Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 3 | Bài 5 >> | Hướng Dẫn

Bài 4

Mẹ & Con Trai

Có hai vợ chồng kia, sau ba năm chung sống, phải đi gặp một vị tư vấn hôn nhân vì gia đình họ có quá nhiều nan đề. Cô vợ trẻ tâm sự như sau: "Gia đình mới của chúng tôi có nhiều nan đề vì chồng tôi quá gần với mẹ anh ấy. Anh giống như một đứa bé bị cột vào áo mẹ, không sao rời ra được. Khi chúng tôi mới cưới nhau về, tôi cố gắng hết sức để làm vừa lòng mẹ chồng nhưng bà không hề có thiện cảm với tôi. Thậm chí có lần bà nói thẳng với tôi rằng tôi không xứng với con bà và sẽ chẳng bao giờ xứng đáng cả. Bà cụ chỉ có một người con trai nên bà chiều chuộng quá đáng, làm cho anh ấy trở thành nhu nhược, lười biếng. Lúc nào bà cũng chờ để hầu hạ con, làm cho con vui và thoải mái. Bà cụ là người nội trợ giỏi. Niềm vui của bà không gì khác hơn là nấu ăn cho gia đình, chăm sóc quần áo cho chồng con, giữ nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp và cung ứng nhu cầu cho mọi người trong nhà. Trong gia đình bà là người lo liệu hết mọi việc. Trong khi đó bố chồng tôi lúc nào cũng đi vắng và hầu như chẳng biết đến chuyện gì trong nhà.

Tôi là người thuộc thế hệ mới, tôi có một ngành nghề chuyên môn và bận rộn với nhiều điều khác nên không thể quán xuyến công việc nhà như bà. Bà hay đến nhà chúng tôi dọn dẹp, sắp đặt lại tủ sách, tủ chén cho chúng tôi, nhưng bà làm một cách bực bội, hàm ý bảo là tôi không biết tổ chức việc nhà. Nhiều lần tôi nói với bà: "Thưa mẹ, con biết nhà của con không được ngăn nắp như nhà của mẹ, nhưng con bận nhiều việc, con không làm như mẹ được. Hơn nữa, đây là nhà của vợ chồng con, mẹ không phải bận tâm." Nhưng dù tôi nói gì, bà cũng làm ngơ và cứ tự động đến làm mọi việc như là nhà của bà vậy.

Tuy nhiên điều làm tôi buồn hơn cả là chồng tôi không có cùng một suy nghĩ như tôi. Anh không thấy rằng việc gia đình chúng tôi có người thứ ba chen vào là không nên, vì thế anh chẳng nói gì với bà cụ. Tôi có thể chấp nhận anh về nhà thăm mẹ một tuần năm, sáu lần nhưng không thể chấp nhận anh để mẹ làm chủ gia đình mới của chúng tôi. Anh chẳng bao giờ nói với bà một lời nào để bênh vực tôi, cũng không nói lời an ủi tôi. Bà cụ không những xen vào việc gia đình chúng tôi mà cũng nắm giữ tình cảm của chồng tôi nữa. Từ ngày bố anh mất, bà buộc anh phải chăm sóc bà nhiều hơn và phải ghé thăm bà mỗi ngày, dù bà sống với con gái chứ không phải sống một mình, và bà chỉ muốn một mình anh đến thăm mà thôi. Điều này làm tôi rất buồn vì hầu như bà không cho tôi một cơ hội nào đến gần bà, để tạo một quan hệ tốt đẹp với bà. Tôi biết mẹ chồng tôi rất cô đơn, tôi thương bà và muốn đến gần bà nhưng bà không thương tôi và không chấp nhận tôi. Chồng tôi đã tự lập, đã có gia đình riêng nhưng anh không thể nào tách rời khỏi mẹ. Chính vì thế mà vợ chồng chúng tôi gặp bao nhiêu là nan đề.

Khi người vợ dứt lời, người chồng trẻ nói: "Vợ tôi là người hay ganh tị, nhất là ganh với mẹ tôi. Cô ấy trẻ trung, khỏe mạnh, đáng lẽ cô ấy phải thương mẹ tôi hay ít ra cũng cố gắng thông cảm với bà. Mẹ tôi chỉ có bố tôi và tôi mà bây giờ bà mất cả hai. Thật ra bà còn hai người chị của tôi nhưng bà thường không kể đến. Gia đình chúng tôi sẽ không có nan đề gì nếu vợ tôi chịu khó chiều ý mẹ tôi một chút. Không những thế, vợ tôi cũng không là người nội trợ giỏi, vì vậy mẹ tôi cứ phải đến giúp việc này việc kia. Cô ấy buồn là sao tôi không nói để bà cụ đừng đến quấy rầy nữa, nhưng làm sao tôi nói được khi bà cụ có ý tốt là muốn giúp con. Tôi đâu nỡ nào làm cho mẹ tôi buồn. Còn chuyện đi thăm bà cụ, bao giờ đi tôi cũng rủ nhưng cô ấy không muốn đi, tôi không ép được nên tôi đành đi thăm một mình, thỉnh thoảng tôi dẫn con theo. Thành thật mà nói, tôi biết mẹ tôi thương tôi nhưng bà cũng gây nhiều khó khăn cho tôi, từ khi tôi còn nhỏ cho đến bây giờ. Lý do là vì tôi là con trai một. Bà chỉ có một mình tôi là con trai nên tất cả tình thương, hy vọng, ước mơ của bà đặt nơi tôi. Tôi là niềm vui và lẽ sống của cuộc đời bà. Bà trông mong nơi tôi quá nhiều và bà mong tôi đối với bà cũng như vậy. Mẹ tôi muốn tôi cũng xem bà là niềm vui và lẽ sống của tôi, nhưng đó là điều tôi không thể làm được. Tôi cảm thấy có nhiều trách nhiệm đối với mẹ vì vắng mặt tôi là bà không vui. Vợ tôi không hiểu được hoàn cảnh của tôi. Mẹ cô ấy là người có tính tự lập, không bao giờ làm phiền đến con cái, còn mẹ tôi thì khác. Tôi khổ tâm lắm mà không biết làm sao! Vợ tôi muốn chúng tôi dọn đi xa, tôi cũng nghĩ như vậy có lẽ tốt hơn cho hạnh phúc gia đình chúng tôi, nhưng dọn đi xa tôi lại phải về thăm mẹ nhiều hơn và như vậy lại phải vắng nhà thường hơn. Tôi không muốn vợ tôi buồn mà cũng không thể để mẹ tôi sống trong cô đơn vì phải xa tôi, tôi là niềm vui duy nhất của cuộc đời bà."

Thưa quý vị, nếu là người cố vấn về hôn nhân, chúng ta sẽ khuyên gì với đôi vợ chồng trẻ và giúp ý kiến thế nào để giải quyến nan đề của gia đình này? Nguyên tắc đầu tiên là chúng ta cần làm theo lời dạy của Kinh Thánh, vì Kinh Thánh là mẫu mực của Đức Chúa Trời, Đấng đã tạo dựng chúng ta và đã thiết lập hôn nhân. Chỉ khi nào sống theo mẫu mực của Chúa chúng ta mới tìm được bình an và hạnh phúc cho đời sống. Theo lời Chúa dạy, chúng ta phải sống với nhau bằng tình yêu thương, chấp nhận nhau và thông cảm với nhau trong mọi hoàn cảnh. Về lòng yêu thương, Chúa dạy "Hãy yêu kẻ lân cận như mình," có nghĩa là chúng ta phải thương yêu những người gần bên chúng ta, những người thân trong gia đình như chính mình. Đừng nói hay làm điều gì khiến những người đó phải đau buồn. Chúa Giê-xu cũng dạy: "Hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ" (Ma-thi-ơ 7:12). Khi thương nhau chúng ta chỉ làm điều gì mà ta biết là người ta thương cần và mong muốn. Trong trường hợp này, nếu người mẹ thật sự thương con và nghĩ đến hạnh phúc của con, bà sẽ chỉ làm điều gì con cần và mong muốn chứ không phải là làm điều bà muốn. Người con dâu cũng thế, nếu thương mẹ chồng và biết rằng giúp con là niềm vui của bà thì sẽ bằng lòng để bà đến giúp mình, nhưng dĩ nhiên là đến một giới hạn nào thôi.

Điều thứ hai những người trong gia đình này cần làm là chấp nhận nhau. Trước hết, người mẹ cần chấp nhận người vợ của con trai mình. Dù đó không phải là người do chính bà chọn, có thể cũng không phải là mẫu người bà thích, nhưng nếu con bà đã yêu và đã chọn, bà nên chấp nhận sự chọn lựa của con. Nếu bà thật sự thương con, thấy con được hạnh phúc là đủ cho bà thỏa nguyện và cảm tạ Chúa. Hơn nữa, bà cần nhìn thấy rằng mỗi thế hệ có một lối sống khác nhau. Việc con dâu của bà không lo việc nội trợ giống như bà chưa hẳn là sai. Người phụ nữ ngày nay không chỉ lo việc nhà nhưng còn có thể làm nhiều công việc khác ngoài xã hội. Nàng con dâu cũng cần chấp nhận bà mẹ của chồng mình. Dù bà có quan niệm sống khác, cách làm việc và cư xử không đúng như nàng suy nghĩ hay trông mong, nhưng bà là người đã sinh ra chồng mình, đã nuôi dạy chồng mình nên người, công ơn đó nàng cũng phải nghĩ đến. Về việc chấp nhận nhau, Kinh Thánh dạy: "Vậy thì, anh em hãy tiếp lấy nhau, cũng như Chúa Cứu Thế đã tiếp anh em để Đức Chúa Trời được vinh hiển" (Rô-ma 15:7). Chữ "tiếp" trong câu này có nghĩa là tiếp nhận, đón nhận hay chấp nhận.

Không những chấp nhận những khác biệt của nhau, hai bên còn phải thông cảm với nhau. Điều có thể giúp giảm bớt sự căng thẳng giữa bà mẹ chồng và nàng dâu trong trường hợp này là hai người cần dành thì giờ trò chuyện, chia xẻ tâm tình với nhau để có thể hiểu nhau và từ đó thông cảm nhau hơn. Ngược lại, nếu hai người không chấp nhận nhau nhưng cứ ganh tị với nhau, cứ nghĩ rằng người kia đã cướp mất tình thương của người đàn ông quan trọng nhất trong đời mình thì hai người sẽ tiếp tục ghét nhau và gieo đau khổ cho nhau.

Về người chồng trẻ trong trường hợp này, anh có một trách nhiệm quan trọng đối với mẹ cũng như với vợ, và anh cần phân biệt hai trách nhiệm đó cách rõ ràng. Đối với mẹ anh là một người con, khi chưa đến tuổi thành nhân và còn sống trong sự bảo bọc của mẹ, anh phải vâng phục mẹ trong mọi sự. Khi đã trưởng thành và có gia đình riêng, theo lời Chúa dạy, anh phải có trách nhiệm với gia đình và phải làm chủ gia đình của mình. Khi cha anh không còn, mẹ anh có thể là chủ gia đình của bà nhưng bà không phải là chủ gia đình anh. Anh có bổn phận yêu thương và chăm sóc mẹ nhưng anh không thể vì chiều ý mẹ mà không trọn trách nhiệm với vợ con. Riêng về người mẹ, dù thương con và muốn con ở bên cạnh mình mãi mãi, bà cũng cần ý thức rằng con bà đã lớn và bà phải cho con tách rời khỏi bà để xây dựng hạnh phúc riêng. Trong Kinh Thánh, Đức Chúa Trời dạy rõ ràng như sau, "Bởi vậy cho nên, người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ nên một thịt" (Sáng thế ký 2:24). Chúa biết điều khó cho cha mẹ khi đã lớn là để cho con tách rời khỏi cha mẹ để bắt đầu cuộc sống riêng, vì thế mạng lệnh quan trọng này được nhắc đi nhắc lại ba lần trong Kinh Thánh: Lần thứ nhất trong Sáng thế ký khi Đức Chúa Trời thiết lập hôn nhân. Lần thứ hai trong Phúc Âm Ma-thi-ơ, khi Chúa Giê-xu dạy về hôn nhân và lần thứ ba khi thánh Phao-lô dạy về bổn phận vợ chồng. Khi một người lập gia đình, chúng ta nói người đó đã ra riêng, có gia đình riêng. Nói như thế là đúng, vì gia đình của đôi vợ chồng mới là một đơn vị mới, riêng biệt. Theo lời Thánh Kinh dạy, đôi vợ chồng mới vẫn là con cái trong đại gia đình, vẫn giữ mối quan hệ thân thương với cha mẹ và bà con hai bên, nhưng người chồng trẻ là chủ gia đình mới và vợ là người phụ giúp chồng để xây dựng hạnh phúc. Cha mẹ chồng hay cha mẹ vợ không làm chủ gia đình của con. Khi nào người đàn ông chưa thể lìa cha mẹ để kết hợp làm một với vợ và thật sự làm chủ gia đình mới của mình thì gia đình đó sẽ còn gặp nhiều khó khăn.

Minh Nguyên

Chương Trình Phát Thanh Tin Lành