Trang Đầu | Mục Lục | << Chương 13 | Chương 15 >> | Hướng Dẫn

Chương 14

CHƯƠNG 14

Ông Văn thức dậy rất sớm. Điều đầu tiên ông suy nghĩ ấy là thấy bão đã dứt và thung lũng hoàn toàn yên tĩnh. Đoạn ông nhớ lại ngày hôm nay là ngày ông trở về nhà.

Ông Văn rất vui mừng được trở về nhà. Ông bị đau yếu nên phải tìm lên miền núi nầy để nghỉ ngơi một tuần lễ. Nay ông đã hồi phục và sẵn sàng để làm việc trở lại. Ngày hôm nay, ông sẽ đáp chuyến xe lửa sớm và vào khoảng gần trưa ông đã về tới nhà rồi. Chắc người nhà sẽ đón tiếp ông linh đình lắm đấy.

Đám trẻ chắc sẽ làm ồn lắm! Nghĩ tới các con, ông mỉm miệng cười: nào thằng Mạch khỏe mạnh cứng cáp, con Vân nhí nhảnh vui cười, chú Biền mập mạp nghiêm trang, và nay lại thêm bé Đào. Hết nghĩ tới con ông lại nghĩ tới vợ? Bà Văn tươi vui và tóc cũng quăn như tóc bé Vân, nhưng cứ đến buổi chiều là bà thường mệt nhoài. Ông ước gì có thể kiếm được một người để giúp đỡ bà, vì bà phải một mình trông nom các con từ ngày chị vú bỏ đi lấy chồng cách đây một tháng. Thôi được, để khi trở về nhà ông sẽ lo việc nầy.

Ông Văn bước xuống giường và đi rửa mặt rồi mặc quần áo. Tuy đã ngót bốn chục tuổi đầu, ông vẫn còn vui vẻ huýt sáo miệng trong khi cạo râu. Ông vừa sửa soạn xong thì có tiếng gõ cửa.

“Cứ vào”, ông Văn nói. Ông hơi ngạc nhiên vì thấy trời còn sớm quá đâu đã đến giờ ăn điểm tâm. Mới có năm giờ rưỡi thôi mà.

Cửa mở. Người gác cửa đêm bước vào. Nom anh ta, người ta có cảm tưởng anh sắp báo một tin gì bí mật. Đầu hơi nghiêng nghiêng về một bên như để dò xét, anh nói: “Xin lỗi bác sĩ, nhưng hình như bác sĩ không có ý trông đợi một ai đến thăm”.

“Có người đến thăm tôi ư?” ông Văn hỏi lại với giọng càng ngạc nhiên hơn, “vào giờ nầy và giữa thời tiết nầy? Thật tình tôi không mong đợi một ai cả”.

Người gác cổng thêm phấn khởi nói, “Dạ, thưa bác sĩ, câu chuyện như vầy. Cách đây chúng mười lăm phút đồng hồ, tôi nghe thấy tiếng gõ cửa. Lúc tôi mở cửa ra thì thấy một cậu bé đi giày trượt tuyết đang đứng nơi ngưỡng cửa. Cậu ta trạc mười hai tuổi, mắt trắng bệch nom như một xác chết chứ không phải là người. Chẳng chào hỏi ai, cậu ta nói ngay, “Tôi muốn gặp bác sĩ Văn”, rồi ngồi bệt ngay xuống bục cửa, đầu tựa vào tường. Thấy vậy, tôi có bảo cậu ta: “Trời chưa sáng mà cậu đã đến kiếm người ta, đâu có được. Ông bác sĩ còn đang ngủ.” “Thì tôi đợi vậy”, chưa nói dứt câu, đầu cậu đã gục xuống”.

“Thấy cảnh ấy tội nghiệp quá nên tôi mới tháo gỡ giày trượt tuyết cho cậu và lôi cậu vào phòng đặt ngồi trên ghế. “Cậu từ đâu đến đây?”, tôi hỏi. Cậu ra đáp, “Từ thung lũng Đồng Xanh.” “Cậu đi bằng cách nào vậy?”, tôi hỏi tiếp. “Chuyến tàu sớm chưa khởi hành mà?”

“Tôi băng qua đường đèo”, cậu ta nói. Dạ thưa bác sĩ, tôi càng nhìn kỹ cậu ta càng tin là cậu ta nói thật. Cậu ta còn đang ngồi đợi ở hành lang kia. Lúc tôi qua cửa phòng bác sĩ, nhìn thấy ánh đèn sáng, tôi nghĩ cứ thử vào để hỏi bác sĩ có bằng lòng tiếp cậu ấy không.”

Bác sĩ Văn đáp ngay: “Tôi ra gặp cậu ta chứ. Nhưng thật tình tôi không tin được câu chuyện cậu bé ấy vượt đèo tới đây. Ngay đến những người hướng đạo chuyên leo núi cũng chưa chắc đã vượt qua đèo ấy đêm qua. Trời gió bão như vậy trên đèo ấy tất phải khủng khiếp lắm.”

Người gác cửa nhún vai, dẫn bác sĩ Văn xuống dưới nhà. Nhưng vừa tới sảnh đường, cả hai kinh hoàng rú lên một tiếng kêu sửng sốt.

Duyên đã tuột khỏi ghế ngồi và đang nằm ngất xỉu trên nền nhà; mặt nó trắng bệch như mặt người chết.

Bác sĩ Văn vội cúi xuống bồng đứa bé đang bất tỉnh lên. Ông bảo người gác cửa: “Tôi đem cậu bé nầy lên phòng tôi. Ông hãy kiếm ngay cho tôi mấy chai nước nóng, ít rượu mạnh và ít cà phê nóng. Thật mau lên nhé.”

Lên tới phòng, ông Văn đặt Duyên nằm ngay trên giường của ông. Ông cởi bỏ giày vớ cho nó, rồi chà xát chân nó thật mạnh. Khi chân nó đã ấm, ông cởi bỏ luôn cả những áo quần bám đầy tuyết nó mặc trên người rồi lấy chăn trùm kín cho nó. Lúc ấy người gác cổng đem cả rượu mạnh, cà phê và những chai nước nóng lên. Ông ta thở hổn hển như người vừa chạy đua về.

Bác sĩ Văn ấp các chai nước vào người Duyên rồi đổ vào miệng nó một muỗng đầy rượu mạnh. Duyên chưa mở mắt ra, người người ta nghe thấy tiếng nó thở dài mệt mỏi và nuốt rượu mạnh.

“Thế là không hề gì”, ông Văn nói. “Chỉ lát nữa là con sẽ trở lại như thường.”

Lúc Duyên mở mắt ra mấy phút sau đấy, nó nhìn thấy một khuôn mặt rám nắng, hiền từ đang cúi xuống nhìn nó. Nó không nhớ được nó đang ở đâu. Nó cảm thấy trong người ấm áp, khoan khoái và hơi buồn ngủ. Nó muốn cứ được nằm yên như vậy để hưởng cái thú ấy mãi mãi. Nhưng nó còn muốn biết cái người có khuôn mặt rám nắng, hiền từ ấy là ai mà cứ nhìn nó đăm đăm.

“Ông là ai?” Duyên khẽ hỏi.

Ông Văn không trả lời ngay. Ông nâng đầu Duyên dậy và đổ cà phê cho nó uống. Nó uống rất chậm chạp và nó phải cố gắng khó khăn lắm mới nuốt được. Khi uống xong, nó lại hỏi.

“Ông là ai và đây là đâu vậy?”

“Ta là ông Văn”, bác sĩ nói. “Ta không quen con, nhưng ta biết con đang muốn gặp ta.”

Duyên ngẩn ngơ ngó ông bác sĩ; nó mệt quá nên hầu như không còn nhớ mục đích nó đến đây để làm gì. Nhưng hơi ấm và chất rượu mạnh cùng cà phê nóng đã bắt đầu giúp nó tỉnh táo trở lại. Sau cùng nó nói.

“Ông có phải là vị đại bác sĩ lừng tiếng tài ba không?”

“Không; ta chỉ là một bác sĩ thường thôi.”

“Nhưng ông có thể làm cho trẻ con què đi được chứ?”

“Cũng tùy cái nguyên nhân tại sao nó què. Thỉnh thoảng ta cũng chữa được cho một vài đứa.”

“Đứa bé nầy bị què vì ngã xuống vực. Nay nó phải chống nạng và đi một chiếc giày đế cao.”

“Đứa nào vậy.” Ông Văn ngạc nhiên hỏi.

“Đó là bé Danh, sáu tuổi, con ông Bình. Nhà nó ở gần nhà cháu. Cháu tìm đến đây để hỏi xem ông có chữa cho nó được không. Cháu có đủ tiền để đưa trả ông.”

“Nhưng sao mà cháu biết đến ta.”

“Tối hôm qua chị cháu có nói chuyện về ông. Chị cháu giúp việc ở khách sạn này.”

“Nhưng cháu làm cách nào mà đến được đây giữa lúc trời gió bão.”

“Dạ cháu vượt qua đèo bằng giày trượt tuyết.”

“Đâu có thể được cháu, nhất là giữa lúc trời bão tuyết như đêm qua.”

“Cháu vẫn phải cố, vì không có cách nào khác để đến được đây.”

Duyên đã nói đúng; thật quả không có cách nào khác. Ông Văn ngồi ngó Duyên như thể ngó một vật kỳ lạ, hiếm có. Trong lúc ấy tay Duêyn mò vào trong cái áo sơ mi nó vẫn còn mặc trên người và lôi ra cái vớ đựng tiền.

“Thưa ông”, nó nói, “chừng này tiền liệu đã đủ để chữa cho bé Danh chưa?”

Ông Văn moi mớ giấy bạc đựng trong chiếc vớ cũ ra, và không khỏi thốt ra một tiếng ngạc nhiên. Quay về phía Duyên, ông nhẹ nhàng nhưng cương quyết, “Trước khi chúng ta bàn thêm, cháu phải nói cho ta hay cháu đã lấy tiền này ở đâu? Cháu có biết bao nhiêu tiền cả thảy không.”

Duyên đáp giọng buồn ngủ, “Cháu không biết rõ. Nhưng chị cháu bảo muốn nhờ ông phải mất nhiều tiền lắm. Ông thấy từng ấy đã đủ chưa?”

“Quá đủ nữa,” bác sĩ Văn đáp. “Nhưng tiền nầy cháu lấy ở đâu.”

“Một ông già cháu quen, đã cho cháu số tiền ấy”, Duyên đáp khẽ. Nó thấy buồn ngủ quá, mí mắt nó như cứ muốn nhắm lại. Nó cố nói tiếp, “Và có lời nhắn nhủ nầy: Ông ấy bảo đây là để trả một món nợ – và bác sĩ cứ cầm cả đi.”

Bác sĩ Văn hỏi dồn, “Ông già ấy là ai? Cháu nói cho ta biết đi rồi thì cháu đi ngủ. Tên ông ta là gì.”

“Dạ, cháu cũng không biết.”

“Thế ông ấy ở đâu.”

“Ông ấy bắt cháu hứa không được nói cho ông biết.”

Vừa dứt lời, mắt Duyên đã nhắm lại, đầu ngoẹo về một bên. Nó đã ngủ say.

Bác sĩ Văn thấy mình ở giữa một trường hợp khó xử. Bốn mươi lăm phút nữa thì chuyến xe lửa ông định đi sẽ khởi hành. Nhưng còn cậu bé đang nằm trên giường đây đã liều hy sinh tánh mạng để đến tìm ông. Có thể câu chuyện rồi chẳng đi tới đâu, nhưng trước một tấm lòng dũng cảm hy sinh như vậy, ông không thể làm cho thất vọng bằng cách từ chối đến xem bệnh cho cậu bé què. Nhìn Duyên ông đoán nó còn có thể ngủ hàng tiếng đồng hồ nữa.

Bác sĩ Văn nhẹ nhàng rời khỏi phòng, đi xuống tầng dưới khách sạn để kêu điện thoại về cho bà Văn.

“Em đấy ư?” ông bắt đầu. “Anh rất tiếc không thể về được nhà sáng hôm nay. Chắc phải tới khuya anh mới về được. Vì có một chuyện kỳ lạ vừa xảy ra…”. Đoạn, ông kể cho bà Văn nghe đầu đuôi câu chuyện.

Lúc rời phòng điện thoại, ông suýt đụng phải một cô gái mắt đỏ hoe, mặt tái nhợt. Cô nầy nắm chặt lấy bàn tay ông.

“Thưa bác sĩ”, cô ta hấp tấp nói, “người gác cổng có cho cháu hay em cháu đã được ông cứu tỉnh và hiện đang nằm trên phòng ông. Bác sĩ ạ, má cháu và cháu đã tưởng nó chết trong bão tuyết rồi. Thôi, cháu phải về ngay để cho má cháu biết tin.”

Bác sĩ Văn ngồi xuống bên cạnh cô gái trên đi văng. Ông muốn hỏi để biết nhiều chuyện, nhưng cô gái chỉ nói rặt về nỗi lo sợ của hai mẹ con cô đêm qua. Ông Bình đi ra ngoài suốt đêm để tìm kiếm thằng Duyên, nhưng vì ông nghe nói Duyên đi chân không chứ không đi giày trượt tuyết nên ông chỉ lo tìm kiếm quanh bìa rừng. Ông biết một đứa trẻ đi chân không, không thể nào đi vào chỗ đồng tuyềt ngập dầu nơi đường đèo; còn dấu vết giày trượt tuyết của Duyên thì đã bị bão tuyết xóa mờ và che phủ. Trên lối đi trong từng, ông Bình có tìm thấy dấu chân, nhưng không thấy vượt quá bìa rừng. Ông cũng đã tìm kiếm trong các chỗ tuyết đọng ngập nhưng không có kết quả. Gần sáng, ông trở về đem theo tin buồn cho mọi người.

Về bé Danh, Mai chỉ kể được cho ông Văn biết rất ít. Lòng rối loạn, Mai không còn bụng dạ nào làm việc. Nay chỉ biết tin Duyên không hề gì, chị muốn đưa nó về nhà ngay. Chị sẽ kêu điện thoại cho sở Bưu điện nhờ sở nầy cho một em nhỏ vượt núi đem tin về nhà cho má chị hay để bà yên lòng.

Nhưng bác sĩ Văn không muốn để Duyên về nhà ngay. Ông bảo Mai hãy về nhà một mình, còn ông sẽ dẫn Duyên về nhà bằng xe lửa khi nào Duyên thức giấc dậy. Ông còn bảo Mai hãy cho người đem xe trượt tuyết ra chờ đón ở ngoài ga vì ông sợ Duyên hãy còn tê cứng chưa đi đứng được.

Mai vâng lời, đi thu xếp ngay mọi việc trong khi ông Văn trở về phòng. Duyên vẫn còn nằm yên như lúc nãy, má gối vào bàn tay, nhưng mặt nó đã hơi có sắc hồng hào – nom nó đã khá hơn trước nhiều. Ông Văn ngồi xuống ngắm nghía nó, lòng lại băn khoăn tự hỏi, không hiểu làm sao nó có được nhiều tiền như vậy. Còn cái ông già đã dặn nó nói về tiền trả món nợ là ai vậy?

“Tiền trả món nợ.” Hừ, ông Văn nhất định phải tìm ra bí ẩn của vụ nầy.

Vào giữa trưa thì Duyên tỉnh dậy. Nó lại mơ màng một lúc lâu không nhớ rõ chỗ nó đang ở là đâu. Toàn thân nó đau ê ẩm, nhưng là một thứ đau ấm áp dễ chịu miễn là đừng ai bắt nó phải dời khỏi chỗ nằm. Nghe thấy tiếng nó cử động, ông Băn liền bước lại gần.

“Sao?” ông dịu dàng hỏi, “cháu đã thấy khá chưa.”

“Cám ơn bác sĩ, cháu đã thấy khá rồi”, Duyên đáp; đoạn nó nhớ lại mọi việc nên nó lo lắng hỏi tiếp, “Ông có thì giờ đi coi bệnh cho thằng nhỏ mà cháu đã nói chuyện với ông không?”

“Được”, ông Văn ngồi xuống bên cạnh nó và nói, “Đợi ăn xong rồi chúng ta sẽ đi. Giờ ta bấm chuông kêu họ mang lên đây hai phần cơm để ông cháu ta ăn. Trong khi ăn cháu hãy kể cho ta nghe về đứa nhỏ nọ và về ông già mà cháu bảo đã cho cháu tiền.”

Duyên vội đáp, “Cháu không thể nói cho ông nghe về ông già đâu, vì cháu đã có lời hứa rồi. Ông ấy sống bí mật lắm, ngoài cháu ra chưa hề có ai tới thăm ông ấy cả. Ông ấy dặn cháu chỉ thưa lại với ông rằng đây là tiền để trả một món nợi, ngoài ra cháu không được nói chuyện gì khác nữa. Ông ấy đối với cháu tử tế lắm nên cháu không thể nào sai lời hứa được.”

“Thôi cũng được”, bác sĩ Văn nói. “Cháu cứ việc giữ lời đã hứa, ta sẽ không ép cháu phải nói cho ta biết gì về ông già ấy nữa. Giờ cháu hãy nói cho ta biết về em nhỏ mà cháu bảo là bị què chân ấy – nó bị từ bao giờ, mà làm sao nó bị.”

Bác sĩ Văn để ý thấy mặt Duyên ửng đỏ. Nó lặng yên đến mươi phút. Nó không muốn kể cho ông bác sĩ nghe sự thật về cái chân đau của bé Danh, nhưng nó nghĩ thế nào ông chẳng hỏi chuyện ông Bình nên tốt hơn là nó cứ kể ra.

“Đó là lỗi tại cháu” Duyên đáp. “Bé Danh bị té hồi mùa Xuân. Lúc ấy cháu định trêu nó. Cháu giả bộ ném con mèo của nó xuống dưới mương, nhưng vì lở tay nên cháu thành ném thật. Bé Danh tìm cách xuống cứu con mèo nên bị ngã xuống suối và bị gãy chân. Từ ngày ấy nó không còn đi đứng được như thường nữa. Muốn đi đâu nó phải chống nạng nên cháu nghĩ may ra…”

Duyên kể chuyện mà môi run lên, giọng nói rè rè nhát gừng nghe không được rõ lắm. Nhưng thế cũng đủ lắm rồi. Vì ông Văn vốn là người yêu thương và hiểu thấu trẻ thơ, nên chỉ qua mấy lời ngắn ngủi rụt rè của Duyên, ông hiểu rõ ngay câu chuyện và biết rằng cậu bé đang nằm mệt lã trên giường kia đã phải chịu sự trừng phạt nặng nề.

“Cháu Duyên à”, bác sĩ Văn nói, “chúng ta sẽ cùng đi thăm bé Danh. Có lẽ Thượng Đế tính dùng cháu làm phương tiện để chữa khỏi bé Danh. Cháu biết không, cháu phải cảm ơn Thượng Đế rất nhiều. Theo ta nghĩ, nếu không có Ngài trông nom che chở cho cháu đêm qua, cháu không thể nào vượt qua được đường đèo một cách an toàn.”

Duyên bẽn lẽn đáp, “Dạ, cháu biết. Mới hôm qua đây cháu cầu nguyện Thượng Đế hãy chữa khỏi cho bé Danh thì đến chiều tối lúc nghe chị cháu kể về bác sĩ, cháu nghĩ rằng Thượng Đế đã nhận lời cầu nguyện của cháu. Rồi đến khi đi tới rừng, cháu sợ quá định quay về nhà, nhưng rồi cháu nhớ lại câu cháu được nghe ngày lễ Giáng sinh, cháu lại mới tiếp tục đi nữa.”

“Cháu nhớ lại câu gì vậy”, bác sĩ Văn dịu dàng hỏi.

Duyên chậm chạp đáp, “Cháu nhớ lại cái câu mà Nội bé Danh đã đọc cho chúng cháu nghe trong Kinh Thánh. cháu không nhớ hết cả câu mà chỉ nhớ được một phần – rằng sự yêu thương trọn vẹn thì cất bỏ sự sợ hãi – và lời Nội nói rằng tình yêu thương của Đấng Christ là trọn vẹn. Lúc ấy cháu không thấy sợ nữa và cháu tiếp tục đi. Cháu cũng không nhớ được rõ lắm làm thế nào cháu lên được đỉnh đèo, nhưng khỏi đỉnh đèo thì cháu tuột xuống an toàn.”

Ông Văn đáp, “Phải, theo ta nghĩ thì chỉ có tình yêu thương trọn vẹn của Đấng Christ mới che chở được cho cháu trong?” Ông cơn bão tố đó, mới dẫn dắt được cháu đi khỏi lạc đường, và mới cất bỏ được sự sợ hãi trong lòng, khiến cháu tiếp tục đi. Ngài đối với cháu thật tốt vô ngần đấy, cháu ạ! Giờ chúng ta hãy cảm ơn Chúa trước khi chúng ta đi dùng cơm.”

Thế là Duyên và ông Văn cùng cầu nguyện, Duyên thì úp mặt vào gối còn ông Văn quì bên cạnh giường. Ông tạ ơn Cứu Chúa đã biểu dương tình yêu thương trọn vẹn của Ngài mạnh hơn cơn gió bão này, đã dẫn dắt Duyên vượt qua đêm tối và đã cứu nó thoát khỏi sợ hãi và chết chóc; đoạn ông cầu nguyện cho bé Danh, cầu xin Thượng Đế hãy ban cho ông đủ tài khéo để chữa lành cái chân gãy của bé Danh.

Úp mặt vào gối, Duyên cũng cầu nguyện, nhưng nó không cầu lớn tiếng. “Lạy Chúa”, nó nói khẽ trong lòng, “đêm qua Ngài đã ở sát bên con trên núi nên con không biết sợ hãi là gì. Xin Ngài đừng rời xa con nữa; con cũng muốn mở cửa lòng như An đã làm. Xin Ngài hãy ngự vào trong con”.