Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 9 | Bài 11 >> | Hướng Dẫn

Bài 10

Dung Thứ Mọi Sự

Xuân Diệu nhiều năm trước đã nói: Làm sao cắt nghĩa được tình yêu! Tình yêu là phần quan trọng và cần thiết trong đời sống, không ai sống mà không cần đến tình yêu; nhưng chúng ta phải đồng ý là tình yêu thật khó định nghĩa, khó giải thích và lắm khi cũng khó hiểu nữa. Nhưng cảm tạ Chúa, qua sứ đồ Phao-lô, Chúa đã cho chúng ta biết tình yêu là gì và tình yêu có những đặc điểm gì. Đây không phải là loại tình yêu bồng bột nhất thời, cũng không phải là tình yêu lãng mạn vì tài nghệ vì nhan sắc bên ngoài nhưng là tình yêu của người trưởng thành, là người đã tiếp nhận tình yêu của Chúa và đã kinh nghiệm tình yêu của Ngài.

Để định nghĩa tình yêu, thánh Phao-lô viết: Dầu tôi nói được các thứ tiếng loài người và thiên sứ, nếu không có tình yêu thương, thì tôi chỉ như đồng kêu lên hay là chập chõa vang tiếng. Dầu tôi được ơn nói tiên tri, cùng biết đủ các sự mầu nhiệm cùng mọi sự hay biết, dầu tôi có cả đức tin đến nỗi dời núi được, nhưng không có tình yêu thương thì tôi chẳng ra gì. Dầu tôi phân phát gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, lại bỏ thân mình để chịu đốt, song không có tình yêu thương thì điều đó chẳng ích chi cho tôi.

Và sứ đồ Phao-lô định nghĩa tình yêu như sau:

Tình yêu hay nhẫn nại, nhân từ; tình yêu chẳng ghen tị, khoe mình hay kiêu căng. Tình yêu không khiếm nhã, không vị kỷ, không nhạy giận, không chấp trách, không vui về việc bất công nhưng hân hoan trong sự thật. Tình yêu khoan dung tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Tình yêu trường tồn bất diệt (I Cô-rinh-tô 13:1-8a).

Đây cũng là đặc điểm của những người có tình yêu thật và sống với nhau bằng tình yêu thật. Trong các câu chuyện gia đình gần đây, chúng tôi đã chia xẻ với quý vị ý nghĩa từng đặc điểm của tình yêu mà Thánh Kinh mô tả, từ đặc điểm thứ nhất đến đặc điểm thứ mười. Hôm nay chúng tôi xin nói đến đặc điểm thứ mười một của người có tình yêu thật. Đó là, người có tình yêu thật dung thứ, khoan dung tất cả lỗi lầm của người khác, nhất là lỗi lầm của người mình yêu thương.

Trong đời sống hằng ngày, phải công nhận rằng những người chúng ta thương yêu nhất, ở gần chúng ta nhiều nhất, là những người dễ có lời nói hay hành động khiến chúng ta bị tổn thương hơn cả. Theo Lời dạy của Chúa, nếu chúng ta thật lòng yêu thương những người đó, chúng ta phải tha thứ lỗi lầm của họ. Đây là điều thật là khó. Có một bà vợ kia, khi nghe câu Thánh Kinh này thì phản ứng ngay. Bà nói: Làm sao tôi có thể tha thứ cho ông chồng tôi tất cả những đau buồn ổng đã gây ra cho tôi! Chúng ta thông cảm với người vợ này, có lẽ chồng bà là người không có tình yêu thật đối với vợ nên đã làm những điều khiến bà đau khổ quá nhiều.

Khi dạy về mối quan hệ giữa người với người, Chúa luôn luôn nói đến vấn đề hỗ tương, nghĩa là người này phải nghĩ đến người kia và cả hai đều sẵn sàng cư xử tốt đẹp với nhau. Chẳng hạn Chúa dạy chúng ta phải yêu thương nhau, nhường nhịn nhau, phục vụ nhau, tha thứ cho nhau, v.v... Tình yêu phải có hai chiều mới là tình yêu đúng ý nghĩa của nó. Tuy nhiên, ta không chờ người kia làm theo Lời Chúa dạy rồi ta mới cư xử với họ theo mẫu mực của Chúa. Trái lại, chúng ta cứ vững tâm thực hành Lời Chúa dạy trước rồi Chúa sẽ cảm hóa lòng người kia và họ sẽ nhìn thấy khuyết điểm của mình mà sửa đổi.

Thật ra, khi Thánh Kinh dạy: tình yêu tha thứ tất cả, không có nghĩa là vì yêu thương chúng ta chấp nhận hay dung dưỡng tất cả tội lỗi của người mình yêu thương. Chúng ta không dung dưỡng tội lỗi nhưng chúng ta có lòng khoan dung đối với người có tội. Đây cũng là cách Đức Chúa Trời đối xử với con người. Chúa không chấp nhận tội, nhưng Ngài yêu thương người có tội và cho người có tội cơ hội ăn năn, sửa lại lỗi lầm của mình. Có lẽ một số quý vị đang buồn giận hay bực tức vì người quý vị yêu thương đã làm những điều gây đau khổ cho quý vị. Theo Lời Chúa dạy, nếu chúng ta thật sự thương người đó, chúng ta phải dung thứ lỗi lầm của người đó. Đừng nuôi hận thù cũng đừng gây đau khổ lại cho người đó nhưng hãy cứ đối xử tử tế yêu thương. Chúa là Đấng công bình, Ngài sẽ bênh vực và đền bù cho chúng ta.

Trong bản dịch của Linh mục Nguyễn Thế Thuấn, chữ "tha thứ" trong câu Thánh Kinh này dịch là bao dung: "Lòng mến hết lòng bao dung." Chữ "bao dung" nói lên đúng ý nghĩa của câu này. Khi có tình yêu thật, chúng ta không những tha thứ người có lỗi nhưng còn bảo vệ người đó, tức là làm thế nào để người khác không nghe, không biết về lỗi lầm của người đó. Trong một lá thư gởi cho tín hữu, sứ đồ Phi-e-rơ viết: Trước hết, anh em hãy hết tình yêu thương nhau, vì lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi (I Phi-e-rơ 4:8). Chúng ta cần tha thứ lỗi lầm của người khác và cũng cần có lòng bao dung đối với người đó để che phủ những điều người đó đã làm.

Có bà vợ kia, tính tình hiền hòa, ít khi nào nổi giận với chồng con nhưng một ngày kia, bà nhận được tin buồn của gia đình ở quê nhà, quá đau đớn trước tin buồn đó, người vợ này ngồi than khóc, ân hận vì bao nhiêu lần định về Việt Nam thăm nhà nhưng chưa bao giờ đi được. Ngay lúc đó ông chồng đến nói vài lời an ủi, nhưng nói không khéo. Bà vợ giận quá nói: Tại vì anh không còn bà con nào ở VN nên anh chẳng bao giờ muốn cho em về, anh ích kỷ lắm mà anh đâu có biết. Vài ngày sau, khi bình tĩnh lại bà vợ kia xin lỗi chồng vì đã nói những lời không nên nói. Ông chồng cũng xin lỗi vợ vì đã không sắp xếp cho vợ có dịp về thăm gia đình. Hai vợ chồng tha thứ cho nhau và không ai đem chuyện đó nói cho người ngoài biết. Đó là đôi vợ chồng có tình yêu thật đối với nhau.

Chúng ta thường nghe câu: Tốt khoe xấu che. Nếu vợ chồng thật yêu thương nhau, chúng ta không bao giờ đem cái xấu, cái lỗi lầm của nhau nói cho người khác biết. Trước hết, khi thật sự yêu thương ai, chúng ta sẽ quý trọng người đó, vì quý trọng chúng ta không muốn ai chê cười người mình yêu thương. Thứ hai, vợ với chồng không phải là hai nữa nhưng là một. Vì vậy khi người này bị chê cười, người kia cũng bị tổn thương. Vì lý do đó vợ chồng yêu thương nhau sẽ che phủ, bao dung lỗi lầm của nhau chứ không đem rao cho mọi người biết.

Có những trường hợp mà nếu chúng ta không nói ra lỗi của vợ hay chồng mình, chính chúng ta sẽ bị thiệt hại, vì người chung quanh có thể hiểu lầm, nghĩ rằng chúng ta là mới người có lỗi. Đây là những trường hợp thật khó cho chúng ta che phủ hay bao dung lỗi lầm của người khác. Chẳng hạn như khi con cái làm làm lỗi hay hư hỏng, người chung quanh có thể nghĩ đó là vì cha mẹ không dành thì giờ dạy dỗ con. Hoặc trong trường hợp người chồng ngoại tình người ta có thể nghĩ đó là vì người vợ không tròn bổn phận với chồng. Khi người vợ hay buồn phiền than van, không thỏa vui trong vai trò người vợ, có thể có người nghĩ rằng đó là vì ông chồng không tế nhị trong cách cư xử, hoặc không yêu thương chiều chuộng vợ. Trong những trường hợp đó, nếu chúng ta vì tình yêu thương, hết lòng vâng theo Lời Chúa dạy, không rêu rao lỗi lầm của người mình thương, Chúa sẽ làm sáng tỏ vấn đề, Ngài bênh vực cho chúng ta và rồi một ngày kia mọi người sẽ rõ chúng ta là người như thế nào.

Người có tình yêu thương thật không vạch áo cho người xem lưng, không đem chuyện trong nhà ra rao cho người khác biết, nhất là những người không can dự, cũng không liên hệ gì đến vấn đề của gia đình chúng ta. Người có tình yêu thật không rêu rao những thất bại, những yếu đuối hay vấp váp của người mình yêu thương. Có nhiều người khi vợ hay chồng đi chơi với bạn hay về thăm cha mẹ là trong lòng lo lắng không yên, nhiều khi còn sợ nữa, sợ rằng người đó sẽ đem kể những chuyện không hay của mình cho bạn bè hay gia đình biết. Nếu vợ chồng sống với nhau bằng tình yêu thật, như Thánh Kinh mô tả, chúng ta sẽ không có gì phải lo sợ. Khi chúng ta có mặt cũng như khi vắng mặt, người phối ngẫu sẽ không đem khuyết điểm hay lỗi lầm của chúng ta ra nói với người khác. Thánh Kinh dạy: Quyết chẳng có điều sợ hãi trong tình yêu thương, nhưng tình yêu thương trọn vẹn thì cắt bỏ sự sợ hãi. Một bản Kinh Thánh khác dịch câu này là: Tình yêu không biết đến sợ hãi, trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi (I Giăng 4:18).

Để kết thúc câu chuyện gia đình hôm nay, chúng tôi xin trích lời một vị mục sư nói về đặc điểm bao dung tất cả của người có tình yêu thật như sau:

Tình yêu của Chúa là tình yêu giúp ta bảo vệ và che chở người mình yêu. Nếu ta nói cho người khác biết người ta yêu đã thất bại nặng nề như thế nào, đã phạm tội với Chúa kinh khủng như thế nào, là chúng ta không có tình yêu thật. Nếu chúng ta không ngăn cản nhưng để cho người ta yêu phải bị nguy hiểm, xấu hổ, bị người khác chê cười chứng tỏ chúng ta là người không có tình yêu thương. Nếu chúng ta không đủ can đảm bảo vệ danh dự hay thể diện của người ta yêu thương khi người đó vắng mặt, tình yêu chúng ta đối với người đó không chân thật.

Người có tình yêu thật đối với vợ hay chồng mình sẽ sẵn sàng bênh vực người đó trước mặt người khác, sẽ không để cho ai nói điều gì gây tổn thương hay làm mất phẩm giá của người đó. Người vì tình yêu dung thứ mọi sự là người sẵn sàng bỏ qua những lỗi lầm nhỏ nhặt, những vụng về vấp váp của người mình thương. Sẵn sàng chấp nhận những điều bất tiện, những thiếu thoải mái nhỏ nhặt trong đời sống với lòng nhân từ, và cảm thông. Người có tình yêu thật sẽ tìm cái tốt của người mình thương để nói chứ không bao giờ nói lên cái xấu. Người có tình yêu thật chú ý và hy vọng những điều tích cực, lạc quan, không để ý đến những thất bại hay thất vọng nhỏ nhặt trong cuộc sống mà người kia vô tình gây ra cho mình.

Thưa quý vị, đó là tất cả ý nghĩa của câu: Tình yêu dung thứ mọi sự.

Minh Nguyên

Chương Trình Phát Thanh Tin Lành