Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 2 | Bài 4 >> | Hướng Dẫn

Bài 3

Không Kiêu Ngạo

Quý vị lập gia đình đã được bao lâu rồi? 5 năm, 10 năm, 20, 30 năm, gần 40, 50 năm rồi hay mới chưa đầy một năm? Quý vị thấy những ngày tháng mình chung sống với nhau lâu hay mau? Nhẹ nhàng thoải mái hay nặng nề, cố gắng chịu đựng nhau cho qua ngày? Nếu bây giờ phải dùng một từ ngữ, một chữ thôi, để mô tả hôn nhân của quý vị thì quý vị sẽ dùng chữ gì? Vui vẻ, hạnh phúc, thỏa nguyện, ngọt ngào hay là quý vị phải lắc đầu và thành thật nhận rằng đời sống hôn nhân của mình dù bề ngoài trông có vẻ êm ấm, tốt đẹp nhưng bên trong thật là ê chề, đau đớn, đắng cay, đầy sóng gió và nước mắt?

Dù ngày nay người ta nói rằng tỷ lệ ly dị ở nước Mỹ đã dừng lại ở con số 50% chứ không tăng cao hơn, nhưng trong thực tế các nhà cố vấn hôn nhân cho biết, nếu mọi người có thể bỏ vợ bỏ chồng dễ dàng như các tài tử xi-nê, không sợ bà con bạn bè gièm chê, phê phán, cũng không sợ phiền hà, khó khăn cho con cái... thì số những đôi vợ chồng bỏ nhau có thể lên đến 80-90%. Nhiều đôi vợ chồng về mặt pháp lý họ không ly dị nhau, nhưng về mặt tinh thần, về phương diện tình cảm họ đã ly dị nhau lâu lắm rồi. Có thể lắm chính quý vị là người đang ở trong tình trạng chúng tôi vừa nêu.

Tại sao hôn nhân mà Thiên Chúa đã thiết lập cho con người, để mang lại hạnh phúc cho con người mà nó lại hóa ra như một ràng buộc, một mối nợ bất hạnh như thế? Trong nhiều cuộc hôn nhân, sợi tơ hồng êm ái, yêu thương đã trở thành như là dây xích sắt trói buộc hai con người bất hạnh. Tất cả chỉ vì chúng ta không đến với nhau, không sống với nhau và không ban cho nhau tình yêu thật. Chúng ta nói yêu nhau, hứa yêu nhau đến cuối cuộc đời nhưng lời hứa đó thường kèm theo một số điều kiện hay một số đòi hỏi nào đó. Và khi người phối ngẫu không đáp ứng được những điều ta đòi hỏi hay trông mong, chúng ta muốn bước ra khỏi ràng buộc đó để đi tìm một tình yêu khác.

Như chúng tôi có thưa với quý vị trong câu chuyện gia đình gần đây, chỉ khi nào chúng ta đến với nhau và sống với nhau bằng tình yêu chân thật, vô điều kiện, tình yêu siêu nhiên của Đức Chúa Trời, thì hôn nhân của chúng ta mới bền lâu.

Tình yêu thật rất quan trọng trong mối quan hệ của ta với người chung quanh, nhất là với người phối ngẫu. Và chỉ khi nào chúng ta sống với nhau bằng tình yêu đó, mọi việc chúng ta làm mới có ý nghĩa. Mời quý vị nghe lời thánh Phao-lô mô tả tầm quan trọng của tình yêu thật, mà Thánh Kinh đã ghi lại như sau: Phao-lô viết: "Dầu tôi nói được các thứ tiếng loài người và thiên sứ, nếu không có tình yêu thương thì tôi chỉ như đồng kêu lên hay là chập chõa vang tiếng. Dầu tôi được ơn nói tiên tri, cùng biết đủ các sự mầu nhiệm và mọi điều hay biết, dầu tôi có cả đức tin đến nỗi dời núi được, nhưng không có tình yêu thương thì tôi chẳng ra gì. Dầu tôi phân phát gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, lại bỏ thân mình để chịu đốt, song không có tình yêu thương thì điều đó chẳng ích chi cho tôi" (I Cô-rinh-tô 13:1-3).

Tương tự như lời thánh Phao-lô, áp dụng vào tình vợ chồng, chúng ta có thể nói: Dù tôi đi làm ngày đêm để có nhiều tiền đem về cho vợ con, hoặc cấp dưỡng cho gia đình đầy đủ vật chất nhưng tôi không có tình yêu thương thật, thì những gì tôi làm đều vô nghĩa. Hoặc: dù tôi chịu vất vả khó nhọc để chăm sóc cho chồng con miếng cơm manh áo nhưng nếu những điều tôi làm đó không phát xuất từ lòng yêu thương thì chẳng ích lợi gì cho ai. Nếu chúng ta hy sinh cho nhau, chiều nhau, nhường nhịn nhau vì một động cơ ích kỷ nào đó chứ không phải vì lòng yêu thương thật, đến lúc chúng ta sẽ chán nản, buồn giận, kể công, phàn nàn, cay đắng và không muốn làm gì cho ai nữa. Tình yêu thật cần thiết và quan trọng như thế nên chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta tình yêu đó.

Trong các câu chuyện gia đình kỳ trước, chúng tôi đã trình bày bốn đặc tính sau đây của tình yêu thương thật. Đó là nhịn nhục, nhân từ, chẳng ganh tị và không khoe khoang.

5. Lòng yêu thương không kiêu ngạo

Đặc tính thứ năm của tình yêu thật là không kiêu ngạo. Đi đôi với khoe khoang là kiêu ngạo. Người kiêu ngạo là người nghĩ về mình quá cao, cho mình là quan trọng và có giá trị hơn tất cả mọi người. Thật không gì khó chịu cho bằng phải sống suốt đời bên cạnh một người kiêu ngạo, vì người có tính kiêu ngạo luôn cho mình là hay mà không bao giờ thấy cái hay cái tốt nơi người phối ngẫu. Người đó không chấp nhận người khác bằng mình chứ đừng nói đến chuyện chấp nhận người khác hơn mình. Nhiều người đối với người ngoài rất nhún nhường, lịch sự nhưng trong gia đình rất là kiêu ngạo, xem vợ con hay chồng con không ra gì cả.

Một ông chồng kiêu ngạo sẽ không biết giúp đỡ vợ, không thể hạ mình xuống để phụ với vợ trong công việc nhà, lo cho con cái, ngay cả lúc vợ đau ốm, vì sợ làm như thế sẽ mất giá trị của mình đi. Tương tự như thế, một người vợ có tính kiêu ngạo sẽ không thể vâng lời Chúa mà vâng phục chồng như vâng phục Chúa, vì người đó sẽ cho rằng chồng không đáng cho mình tuân phục.

Có người kiêu ngạo một cách công khai, qua lời nói và hành động. Chẳng hạn như trường hợp những ông chồng chê vợ chậm chạp, vụng về, còn cho mình là tài giỏi, khéo léo. Mỗi khi vợ làm điều gì vừa ý thì không khen nhưng hễ có điều gì không vừa ý thì chê không tiếc lời. Có người thấy vợ hơi giỏi về phương diện nào, hay muốn làm điều gì một mình không nhờ đến chồng thì không bằng lòng và thách đố để vợ không dám làm nữa.

Cũng có những người kiêu ngạo một cách ngấm ngầm. Đây là trường hợp những người đàn bà học cao hơn chồng, có khả năng hơn chồng hoặc sinh trưởng trong gia đình khá giả hơn chồng. Vì thiếu tình yêu thật đối với chồng, những người vợ này xem thường chồng chứ không kính trọng chồng. Có thể họ không nói ra bằng lời nhưng trong lòng cho mình là người giá trị hơn và thường có thái độ thiếu lễ phép với chồng. Chẳng hạn như khi chăm sóc hay làm việc gì cho chồng thường không nói ngọt ngào, không có thái độ mềm mại dịu dàng, vì trong lòng cho rằng người chồng này không đáng cho mình phục vụ. Cả hai thái độ kiêu ngạo công khai hay kiêu ngạo ngấm ngầm đều không phù hợp với Lời Chúa dạy.

Thường thường trong gia đình Việt Nam chúng ta, các ông là người dễ mắc phải tính kiêu ngạo. Vì quan niệm trọng nam khinh nữ của văn hóa Á đông, người đàn ông thường được ăn trên ngồi trước, có quyền chờ vợ con hầu hạ chứ chính mình không phải hầu hạ ai. Chính vì thế trong gia đình người chồng được xem là người quan trọng nhất, uy quyền nhất, vợ con không dám cãi lại hay làm điều gì trái ý. Đây là quan niệm sai lầm cần được sửa đổi. Trước mặt Chúa, tất cả chúng ta, nam cũng như nữ đều có giá trị bằng nhau và quan trọng như nhau. Thánh Kinh cho biết, người nam và người nữ đều được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời và cả hai đều được Ngài giao cho trách nhiệm quản trị muôn vật mọi loài.

Thiên Chúa ban cho người nam và người nữ những bản tính khác nhau và khả năng khác nhau. Chúa cũng trao phó cho đàn ông và đàn bà những trách nhiệm khác nhau, nhưng cả hai đều quý trọng và giá trị như nhau trước mặt Chúa. Và nhất là chúng ta đều cần đến nhau. Đời sống người chồng sẽ không đầy đủ, trọn vẹn nếu không có sự giúp đỡ của người vợ. Tương tự như thế, đời sống người vợ cũng sẽ không trọn vẹn nếu thiếu sự giúp đỡ, bổ túc của người chồng.

Chúng ta không nên nghĩ rằng đàn ông, con trai có giá trị hơn đàn bà con gái, cũng không nên nghĩ rằng chồng quan trọng hơn vợ. Lời Chúa dạy rằng chúng ta phải kính sợ Chúa Cứu Thế mà vâng phục nhau. Chúa dạy: "Vợ phải vâng phục chồng như vâng phục Chúa", nhưng Ngài cũng dạy rằng "Chồng phải yêu vợ như Chúa yêu con dân của Ngài."

Có người đã nói: "Người khiêm nhường thật là người cho phép người khác bất đồng ý kiến với mình mà không nổi giận hay bực bội." Đây là một định nghĩa rất thực tế. Có lẽ chúng ta cần xét lại xem ta có sống với người chung quanh, nhất là người thân trong gia đình với tinh thần khiêm nhường hay không. Thật ra, người càng yêu thương nhiều càng khiêm nhường nhiều, vì càng yêu thương người khác chúng ta càng ít nghĩ đến cái tôi của mình (còn tiếp).

Minh Nguyên

Chương Trình Phát Thanh Tin Lành