Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 10 | Bài 12 >> | Hướng Dẫn

Bài 11

Những Lời Nói Giá Trị (tiếp theo)

Cảm tạ Chúa cho chúng tôi có cơ hội đem Lời Chúa đến với quý vị hằng tuần, qua Chương Trình Phát Thanh Tin Lành. Chúng tôi cũng chân thành cảm ơn lòng ưu ái quý vị dành cho chúng tôi. Điều mong ước lớn nhất của chúng tôi là quý vị được làm con của Chúa và sống theo Lời Chúa dạy để gia đình quý vị trở nên những gia đình êm ấm và hạnh phúc. Trong Câu Chuyện Gia Đình kỳ trước, chúng tôi có nói rằng, theo Tiến sĩ Gary Chapman, trong quyển sách tựa đề: Năm Ngôn Ngữ Của Tình Yêu, để tình cảm vợ chồng được ngọt ngào, chúng ta tránh nói những lời gây tổn thương hay hạ giá trị của nhau, nhưng cần nói những lời xây dựng để bày tỏ lòng yêu quý nhau và nâng cao giá trị của nhau. Những lời xây dựng gồm có lời khen, lời cảm ơn, lời khích lệ, lời ân hậu và lời khiêm nhường. Trong bài trước chúng tôi đã nói về lời khen nên hôm nay sẽ nói về lời cảm ơn và những lời xây dựng khác.

Có một bà vợ kia một hôm rủ bạn đi chợ. Đi chợ xong, bà mời bạn ghé về nhà chơi. Khi hai người về đến nhà, người chồng của bà chạy ra, chào hỏi bạn của vợ một cách vui vẻ và hăng hái giúp vợ đem những món đồ mới mua vào nhà. Bà bạn thấy vậy thầm nghĩ: Bạn mình có ông chồng tốt quá, vợ chưa nhờ đã chạy đến giúp. Rồi chị nói với bạn: Chồng chị lúc nào cũng hăng hái giúp vợ như vậy hay là tại bữa nay có khách? Người vợ trả lời: Không, nhà em được lắm, lúc nào cũng vui vẻ, sẵn sàng giúp em. Bao nhiêu việc nặng trong nhà là ảnh làm hết. Nhiều người nói em có phước mới có ông chồng như vậy. Bà bạn nghe vậy nói: Họ nói đúng đó, chồng tôi mà được như vậy thì tôi mừng biết chừng nào. Mà chị có bao giờ nói cho ảnh biết là chị có phước và cảm ơn ảnh không? Nghe bạn hỏi, người vợ cảm thấy xấu hổ vì thấy mình thật là thiếu sót. Có người chồng tốt, thương yêu, chăm sóc cho mọi sự mà chẳng bao giờ nói một lời cảm ơn hay bày tỏ lòng biết ơn. Tối hôm đó, khi bà bạn về rồi, người vợ đến ôm chồng và nói: Ai cũng nói em có phước được chồng thương, em cảm ơn anh lúc nào cũng thương em và chăm sóc em. Nhiều người trong chúng ta có người vợ hoặc người chồng rất tốt, rất đáng quý nhưng lắm khi vì quá thoải mái và quá quen với những điều quý đó mà chúng ta quen, không nghĩ đến công khó của nhau và không bao giờ nói hai tiếng cảm ơn.

2. Lời cảm ơn

Khi nghe phải nói lời cảm ơn với vợ chồng, có lẽ nhiều người không đồng ý vì cho là không cần thiết. Tuy nhiên, vợ hay chồng là người yêu thương chúng ta, cam kết cả cuộc đời để ở bên cạnh, chia xẻ ngọt bùi và chăm sóc chúng ta trong mọi sự mà chúng ta không thể nói lời cảm ơn sao? Nếu chúng ta biết ơn ông bà, cha mẹ thì cũng phải biết ơn người bạn đời, là người cũng yêu thương và hy sinh cho chúng ta rất nhiều. Nếu các ông có người vợ yêu thương, chăm lo cho mình mỗi ngày; khi khỏe mạnh cũng như lúc đau ốm, hết năm này qua năm khác, các ông cần bày tỏ lòng biết ơn qua lời nói. Khi các bà có người chồng yêu thương tận tụy chăm lo cho vợ con, chúng ta cũng đừng quên bày tỏ lòng biết ơn. Dù vợ hay chồng làm những việc thuộc trách nhiệm của mình, chúng ta vẫn nên nói lời cảm ơn. Lời cảm ơn khiến người phối ngẫu của ta quên hết mệt nhọc vì thấy công khó của mình được ghi nhận. Ví dụ ngày nào chồng cũng lo việc đưa đón con đi học, ngày nào vợ cũng lo nấu ăn, giặt giũ quần áo, chúng ta hãy ghi nhận công khó của vợ hay chồng và nói lời cảm ơn. Khi vợ hay chồng làm cho chúng ta một điều gì đặc biệt như nấu một món ăn mà mình thích hay mua về một vật dụng gia đình đang cần, chúng ta nhớ cảm ơn. Đối với Chúa chúng ta cần bày tỏ lòng biết ơn như thế nào thì đối với người chung quanh ta, ta cũng cần bày tỏ lòng biết ơn như thế.

3. Lời khích lệ

Trong gia đình chúng ta thường nghe lời phàn nàn nhưng ít nghe lời khích lệ. Là con người yếu đuối, tội lỗi, chúng ta đều có khuyết điểm và sai sót. Tuy nhiên người nào cũng có ưu điểm và những điều tốt, đáng khen. Trong đời sống vợ chồng, chúng ta cần bỏ qua khuyết điểm và lỗi lầm của nhau và chú ý vào ưu điểm để nói lời khích lệ nhau. Lời khích lệ không những khiến chúng ta muốn loại bỏ tính xấu nhưng cũng giúp ta hăng hái làm trọn trách nhiệm, cho ta thêm nghị lực để vượt qua những thách thức, khó khăn trong đời sống. Châm ngôn 16:24 dạy rằng: Lời lành giống như tàng ong, ngon ngọt cho tâm hồn và khỏe mạnh cho xương cốt. Nếu không quen nói lời khích lệ nhau cách trực tiếp, các bạn có thể nói qua giấy mực. Có một bà vợ kia có ông chồng có nhiều thói xấu mà bà không thích. Bà than phiền với một người bạn. Người bạn khuyên bà nên nghĩ đến những tính tốt của chồng và nói lời khích lệ ông. Nghe lời bạn, người vợ lấy một tấm thiệp nhỏ thật đẹp, viết ra những ưu điểm của chồng. Bà viết: Em cảm tạ Chúa ban cho em một người chồng thật là đáng quý: siêng năng, hiền lành, chung thủy, thương vợ thương con, biết lo cho gia đình. Bà để tấm thiệp trong giỏ đựng thức ăn trưa cho chồng đem đi làm. Chiều hôm đó, ông chồng về, sung sướng đem tấm thiệp gắn lên tấm gương trong phòng ngủ, ông ôm hôn vợ và cảm ơn vợ. Không những thế, từ đó người chồng tự nhiên sửa đổi những thói quen mà vợ không thích. Tấm thiệp của vợ đã đem lại khích lệ cho ông và ông muốn cố gắng hơn để xứng đáng với lời khen của vợ.

4. Lời ân hậu

Lời ân hậu và lời nhân từ là những lời khi nghe ta cảmt hấy mát ruột. Và khi nghĩ lại hay nhớ lại, ta cảm thấy sung sướng vì những lời đó mang lại cho ta niềm an ủi. Lời ân hậu sẽ đem lại hòa khí và niềm vui trong gia đình. Vợ chồng cần tránh nói với nhau những lời chê bai, chỉ trích, phàn nàn. Thánh Kinh dạy chúng ta phải nói lời ân hậu luôn luôn. Cô-lô-se 4:6 khuyên: Lời nói anh em phải có ân hậu theo luôn, và nêm thêm muối, hầu cho anh em biết nên đối đáp với mỗi người là thể nào. Phái nữ thường có tính phàn nàn nhiều hơn phái nam nên chúng ta cần cẩn thận, nói lời ân hậu chứ đừng cằn nhằn, phàn nàn khiến chồng phải khổ tâm. Lời cằn nhằn của vợ là điều các ông rất sợ. Sách Châm ngôn trong Thánh Kinh Cựu Ước ít nhất ba lần nói rằng thà ở một mình, thà ở nơi xó nóc nhà, hoặc ở nơi vắng vẻ hơn là ở chung nhà với một người đàn bà hay cằn nhằn. Người hay cằn nhằn làm khổ người chung quanh, làm khổ chính mình mà không giải quyết được vấn đề gì cả. Chúng ta cần tập nói với nhau những lời ân hậu, để những lúc vợ chồng phải vắng mặt hay xa nhau, nghĩ đến những lời ân hậu đó chúng ta được an ủi và thấy ngọt ngào, bình an trong lòng.

5. Lời khiêm nhường

Lời khiêm nhường là những lời nói nhẹ nhàng, không có tính cách ra lệnh hay đòi hỏi. Người khiêm nhường sẽ nói lời khiêm nhường. Khi có nhu cầu người khiêm nhường chỉ đề nghị hay nhắc nhở chứ không đòi hỏi. Khi chúng ta có việc cần người phối ngẫu giúp, dù đó là điều chính đáng và hợp lý, và dù là điều ta có quyền đòi hỏi, chúng ta cũng nên nói hay nhờ giúp một cách nhẹ nhàng, đừng ra lệnh hay đòi hỏi. Ví dụ, cuối tuần chồng muốn vợ nấu một món đặc biệt, người chồng nên nói: Cuối tuần này em có rảnh không? Em nấu phở cho cả nhà ăn được không? Anh thích phở em nấu hơn ở tiệm. Lời nói nhẹ nhàng đó khiến người vợ dù bận cũng sẽ muốn nấu phở để chiều chồng. Ngược lại, nếu người chồng nói: Lúc này em bận quá, chẳng nấu món gì đặc biệt cho gia đình, cuối tuần này nấu phở đi nhen. Lời ra lệnh đó sẽ khiến người vợ cảm thấy mệt mỏi vì thấy đó là một gánh nặng, một đòi hỏi mình phải chu toàn. Tương tự như thế, khi các bà cần chồng giúp những việc nặng trong nhà, cũng nên nói nhẹ nhàng. Ví dụ, nhà có ống nước bị hư, chúng ta có thể nói: Bữa nào có thì giờ anh sửa giùm em cái ống nước trong bếp nhen. Lời nói đó chồng nghe không bực bội nhưng sẵn sàng giúp hơn là nói: Cái vòi trước trong bếp hư cả mấy tháng nay rồi. Anh thay giùm đi chớ để nước chảy ngày đêm tốn hao quá. Đó là trách nhiệm của anh, trong nhà này đâu có ai làm được chuyện đó! Lời nói đó sẽ làm ông chồng bực mình, không muốn làm vì cảm thấy là vợ chê trách mình không làm trọn bổn phận. Và vì nghĩ như thế, tình cảm đối với vợ cũng bị ảnh hưởng.

Nhiều người tưởng rằng phải nói khích, nói cho người kia bị chạm tự ái hay bực bội tức giận thì mới chịu làm những việc chúng ta cần. Tuy nhiên, để giữ cho tình cảm giữa vợ chồng được tốt đẹp, chúng ta cần nói những lời quý trọng, yêu thương, và tránh nói những lời đòi hỏi, ra lệnh, khiến người bạn đời cảm thấy mình như là người giúp việc, là đầy tớ phải làm vui lòng chủ (còn tiếp).

Minh Nguyên

Chương Trình Phát Thanh Tin Lành