Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 5 | Bài 7 >> | Hướng Dẫn

Bài 6

Mẹ Chồng Nàng Dâu

Trong câu chuyện gia đình hôm nay, chúng tôi xin trở lại đề tài mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu. Để hiểu tại sao các bà mẹ chồng thường thấy khó chấp nhận con dâu, và giữa người con dâu với mẹ chồng khó có một sự hài hòa hiệp nhất, chúng ta hãy cùng nhìn vào ảnh hưởng của người mẹ trên đời sống con trai.

Mỗi người mẹ nuôi dạy con một cách khác nhau. Cách nuôi dạy cũng như sự gần gũi của mẹ để lại một ảnh hưởng sâu đậm trên con, trong bài này chúng ta đặc biệt chú ý đến ảnh hưởng của mẹ đối với con trai. Là mẹ, quý vị có biết con cái nghĩ về mình như thế nào không? Nếu có con trai, quý vị có biết những đứa con trai đó nói gì về mình và mình có ảnh hưởng như thế nào trên đời sống con không? Ảnh hưởng của người mẹ trên con chúng ta không thấy rõ cho đến khi đứa con đã lớn. Lúc đó, cách con cư xử với người chung quanh và ứng xử trước những hoàn cảnh khác nhau trong đời sống mới để lộ ra ảnh hưởng của cha mẹ. Trong một bài trước đây chúng tôi có nói về hai mẫu người mẹ để lại ảnh hưởng tiêu cực trên con trai. Trước hết là những bà mẹ cứng rắn, nắm quyền điều khiển trong gia đình. Những bà mẹ này thường tạo ra những đứa con nhu nhược, e ngại trước cuộc sống, không dám tự mình quyết định điều gì. Không trưởng thành và không có đời sống tình cảm quân bình. Thứ hai là những bà mẹ quá cưng con trai, làm hết mọi việc cho con, sẵn sàng quên mình để chiều theo đòi hỏi của con. Kết quả là những người con trai này dù bao nhiêu tuổi cũng vẫn cần đến mẹ, không có tinh thần trách nhiệm, không biết phục vụ người khác, cũng không có nghị lực để đương đầu với những khó khăn trong đời sống.

Hôm nay chúng tôi sẽ nói về những mẫu người mẹ khác.

3. Những bà mẹ quá yếu đuối về mặt tinh thần và tình cảm

Có những bà mẹ không mạnh mẽ để hướng dẫn con nhưng lại tùy thuộc vào con, lúc nào cũng cần con yêu thương, chăm sóc, vỗ về. Những người mẹ này không giữ đúng vai trò làm mẹ nhưng lại xử sự như là con. Mong con cái chăm sóc, quan tâm đến mình, đặc biệt là mong con trai yêu thương, lo lắng cho mình. Đây là điều thường xảy ra khi người mẹ bắt đầu bước vào tuổi về chiều và không có một hôn nhân hạnh phúc. Chẳng hạn như vì người cha trong gia đình vắng nhà quá lâu và quá thường xuyên, cũng có khi là người cha không yêu thương vợ con, bỏ bê gia đình; hoặc là người cha quá cứng rắn, hung dữ, say sưa, ngược đãi vợ con, cũng có khi là vì người cha đã chết hoặc lìa bỏ vợ con đi theo người khác. Trong những trường hợp này người mẹ thường tìm sự an ủi, vỗ về nơi con trai. Có người tìm tình thương nơi con một cách quá đáng, khiến con cảm thấy như mình là người có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu tình cảm cho mẹ.

Khi người mẹ trông mong con trai đóng vai trò của người cha, người chồng trong gia đình là trông mong quá nhiều nơi con. Cha mẹ có trách nhiệm yêu thương, nuôi nấng và bảo bọc con; còn con cái có bổn phận vâng lời cha mẹ dạy bảo, phụ giúp cha mẹ những gì mình có thể giúp được. Khi cha mẹ già yếu không thể tự lo, con cái có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ. Tuy nhiên, cha mẹ không nên trông mong con cái bù đắp cho mình tình thương hay sự quan tâm mà mình không nhận được nơi người bạn đời. Những người con trai phải chăm sóc mẹ thế cho cha dễ thấy mình quan trọng, có uy quyền trong gia đình và dần dần có thói quen muốn cầm quyền trên những người chung quanh, như anh chị em và ngay cả người vợ của người đó nữa. Có người thì cảm thấy e ngại trong mối quan hệ với phụ nữ, vì nhớ lại gánh nặng mình phải mang để đáp ứng nhu cầu cho mẹ, do đó không dám lập gia đình. Cũng có người khi có vợ thì trông mong vợ bù đắp những gì mình đã không nhận được nơi mẹ khi còn sống trong gia đình. Tất cả những tâm lý phức tạp này đều ảnh hưởng đến hạnh phúc trong hôn nhân của người con.

4. Những người mẹ tự làm khổ mình. Những bà mẹ này sống trong gia đình như là nô lệ hay người giúp việc. Họ nghĩ rằng làm mẹ là phải hy sinh tất cả. Họ không nghĩ đến thân mình, không ăn miếng ngon, không mặc áo tốt. Khi mệt mỏi hay đau ốm cũng cố gắng làm việc, không chịu nghỉ ngơi. Họ luôn luôn hy sinh cho chồng con và hay buồn than vì nghĩ mình là người khổ nhất trên đời. Cái gì thiệt thòi nhất, khó khăn nhất thì muốn làm, làm mà phiền giận trong lòng. Con cái trong gia đình thường nghe mẹ than ngắn thở dài; nghe mẹ khóc, mẹ than: than mất ngủ, đau lưng, nhức đầu, nhức mỏi vì phải làm việc quá nhiều. Nếu chồng con bảo đừng làm nữa, bà sẽ nói, không làm thì ai làm? Và bà sẽ tiếp tục làm và tiếp tục than. Những lời than đó hàm ý rằng vì chồng, vì con, đặc biệt là vì con trai, mà bà phải khổ. Không ai trong gia đình làm gì cho bà mẹ này vui được. Con cho quà mẹ không nhận, nói rằng mẹ không cần gì cả. Rủ đi chơi mẹ không muốn đi. Lúc nào mẹ cũng trách vu vơ điều này điều kia.

Bà mẹ này thường làm cho con cái cảm thấy rằng mình sẽ có lỗi và làm cho mẹ thêm khổ nếu mình làm điều gì ngược lại với điều mẹ mong muốn. Bà mẹ thường dùng yếu tố tâm lý này để nắm quyền trên con, buộc con làm theo ý mình. Câu mà những bà mẹ này thường nói là: "Mấy con coi, mẹ làm hết cho mấy con mà mấy con đâu có biết!" "Các con chỉ nghĩ cho mình chớ đâu có nghĩ tới ai!" Hoặc nói: "Mẹ lo cho các con mà các con cảm ơn má như vậy sao?" "Mẹ muốn con được đầy đủ sung sướng chớ không thiếu thốn cực khổ như mẹ hồi nhỏ thành ra mẹ mới khổ!" "Vì thương con mà mẹ cố gắng chịu đựng ba con mấy chục năm nay, nhưng không biết là như vậy là mẹ có dại quá hay không!" "Nghe nói năm nay con không về thăm, thôi thì mẹ mong là con làm gì hay đi đâu đó cũng được vui vẻ, mẹ thì ngày nào cũng vậy thôi!" "Điện thoại hư rồi hay sao không thấy gọi về? Lúc này lo viết thơ cho ai chớ đâu có viết cho mẹ nữa!"

Những người mẹ tự làm khổ mình thường nói với con những lời khiến con cảm thấy rằng dù mình không làm điều gì lỗi, mình cũng làm cho mẹ khổ. Sự có mặt của mình trên đời là đủ làm cho mẹ khổ rồi. Mặc cảm này sẽ theo người con trai luôn cho đến khi trưởng thành, và lúc nào người con cũng cảm thấy mình có lỗi với mẹ. Mẫu người mẹ này cũng hay nói với con những câu mang hai ý nghĩa. Ví dụ khi con quyết định điều gì không đúng ý bà, bà sẽ nói: "Lúc nào mẹ cũng muốn con được sung sướng mà không hiểu sao con lại quyết định như vậy!" hoặc nói: "Đó là quyết định riêng của con, mẹ mừng là con đã lớn, có thể tự quyết định cho mình, nhưng mà nếu con nghe lời mẹ thì con không làm như vậy." Một người con trai trên 50 tuổi nói như sau: Mẹ tôi gọi điện thoại cho tôi mỗi tuần ba bốn lần. Bà than là tốn tiền nhiều quá, phải mà tôi ở gần thì không tốn tiền vô lý như vậy. Bà muốn mỗi lần có ngày nghỉ, tôi đem gia đình về thăm cho bà vui, bà muốn nấu những món đặc biệt cho chúng tôi. Nhưng mỗi lần về thăm như thế, tinh thần và cảm xúc của chúng tôi phải một thời gian sau mới được chữa lành. Những bà mẹ tự làm khổ mình bằng cách hy sinh cho chồng con quá đáng làm khổ chồng con rất nhiều mà không biết.

5. Những bà mẹ độc tài và hay chỉ trích con. Trái ngược với những bà mẹ tự làm khổ mình, những bà mẹ độc tài khó tính cho con cái thấy rõ tính điều khiển nắm quyền của mình. Khi có điều không vừa ý, những bà mẹ này không than khóc nhưng nổi giận và la ầm lên. Khi người mẹ dọa làm cho con đau đớn về tinh thần hay thể xác, sẽ tạo nên nỗi khiếp sợ ngấm ngầm trong con. Trong khi nhóm bà mẹ thứ tư dùng nước mắt hay tiếng khóc để điều khiển con thì mẫu người mẹ thứ năm này dùng những điều khác như: trừng mắt, nạt nộ, cười khẩy, hoặc yên lặng một cách đầy đe dọa cho con khiếp sợ. Thay vì nói: "Sao con làm cho mẹ khổ quá vậy!" Bà mẹ này nói: "Tao sẽ làm cho mày khổ!" Các bà mẹ độc tài khó tính thường nói thẳng và nói mạnh với con chứ không nói gay, nói bóng gió. Những lời nói đó có thể ám ảnh con và khiến con mang mặc cảm suốt đời. Kinh Thánh dạy: "Sống chết ở nơi quyền của lưỡi... Lưỡi hiền lành giống như một cây sự sống, song lưỡi gian tà làm cho hư nát tâm thần" (Châm ngôn 18:21; 15:4) Xin Chúa giúp chúng ta dùng lời nói để gây dựng lòng tự tin và sự trưởng thành nơi con cái, thay vì khiến con khiếp sợ và làm cho tâm hồn con tan nát.

Điều đáng thương là những mẫu người mẹ chúng tôi vừa nêu không biết mình là người mẹ như thế và cũng không biết mình để lại ảnh hưởng tiêu cực trên con cái. Các bà chỉ sống và xử sự theo bản tính tự nhiên và không ngờ là mình làm khổ con. Sứ mạng của người mẹ không phải là nắm giữ con cho mình nhưng hướng dẫn thế nào để con dần dần tách rời khỏi mẹ để tự lập, nhất là con trai. Điều tốt nhất mà người mẹ có thể làm để khích lệ con trong tiến trình trở nên người trưởng thành, tự lập, là ý thức rằng rồi đây con cái sẽ có đời sống riêng và bằng lòng cho con dần dần tách rời cha mẹ để vui với hạnh phúc trong gia đình mới. Điều này có thể khiến chúng ta đau buồn vì cảm thấy mất mát, nhưng nếu thật sự thương con, chúng ta phải can đảm cho con lìa xa, không cản trở, không buồn than. Người con trai được mẹ khuyến khích bước vào đời sống tự lập sẽ tự tin nơi chính mình. Nếu chúng ta để con tự quyết định những vấn đề quan trọng cho cuộc đời, dù lắm khi có vẻ như nguy hiểm, nhưng con sẽ thêm kinh nghiệm, sẽ nhận diện chính mình và thấy rõ chương trình của Chúa cũng như những tài năng, ân tứ Chúa ban cho mình. Nguyên tắc muôn đời của Thánh Kinh là: "Người nam sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai sẽ thành một xương một thịt" (Ma-thi-ơ 19:5).

Minh Nguyên

Chương Trình Phát Thanh Tin Lành