Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 2 | Bài 4 >> | Hướng Dẫn

Bài 3

Mẹ Chồng & Nàng Dâu

Hôm nay chúng tôi xin trở lại đề tài quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu. Chúng tôi đề cập đến vấn đề này không phải để bài bác, phê phán hay lên án thế hệ nào, nhưng để chúng ta nhìn thấy những tình cảm và tâm lý phức tạp đằng sau cách mỗi người ứng xử với nhau, nhờ đó chúng ta có thể hiểu nhau, thông cảm nhau và đi đến chỗ yêu thương nhau hơn thay vì gieo buồn phiền, đau khổ cho nhau. Đây là vấn đề ảnh hưởng đến nhiều gia đình, không phân biệt sắc tộc, tiếng nói. Nhiều người ước mong mối quan hệ giữa mình với mẹ chồng hoặc với con dâu được hài hòa, tốt đẹp mà không biết làm thế nào, bắt đầu từ đâu. Để hiểu tại sao các bà mẹ thường khó chấp nhận người vợ của con mình, hoặc khó tách rời khỏi con khi con đã có gia đình riêng, chúng ta hãy nhìn vào mối quan hệ đặc biệt giữa mẹ và con trai.

Có một bà mẹ kia thương con và chăm sóc cho con tất cả mọi sự, từ quần áo, thức ăn đến chuyện học hành, đi đứng, chơi đùa với bạn bè. Là mẹ thì phải lo cho con, đó là điều tự nhiên, nhưng bà mẹ này không chỉ lo mọi điều khi con còn nhỏ mà khi con đã lớn bà vẫn tiếp tục ở bên cạnh, chú ý giúp đỡ mọi việc. Khi con còn nhỏ, bà làm bài giùm con, dọn thức ăn sẵn trên bàn cho con, chọn áo quần cho con mặc. Bà sẵn sàng can thiệp, bênh vực khi con gặp khó khăn, dù khó khăn đó do chính con gây ra. Bà cố gắng thay đổi hoàn cảnh khi con có điều không vừa ý. Lúc nào bà mẹ này cũng nghĩ rằng con bà bé nhỏ, cần có bà bên cạnh săn sóc, giúp đỡ. Khi đứa con trai hai mươi tuổi, bà không dám cho đi du ngoạn hay đi trại, sợ con bị đau. Khi con tham dự các sinh hoạt dành riêng cho người trẻ bà cũng đi với con, để lỡ có chuyện gì bà có thể giúp ngay. Đến năm ba mươi tuổi, đi đâu đứa con cũng vẫn đi với mẹ, ngồi bên cạnh mẹ, có việc gì là gọi mẹ. Bà mẹ hãnh diện sung sướng vì dù con đã lớn vẫn gần bà và vẫn cần đến bà.

Thưa quý vị, đây là hình ảnh của một quan hệ không đúng giữa mẹ và con trai. Bà mẹ này đã bảo bọc con quá đáng. Bà không muốn buông sợi dây ràng buộc bà và con, để con lớn lên, tự lập. Khi người mẹ chăm sóc con quá nhiều và quá gần con như thế, là nói với con rằng, "Con ơi, đừng lớn, đừng tự lập nhưng hãy cứ ở bên mẹ, mẹ sẽ lo tất cảcho con." Dĩ nhiên là người mẹ không nói như thế bằng lời nhưng nói một cách gián tiếp, qua sự chăm sóc bảo bọc con; nhưng lời nói gián tiếp đó có ảnh hưởng rất mạnh, vì kết quả là, đứa con trai dù bao nhiêu tuổi cũng vẫn cần mẹ, đi theo mẹ; không trưởng thành và không thể tự lập.

Như chúng ta đã biết, giữa mẹ và con trai có một mối quan hệ sâu đậm đặc biệt. Quan hệ này ảnh hưởng nhiều trên đời sống đứa con, đặc biệt là ảnh hưởng đến cái nhìn của con đối với phái nữ và mối quan hệ giữa bà mẹ với người con dâu, là hai người đàn bà có vị trí quan trọng trong cuộc đời người con trai. Nếu người mẹ làm trọn trách nhiệm trong gia đình, vui thỏa trong vai trò làm mẹ, làm vợ, sẽ cho con dần dần tách rời khỏi mẹ để tự lập, như lời Chúa dạy trong Sáng thế ký 2:24: "Người nam sẽ lìa cha mẹ mà kết hợp cùng vợ mình và cả hai sẽ nên một thịt." Ngược lại, nếu người mẹ không thỏa nguyện trong vai trò của mình nhưng hay buồn phiền, than van; người con trai có thể sẽ không dám lìa cha mẹ để tự lập, không xem đời sống gia đình là ơn phước của Chúa và sẽ ngại bước vào hôn nhân vì những ràng buộc quá chặt chẽ của mẹ. Có người cũng lập gia đình nhưng vẫn tiếp tục tùy thuộc vào mẹ và sống dưới sự kiểm soát của mẹ, và chính vì thế đưa đến sự căng thẳng, đố kỵ giữa mẹ và vợ. Ngoài ra, khi người mẹ chăm sóc và gần gũi với con trai quá đáng, sẽ để lại ảnh hưởng tiêu cực trên cái nhìn của con về chính mình. Người con sẽ thiếu tự tin, nghĩ rằng mình không thể tự lo tự lập mà phải luôn luôn có mẹ ở bên cạnh giúp đỡ. Khi người mẹ mất đi, người con trai không còn chỗ nương tựa, và dù bao nhiêu tuổi tinh thần có thể bị suy sụp một cách đáng thương.

Cũng có trường hợp người con trai có cảm xúc trái ngược về mẹ, vừa thương vừa ghét. Đây là trường hợp những bà mẹ cứng rắn và khó tính. Đứa con vì cần tình thương muốn đến gần mẹ nhưng cũng sợ những lời mắng mỏ quá nặng của mẹ. Những lời chỉ trích, chê bai của mẹ khiến đứa con mất tin tưởng ở chính mình, thấy mình không có giá trị gì vì lúc nào cũng có lỗi lầm, vấp váp. Mặt khác, người con trai lại muốn cố gắng làm cho mẹ vui lòng, để được mẹ chấp nhận. Vì những mâu thuẫn này, người con có thể có cảm xúc trái ngược, lúc thì thương mẹ, muốn đến gần mẹ; nhưng có lúc cảm thấy ghét mẹ và muốn đi xa khỏi mẹ; mong ước có mối quan hệ tốt đẹp với mẹ, nhưng cũng muốn làm một điều gì đó cho người đã gây đau buồn cho mình. Khi những người con trai trong hoàn cảnh này lập gia đình, người vợ thường sẽ phải chịu nhiều khó khăn, phức tạp với chồng về mặt tâm lý và tình cảm. Khi người chồng sống quá gần với mẹ hoặc thiếu tình thương của mẹ vì mẹ quá cứng rắn, người vợ cần cẩn thận để ý mới có thể hiểu chồng và đáp ứng nhu cầu cho chồng. Một người con trai quá gần với mẹ và thiếu sự hướng dẫn của cha khi lớn lên có thể sẽ không nhìn thấy vai trò và trách nhiệm của mình trong gia đình. Người đó sẽ nương tựa vào vợ để tìm sự nâng đỡ và sức mạnh tinh thần để đương đầu với hoàn cảnh, và do đó đời sống gia đình sẽ không quân bình. Theo tiêu chuẩn của Kinh Thánh, chồng phải là chủ gia đình, hướng dẫn và bảo bọc vợ con, còn vợ vâng phục dưới sự lãnh đạo của chồng. Nếu người đàn ông vì ảnh hưởng của mẹ ngày trước, quá yếu đuối, không lãnh đạo gia đình mà lại nương tựa vào vợ, để vợ quyết định mọi việc, gia đình sẽ không tránh khỏi khó khăn vì vợ chồng không sống đúng với vai trò mà Đức Chúa Trời đã định.

Người đàn ông lớn lên trong sự bảo bọc quá đáng của mẹ thường trông mong vợ chăm sóc, bảo bọc mình như mẹ đã lo cho mình ngày trước. Có người thì trút hết cho vợ những bực bội phiền giận đối với mẹ vì thế trở thành người chồng khó tính, buộc vợ phải chiều ý mình trong mọi sự. Người vợ chỉ cần có một lời nói hay hành động giống như bà mẹ ngày trước là đủ cho chồng bực bội hay nổi giận. Có những ông chồng đối xử với vợ rất tệ như để bù lại những điều muốn làm với mẹ ngày xưa nhưng đã không dám. Họ nóng nảy hung dữ, dễ nổi giận, hay chống chế, thủ thế và độc tài với vợ con. Tất cả chỉ là kết quả của những ẩn ức bực bội khi sống dưới sự bảo bọc quá đáng của mẹ. Một trong những khó khăn mà người vợ trong trường hợp này phải chịu là sự nhu nhược, yếu đuối của chồng. Yếu đuối, nhu nhược nhưng nhiều tự ái và muốn làm chủ, điều khiển người khác. Không những thế, những người chồng này thường đòi hỏi vợ phục vụ và chiều ý mình. Muốn làm chủ, cầm quyền trong gia đình nhưng lại ủy mị, yếu đuối và muốn vợ chăm sóc cho mình như một người mẹ.

Để tránh ảnh hưởng không tốt trên con cái, đặc biệt là trên con trai, chúng ta cần nuôi dạy con như thế nào để có mối quan hệ tốt đẹp đối với con? Điều đầu tiên chúng ta cần ghi nhận là, con cái là cơ nghiệp Đức Chúa Trời ban cho để chúng ta nuôi dạy hầu sau này mang lại ích lợi cho Chúa và người chung quanh. Dù mẹ mang nặng đẻ đau và dành nhiều năm tháng trong cuộc đời để chăm sóc nuôi dạy con, con không phải là sở hữu của người mẹ. Quan niệm cho rằng mẹ sinh ra con nên có toàn quyền trên con, muốn gì con cũng phải vâng theo, là quan niệm sai lầm, không phù hợp với Lời Chúa dạy. Con trai không phải là nối tiếp của cuộc đời cha mẹ, cũng không phải là người bù đắp những thiếu thốn về tình cảm trong đời sống mẹ. Con trai được sinh ra không phải để bảo bọc mẹ hay mang lại niềm vui cho mẹ khi mẹ không tìm được niềm vui bên chồng. Nếu như vậy, người mẹ có vai trò gì trong việc nuôi dạy con?

Trước hết, lời Chúa dạy rằng người mẹ được giao phó cho một trách nhiệm quan trọng, đó là nuôi nấng, hướng dẫn, yêu thương, chăm sóc, sửa phạt và dạy dỗ cho con nên người. Sách Châm Ngôn trong Kinh Thánh nói rất nhiều về những điều cha mẹ cần làm trong trách nhiệm hướng dẫn con cái. Riêng trong chương 31 nói về cách bà mẹ vua Lê-mu-ên dạy con. Bà dạy con trai những điều quan trọng trong cuộc sống như: phải khôn ngoan trong mối quan hệ với người khác phái, công bình trong cách ứng xử với người chung quanh và tiết độ trong đời sống cá nhân.

Chúng tôi xin trích đọc những lời dạy đó dưới đây:

Hỡi con, ta sẽ nói gì? Hỡi con của thai ta, ta phải nói chi? Hỡi con của sự khấn nguyện ta, ta nên nói điều gì với con? Chớ phó sức lực con cho người đàn bà, đừng ở theo con đường gây cho vua chúa bị bại hoại. Hỡi Lê-mu-ên, chẳng xứng hiệp cho các vua, chẳng xứng hiệp cho các vua uống rượu hay là cho các quan trưởng nói rằng: vật uống say ở đâu? E chúng uống, quên luật pháp và làm hư sự xét đoán của người khốn khổ chăng... Hãy mở miệng mình bênh kẻ câm và duyên cớ của các người bị để bỏ. Khá mở miệng con xét đoán cách công bình và phân xử phải nghĩa cho người buồn thảm và nghèo nàn" (Châm ngôn 31:2-9).

Đây là nguyên tắc sống của người lãnh đạo một nước, nhưng cũng áp dụng cho tất cả quý ông, là người được Chúa giao cho trách nhiệm lãnh đạo gia đình. Những nguyên tắc đó gồm có: đứng đắn trong đời sống tình cảm và tình dục; công bình, công chính trong cách ứng xử với người chung quanh, quan tâm đến người nghèo khổ và tiết độ trong đời sống cá nhân.

Minh Nguyên

Chương Trình Phát Thanh Tin Lành