Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 8 | Bài 10 >> | Hướng Dẫn

Bài 9

Ngoại Tình - Tại sao ngoại tình là tội nghiêm trọng, ta phải tránh?

Hôm nay chúng tôi xin tiếp tục trình bày về đề tài ngoại tình, và sẽ trả lời câu hỏi, "Tại sao ngoại tình là tội nghiêm trọng, chúng ta phải tránh?"

Khi một người đã có gia đình mà có một quan hệ tình cảm nam nữ riêng tư với một người khác là phạm tội ngoại tình. Có những người đi đến chỗ có quan hệ tình dục với nhau, có những người chỉ yêu thương nhớ nhung trong tư tưởng, nhưng dù dưới hình thức nào, tất cả những tình cảm đó là ngoại tình, vì khiến ta không giữ vẹn tình yêu đối với người phối ngẫu. Theo tiêu chuẩn của đời cũng như tiêu chuẩn của Kinh Thánh, ngoại tình là điều nghiêm trọng vì người ngã vào tội ngoại tình phạm những lỗi sau đây:

Bội lời giao ước với người phối ngẫu và gia đình đôi bên

Bội lời hứa nguyện trước mặt Chúa và hội thánh

Không tôn trọng hôn nhân là định chế thiêng liêng do Đấng Tạo Hóa thiết lập

Vi phạm Giới Răn của Đức Chúa Trời

Sống trong dối trá và giả hình

Phá hủy thân thể, là đền thờ của Chúa

Nếu không ăn năn, sẽ không được hưởng sự sống đời đời

Trước khi đi vào chi tiết những điều vừa trình bày, chúng tôi xin kể câu chuyện sau đây để chúng ta thấy tội ngoại tình không những nghiêm trọng nhưng là điều người nào cũng có thể dễ dàng ngã vào. Có thể nói, điều nguy hiểm của tội ngoại tình là nếu không cẩn thận, người nào, ở tuổi nào, trong địa vị nào, nam hay nữ, gia đình hạnh phúc hay không, cũng đều có thể ngã vào.

Có đôi vợ chồng trẻ kia cưới nhau được năm năm. Ngày ngày người chồng đi làm còn vợ ở nhà với hai đứa con nhỏ. Trong xóm cũng có một đôi vợ chồng trẻ khác. Hai gia đình quen biết nhau và cũng khá thân. Người vợ ở nhà với con có tính say mê âm nhạc và thích ca hát. Người chồng bên hàng xóm cũng thích nhạc và lại có tài đánh đàn. Trong khi đó vợ và chồng của hai người thì không biết gì về nhạc mà cũng không thích nhạc. Người chồng bên hàng xóm đi làm ca hai nên ban ngày có thì giờ rảnh rỗi. Anh thường qua gặp vợ của bạn để nói chuyện về nhạc và những bài hát mới. Trong lúc vợ của người này và chồng của người kia đi làm, hai người yêu âm nhạc ngồi lại với nhau, kẻ đàn người hát cách tự nhiên, vui vẻ.

Vì cùng sở thích và cùng có tính nghệ sĩ như nhau, khi nói chuyện hai người rất tâm đầu ý hợp. Tuần nào họ cũng gặp nhau vài ba lần, người này đàn cho người kia hát một cách thích thú. Hai người chỉ là bạn văn nghệ, gặp nhau trong những giờ rảnh rỗi cho vui vậy thôi chứ không có gì khác hơn. Vợ và chồng của đôi bên đều biết hai người gặp nhau nhưng không ai thắc mắc hay quan tâm về việc đó. Nhưng dần dần, mỗi lần gặp nhau, đôi bạn văn nghệ không chỉ nói chuyện âm nhạc mà cũng chia xẻ với nhau những chuyện riêng tư khác. Họ nói cho nhau nghe những niềm vui nỗi buồn trong đời sống và cảm thấy sung sướng vì được người kia thông cảm, thông cảm hơn người bạn đời của họ. Dần dần tình bạn đã biến thành tình yêu. Hai người bắt đầu cảm thấy hối tiếc sao mình không phải là vợ chồng, và mơ ước nếu được cùng đi chung đường đời thì vui thỏa và hạnh phúc biết bao. Cuối cùng, vì không thắng nổi cám dỗ, một ngày kia, hai người nói dối vợ và chồng của mình để đi chung với nhau một chuyến đi xa. Tình bạn vô tư đã đưa đến tội ngoại tình. Dù sau đó hai người nhận lỗi, xin lỗi người bạn đời và dọn đi xa để chấm dứt mối quan hệ bất chính, nhưng những gì đã xảy ra trở thành một vết sẹo trong hôn nhân của cả đôi bên.

Bây giờ chúng tôi xin trình bày lý do tại sao ngoại tình, không chung thủy với người phối ngẫu là tội nghiêm trọng.

1. Ngoại tình là bội lời giao ước với người phối ngẫu và gia đình đôi bên

Khi một người đã có gia đình mà có quan hệ tình cảm đặc biệt với một người khác, là đã bội lời giao ước, không giữ vẹn lời hứa nguyện với người phối ngẫu. Chúng ta đều biết rằng, khi quyết định lập gia đình với một người nào là chúng ta cam kết chỉ yêu một mình người đó và chung thủy với người đó suốt đời. Trong lễ cưới, cô dâu chú rể trao nhẫn cưới cho nhau để làm bằng chứng cho lời hứa nguyện và để nhắc nhau luôn nhớ lời hứa nguyện quan trọng này. Nếu một trong hai người phản bội và thay đổi tình cảm với người bạn đời là đã bội lời giao ước. Theo tiêu chuẩn của xã hội, người không giữ vẹn lời hứa nguyện là người đáng chê trách và không đáng tin cậy. Theo tiêu chuẩn của Chúa trong Kinh Thánh, người không giữ lời hứa, không trước sau như một, là có tội, vì đã thiếu thành thật và không làm trọn lời mình đã hứa.

2. Ngoại tình là bội lời hứa nguyện trước mặt Chúa và hội thánh

Đối với những người tin Chúa, làm lễ cưới trong nhà thờ, theo nghi thức của hội thánh hay giáo hội, không chung thủy với người bạn đời còn có nghĩa là bội lời giao ước trước mặt Chúa và hội thánh của Ngài. Trong lễ cưới của người tin Chúa, cô dâu chú rể đứng trước mặt hội thánh và nhân danh Ba Ngôi Đức Chúa Trời khi trao đổi lời cam kết yêu nhau và hứa nguyện sống với nhau đến trọn đời. Vì thế, khi người tin Chúa phản bội người bạn đời là đã không giữ vẹn lời hứa nguyện trước mặt Chúa. Và vì có sự chứng kiến của hội thánh nên người đó cũng đã bội lời hứa nguyện trước mặt hội thánh của Chúa. Trong Lê-vi ký 19:12, Lời Chúa dạy: "Các ngươi chớ chỉ Danh ta mà thề dối, vì ngươi làm ô Danh của Đức Chúa Trời mình: Ta là Chúa Hằng Hữu." Phục truyền 23:21 thì ghi: "Khi ngươi hứa nguyện cùng Đức Chúa Trời ngươi thì chớ trì hưỡn làm cho xong; vì Đức Chúa Trời ngươi hẳn sẽ đòi sự hoàn nguyện ấy; bằng chẳng làm cho xong, ngươi sẽ mang lấy tội." Sách Truyền Đạo cũng dạy một lời tương tự: "Khi ngươi khấn hứa sự gì với Đức Chúa Trời, chớ chậm mà hoàn nguyện; vì Ngài chẳng vui thích kẻ dại; vậy khá trả điều gì ngươi hứa. Thà đừng khấn hứa, hơn là khấn hứa mà lại không trả" (5:4-5). Các câu Kinh Thánh này nói về việc hứa nguyện với Chúa mà không giữ lời. Nếu chúng ta nhân danh Chúa hứa nguyện với người mà không giữ lời hứa, là chúng ta cũng phạm tội với người và với Chúa.

Trong Thánh Kinh Tân Ước, sứ đồ Phao-lô cho biết, "trái lời giao ước," "bội bạc" và "lường thầy phản bạn" là những tội sẽ lan tràn trong xã hội trong thời cuối cùng, khi Chúa Giê-xu sắp trở lại. Ông viết như sau: "Họ đầy dẫy mọi sự không công bình, độc ác, tham lam, hung dữ, ... trái lời giao ước, không có tình nghĩa tự nhiên, không có lòng thương xót" (Rô-ma 1:29, 31). Trong một lá thư khác, Phao-lô viết: "Hãy biết rằng trong ngày sau rốt sẽ có những thời kỳ khó khăn, vì người ta đều tư kỷ, ... bội bạc, ... lường thầy phản bạn, ..." (II Ti-mô-thê 3:1-3). Những chữ "trái lời giao ước," "bội bạc" và "lường thầy phản bạn" trong bản Kinh Thánh Công Giáo dịch là "không giữ lời hứa," "vô ân bạc nghĩa" và "phản trắc." Tất cả những từ này đều chỉ về việc hứa mà không giữ lời, không chung thủy, không trung tín, phản bội người mà mình có trách nhiệm phải trung tín, trung thành. Đây chính là những điều người phạm tội ngoại tình vấp phải. Tóm lại, chúng ta có thể nói, người nào không chung thủy nhưng phản bội tình yêu của vợ hay chồng là phạm tội với Chúa và với người bạn đời của mình.

Trong mối quan hệ giữa người với người, chữ tín là điều vô cùng quan trọng. Khi một người thất tín và không giữ lời đã hứa, nhất là lời hứa hệ trọng nhất trong đời, với người mình gần gũi, yêu thương hơn hết; người đó sẽ mất lòng tin cậy của người chung quanh. Dù ngày nay nhiều người sống theo cái tôi ích kỷ, không chung thủy với người bạn đời, không xem việc phản bội vợ/chồng là điều nghiêm trọng, nhưng tiêu chuẩn của Chúa và của Lời Chúa không bao giờ thay đổi. Có người khi thay lòng đổi dạ, không chung thủy với người bạn đời thì biện minh cho việc làm của mình bằng những lý luận như: lúc đó tôi bị cha mẹ ép buộc, khi lấy vợ lấy chồng tôi chưa đủ khôn ngoan, chưa trưởng thành, bây giờ tôi mới tìm được tình yêu mà tôi mơ ước, hay bây giờ tôi mới gặp được người tôi thật sự yêu thương, v.v... Dù biện minh như thế nào, ngoại tình vẫn là tội trước mặt Chúa. Nếu chúng ta bội lời giao ước với Chúa và với người, chúng ta sẽ phải nhận chịu hậu quả việc mình làm. Lời Chúa cảnh cáo: "Chớ hề dối mình, Đức Chúa Trời không chịu khinh dể đâu; vì ai gieo giống chi lại gặt giống ấy" (Ga-la-ti 6:7).

Minh Nguyên

Chương Trình Phát Thanh Tin Lành