Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 7 | Bài 9 >> | Hướng Dẫn

Bài 8

Những lý do khiến chúng ta không sẵn sàng lắng nghe

Kính chào quý thính giả, trong Câu Chuyện Gia Đình mấy tuần qua chúng tôi nói về đề tài Đối Thoại trong Hôn Nhân. Đây là vấn đề quan trọng trong đời sống vợ chồng nên chúng tôi sẽ trình bày thêm một vài khía cạnh khác trong đề tài này. Có lẽ quý vị còn nhớ có lần chúng tôi chia xẻ rằng có người đã nói: Giòng máu cần cho sự sống như thế nào thì đối thoại cũng cần cho hạnh phúc trong hôn nhân thế ấy. Nói một cách khác, nếu vợ chồng giữ cho đối thoại được tốt đẹp, hôn nhân sẽ vững bền; trái lại, khi đối thoại bế tắc, hôn nhân sẽ có nan đề. Vào cuối tháng Mười Hai năm 2000, ông bà Alan Whitehead tại Úc làm lễ kỷ niệm ngày cưới lần thứ 70. Những người tham dự hôn nhật đặc biệt này đều thấy rằng đôi vợ chồng cao tuổi vẫn yêu nhau như ngày còn trẻ. Trong buổi tiệc mừng, ông bà cụ nắm tay nhau và hôn nhau như trong ngày cưới, năm 1930. Ông cụ được 94 tuổi và bà cụ 96. Hai người có bốn người con, 18 cháu nội ngoại, 13 chắt và 4 chít. Thật là một gia đình phước hạnh. Bà cụ còn minh mẫn nhưng không nói được vì một chứng bệnh trong não và phải ở trong viện dưỡng lão. Ông cụ mỗi ngày đi xe gắn máy vào viện dưỡng lão thăm vợ. Khi nhà báo hỏi ông cụ bí quyết làm thế nào để có một hôn nhân bền lâu và hạnh phúc như thế, ông trả lời: Bí quyết của chúng tôi là đối thoại và lòng kiên trì. Chúng tôi cũng gặp thách thức, khó khăn trong cuộc sống như mọi người khác nhưng chúng tôi luôn luôn đối thoại để hiểu nhau và quyết tâm giúp nhau vượt qua mọi thách thức. Các đôi vợ chồng trẻ ngày nay thường thiếu đối thoại với nhau và khi gặp khó khăn thì sẵn sàng bỏ cuộc.

Có lẽ quý vị còn nhớ nguyên tắc căn bản Kinh Thánh dạy về đối thoại là mau nghe và chậm nói. Chúng ta cần sẵn sàng lắng nghe, nghe nhiều hơn nói và chỉ nói khi cần. Nếu người nào cũng thực hành nguyên tắc này,ï đối thoại với người chung quanh sẽ tốt đẹp biết bao. Tiếc là trong thực tế chúng ta thường làm ngược lại lời Kinh Thánh dạy, chúng ta nói nhiều mà nghe ít hoặc không muốn nghe. Vì thế đối thoại của chúng ta gặp nhiều nan đề. Để chữa bệnh chúng ta phải chẩn bệnh, và để chữa bệnh nói nhiều nghe ít, chúng ta cần tìm hiểu lý do hay nguyên nhân. Có ít nhất tám lý do khiến chúng ta không sẵn sàng lắng nghe khi người khác có điều muốn nói, nhất là nếu đó là vợ hay chồng, là người quá quen và quá gần với chúng ta.

1. Bận tâm suy nghĩ tìm câu trả lời

Thường thường khi một người nói, chúng ta không chú ý nghe vì đang bận tâm suy nghĩ tìm câu trả lời. Câu trả lời đó có thể là để giải thích, trả lời, bào chữa, sửa sai hay thêm vào những gì ta cho là thiếu sót. Đây là lỗi nhiều người mắc phải: Khi một người chia xẻ với chúng ta một kinh nghiệm gì, chúng ta thường không chăm chú nghe nhưng nghĩ đến một kinh nghiệm tương tự của chính mình và chờ người kia dứt lời để chúng ta nói lên kinh nghiệm đó.

2. Võ đoán

Lý do thứ hai khiến chúng ta không chú ý nghe người khác nói là vì tính võ đoán. Võ đoán là hiểu điều người kia nói một cách chủ quan, theo ý riêng chứ không có một căn cứ nào. Người có tính hay võ đoán khi một người mới bắt đầu nói thường nghĩ là mình biết người đó muốn nói gì rồi, vì thế không chú ý nghe nữa. Đây là điều thường xảy ra giữa vợ chồng. Vì sống bên nhau mỗi ngày, nghe nhau nói đã nhiều, nên vợ chồng hay võ đoán những gì người kia muốn nói. Câu mà vợ chồng thường nói nói với nhau là: Biết rồi, khổ lắm, nói mãi. Lắm khi người này chưa nói hết câu người kia đã cho là người đó chê trách, lên án hay than phiền mình. Người hay võ đoán không những không chú ý nghe mà còn hay phản ứng vội vàng, vì thế dễ đưa đến hiểu lầm và phiền giận.

3. Định kiến

Định kiến là những ý nghĩ đã có sẵn trong trí, không thay đổi được. Nếu chúng ta có định kiến điều gì về vợ hay chồng mình, khi người đó nói chúng ta cũng khó có thể nghe một cách khách quan. Ví dụ, nếu chồng là người có tính hay bắt bẻ và nhìn thấy lỗi của người khác, mỗi khi người chồng đó nói điều gì, người vợ sẽ dễ in trí rằng chồng muốn bắt bẻ hay đổ lỗi cho mình. Tương tự như thế, nếu bà vợ là người có tính bi quan và hay lo, khi bà nói lên suy nghĩ của mình về vấn đề gì, người chồng dễ có định kiến là vợ mình bi quan, hay lo những chuyện không thực tế, và vì thế sẽ không chú ý lắng nghe. Có bà vợ kia thường hay than mệt và đau nhức trong người. Ông chồng nghe vợ than hoài nên không để tâm đến nữa. Một ngày kia, bà vợ nói sao bà thấy khó thở quá. Vì định kiến, người chồng nghĩ vợ mình lại kiếm chuyện để than nữa đây nên không chú ý nghe mà cũng chẳng quan tâm. Không ngờ lần đó bà vợ bị lên cơn đau tim và phải đưa vào bệnh viện cứu cấp. Ngoài ra, nếu chúng ta suy nghĩ quá cao hay quá thấp về người bạn đời, quá tin tưởng hay thiếu tin cậy người phối ngẫu, những định kiến đó cũng khiến chúng ta không thể lắng nghe một cách vô tư và khách quan.

4. Vì những cảm xúc trong lòng

Khi trong lòng đang có những cảm xúc vui buồn chúng ta cũng khó chú ý nghe người khác nói. Chẳng hạn như nếu đang buồn giận hay bực tức người phối ngẫu, chúng ta không thể chú ý nghe những lời người đó nói một cách vô tư. Những tình cảm yêu ghét quá mạnh cũng có thể khiến ta không lắng nghe một cách sáng suốt và khách quan, tức là nghe và hiểu đúng điều người kia muốn nói. Có người khi đã quá thương, người kia nói gì cũng thấy đúng và sẵn sàng đồng ý, dù nói điều không thật cũng tin là thật. Ngược lại, khi ghét một người nào, người đó nói gì hay nói như thế nào ta cũng thấy ghét và không muốn nghe. Khi đang lo lắng, buồn khổ hay ân hận về một điều gì, chúng ta cũng không thể chú ý lắng nghe.

5. Vì tính hay ngắt lời

Đây là lý do chính khiến nhiều người không bao giờ kiên nhẫn nghe người khác nói. Quý vị có bao giờ gặp người như thế không? Người hay ngắt lời thường cũng là người nói nhiều. Khi nói chuyện với những người này chúng ta chỉ nói được một câu là người đó giành phần chủ động, ngắt lời chúng ta và chuyển đề tài hoặc nói về chuyện của mình. Người hay ngắt lời thường là người thiếu kiên nhẫn, không tế nhị, hay sốt ruột khi phải nghe người khác nói. Những người nói chậm hay không diễn đạt tư tưởng bằng lời nói cách rõ ràng thường bị những người nóng nảy ngắt lời hay nói giùm điều mình muốn nói. Đây là điều cũng thường xảy ra giữa vợ chồng. Nếu trong hai vợ chồng một người chậm chạp còn người kia nhanh và thiếu kiên nhẫn, đối thoại giữa hai người sẽ có nan đề. Khi chúng ta không chú ý nghe nhưng ngắt lời hoặc tỏ vẻ sốt ruột, người kia sẽ mất hứng hoặc ngại, không muốn nói lên điều mình suy nghĩ. Nếu thấy mình có tính hay sốt ruột khi phải chú ý nghe người khác và muốn xen vào giữa câu nói của người khác, chúng ta cần xin Chúa giúp mình cầm giữ môi miệng và kiên nhẫn lắng nghe, nếu không, đối thoại giữa chúng ta và người phối ngẫu sẽ gặp nhiều trở ngại.

6. Vì tâm trí đang có nhiều lo lắng

Khi tâm trí có nhiều điều bận tâm, lo lắng, chúng ta cũng không thể chú ý nghe tâm tình của người khác. Khi tâm trí đã chứa đầy những điều khác, chúng ta không thể tiếp thu thêm được nữa. Đây là trường hợp chúng ta gọi là lo ra. Một người đang lo ra hay đang ưu tư về một điều gì, sẽ không thể chú tâm nghe những gì người khác chia xẻ với mình.

7. Quá bận rộn, không có thì giờ

Một lý do khác khiến vợ chồng không chú ý lắng nghe tâm tình của nhau là vì quá bận rộn với những công việc và trách nhiệm trong đời sống hằng ngày, không có thì giờ yên tịnh bên nhau để chú ý lắng nghe tâm tình của nhau. Quá bận rộn đến nỗi không có thì giờ trò chuyện với nhau là nguy cơ rất lớn đối với hạnh phúc gia đình ngày nay. Khi không có thì giờ nói ra những điều cần nói, vợ chồng sẽ không hiểu và không thông cảm, dần dần sẽ trở thành ngăn cách.

8. Mệt mỏi

Sự mệt mỏi trong thể xác hay tinh thần cũng có thể là nguyên nhân khiến chúng ta không thể chú ý nghe khi người thân có điều muốn nói. Khi chúng ta nghe một cách uể oải, chiếu lệ hay lơ là, người kia sẽ không muốn nói nữa. Nếu người đó vì cần nói hoặc không thấy là chúng ta đang mệt nên vẫn tiếp tục nói, chúng ta cũng không thể nghe đến nơi đến chốn để thật sự hiểu và thông cảm.

Nhìn lại những lý do khiến ta không thể mau nghe và chậm nói, như lời Chúa dạy, và do đó đối thoại giữa vợ chồng không được tốt đẹp, chúng ta thấy điều cần làm hơn hết là vợ chồng phải quyết tâm dành thì giờ trò chuyện với nhau. Chúng ta cũng cần chọn đúng lúc và đúng chỗ để chia xẻ tâm tình với nhau thì đối thoại giữa vợ chồng mới đem lại những kết quả như ta mong muốn. Trong cuộc sống bận rộn ngày nay, điều chúng ta cần làm là loại bỏ bớt những việc không thật sự quan trọng và cần thiết để vợ chồng có thì giờ cho nhau. Ngoài ra, chúng ta cũng cần thực hành hai nguyên tắc quan trọng khác mà Kinh Thánh dạy, đó là tôn trọng nhau và kính sợ Chúa mà vâng phục nhau.

Minh Nguyên

Chương Trình Phát Thanh Tin Lành