Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 11 | Hướng Dẫn

Bài 12

Nghệ Thuật Nghe

Mỗi khi có dịp trò chuyện với bạn bè hay người thân, quý vị thường nói hay lắng nghe? Người ta nói rằng trên đời này người nói rất nhiều mà người nghe thì hiếm. Có lẽ quý vị cũng thấy như vậy. Đi đến đâu chúng ta cũng gặp những người thích nói, nói rất nhiều về mình, chứ ít khi nào gặp người sẵn sàng lắng nghe người khác nói. Khi hai người bạn gặp nhau, thường là cả hai tranh nhau nói hoặc thay phiên nhau nói chứ ít ai yên lặng nghe và đặt câu hỏi cho người kia nói thêm. Chung quanh chúng ta rất nhiều người có điều muốn nói và cần nói, nhưng người sẵn sàng lắng nghe thì hầu như không có. Vì thế, những người có một tâm sự nào đó muốn chia xẻ cảm thấy thật cô đơn vì chẳng biết nói với ai, lắm khi với người bạn đời, là người thân yêu gần gũi nhất, cũng không thể nói được.

Có ông chồng kia rất là độc tài độc đoán với vợ. Ông ít nói mà cũng ít muốn nghe. Ông chỉ nói khi nào ông muốn và chỉ nói điều ông gì ông ưa thích mà thôi. Mỗi khi bà vợ có điều cần nói với ông, ông tỏ vẻ sốt ruột, không kiên nhẫn nghe và không muốn nghe. Thường thường ông chỉ nghe một câu rồi đứng lên đi nơi khác hoặc làm việc gì khác. Có khi ông yên lặng chờ cho vợ nói hết câu rồi tiếp tục công việc của mình mà không trả lời vợ, cũng không có một phản ứng gì. Bà vợ ông nói rằng mỗi khi nói chuyện với chồng, bà có cảm tưởng như là nói với bức tường hay với bức tượng vô tri giác. Vì lý do đó bà phải tìm đến những người khác trong gia đình để chia xẻ tâm tình, và giữa hai vợ chồng bà vì thế có một khoảng cách lớn.

Có lẽ quý vị còn nhớ hai nguyên tắc quan trọng Kinh Thánh dạy về đối thoại, đó là: (1) Mau nghe chậm nói. Và: (2) Nghe quan trọng hơn nói. Thật ra, nghe là một nghệ thuật, và người nghe nhiều hơn nói không những là người khôn ngoan nhưng cũng là người trưởng thành, biết quan tâm đến người khác. Bà Joyce Huggett là một tác giả Tin Lành tại Anh quốc. Quyển sách nổi tiếng nhất của bà tựa đề là: Listening To Others, tạm dịch là "Lắng Nghe Người Khác." Trong quyển sách này bà Huggett nói: "Trong cuộc đời, tất cả chúng ta đều sẽ có lúc phải kêu xin người khác cứu giúp. Lúc đó người chung quanh có thể giúp ta bằng nhiều cách nhưng cách hữu hiệu nhất và cần thiết nhất là lắng nghe những điều ta chia xẻ. Khi một người gặp hoàn cảnh khó khăn mà chúng ta quan tâm và chú ý lắng nghe tâm tình của người đó là chúng ta đã giúp người đó rất nhiều. Khi chú ý lắng nghe, không phải là chúng ta bị mất thì giờ mà là ta đang tặng cho người nói một điều vô cùng quý giá: Chúng ta tặng cho người đó chính đời sống mình, vì đời sống là do thì giờ kết hợp lại." Ông Paul Tournier, một bác sĩ và văn sĩ người Thụy sĩ đã nói: "Khi chúng ta chú ý lắng nghe một người nào mà sau khi nói chuyện với ta người đó sung sướng vì cảm biết đã có người hiểu mình, là chúng ta đã giúp cho người đó lòng tự tin, để người đó hăng hái sống và sẵn sàng đối diện với bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào trong đời." Một tác giả khác thì nói: "Bổn phận đầu tiên của tình yêu là lắng nghe. Nghĩa là, nếu chúng ta thật sự yêu, điều đầu tiên chúng ta cần làm là lắng nghe người ta yêu nói." Nếu bổn phận đầu tiên và quan trọng nhất của tình yêu là lắng nghe thì có lẽ nhiều người trong chúng ta chưa làm trọn bổn phận đó. Chúng ta yêu nhưng bảo phải sẵn sàng lắng nghe người yêu nói là điều nhiều người thấy khó làm và ít muốn làm, nhất là đối với người vợ người chồng hay những đứa con đã sống bên cạnh chúng ta nhiều năm.

Như đã nói, chung quanh chúng ta có rất nhiều người cần nói mà không có ai lắng nghe, ngay cả trong gia đình, nếu để ý quan sát, chúng ta cũng nhìn thấy điều đó. Bao nhiêu người đang cô đơn dù sống trong gia đình, bên cạnh người thân yêu, vì người trong gia đình không sẵn sàng lắng nghe và không thông cảm. Có thể người vợ hay người chồng của quý vị, sống bên cạnh quý vị bao nhiêu năm nay nhưng rất là cô đơn vì quý vị đã vô tình, không lắng nghe tâm tình của người đó. Để chúng ta trở nên những người đem lại niềm vui và an ủi cho người thân yêu, chúng tôi xin chia xẻ một vài quy luật về cách lắng nghe, mà bà Joyce Huggett đã nêu trong quyển sách của bà:

1. Nếu chúng ta thật sự yêu thương và quan tâm đến người nào, chúng ta sẽ sẵn sàng lắng nghe khi người đó có điều muốn nói. Nếu chúng ta nói yêu thương mà không muốn lắng nghe, không kiên nhẫn lắng nghe, tình yêu của chúng ta có thể là tình yêu ích kỷ hoặc là tình yêu không trưởng thành. Kinh Thánh dạy: Tình yêu hay kiên nhẫn, tình yêu hay nhân từ, tình yêu không vị kỷ (I Cô-rinh-tô 13:4,5). Người sẵn sàng lắng nghe là người kiên nhẫn, nhân từ và không ích kỷ.

2. Khi lắng nghe, chúng ta không phí phạm thì giờ nhưng là ta ban tặng cho người ta yêu chính đời sống mình, là điều quý nhất mà ta có thể ban tặng. Lắm khi có người tâm sự với chúng ta cả giờ đồng hồ, và nghe xong chúng ta cảm thấy tiếc thì giờ vì nghĩ rằng với thì giờ đó chúng ta làm được bao nhiêu việc khác. Tuy nhiên, nếu thật yêu thương và người đó thật cần được giúp, chúng ta đã không phí thì giờ. Những thì giờ ngồi trước ti-vi hay chơi bài bạc đó mới là phí phạm.

3. Người thật sự lắng nghe sẽ dành sự chú ý trọn vẹn cho người đang nói, không vừa nghe vừa làm việc khác để khỏi mất thì giờ của mình. Khi chúng ta vừa nghe vừa làm một việc gì khác, hàm ý rằng người nói với ta không quan trọng, điều người đó chia xẻ không quan trọng và ta không thật sự muốn nghe.

4. Đối thoại không lời bao giờ cũng quan trọng, vì thế khi nghe, chúng ta không những chú ý đến lời nói, câu nói nhưng cũng chú ý đến giọng nói, cách nói và cử chỉ hay giáng điệu của người nói. Có như thế chúng ta mới thật sự hiểu những gì người kia muốn chia xẻ. Tiếng cười, tiếng khóc và những giọt nước mắt của người nói cũng là điều ta cần đặc biệt quan tâm.

5. Khi lắng nghe, chúng ta cần kềm chế chính mình để đừng ngắt lời, đừng góp lời khuyên cũng đừng đưa ra lời giải đáp hay giải pháp ngay để giúp người kia giải quyết nan đề. Phản ứng thông thường của nhiều người là khi nghe nan đề của người khác thì đưa ra lời khuyên hay lời giải đáp ngay để giúp người đó. Thật ra, khi một người chia xẻ nan đề với chúng ta là người đó cần có người nghe và thông cảm chứ chưa hẳn là cần lời giải đáp. Chúng ta chỉ góp ý khi nào người nói hỏi ý kiến của chúng ta. Những câu chúng ta cần tránh như: Ồ chuyện đó đâu có gì, đừng buồn nữa! Hoặc: Ồ cái đó dễ quá mà, giao cho tôi là tôi giải quyết xong ngay! Người nói như thế chưa phải là người biết lắng nghe.

Một trường hợp tiêu biểu mà chúng ta thường thấy là khi các bà vợ than với chồng rằng mình bị mất ngủ thì các ông có lời giải đáp ngay. Các ông thường nói: Chắc là vì bà uống trà chớ gì? Hay là làm việc nhiều quá? Hoặc nói: Chắc bà lo nghĩ chuyện gì phải không? Lo nghĩ chi cho mệt, cứ như tôi, không lo gì hết là khỏi bị mất ngủ! Các ông nói như thế và nghĩ là mình đã an ủi vợ hay giúp vợ giải quyết nan đề. Thật ra, vấn đề chưa được giải quyết vì người vợ chưa có cơ hội nói ra, và vì chồng không quan tâm, không sẵn sàng nghe nên người vợ cảm thấy thật cô đơn. Thật ra các bà biết tại sao mình không ngủ được, nhưng nói ra vì muốn chia xẻ với chồng điều ưu tư trong lòng và mong được chồng thông cảm. Khi vợ hay chồng than mất ngủ là dấu hiệu để chúng ta quan tâm, thăm hỏi và sẵn sàng lắng nghe.

6. Khi lắng nghe, đừng sợ những giây phút yên lặng. Khi người đang chia xẻ tâm tình với chúng ta bỗng im lặng, không nói nữa, chúng ta đừng ngại trước khoảnh khắc yên lặng đó và cũng đừng cố gắng tìm câu nói để phá tan sự im lặng, trái lại chúng ta cần kiên nhẫn tôn trọng sự im lặng đó. Thái độ của chúng ta sẽ khích lệ người kia nói thêm hoặc khiến người đó e ngại, không muốn nói thêm nữa. Trong trường hợp đó chúng ta cần tế nhị và kiên nhẫn chờ đợi.

Khi chúng ta chú ý lắng nghe, người nói sẽ sung sướng vì thấy mình có giá trị, được yêu thương và chấp nhận, Người đó cũng không cảm thấy cô đơn nữa vì có người chia xẻ và thông cảm với những khắc khoải, lo lắng, với niềm vui, nỗi buồn của chính mình. Có người đã nói, Nỗi buồn có người chia xẻ sẽ vơi đi một nửa, niềm vui có người chia xẻ sẽ gia tăng gấp đôi.

Minh Nguyên

Chương Trình Phát Thanh Tin Lành