Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 11 | Bài 13 >> | Hướng Dẫn

Bài 12

Rượu (tiếp theo)

Năm 1985, gia đình ông bà Sơn được định cư ở Mỹ sau những tháng dài chờ đợi trong trại tị nạn. Khi đặt chân đến miền Nam Ca-li, ông bà và ba con, lúc đó khoảng 10 đến 14 tuổi, vui vẻ hăng hái bắt đầu xây dựng cuộc đời mới. Vì không thể trở vào đại học để học một ngành chuyên môn, ông bà Sơn phải chấp nhận làm assembler trong một hãng kỹ nghệ. Tuy đồng lương không cao lắm nhưng gia đình cũng đủ sống. Ông bà thường nói với nhau: Cuộc đời mình kể như đã xong, bây giờ chỉ sống cho con, cố gắng đi làm nuôi con ăn học để mấy đứa nó có một tương lai tươi sáng. Hằng ngày ông bà Sơn lo đi làm để cung cấp cho con đầy đủ cơm ăn áo mặc, để con có thì giờ, tâm trí rảnh rang lo việc học hành. Ông bà sung sướng nghĩ đến một ngày mai tươi sáng, khi các con học xong, có việc làm tốt và có thể tự lo tự lập. Giấc mơ của ông bà tuy bình thường và đơn giản nhưng bị nhiều điều đe dọa mà ông bà không biết. Một ngày nọ, ông Sơn thật đau lòng khi khám phá ra là đứa con trai 18 tuổi của ông đã tập tành uống rượu hơn một năm nay. Nan đề này bắt đầu sau mấy lần con ông đi dự tiệc sinh nhật ở nhà bạn. Sau đó em tiếp tục nói dối cha và lấy trộm tiền của mẹ để mua rượu uống. Vì quá bận rộn và quá tin cậy con, ông bà Sơn đã không nhìn thấy những thay đổi nơi con. Bây giờ ông bà thấy như tất cả hy vọng và ước mơ của mình đã sụp đổ.

Trường hợp của gia đình ông bà Sơn không phải là một trường hợp đơn lẻ đặc biệt, vì có biết bao nhiêu bậc cha mẹ khác cũng đang trải qua kinh nghiệm tương tự. Trong trường hợp này chúng ta phải làm gì? Nên làm gì để giúp con và giúp chính chúng ta nữa?

Trước hết chia xẻ những điều cha mẹ nên làm hoặc nên tránh khi biết con cái uống rượu, chúng tôi xin kể ra một số dấu hiệu cụ thể mà chúng ta có thể nhìn vào để biết con em của mình có đang bị ảnh hưởng của rượu, cần sa ma túy hay các loại độc dược khác hay không.

1. Về phương diện thể xác: Người lúc nào cũng mệt mỏi, uể oải, hay than là không khoẻ, mắt đỏ và lờ đờ, hay ho húng hắng, ăn uống thất thường.

2. Về tinh thần: Tính tình thay đổi, dễ nổi giận bất ngờ, có những hành động sai quấy, thiếu tự tin, chán nản, bi quan. Không thích làm gì cả. Học bị sụt điểm, hay trốn học, vi phạm kỷ luật nhà trường.

3. Trong quan hệ với người chung quanh: Tránh người thân và bạn bè cũ. kết bạn với những người không tốt: không lo học, hay trốn học, không tôn trọng thẩm quyền cha mẹ, thích làm điều phạm pháp. Cách ăn mặc và kiểu tóc cũng thay đổi, có vẻ kỳ lạ hơn những em khác.

Trong quyển sách tựa đề: Cẩm nang Khải Đạo Tuổi Trẻ, Mục sư Josh McDowell nêu ra một số những ảnh hưởng hay phản ứng ta có thể nhìn thấy nơi những người uống rượu. Dựa vào những phản ứng này, chúng ta có thể biết con em của mình có uống rượu hay không.

Phản ứng 1: Lo lắng, sợ hãi

Người ghiền rượu thường xuyên cảm thấy đau đớn trong thân thể lẫn tinh thần. Lúc nào cũng lo lắng, sợ hãi. Sợ mình sẽ trở thành mất trí hay điên loạn, không kiểm soát được chính mình nữa. Trong tâm trí người đó luôn cảm thấy như có đám mây đen trên đầu, sẵn sàng chụp phủ lên cuộc đời mình.

Phản ứng 2: Bấn loạn tinh thần

Khi có men rượu thấm vào người, tinh thần chúng ta sẽ bị ảnh hưởng. Nếu con chúng ta vốn thông minh, học giỏi, khi uống rượu sẽ không thể chú ý vào bài vở. Không thể tập trung tư tưởng để tiếp thu hay suy luận điều gì. Dấu hiệu rõ ràng nhất là các em hay quên. Quên những con số, quên ngày tháng, tên tuổi, quên luôn những giờ hẹn với người khác. Có khi các em sống qua một ngày hay vài giờ mà không nhớ mình đã làm gì trong ngày đó hay giờ đó.

Phản ứng 3: Không làm chủ chính mình

Đây là điều hiển nhiên và dễ thấy hơn cả. Khi con em chúng ta cần rượu hay đã uống rượu, các em không làm chủ được lời nói và hành động của mình. Đây là điều nguy hiểm cho các em và người chung quanh, vì những lời nói và hành động đó thường gây tai hại lớn lao.

Phản ứng 4: Chán nản

Những người ghiền rượu thường cảm thấy buồn nản, chán chường, tuyệt vọng. Có khi người đó cảm thấy như tinh thần tê liệt, không còn cảm xúc, cũng không còn nghị lực để phấn đấu, không còn ý chí để làm điều mình biết là phải và cần làm. Đây là một trong những lý do chính khiến người ghiền rượu khó có thể bỏ rượu. Dù biết mình nên bỏ rượu nhưng không có đủ sức mạnh để tránh xa rượu. Và sau khi uống thêm rượu vào, người đó càng thấy buồn bã chán nản hơn nữa, vì biết mình đã không thắng được chính mình.

Phản ứng 5: Thấy chán ghét chính mình

Người ghiền rượu biết rõ nhược điểm của mình, biết mình đã làm điều không nên làm nhưng không thể sửa đổi được nữa. Vì lý do đó người ấy đâm ra chán ghét chính mình, cho rằng mình chẳng có giá trị gì nữa. Người đó cũng nghĩ rằng mọi người đã ruồng bỏ và khinh dể mình. Những cảm xúc và những suy nghĩ đó khiến người ấy càng chán nản và lại muốn uống thêm để tìm quên.

Phản ứng 6: Nhân cách thay đổi

Đây là điều chúng ta nhìn thấy dễ dàng. Người ghiền rượu vì bị ma men làm chủ nên tâm tính và nhân cách suy sụp. Không những quần áo lôi thôi, mặt mày ngờ nghệch, lời nói và hành vi cử chỉ cũng không đàng hoàng. Không những phái nam nhưng phái nữ cũng thế, không còn chú ý chăm sóc tóc tai, quần áo hay vẻ mặt của mình nữ

Phản ứng 7: Không nên người trưởng thành

Những em thiếu niên hay uống rượu mức độ trưởng thành bị đứng lại. Thân thể các em phát triển nhưng cá tính không phát triển. Các em dễ buồn nản, dễ nổi giận. Ai nói gì hay làm gì cũng có thể chạm tự ái của các em. Dù thêm tuổi, các em vẫn xử sự như một đứa trẻ.

Phản ứng 8: Mặc cảm tội lỗi và xấu hổ với mọi người

Trong trường hợp biết con có uống rượu, cha mẹ nên tránh đánh đòn hay la mắng ầm lên. Trái lại, chúng ta cần xử lý cách khôn ngoan. Trước hết chúng ta cần tìm biết tại sao con uống rượu? Có phải vì tò mò con muốn thử cho biết? Hay vì con bị bạn nài ép? Cũng có thể đó là một hành động để bày tỏ sự phản loạn hay để cha mẹ chú ý đến các em nhiều hơn? Cũng có thể vì một lý do sâu xa nào đó, con em chúng ta chán đời và trở thành bất cần, không muốn đặt mình vào kỷ luật nữa. Trước khi sửa dạy con, cha mẹ cần nhìn lại xem con hành động như thế vì lý do gì và có phải vì cha mẹ không?

Khi bị cha mẹ bắt gặp các em uống rượu hay hút thuốc, điều đầu tiên là các em sẽ chối. Nhiều khi chính cha mẹ không tin điều mình vừa khám phá nơi con, vì cha mẹ vẫn nghĩ con mình ngoan ngoãn, không giống như con của người khác. Vì thế nếu chúng ta bày tỏ phản ứng ngay, phản ứng đó thường là thiếu khôn ngoan. Trong trường hợp đó, chúng ta nên yên lặng theo dõi, và khi biết chắc hoặc có bằng chứng, chúng ta sẽ gặp riêng con, hỏi cho biết lý do tại sao con làm điều cha mẹ đã ngăn cấm.

Nếu cha mẹ không nóng giận nhưng bình tĩnh và bày tỏ lòng thương yêu, thông cảm, sẵn sàng giúp con đối diện với nan đề, các em sẽ thành thật chia xẻ với cha mẹ nan đề của mình. Lúc đó chúng ta có thể hướng dẫn chỉ dạy và giúp con ra khỏi nguy hiểm.

Trong trường hợp biết con của mình đã vướng vào chỗ nghiện ngập, chúng ta cần có những người chuyên môn về nan đề của thanh thiếu niên giúp đỡ. Có thể các em đang có chuyện buồn, đang chán đời vì gặp một thất bại nào đó, hoặc đang tuyệt vọng vì gặp một nan đề không lối thoát, v.v... Vì nguyên nhân của nan đề sâu xa và trầm trọng hơn, chúng ta cần nhờ những bác sĩ hoặc những người chuyên môn giúp đỡ. Điều quan trọng là chúng ta phải có đời sống gương mẫu cho con noi theo, và khi con gặp nan đề chúng ta không ghét bỏ, chê trách nhưng vẫn yêu thương và hết lòng giúp con ra khỏi khó khăn (còn tiếp).

Minh Nguyên

Chương Trình Phát Thanh Tin Lành