Trang Đầu | Mục Lục | Bài 2 >> | Hướng Dẫn

Bài 1

Mẹ Chồng & Nàng Dâu

Hôm nay chúng tôi xin trình bày một vấn đề có ảnh hưởng sâu đậm đối với hạnh phúc trong gia đình chúng ta. Đó là mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu. Không phải chỉ riêng trong văn hóa Á đông mới có vấn đề mẹ chồng nàng dâu mà hầu như văn hóa nào, dân tộc nào và trong thời buổi nào, thế hệ nào, quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu cũng là một đề tài được nói đến rất nhiều trong sách vở và là vấn đề đem lại đau khổ và nước mắt cho nhiều gia đình.

Nếu để ý, chúng ta thấy rằng trong các mối quan hệ giữa người với người, ngoại trừ quan hệ vợ chồng, quan hệ mẹ chồng với nàng dâu là điều được sách vở nói đến rất nhiều và thường được mô tả như là một quan hệ không mấy tốt đẹp, đến nỗi khi nghe đến chữ mẹ chồng nàng dâu là chúng ta có thể nghĩ ngay đến bao nhiêu nan đề chung quanh hai nhân vật đó. Vì sao vậy? Vì mẹ chồng và nàng dâu là hai người đàn bà xa lạ, không quan hệ máu mủ, không ràng buộc bà con, nhưng hai người có một vai trò, một vị trí đặc biệt trong gia đình. Cả hai đều có mối quan hệ đậm đà mật thiết với cùng một người đàn ông: một bên là quan hệ mẹ con, một bên là quan hệ vợ chồng, và đó là lý do khiến mối quan hệ giữa hai người đàn bà đó thường dễ căng thẳng và có nhiều xung đột.

Một bà mẹ chồng kia tâm sự với bạn: "Tôi có hai cô con dâu, tôi và hai cô rất là thương yêu, gần gũi, chẳng khác gì mẹ với con gái. Tôi không hiểu tại sao người ta hay có thành kiến về quan hệ mẹ chồng nàng dâu và cứ hay viết truyện cười hay tranh hí họa chế giễu mẹ chồng với nàng dâu." Người bạn của bà mẹ này là một người chuyên về tâm lý nên nói: "Gia đình chị như thế là may mắn và đặc biệt lắm, vì thường thường rất nhiều người có nan đề với cha mẹ chồng và cha mẹ vợ, nhất là nan đề giữa mẹ chồng và con dâu. Thường thường là vì các bà mẹ thấy khó chấp nhận người đàn bà mà con trai mình đã chọn làm vợ. Người nào con chọn hầu như cũng không đúng với tiêu chuẩn của bà và không xứng với con bà. Nhiều khi người con dâu đó do chính bà mẹ chọn nhưng sau một thời gian cũng có nhiều điều bà không chấp nhận."

Nếu quý vị đã có gia đình, quý vị có mối quan hệ tốt đẹp với người đàn bà đã sinh ra chồng mình hay vợ mình không? Riêng với quý bà, quý cô, quý vị có cảm thấy gần gũi thân thương với mẹ chồng, được mẹ chồng yêu thương và thông cảm hay lúc nào giữa hai người cũng có một sự căng thẳng nào đó không giải thích được? Nếu đó là thực tế quý vị đang đối diện, quý vị không phải là người duy nhất ở trong tình trạng này. Tình trạng đó xảy ra cũng không phải là lỗi của quý vị hay lỗi của người mẹ chồng nhưng nguyên do là vì có những yếu tố tâm lý phức tạp trong mối quan hệ giữa mẹ chồng và người con dâu. Nếu đôi bên hiểu được những tâm lý phức tạp này và thông cảm, chấp nhận nhau, quan hệ giữa hai người sẽ trở nên tốt đẹp. Nhà tâm lý học Tin Lành nổi tiếng, tiến sĩ Norman Wright có viết quyển sách tựa đề: "The Other Woman in Your Marriage," tạm dịch là "Người Đàn Bà Thứ Hai trong Hôn Nhân của Bạn." Trong quyển sách này ông trình bày những đặc điểm trong quan hệ giữa mẹ và con trai, tâm lý của các bà mẹ chồng và những điều chúng ta cần làm, để mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu được tốt đẹp.

Mẹ là người có ảnh hưởng rất lớn trên đời sống con cái. Không chỉ những đứa bé con hay những người con gái mềm yếu mới có mối quan hệ đậm đà với mẹ nhưng những người con trai cứng rắn, những người đàn ông mạnh mẽ, đã trưởng thành, đã có gia đình, có địa vị trong xã hội, vẫn cảm thấy gần với mẹ và chịu ảnh hưởng của mẹ rất nhiều. Người ta quan sát và nhận thấy rằng trong những giờ phút vui nhất, buồn nhất, sợ hãi nhất, sung sướng nhất, người mà các ông, các anh nghĩ đến trước nhất là mẹ chứ không phải là cha. Một người dù ở tuổi nào, dù xa gia đình bao lâu, sâu kín trong tâm hồn vẫn nối liền với mẹ trên một phương diện nào đó. Sở dĩ mối quan hệ mẹ con bền chặt và đậm đà như thế là vì mẹ là người đầu tiên yêu thương, vỗ về ôm ấp chúng ta khi chúng ta sinh ra đời. Mẹ cũng là người giữ vai trò chính yếu trong việc nuôi dưỡng và chăm sóc chúng ta. Người mẹ có ảnh hưởng lớn lao trên con cái nhưng đặc biệt là ảnh hưởng trên con trai. Ảnh hưởng đó có thể là tích cực hoặc tiêu cực, tốt hoặc không tốt nhưng nó luôn luôn chi phối những quyết định quan trọng, những công việc đứa con làm và chi phối luôn cả mối quan hệ của con đối với người chung quanh.

Nhìn lại đời sống của chính mình và người chung quanh, chúng ta sẽ thấy ảnh hưởng của người mẹ trên con cái, đặc biệt là đối với con trai. Một ví dụ cụ thể về ảnh hưởng của người mẹ trên đời sống con trai là trường hợp Thủ tướng Winston Churchill của nước Anh. Chúng ta thường nghĩ đến ông Churchill là một lãnh tụ lớn, đã làm thay đổi lịch sử thế giới nhưng ít ai biết rằng ông là người chịu ảnh hưởng của mẹ rất nhiều. Khi còn nhỏ, ông Churchill là đứa bé thông minh nhưng nghịch ngợm khó thương. Ông bị cha ruồng bỏ không chấp nhận vì ông hư hỏng, khó dạy. Tuy nhiên bà mẹ của Churchill không nản lòng, bà quyết tâm hướng dẫn và thúc đẩy con. Chính bà là người hướng dẫn ông vào con đường chính trị, giới thiệu ông với các chính trị gia trong nước. Khi ông đã trở thành một nhà chính trị, bà tiếp tục gởi sách cho con đọc, bàn thảo về chính trị với con. Trong suốt bao nhiêu năm, bà mẹ của thủ tướng Churchill đã ảnh hưởng trên các quyết định quan trọng của ông và chính bà là người giúp ông viết những tài liệu mà chúng ta có ngày nay. Có thể nói, bà mẹ của ông Churchill đã làm việc bên cạnh ông trong thời gian ông bắt đầu sự nghiệp và bà đã ảnh hưởng cả cuộc đời ông. Bà không những khích lệ ông, giúp ông bền bỉ chịu đựng khó khăn nhưng cũng đã thúc đẩy ông rất nhiều. Thủ tướng Churchill biết rõ ảnh hưởng của mẹ trên sự nghiệp của ông nên có lần ông tuyên bố: "Tôi được như ngày hôm nay là nhờ mẹ tôi, tôi mang ơn mẹ tôi về mọi điều nhưng không mang ơn cha tôi một điều nào cả!"

Bao nhiêu anh hùng, vĩ nhân khác trên thế giới đã chịu ảnh hưởng của mẹ, mang ơn mẹ hoặc là ở dưới sự kiểm soát của mẹ suốt cả cuộc đời mà chúng ta không thể kể hết được. Điều đó cho thấy sự ràng buộc chặt chẽ đậm đà giữa người mẹ và con trai. Mối quan hệ mẹ con bền chặt đó có khi đem lại những điều tốt đẹp nhưng cũng lắm khi mang lại đau đớn và bất hạnh cho đứa con và những người liên hệ.

Khuynh hướng chung của các bà mẹ là thương con trai và muốn chăm sóc con về mọi mặt, dù khi con đã trưởng thành hay đã cao tuổi. Sự chăm sóc kỹ lưỡng của người mẹ ích lợi như thế nào chúng ta không biết nhưng khuynh hướng này thấy rõ nơi hầu hết các bà mẹ. Các nhà tâm lý học cho biết, người con trai học biết những cảm xúc vui buồn giận ghét từ nơi mẹ. Ngay từ nhỏ, người con trai đã cảm nhận sự khác biệt trong tình cảm giữa cha với mẹ, chẳng hạn nghĩ đến cha là nghĩ đến chuyện học hành, tiền bạc; nói đến mẹ là nói đến các món ăn, đến chuyện ăn uống; ở gần cha thì lo lắng, căng thẳng, ở bên mẹ thì được thoải mái và an toàn. Tình thương của cha thưòng là tình thương có điều kiện, tình thương của mẹ là tình thương vô điều kiện. Từ nơi mẹ, người con trai nhận được sự nuôi dưỡng, bảo bọc cho cuộc đời và đó chính là kinh nghiệm quý báu của sự chăm sóc linh hồn, vì thế người con trai ràng buộc với mẹ sâu đậm hơn là với cha. Có nhiều người đàn ông khi mất mẹ, dù đã lớn, vẫn đau buồn rất nhiều, có người buồn đến nỗi suy sụp trong công việc và tình cảm, vì sự mất mát đó quá lớn.

Là vợ, quý vị có nhìn thấy đặc điểm nào của mẹ chồng nơi người chồng của mình không? Chắc chắn là có. Chúng ta cần nhìn thấy những đặc điểm của mẹ chồng nơi chồng, không phải để phê bình hay sửa đổi, nhưng để hiểu chồng hơn và biết cách ứng xử với chồng và mẹ chồng như thế nào cho tốt đẹp. Nhìn vào ảnh hưởng của mẹ chồng nơi người chồng cũng sẽ giúp chúng ta trong tương lai, khi con trai chúng ta lập gia đình và chúng ta trở thành mẹ chồng. Hãy để ý đến những ảnh hưởng chúng ta để lại nơi con trai, ảnh hưởng tốt cũng như xấu, những hiểu biết đó sẽ giúp chúng ta biết cách cư xử với con dâu và thông cảm với con dâu hơn. Người mẹ nào cũng có ảnh hưởng rất lớn trên con trai nhưng vì không được hướng dẫn trong việc nuôi dạy con để biết mình nên tạo ảnh hưởng gì trên con. Hầu hết chúng ta chỉ nuôi dạy con theo khôn ngoan và hiểu biết tự nhiên, và nghĩ những gì mình làm cho con là đúng và tốt cho con. Nhiều khi trong vai trò làm mẹ chúng ta thương con một cách ích kỷ, quá nuông chiều con hoặc quá độc đoán với con mà không biết, vì thế đã để lại những ảnh hưởng tiêu cực trên đời sống con (còn tiếp).

Minh Nguyên

Chương Trình Phát Thanh Tin Lành