Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 6 | Bài 8 >> | Hướng Dẫn

Bài 7

Không Nuôi Hận Thù (Phần 1)

Có hai vợ chồng kia, sống với nhau đã được gần hai mươi năm, con cái đã lớn, đã vào trung học, đại học. Hai vợ chồng có công ăn việc làm tốt, có nhà cửa đàng hoàng. Cả hai người đều còn trẻ và điều quý hơn hết là cả vợ chồng lẫn con cái đều khoẻ mạnh, họ không phải đương đầu với thử thách, khó khăn hay bệnh tật như bao nhiêu người khác. Có thể nói, gia đình này được Thiên Chúa ưu đãi về mọi mặt, nhưng điều đáng tiếc là đời sống họ không hạnh phúc chút nào.

Tình cảm hai vợ chồng dành cho nhau ngày càng lợt lạt, hai người không còn nói năng ngọt ngào với nhau, cũng không cư xử tử tế, yêu thương. Không những thế, mỗi khi có điều cần trao đổi, hai vợ chồng còn cố tình nói và làm những điều gây đau lòng cho nhau. Tình trạng này xảy ra gần như là mỗi ngày, khiến không khí trong gia đình buồn tẻ, nặng nề, ảnh hưởng tai hại đến tinh thần của hai vợ chồng, và ảnh hưởng đến việc học hành của con cái. Cuối cùng, hai vợ chồng quyết định đến gặp một vị mục sư để trình bày vấn đề và xin ly dị nhau.

Sau hơn một tiếng đồng hồ nghe đôi vợ chồng nói trên kể ra hết tất cả những khó khăn, bất hòa giữa hai vợ chồng, vị mục sư đã nhìn thấy rõ nan đề của họ. Nan đề đó là cả người vợ lẫn người chồng trong gia đình này ghi nhớ và ôm giữ trong lòng tất cả những đau đớn phiền giận mà hai người gây ra cho nhau trong gần hai mươi năm chung sống!

Người vợ nói rằng cách đây gần 10 năm, chồng bà có gian díu với một người đàn bà trong sở. Mối quan hệ này kéo dài khoảng hai năm, sau đó bà biết được nên ông chấm dứt. Người chồng biết mình yếu đuối nên đã đổi sở làm, ông cũng biết mình có tội với Chúa và có lỗi với vợ nên ông đã ăn năn, xưng tội với Chúa và hết lòng xin lỗi vợ. Từ đó người chồng thay đổi, yêu thương và chăm sóc vợ nhiều hơn. Tuy nhiên, người vợ nói rằng dù ông thay đổi thế nào, bà cũng không thể quên được những tháng ngày ông đã phản bội bà và đi san xẻ tình yêu với một người đàn bà khác, và vì thế tình yêu bà dành cho chồng không còn tràn đầy như trước.

Theo cái nhìn của con người, bà vợ này có quyền giận chồng, cay đắng với chồng và đối xử không tử tế với chồng, vì ông là người đã gây khổ đau cho bà. Dù chuyện xảy ra đã lâu, người đàn bà này không quên được nhưng cứ tiếp tục ghim lỗi của chồng. Càng suy nghĩ bà càng giận chồng, càng cảm thấy đau khổ và càng thấy thương cho chính mình. Thế rồi vì nỗi buồn giận và sự cay đắng đó ngày càng gia tăng, người vợ này quyết định gây khổ đau cho chồng cho hả giận và để ông biết bị tình phụ đau đớn như thế nào. Vì nhất quyết trả thù chồng, người đàn bà này đã cố ý phạm tội ngoại tình. Bà không thương yêu gì người đàn ông mà bà quen nhưng chỉ muốn làm như thế cho chồng phải đau khổ giống như ông đã làm cho bà đau khổ.

Người đàn bà kia đã thành công, chồng bà khổ sở vô cùng khi biết vợ mình có quan hệ bất chính với một người bạn cũ. Nỗi đau khổ của ông chồng trở thành giận dữ và cay đắng. Từ đó gia đình như có chiến tranh mỗi ngày, bao nhiêu đồ đạc trong nhà bị đập bể, bao nhiêu bữa ăn đầy nước mắt. Con cái lấy cớ đi học thêm hay đi làm thêm để tránh mặt cả cha lẫn mẹ. Ngày nào cũng thật khuya các em mới về. Căn nhà xinh đẹp, với bao nhiêu đồ đạc đắt tiền, những tranh ảnh sang trọng nay trở thành lạnh lẽo ảm đạm như ngôi nhà hoang, vì trong căn nhà đó không còn tiếng người cười đùa trò chuyện với nhau nhưng chỉ còn những lời mắng mỏ, khóc lóc, giận dữ, phiền trách nhau.

Nan đề của đôi vợ chồng này là họ không tha thứ cho nhau nhưng luôn luôn chấp trách, ghi nhớ lỗi lầm của nhau và nuôi hận thù đối với nhau. Theo lời dạy của Thánh Kinh, người có tình yêu thật không sống như thế, vì người có tình yêu thật không nuôi hận thù. Có lẽ quý vị còn nhớ đặc điểm của người có tình yêu thật, là tình yêu đến từ Đức Chúa Trời? Thánh Phao-lô cho biết, người có tình yêu thật hay nhịn nhục, hay nhân từ, không ganh tị, không khoe khoang, không kiêu ngạo, không làm điều khiếm nhã, không kiếm lợi riêng, không nóng giận, và không nuôi hận thù hay không chấp trách.

Trong câu chuyện gia đình những tuần trước chúng tôi đã trình bày về các đặc điểm nhịn nhục, nhân từ, v.v... cho đến đặc điểm không nóng giận, tức là từ đặc điểm thứ nhất đến thứ tám. Hôm nay chúng tôi xin giải thích đặc điểm thứ chín, đó là người có tình yêu thật không hay chấp trách, tức là không ghi nhớ hay ôm giữ lỗi lầm của người mình yêu thương.

Nếu chúng ta cứ nhắc đi nhắc lại, hay ôn đi ôn lại trong trí lỗi lầm của người phối ngẫu chứng tỏ chúng ta là người không có lòng yêu thương thật. Tình yêu mà chúng ta có đó chỉ là tình cảm tầm thường, ích kỷ của con người. Khi người có lỗi với chúng ta đã nhìn nhận lỗi lầm của mình, đã thật sự ăn năn và cầu xin tha thứ thì chúng ta có trách nhiệm phải tha thứ cho người đó và bỏ qua, không ghi nhớ lỗi lầm đó nữa. Không những thế, chúng ta cũng phải thôi, không nghĩ đến những tổn thương người đó đã gây ra cho ta và đừng bao giờ nhắc lại với người đó rằng người đó đã làm chúng ta đau khổ đến chừng nào. Khi chúng ta không có trong lòng tình yêu cao cả vị tha của Chúa, chúng ta sẽ cứ muốn ôn đi ôn lại, nhắc đi nhắc lại hay đem ra phân tích lỗi lầm của người khác, và dù chúng ta nói rằng mình đã tha thứ nhưng cứ lâu lâu lại muốn nói cho người kia biết nỗi khổ đau họ gây ra cho chúng ta lớn là chừng nào.

Khi chúng ta để tâm trí tập trung vào những điều buồn phiền mà người phối ngẫu đã gây ra cho mình, chúng ta sẽ thấy lòng tràn đầy cay đắng và oán hận đối với người đó. Có nhiều người nói với vợ hay chồng rằng tôi tha thứ nhưng tôi không thể nào quên. Đó không phải là tha thứ thật, cũng không phải là thương yêu thật. Tính hay ghim lỗi của người khác sẽ mang lại tổn hại lớn lao cho mọi người liên hệ. Người có lỗi đau khổ đã đành mà người ghi nhớ lỗi lầm của người kia cũng đau khổ không kém và cuối cùng quan hệ vợ chồng bị sứt mẻ trầm trọng, khó có thể hàn gắn được.

Người xưa đã nói, nhân vô thập toàn, là con người yếu đuối, mang trong người bản tính tội lỗi, chúng ta không ai hoàn toàn cả. Và vì không hoàn toàn, sẽ có lúc chúng ta vấp váp, lầm lỗi và gieo đau buồn cho người khác. Những người chúng ta yêu thương nhất, gần chúng ta nhất là những người dễ bị chúng ta gây tổn thương nhất. Đó là một thực tế ai cũng phải công nhận và là điều không ai tránh được, vì thế chúng ta phải tập sống với nhau trong bao dung, tha thứ. Chúng ta cần nhớ rằng người khác bất toàn, mình cũng bất toàn, do đó chúng ta cần tập sống trong yêu thương và sẵn sàng tha thứ cho nhau.

Khi người mà ta yêu thương làm điều lầm lỗi và gây đau khổ cho chúng ta, nỗi đau đó rất lớn, rất sâu đậm, ta khó có thể quên và rất vì thế khó tha thứ. Nhiều đôi vợ chồng sống trong khổ đau, buồn giận luôn luôn vì họ cứ đem những lỗi lầm của nhau trong quá khứ ra để dằn vặt nhau và trả thù nhau. Khi chúng ta làm như thế, cả hai người trở thành nạn nhân của nhau và đời sống lúc đó chỉ toàn là cay đắng, trách móc, phiền giận. Nếu bây giờ chúng ta quyết tâm tha thứ cho nhau, chôn vùi hết lỗi lầm của nhau, nhất định không bao giờ đào lên, không bao giờ nhắc đến nữa thì ngày tháng sống bên nhau sẽ ngọt ngào biết bao. Biết bao nhiêu đôi vợ chồng đã tự đào hố chôn vùi hạnh phúc gia đình mình chỉ vì cứ tiếp tục ghim, tiếp tục ghi nhớ, nhắc đi nhắc lại, ôn đi ôn lại lỗi lầm của nhau.

Trong lá thư gởi cho các tín hữu tại thành La-mã ngày xưa, sứ đồ Phao-lô khuyên như sau: Chớ lấy ác trả ác cho ai, phải chăm tìm điều thiện trước mặt mọi người. Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa thuận với mọi người... Đừng để điều ác thắng mình nhưng hãy lấy điều thiện thắng điều ác (Rô-ma 12:17-18 & 21).

Một trong những cách mà vợ chồng thường đối xử với nhau là khi một người làm hay nói điều gì tổn thương người kia, người kia phản ứng bằng cách không ban cho người đó tình thương hay sự chăm sóc của mình nữa. Thay vào đó, chúng ta dùng lời nói gắt gỏng, chua cay; tỏ thái độ hất hủi ghét bỏ cho người kia biết tội của mình. Cách cư xử như thế thường khiến những nan đề nhỏ trở thành to lớn và khó giải quyết. Cuối cùng cả hai bên đều bị tổn hại chứ không ai được ích lợi gì cả. Phương cách tốt nhất để giải quyết vấn đề khi vợ chồng lỡ làm điều gì gây đau lòng nhau là hãy tha thứ cho nhau và tiếp tục sống với nhau trong nhân từ và thương xót.

Thưa quý vị, nhân từ và thương xót là hai điều chúng ta cần có mỗi ngày để có thể sống với nhau trong yêu thương ngọt ngào, để gia đình được vui vẻ, đầm ấm. Để kết thúc câu chuyện gia đình hôm nay, chúng tôi xin kính tặng quý vị lời Thánh Kinh dạy sau đây, ước mong đây sẽ là phương châm của mỗi chúng ta trong cách cư xử với mọi người chung quanh: Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Chúa Cứu Thế vậy (Ê-phê-sô 4:32).

Minh Nguyên

Chương Trình Phát Thanh Tin Lành