Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 10 | Bài 12 >> | Hướng Dẫn

Bài 11

Rượu (tiếp theo)

Khi thấy con tập tành uống bia, uống rượu, hút thuốc hoặc thử những thứ nguy hiểm khác như cần sa ma túy, chúng ta thường đặt câu hỏi: Tại sao mình không bao giờ dạy mà con mình lại muốn tập tành những điều không tốt như thế? Có nhiều lý do khiến những đứa con của chúng ta trong tuổi thiếu niên muốn làm những điều của người lớn, là những điều cha mẹ không những không dạy mà còn ngăn cấm nữa. Những lý do đó là:

1. Vì muốn bắt chước người lớn

Sở dĩ con em chúng ta tập tành những điều không tốt, lý do đầu tiên là vì các em đã nhìn thấy những điều đó nơi người lớn, nhất là nơi cha mẹ và bây giờ các em muốn thử cho biết. Nếu quý vị thường hút thuốc, uống rượu, uống bia thì không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy con em quý vị cũng bước vào con đường đó. Sống trong gia đình, nếu từ nhỏ đến lớn, con em chúng ta quen nhìn thấy cha mẹ hút thuốc, uống rượu, uống bia; quen ngửi mùi rượu, mùi thuốc lá khi lớn lên các em sẽ thấy những điều đó là bình thường. Dù cha mẹ cảnh cáo hay ngăn cấm, các em vẫn muốn thử cho biết. Các em cũng nghĩ rằng cha mẹ làm được thì mình cũng làm được.

Điều mà ai cũng phải công nhận là con cái chịu ảnh hưởng của cha mẹ rất nhiều. Cha mẹ ăn gì, uống gì, con cái cũng sẽ thích ăn uống những món đó. Cha mẹ đọc sách gì, xem ti-vi gì, nói năng như thế nào, con cái lớn lên cũng sẽ đọc những sách đó, xem những phim đó và nói năng giống như cha mẹ vậy. Vì lý do đó chúng ta phải làm gương cho con, không chỉ bằng lời nói nhưng phải làm gương cho con bằng việc làm.

Để con cái lớn lên tránh được những thói hư tật xấu trong đời sống của người không biết Chúa, cha mẹ phải sống theo lời khuyên sau đây của sứ đồ Phao-lô: Anh em hoặc ăn, hoặc uống hay là làm sự chi khác hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm. Đừng làm gương xấu cho người Giu-đa, người Hy-lạp hay là Hội Thánh Đức Chúa Trời. Hãy như tôi, gắng sức đẹp lòng mọi người trong mọi việc, chẳng tìm ích lợi riêng cho mình, nhưng cho phần nhiều người, để họ được cứu (ICô-rinh-tô 10:31-33)

Nếu đối với người chung quanh và Hội Thánh của Chúa chúng ta phải cẩn thận trong cách sống để làm gương tốt và cứu được nhiều người, thì đối với con cái trong gia đình chúng ta lại càng phải cẩn thận hơn nữa trong cách ăn uống, cũng như trọng mọi việc khác để không vô tình đẩy con em chúng ta vào con đường tội lỗi.

2. Vì ảnh hưởng của bạn bè

Có những em cha mẹ không uống rượu, hút thuốc nhưng các em lại tập tành những tật xấu đó vì ảnh hưởng của bạn bè. Nếu không được cha mẹ gần gũi, yêu thương, chấp nhận, con em chúng ta sẽ đi theo bạn, quý bạn và cần bạn. Các em sẽ làm bất cứ điều gì để được bạn chấp nhận. Nếu bạn uống rượu, hút thuốc các em sẽ không ngại cãi lời cha mẹ để cũng uống rượu, hút thuốc như bạn. Chúng ta đều biết Lời Chúa cảnh cáo: Anh em chớ mắc lừa: bạn bè xấu làm hư thói nết tốt (I Cô-rinh-tô 15:33). Để giúp cho con cái tránh được ảnh hưởng của bạn bè xấu, là cha mẹ, chúng ta cần gần con, yêu thương và chấp nhận con, thông cảm với con để con không xem bạn quá quan trọng. Nếu trong gia đình có một không khí yêu thương, thoải mái, con em chúng ta sẽ không cần bạn và không bị áp lực của bạn quá nhiều đến nỗi bắt chước bạn làm những điều sai quấy.

3. Vì mặc cảm hoặc buồn nản cảm thấy chán đời

Có khi con em chúng ta thử uống rượu, bia, thử hút thuốc vì các em cảm thấy buồn nản chán đời, các em muốn tìm đến những thú vui đó để quên đi những lo buồn của đời sống. Có thể là các em không xinh đẹp, không học giỏi như những anh chị em khác trong gia đình nên bị cha mẹ bỏ quên. Có thể các em mặc cảm vì không có những tài năng đặc biệt như bạn cùng lứa. Cũng có thể là vì trong gia đình cha mẹ không thuận hòa, hoặc gia đình nghèo thiếu, gặp hoạn nạn, ốm đau, cuộc sống hầu như tuyệt vọng, vô định, không tương lai. Trong trường hợp này, con em chúng ta cũng có thể tìm đến rượu, bia, thuốc lá hay cần sa ma túy để quên đi thực tại đau buồn.

Để tránh trường hợp này, các bậc phụ huynh cần lo cho con được đầy đủ những điều cần yếu trong đời sống để các em không mặc cảm với bạn bè mà sinh ra chán đời. Chúng ta cũng cần phải công bình, không thiên vị trong cách đối xử với con cái, đừng chỉ yêu thương, khen ngợi đứa này mà bỏ quên đứa kia. Không những thế, chúng ta cần để ý yêu thương những đứa con yếu đuối, chậm chạp hay kém may mắn hơn những đứa khác để những em đó không thấy bị cha mẹ bỏ quên mà sinh ra buồn chán.

Nếu gia đình gặp cảnh nghèo thiếu hay gặp hoạn nạn, đau ốm, là người tin Chúa, chúng ta không nên than van, lo lắng, nhưng bày tỏ lòng tin cậy nơi Chúa. Chúng ta cần cho con thấy đức tin của mình nơi Chúa và giải thích cho con biết về sự dẫn dắt và tiếp trợ của Ngài. Đức tin mạnh mẽ và lòng nhờ cậy nơi Chúa sẽ giúp đời sống gia đình vui thỏa và giúp con em chúng ta tránh những tư tưởng bi quan về cuộc sống.

Thánh Kinh cho biết: Niềm tin kính và sự thỏa lòng ấy là mối lợi lớn Nếu con em chúng ta sống trong đời sống đạo đức và thỏa lòng trong tình yêu của Chúa, thỏa lòng với những điều Chúa ban cho mình, các em sẽ cần phải tìm đến những điều không tốt của trần gian để thỏa mãn sự khao khát trong tâm hồn, cũng không phải tìm đến rượu, thuốc lá để trốn chạy thực tại.

4. Vì các em muốn bày tỏ sự phản loạn đối với cha mẹ

Đây là trường hợp thường xảy ra trong những gia đình qiàu có, quyền thế, danh tiếng, cha mẹ sợ con làm điều sằng bậy mang tiếng xấu cho gia đình. Cũng có khi điều này xảy ra cho những gia đình không giàu nhưng có nề nếp, hoặc những cha mẹ quá nghiêm khắc với con để giữ danh tiếng cho gia đình. Nếu con cái bị gò bó áp chế để giữ thể diện cho cha mẹ, các em sẽ làm điều xằng bậy để tỏ lòng phản loạn đối với cha mẹ và cho người ngoài nhìn thấy sự thật về gia đình mình.

Nếu gia đình chúng ta chỉ tốt đẹp bên ngoài, còn bên trong thiếu sự ngay thẳng, chân thật và yêu thương. Con cái trong gia đình thấy rõ điều đó và khi có cơ hội, các em sẽ bày tỏ sự phản loạn đối với cha mẹ bằng cách làm những điều sai quấy, tội lỗi xấu xa để người chung quanh chê cười, cha mẹ phải xấu hổ và đau lòng.

Một lần nữa, chúng ta lại thấy cha mẹ là người có thể giúp con cái tránh khỏi con đường nguy hại và hư hỏng của thế gian. Nếu chúng ta sống với con cái trong yêu thương, thành thật, không giả dối, không áp chế con, con chúng ta sẽ không có mầm mống phản loạn và sẽ không cố tình đi vào con đường tội lỗi để chống lại cha mẹ hay làm cho cha mẹ phải xấu hổ.

Sứ đồ Phao-lô khuyên: Hỡi kẻ làm cha, chớ hề chọc giận con cái mình, e chúng nó ngã lòng chăng. Hỡi các người làm cha, chớ chọc cho con cái mình giận dữ, hãy dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng chúng nó. Khi cha mẹ áp đảo con quá đáng, con cái sẽ cảm thấy uất ức, nản lòng, dần dần đi đến chỗ phản loạn, cố tình làm ngược lại những điều cha mẹ dạy bảo để cho cha mẹ phải lo lắng và xấu hổ.

5. Vì các em muốn tự hủy hoại thân thể

Nhiều khi con em chúng ta vì một nguyên nhân sâu xa nào đó, đâm ra chán đời, chán ghét chính mình và muốn làm những điều tai hại để hủy hoại thân thể. Trong trường hợp này các em bất cần tất cả, các em muốn uống rượu, hút thuốc hay dùng cần sa ma túy để làm hại thân thể và tâm trí của mình. Đây là trường hợp rất nguy hiểm mà cha mẹ phải tìm mọi cách để giúp con.

Nếu chúng ta chỉ la mắng, đánh đòn và cấm đoán, chúng ta không thể giải quyết vấn đề tận gốc rễ. Các em sẽ không thật sự bỏ thuốc bỏ rượu nhưng chỉ tránh hút thuốc uống rượu trước mặt cha mẹ mà thôi. Nếu muốn cất bỏ những điều tai hại đó ra khỏi con, chúng ta phải thay thế bằng những điều khác tốt hơn và có ý nghĩa hơn đối với con.

Thưa quý vị, với sự mở cửa của thị trường kinh tế, tiền bạc, tiện nghi vật chất đã tràn vào nước ta. Đời sống của một số người tại thành thị có vẻ như sáng sủa hơn. Tuy nhiên, cùng với sự tự do mua bán và những tiện nghi của đời sống là những tệ trạng của xã hội và những cám dỗ khiến ta đánh mất giá trị của tình người và tình gia đình.

Hơn bao giờ hết, chúng ta cần củng cố nền tảng gia đình để chống lại sự tấn công của cám dỗ, tham lam, tội lỗi và đồng tiền. Nếu quý vị được Chúa ban cho con cái, quý vị hãy xem việc dạy dỗ con trong đường lối của Chúa là ưu tiên hàng đầu, là trách nhiệm quan trọng nhất của cuộc đời. Nếu con của quý vị còn nhỏ, còn trong lứa tuổi có thể uốn nắn được, xin quý vị hãy dành thì giờ cho con. Hãy ở bên con, hướng dẫn con nhận biết Chúa và dạy con tiêu chuẩn sống trong Lời Chúa. Trách nhiệm quan trọng nhất của cha mẹ không phải là đi làm để mua sắm cho con những gì chúng muốn, cũng không phải là đi làm để dành tiền để mai mốt con không bị thiếu thốn, đói khổ. Trách nhiệm quan trọng nhất của cha mẹ là nuôi dạy con thế nào để đào tạo một thế hệ nối tiếp biết kính yêu Chúa và sống cho Chúa (còn tiếp).

Minh Nguyên

Chương Trình Phát Thanh Tin Lành