Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 8 | Bài 10 >> | Hướng Dẫn

Bài 9

Khác Biệt Giữa Nam Và Nữ Trong Vấn Đề Đối Thoại

Có hai vợ chồng kia rất cân xứng với nhau về tính tình, tuổi tác và học vấn. Tuy nhiên có một điều khiến hai vợ chồng dễ phiền giận nhau, đó là cách nói và cách hiểu của hai người. Người vợ thì đơn sơ, chồng nói gì thì hiểu y như vậy chứ không bén nhạy để có thể hiểu thêm những ẩn ý hay gợi ý của chồng, vì thế người chồng nhiều khi phiền vì vợ không đoán được ý mình. Người chồng thì ngược lại, rất là bén nhạy và tinh ý. Mỗi khi vợ nói điều gì anh thường hiểu xa hơn và vì thế đoán được ý vợ muốn nói. Có khi anh đoán đúng nhưng cũng nhiều lúc đoán sai nên vợ anh không thích cho lắm. Nhiều khi, trước cùng một nan đề mà hai vợ chồng có hai cái nhìn khác nhau, hoặc hai suy nghĩ khác nhau vì thế đưa đến những phản ứng và ý kiến trái ngược nhau và vì thế mà đối thoại giữa hai người có nan đề.

Để đối thoại giữa vợ chồng được tốt đẹp, chúng ta không những cần ý thức tầm quan trọng của lời nói, cách nói và cách lắng nghe, nhưng cũng cần biết mình và người bạn đời có những khác biệt gì trong cách suy nghĩ và biểu lộ điều mình suy nghĩ. Nguyên tắc Kinh Thánh dạy về cách cư xử với người chung quanh là, chúng ta phải yêu nhau thật lòng, phải hiệp một và hòa thuận với nhau; vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc, phải tôn trọng nhau, chiều nhau và tiếp nhận nhau như Chúa đã tiếp nhận chúng ta. Để có thể thực hành Lời Chúa dạy và sống với nhau trong yêu thương, hiệp một, chúng ta cần biết mình và người bạn đời có những khác biệt gì trong cách nói năng cũng như cách biểu lộ tư tưởng và cảm xúc. Chúa ban cho chúng ta mỗi người một tính khác nhau. Có người tính cởi mở, lúc nào cũng nói cười vui vẻ, có chuyện vui buồn người chung quanh biết ngay; nhưng có người thì kín đáo hơn, việc gì cũng suy nghĩ kỹ càng, chờ đúng lúc hay có ai hỏi đến mới nói. Người có tính bộc trực và nói nhiều thì lại mau quên, người hay nổi giận thì thường không giận lâu. Người ít nói thì nhớ dai, ít giận thì thường giận lâu. Có người khi có chuyện gì không thể giữ trong lòng nhưng phải nói ra, lắm khi chưa ai hỏi đã tuôn ra hết. Ngược lại, có người chuyện gì cũng che giấu, không muốn cho ai biết, nếu có ai hỏi đến cũng úp mở chứ không nói hết. Sự khác biệt trong cá tính mỗi người là điều chúng ta cần quan sát và ghi nhận, để hiểu người bạn đời và tế nhị trong cách đối thoại để không hiểu lầm hay phiền giận nhau.

Là người có gia đình, có lẽ quý vị đã thấy rằng nam và nữ có nhiều điều khác nhau. Những khác biệt này nằm trong chương trình của Đức Chúa Trời, là Đấng Tạo Hóa. Chúa tạo dựng người nam và người nữ khác nhau, để trong hôn nhân vợ chồng bổ khuyết cho nhau và giúp nhau trở nên trọn vẹn. Điều đáng tiếc là vì không biết rõ nhau và không hiểu mục đích của Chúa, vợ chồng thường để những khác biệt đó gây khó khăn và xung đột thay vì mang lại sự đầy đủ và trọn vẹn cho cả hai. Ngoài sự khác biệt về thể xác và những cá tính căn bản, các nhà tâm lý học cho biết, nam và nữ còn khác nhau trong nhiều vấn đề, đặc biệt là trong cách suy nghĩ và diễn đạt những điều mình suy nghĩ. Dĩ nhiên bao giờ cũng có những trường hợp ngoại lệ, nhưng đây là những nhận xét chung. Chúng ta cần biết những khác biệt này để hiểu và thông cảm với người phối ngẫu hơn.

Theo sự nghiên cứu và quan sát của một số các nhà tâm lý học, trong cách đối thoại phái nam và phái nữ có những khác biệt như sau:

1. Phái nữ thường sống nhiều về tình cảm và cảm xúc, phái nam sống theo lý trí nhiều hơn. Vì thế các bà dễ buồn dễ khóc, còn các ông có vẻ như khô khan, không tình cảm.

2. Khi nói, các bà thường dùng ngôn từ để diễn đạt cảm xúc, còn các ông dùng ngôn từ để diễn đạt tư tưởng và chia xẻ thông tin.

3. Khi nghe, các bà không chỉ nghe lời nói và cách nói nhưng cũng để ý đến những yếu tố liên quan đến cảm xúc. Các ông chỉ nghe để tiếp thu tin tức hay dữ kiện chứ không để ý đến cảm xúc.

4. Các bà thường tự ái và dễ động lòng hơn các ông, ai nói gì các bà cũng nghĩ là nói mình, đụng chạm đến mình. Các ông ít tự ái hơn nên không nghĩ là người ta nói mình, vì thế lời nói của người khác ít đụng đến các ông. Một bằng chứng rõ ràng về điều này là khi nghe một bài giảng Kinh Thánh, các bà thường dễ cảm động và muốn làm theo Lời Chúa để sửa đổi những sai trật trong đời sống hơn là các ông.

5. Các bà thường để ý đến tiểu tiết và những gì cụ thể, các ông chỉ chú ý đến nguyên tắc chung và những điều có tính cách trừu tượng như tư tưởng, triết thuyết, v.v...

6. Tâm trí các ông giống như cái tủ đựng hồ sơ, khi gặp nan đề các ông đem cất vào đó, chờ khi thuận tiện hay có thì giờ mới đem ra giải quyết. Tâm trí các bà thì ngược lại, giống như cái computer, khi có vấn đề gì, tâm trí các bà làm việc không ngừng cho đến khi nào nan đề được giải quyết mới thôi. Đây là lý do các bà khi có chuyện lo nghĩ hay bị mất ngủ; trong khi đó các ông, dù nan đề lớn bao nhiêu vẫn có thể ngủ dễ dàng.

7. Khi có chuyện không hay xảy ra, các bà thường cảm thấy khó chịu ân hận, nghĩ đó là lỗi của mình, các ông thì phản ứng trước những chuyện không hay bằng sự bực bội và tức giận.

8. Các ông thường giữ vững lập trường, khi đã nói ra, không muốn thay đổi, các bà thì hay thay đổi.

9. Các ông thường hay quên những gì đã nói hay đã nghe, các bà thì nhớ lâu.

10. Các bà thường can dự vào việc của người khác, như trong hàng xóm, cộng đồng, nhà thờ, trường học. Các ông thích đứng ngoài quan sát, bàn bạc và thẩm định vấn đề.

11. Các bà nói nhiều vì muốn bày tỏ điều mình suy nghĩ bằng lời nói. Các ông ít nói vì không có nhu cầu biểu lộ ra những gì mình đang suy nghĩ.

12. Các bà không che giấu cảm tình hay cảm xúc nhưng biểu lộ ra cách dễ dàng; các ông thường che giấu, không để lộ cảm tình hay cảm xúc, ngoại trừ khi giận dữ hay bực bội.

13. Các bà thường vừa suy nghĩ vừa nói ra những gì mình nghĩ. Các ông thì suy nghĩ và nói thầm trong trí . Vì thế khi đã nêu ý kiến, các bà tiếp tục đổi ý; các ông khi nêu ý kiến, đó là điều các ông đã quyết định vì thế không muốn thay đổi nữa.

14. Các bà thường mềm mại, khi có lỗi sẵn sàng nhận lỗi và sửa đổi. Các ông thường bực tức khi biết mình làm có lỗi và ít muốn nhận lỗi.

15. Các bà hay nói lòng vòng, các ông đi thẳng vào vấn đề. Các bà nói dài dòng, các ông nói vắn tắt.

16. Phái nữ có tài ăn nói hơn phái nam, các bà thường nói giỏi và nói hay hơn các ông.

17. Các bà có thể làm hai ba việc cùng một lúc. Ví dụ vừa nói điện thoại, vừa trông con, nấu ăn, rửa chén. Hầu hết các ông chỉ có thể chú ý vào một việc, không thể làm hai ba việc một lúc. Vì thế, khi chồng đang bận làm công việc gì, các bà không nên đem chuyện quan trọng ra nói.

18. Các ông thích họp lại để nói lên những thành tích của mình hoặc để hoàn thành một công tác nào đó. Các bà thì thích ngồi lại chia xẻ tâm tình để xây dựng tình thân thương, tạo mối quan hệ tốt đẹp với người chung quanh.

19. Các bà nghĩ rằng nói đi nói lại nhiều lần chồng sẽ nghe rõ và không quên, trong khi đó các ông rất khó chịu khi vợ nói nhiều lần, và cho là vợ có tính hay càu nhàu.

20. Các bà cần nói và mong được chồng lắng nghe, các ông hầu hết không cần nói mà cũng không thích nghe.

Chúng tôi vừa nêu một số khác biệt tổng quát nhưng rất là căn bản, giữa nam và nữ trong cách nói năng, cách biểu lộ tư tưởng và cảm xúc. Chúng tôi ước mong quý vị đã nhìn thấy những khác biệt giữa mình và người bạn đời, và cũng hiểu được tại sao người đó có cách nói hay cách biểu lộ cảm xúc mà mình không hiểu. Không những ý thức khác biệt, chúng ta cũng cần chấp nhận những khác biệt đó và thay đổi cách đối thoại của chính mình, để mối tương quan giữa vợ chồng được tốt đẹp hơn. Không gì đau khổ hơn là một người có gia đình mà vẫn cô đơn vì người phối ngẫu không hiểu và không thông cảm với mình. Lời Chúa dạy chúng ta: Phải hết sức khiêm nhường, nhu mì và kiên nhẫn, lấy tình yêu thương chịu đựng lẫn nhau (Ê-phê-sô 4:2). Chúng ta cũng phải tiếp nhận nhau như Chúa Cứu Thế đã tiếp nhận chúng ta, để Đức Chúa Trời được vinh quang (Rô-ma 15:7). Cầu xin Chúa Thánh Linh giúp chúng ta có đủ sức làm theo Lời Chúa dạy.

Minh Nguyên

Chương Trình Phát Thanh Tin Lành