Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 1 | Bài 3 >> | Hướng Dẫn

Bài 2

Tình yêu thương hay nhân từ, không ganh tị, không khoe khoang

Trong câu chuyện gia đình tuần trước, chúng tôi vừa bắt đầu loạt bài nói về tình yêu thật trong hôn nhân, và cũng từ hôm đó đến nay, chỉ trong vòng một tuần, chúng tôi đã nghe, chứng kiến hoặc được người khác kể lại cho thấy là có rất nhiều gia đình đang gặp khó khăn và có thể đi đến chỗ đổ vỡ! Chúng tôi thật là ngạc nhiên, không hiểu tại sao có chuyện như thế được. Hầu hết những đôi vợ chồng này đã đến với nhau bằng tình yêu và đã bắt đầu hôn nhân bằng một lễ cưới thật tưng bừng, với những lời hứa, những giấc mơ sáng ngời. Nhưng tình yêu đó, những lời hứa đó bây giờ không còn nữa, nói đúng ra là không ai muốn nhắc lại nữa.

Biết bao nhiêu đôi vợ chồng ngày nay cắn đắng nhau và nghĩ đến chuyện để bỏ nhau trước kia là những người yêu nhau rất nhiều nhưng tại sao tình yêu của họ không lâu bền? Câu trả lời là vì chúng ta yêu bằng tình yêu của con người bất toàn và yếu đuối. Tình yêu của chúng ta thấy vậy nhưng là tình yêu thiên nhiên, mong manh, mau tàn và mau thay đổi. Chỉ khi nào vợ chồng yêu thương nhau bằng tình yêu siêu nhiên, là tình yêu của Đức Chúa Trời, lúc ấy hôn nhân của chúng ta mới thật sự hạnh phúc và lâu bền. Tình yêu của Chúa hay tình yêu thật là tình yêu vị tha, vô điều kiện, tình yêu sáng suốt của lý trí, tình yêu đó không bao giờ chấm dứt, ngoại trừ khi cái chết đến kết thúc cuộc hôn nhân mà thôi.

Như chúng tôi đã chia xẻ trong câu chuyện gia đình kỳ trước, tình yêu của Chúa hay tình yêu thật, được Thánh Kinh mô tả với những đặc điểm rất rõ ràng như sau: "Tình yêu thương hay nhịn nhục, tình yêu thương hay nhân từ, tình yêu thương chẳng ganh tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo, chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ, chẳng vui về điều không công bình nhưng vui trong lẽ thật. Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự. Tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ."

Thưa quý vị, đó là 15 đặc điểm của tình yêu thật, được mô tả trong Thánh Kinh Tân Ước, trong chương thứ 13 của lá thư sứ đồ Phao-lô gởi cho các tín hữu tại thành Cô-rinh. Kỳ trước chúng tôi đã nói về đặc điểm đầu tiên của tình yêu thật đó là nhịn nhục. Đặc điểm kế tiếp của tình yêu thật là nhân từ.

2. Tình yêu thương hay nhân từ

Thật ra lòng nhân từ đi đôi với lòng nhịn nhục. Để vợ chồng có thể sống với nhau trong êm ấm, chúng ta không những phải nhịn nhau nhưng còn phải nhân từ với nhau. Người có lòng nhân từ là người cư xử tốt luôn luôn, ngay cả với người không tốt với mình. Có người nhịn nhục nhưng không nhân từ.

Ví dụ khi hai vợ chồng có điều bất đồng ý kiến hoặc có xung đột với nhau, người vợ hay người chồng nhịn, không nói, cũng không cãi lại, nhưng trong lòng phiền giận và cay đắng. Có người yên lặng không cãi, thấy như là nhịn nhục nhưng thật ra dùng sự yên lặng để trả thù hay làm khổ người kia. Đây không phải là cách cư xử của người nhân từ.

Nếu thật yêu thương nhau, khi một người lỡ có thái độ, hành động hay lời nói không đẹp với mình, chúng ta vẫn tiếp tục cư xử yêu thương và tử tế, đó mới đúng là nhân từ trong tình yêu. Người đem tình thương trả oán thù, lấy lời nhỏ nhẹ đáp lại lời xẳng xớm, và dù bị ngược đãi vẫn tiếp tục yêu thương, đó là người có lòng nhân. Người nhân từ sẵn sàng hy sinh, phục vụ để đem lại phúc lợi cho người khác, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Trong một gia đình mà vợ và chồng đều đối xử với nhau bằng lòng nhân từ, gia đình đó chắc chắn sẽ êm ấm và hạnh phúc. Vì khi có lòng nhân từ, chúng ta sẽ nghĩ đến nhu cầu của nhau và sẵn sàng giúp đỡ nhau. Khi bị rủa sả chúng ta vẫn chúc phước, khi bị người khác làm cho tổn hại hay tổn thương, chúng ta vẫn đưa tay ra giúp đỡ. Người nhân từ đối xử mềm mại với lòng thương xót trong mọi hoàn cảnh.

Có một ông chồng kia, tính tình ngay thẳng, thương vợ thương con nhưng hơi cứng rắn và khó tính. Mỗi lần ông bị bệnh là không ai có thể làm vừa lòng ông được. Dù người trong gia đình cố gắng hết sức chăm sóc ông nhưng vẫn bị ông trách điều này, chê điều kia. Dù ông khó tính như thế, bà vợ vẫn kiên nhẫn ở bên cạnh ông chăm sóc, lấy lời nhỏ nhẹ an ủi. Vì yêu thương chồng, bà không bực bội hay phiền giận về cách cư xử của chồng. Cũng vì thế, khi hết bệnh, người chồng luôn luôn biết ơn vợ đã đối xử nhân từ với ông. Càng lớn tuổi, người chồng này càng yêu quý và biết ơn vợ hơn.

Người có lòng nhân từ khi thấy vợ hay chồng lầm lỗi không lên án, không trách móc, nhưng thông cảm và sẵn sàng tha thứ. Có bà vợ kia, vì không cẩn thận nên đánh mất của chồng một số tiền khá lớn. Đây là số tiền ông chồng phải khó nhọc làm lụng và để dành sau nhiều năm mới tạo ra được. Khi nghe tin vợ làm mất tiền, ông chồng tiếc của nên rất đau lòng. Nhưng khi vợ đến xin lỗi và tỏ vẻ ân hận, hối tiếc một cách đau đớn, ông chồng thấy thương vợ quá nên không nỡ la mắng. Ông cũng không nói thêm một lời nào để cho vợ phải khổ tâm thêm. Đó thật là người nhân từ và biết xem tình người trọng hơn vật chất.

3. Lòng yêu thương không ganh tị

Chữ "ganh tị" nói lên một cảm xúc mạnh mẽ nhưng không tốt đẹp gì đối với người khác. Người hay ganh tị thường không vui khi thấy người khác thành công. Trái lại hay bực bội và không hài lòng khi thấy người khác hơn mình. Nhiều cặp vợ chồng thương nhau nhưng cứ ganh tị với nhau. Hễ vợ thấy chồng làm điều gì hơn mình thì không vui và muốn làm cho hơn nữa. Hoặc chồng thấy vợ có điều gì giỏi hơn mình thì tìm cách chèn ép hoặc phá phách. Có lẽ không nhiều thí ít, chúng ta cũng đã thấy những trường hợp như thế. Nếu vợ chồng sống với nhau trong tự ti mặc cảm và tinh thần ganh đua sẽ dễ sinh lòng ganh tị với nhau.

Thánh Kinh cho biết, người có tình thương thật sẽ không ganh tị. Không những thế, người đó còn nâng đỡ để người kia được thành công hơn, tiến bộ hơn. Vốn bản tính ích kỷ, chúng ta dễ ganh tị trước thành công của người khác. Nhiều đôi vợ chồng không hạnh phúc vì sống với nhau trong tinh thần ganh tị. Vì cùng chia xẻ với nhau một mái nhà, một đời sống, vợ chồng có nhiều cơ hội ganh tị với nhau. Chẳng hạn như khi người này thấy người kia được con cái yêu thương, kính trọng và gần gũi hơn mình. Khi một người được bà con, bạn bè khen hoặc tin cậy hơn. Những lúc đó người kia sẽ dễ bực bội vì ganh tị.

Có những ông chồng ganh với vợ vì vợ thành công ngoài đời hơn, làm ra nhiều tiền hơn, hoặc có những năng khiếu đặc biệt hơn. Có những bà vợ ganh tị với chồng khi thấy chồng có sức khỏe còm mình thì đau ốm hoài, hoặc buồn khi thấy chồng ăn ngủ được còn mình thì mất ăn mất ngủ, thấy chồng có gia đình anh chị em đông còn mình thì cô đơn. Những lúc ganh tị như thế chính chúng ta mất vui và không khí gia đình cũng vì thế mà trở thành tẻ nhạt, buồn bã.

Nếu vợ chồng thật sự yêu thương nhau, người này phải sung sướng khi thấy người kia có những khả năng hơn mình hay được Chúa ban cho những đặc ân mà mình không có. Khi yêu thương, chúng ta muốn người mình thương được sung sướng và hạnh phúc. Chúng ta sẵn sàng chia xẻ niềm vui và hãnh diện khi người đó thành công hay làm được những điều mà ta không làm được. Vợ chồng là một chứ không phải là hai cá nhân riêng biệt, vì thế một người thành công là cả hai thành công, một người được Chúa ban phước là cả hai đều được phước. Để tránh tình trạng ganh tị nhau, mỗi khi làm được điều gì, chúng ta nên kể đó là thành tích chung, là kết quả của cố gắng chung của hai người. Tránh đừng xem những thành quả đó là của riêng người nào.

4. Lòng yêu thương không khoe khoang

Để tránh ganh tị giữa hai vợ chồng, một trong những bí quyết là không khoe khoang nhưng khiêm nhường. Khi làm được điều gì hay, tốt hoặc khi thành công hơn người phối ngẫu, chúng ta cần tế nhị, đừng khoe tài của mình, nhất là đừng huênh hoang và chê vợ hay chồng mình không bằng mình. Không có gì khó chịu bằng ở bên cạnh người lúc nào cũng cho mình là hay hơn, giỏi hơn vợ hay chồng, việc gì cũng cho là mình biết nhiều hơn, tính toán hay hơn, v.v& Nếu chúng ta may mắn sinh trưởng trong gia đình khá giả hơn, có trình độ học vấn cao hơn, chúng ta không nên nhắc đi nhắc lại những điều đó ra khoe để khiến người kia sinh ra mặc cảm và đi đến chỗ ganh tị.

Người đã nhận được tình thương của Chúa thường thấy mình chẳng ra gì. Người đó cảm biết mình xấu xa, không xứng đáng với tình yêu của Chúa và người chung quanh. Người đó sống với lòng biết ơn Chúa và biết ơn người yêu thương mình, biết ơn người bạn đời của mình. Nếu làm được điều gì tốt đẹp, ích lợi cho vợ hay chồng, người ấy không khoe khoang hay huênh hoang tự đắc.

Có người không những khoe khoang những điều hay của mình mà còn khoe điều dở và hãnh diện với những điều đó. Có người thì cứ khoe rằng vợ hay chồng mình may mắn lắm mới lấy được mình. Đây thường là suy nghĩ của những anh chàng đẹp trai, nhà giàu, học giỏi. Là niềm tự đắc của những cô gái xinh đẹp, có nhiều người đeo đuổi.

Có người thì khoe khoang về tình yêu của mình đối với vợ hay chồng. Họ hay tuyên bố rằng trên đời này không ai tốt bằng mình, không ai yêu vợ hay yêu chồng như mình. Người thì lúc nào cũng nói rằng mình là người vợ người chồng gương mẫu nhất trên đời. "Người thật sự yêu thương chẳng bao giờ nghĩ việc mình yêu thương là điều phi thường. Yêu thương là giữ thái độ khiêm hạ, vì ý thức chẳng bao giờ tặng được cho người mình yêu thương một món quà hoàn toàn vừa ý" (còn tiếp)

Minh Nguyên

Chương Trình Phát Thanh Tin Lành