì. Lời xin lỗi, cũng ít ai muốn nói vì lý luận rằng khi người có lỗi yên lặng, không cãi lại, ta phải hiểu là người đó đã nhận lỗi. Vì lập luận như thế, chúng ta ít khi nào nói lời cảm ơn, lời xin lỗi hay lời yêu thương với người thân, nhất là với người phối ngẫu.

Trong thực tế chúng ta cần sử dụng ba lời nói này thường xuyên, vì đây là những lời sẽ giúp chúng ta xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với người thân yêu. Khi người thân làm điều tốt hay ích lợi cho ta, ta hãy nhớ cảm ơn. Khi chính mình làm điều gì lỗi, dù chỉ là vô tình, hãy nhớ xin lỗi; và mỗi ngày nhớ nói lời thương yêu để bày tỏ tình cảm của ta với người phối ngẫu. Có những người, thường là các ông, có thể nói lời xin lỗi, lời cảm ơn nhưng lời yêu thương thì không bao giờ nói được. Có những ông có thể nói với con: Ba thương con, nhưng chẳng bao giờ nói với vợ: Anh yêu em, hay: Tôi thương bà. Lý do một phần vì bản tính các ông khô khan, ít biểu lộ tình cảm, nhưng cũng vì người Á đông chúng ta không quen nói những lời yêu thương. Cũng có người không biểu lộ tình cảm với vợ vì nghĩ rằng làm như thế là yếu đuối, ủy mị, nhưng khi có người tình thì không ngại nói lời yêu thương. Các nhà tâm lý học cho biết rằng người đàn bà nào cũng muốn nghe và cần được nghe những lời yêu thương của chồng. Chúng tôi mong rằng quý vị là những người thuộc thế hệ trẻ, sẽ cố gắng vượt lên trên những thiếu sót của người lớn tuổi và sẽ tập để có thể nói những lời yêu thương với vợ, với chồng.

Một ông cụ góa vợï tâm sự như sau:

Tôi gặp người yêu khi tôi còn trẻ, mới vừa bước vào quân ngũ. Hai năm sau chúng tôi cưới nhau. Sau 57 năm sống hạnh phúc bên nhau, người yêu của tôi đã từ giã cõi đời. Dù chúng tôi đã đồng ý với nhau rằng khi chết, tro tàn của mỗi người sẽ được đem rải trên núi để không ai phải thăm ai, nhưng khi vợ tôi chết, tôi không đành lòng nào làm như thế. Khi còn sống, vợ tôi thường nói với tôi: Anh không biết em yêu anh nhiều đến chừng nào. Những lúc đó tôi chỉ trả lời: Anh cũng vậy. Không bao giờ tôi nói với vợ tôi ba tiếng Anh yêu em mà nàng mong ước được nghe. Bây giờ, tôi để cái bình đựng nắm tro của vợ tôi trên đầu tủ, và mỗi ngày tôi nói với bình tro, không chỉ một lần nhưng nhiều lần: Anh yêu em, nhưng đã quá trễ, vợ tôi không còn nghe được câu mà suốt cả đời nàng mong muốn được nghe. Và ông cụ kết luận như sau: Tôi viết lên những lời này để nhắc nhở và kêu gọi các ông hãy bày tỏ tình yêu bằng lời nói với vợ khi vợ còn sống. Đừng như tôi, không nói để rồi bây giờ phải ân hận hối tiếc cho đến cuối cuộc đời.

Trong quyển sách tựa đề: Năm Ngôn Ngữ của Tình Yêu, Tiến sĩ Gary Chapman cho biết, để có một hôn nhân hạnh phúc, vợ chồng phải biết trao đổi với nhau những ngôn ngữ của tình yêu. Năm ngôn ngữ tình yêu mà Tiến sĩ Chapman đề cập đến là: (1) Nói lời xây dựng và khích lệ. (2) Dành thì giờ cho nhau. (3) Tặng và nhận quà. (4) Phục vụ nhau. (5) Trao đổi những cử chỉ âu yếm, trìu mến. Trong năm ngôn ngữ này, ngôn ngữ đầu tiên liên quan đến lời nói. Điều này cho thấy lời nói thật quan trọng trong việc xây dựng một hôn nhân hạnh phúc. Thật ra, đây là những điều chúng ta đã biết nhưng không để ý đến hoặc cho là không quan trọng nên không áp dụng. Chúng tôi chia xẻ những điều này với ước mong chúng ta sẽ ghi nhớ và áp dụng để mối quan hệ giữa chúng ta và người phối ngẫu được tốt đẹp.

Theo Tiến sĩ Chapman, ngôn ngữ tình yêu đầu tiên mà chúng ta cần sử dụng là nói lời xây dựng và tôn quý. Đây là những lời bày tỏ lòng quý mến và tôn cao giá trị của người nghe, là những lời khiến người nghe cảm thấy sung sướng vì được khích lệ, thấy mình có giá trị và được quý chuộng. Thường thường, vợ chồng vì quá gần và quá quen, chúng ta ít cẩn thận khi nói năng với nhau. Thật ra phải nói, vợ chồng thường nói những lời làm tổn thương nhau hơn là lời bày tỏ lòng quý trọng hay khích lệ nhau. Nếu để ý nghe các đôi vợ chồng chung quanh chúng ta nói chuyện, chúng ta sẽ thấy họ thường nói những lời thiếu nhân từ, thiếu yêu thương, những lời làm đau lòng nhau chứ ít ai nói những lời tôn quý nhau. Đây là điều chúng ta cần tránh. Để mối quan hệ vợ chồng được tốt đẹp, chúng ta cần thường xuyên nói với nhau những lời xây dựng, như: lời khen, lời cảm ơn, lời khích lệ, lời ân hậu và lời khiêm nhường.

1. Lời khen

Khi vợ chăm sóc con cái, nhà cửa và lo bữa ăn cho gia đình mỗi ngày, các ông dễ xem đó là chuyện tự nhiên, là bổn phận của vợ nên chẳng bao giờ khen. Trái lại, nếu các bà thiếu sót hay vấp váp trong những trách nhiệm đó là sẽ có lời chê trách. Tương tự như thế, khi chồng đi làm đem tiền về nuôi gia đình đều đặn hằng tháng, các bà vợ cũng chẳng bao giờ khen vì cho đó là trách nhiệm của người chủ gia đình, nhưng nếu chồng mất việc hoặc vì tính toán sai lầm mà gây khó khăn về tài chánh cho gia đình thì chắc sẽ có tiếng nặng tiếng nhẹ. Chung quanh chúng ta có biết bao nhiêu người không trưởng thành và ích kỷ, không trọn trách nhiệm với gia đình mà còn là gánh nặng cho vợ con hay chồng con. Vì vậy, nếu vợ chu toàn trách nhiệm, thông cảm và nâng đỡ chồng, nhớ nói lời khen. Nếu chồng kiên nhẫn phụ giúp việc nhà, dành thì giờ chăm sóc con, hãy nhớ nói lời khen. Vợ chồng cần ghi nhận công khó của nhau để khen và khích lệ nhau. Lời khen là cách bày tỏ tình yêu hiệu quả nhất, nhưng lời khen phải thành thật. Chẳng hạn như, thỉnh thoảng các ông nên nói với vợ: Em thật là người vợ hiền, người nội trợ đảm đang, Anh thật là có phúc có người vợ như em. Khi vợ dành thì giờ nấu một món ăn đặc biệt cho gia đình, chồng nên ghi nhận công khó và khen. Các bà cũng vậy, khi chồng giúp chăm sóc con nhớ nói lời khen. Chẳng hạn như nói: Anh lo cho con giỏi quá, hay: Em thật là vui khi anh dành thì giờ chơi với con. Đây là những lời khen thành thật, không tốn kém tiền bạc nhưng đem lại niềm vui cho người phối ngẫu.

Có người không bao giờ khen người khác mà chỉ khen chính mình. Những người này thường nói: Cái gì tôi cũng làm được, hoặc: Thấy không, nhờ tôi nói một câu mà giải quyết được nan đề. Có người nói với vợ: Nhờ lấy tôi mà cuộc đời bà mới khá ra hoặc nói với chồng: Anh may mắn lắm mới có người vợ như em. Kinh Thánh dạy chúng ta nên nói lời khen và khích lệ người khác nhưng tránh nói lời khen chính mình. Sách Châm Ngôn dạy: Hãy để cho kẻ khác khen ngợi con, miệng con chẳng nên làm. Để cho một người ngoài tán mỹ con, môi con đừng làm (27:2). Sách Châm Ngôn chương 31 trong Cựu Ước ghi lại lời một người chồng khen vợ không tiếc lời. Người chồng này nói: Có nhiều người con gái làm lụng cách tài đức, nhưng nàng (vợ tôi) trỗi hơn hết thảy (c.29). Ông hàm ý rằng: trên đời có nhiều bà nội trợ rất tài đức nhưng vợ tôi là nhất, bà giỏi hơn tất cả những phụ nữ khác. Chính nhờ lời khen và sự ghi nhận công khó của chồng mà người nữ tài đức này đã làm được bao nhiêu công việc ích lợi cho chồng và cho gia đình (còn tiếp).

Minh Nguyên

Chương Trình Phát Thanh Tin Lành