Trang Đầu | Mục Lục | << Chương 14 | Chương 16 >> | Hướng Dẫn

Chương 15

CHƯƠNG 15

Ông Bình đích thân đánh xe trượt tuyết ra tận nhà ga. Lúc xe lửa tới, ông chở ngay bác sĩ Văn và Duyên về thẳng nhà. Dân làng kéo nhau rằng đứng ở cửa để nhìn vị bác sĩ danh tiếng đi qua, vì ai nấy đều đã được nghe rõ chuyện. Tên bác sĩ Văn được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, và mỗi lần ông lại thêm nổi tiếng. Còn trẻ con kháo nhau, làm như ông có mang theo một cây đũa thần chỉ cần khẽ đụng vào người bé Danh là nó khỏi liền. Duyên cũng được nói tới như thể nó là một thứ phép mầu hiện đại, nhưng nó không nghe được những lời mọi người nói về nó vì xe chạy nhanh quá, lại thêm tiếng nhạc leng keng ing ỏi. Nhưng như thế cũng hay, vì đỡ làm cho nó thành kiêu căng tự đắc.

Nó ngồi trên xe, tựa mình vào ông Văn. Dầu nó có gắng sức cũng không bước đi được, mọi người phải đỡ nó từ trên xe lửa xuống; tứ chi nó cứng ngắc không chịu cử động theo ý muốn. Tuy mệt rã rượi, nó vẫn cảm thấy khoan khoái, hân hoan và tràn đầy hy vọng. Lúc xe về tới gần nhà, lòng nó reo vui như muốn hòa nhịp với tiếng nhạc đeo ở cổ lừa kéo xe trượt tuyết.

Ông Bình ngồi im lặng lái xe, lòng băn khoăn không biết phải làm thế nào. Ông cảm thấy có trách nhiệm lớn lao khi chở một nhân vật danh tiếng như bác sĩ Văn trên chiếc xe trượt tuyết của ông. Ông chỉ mong con lừa – hôm ấy nó lại quá hăng hái – đừng làm lật nhào chiếc xe khi quẹo các góc đường. Ông nhớ đến những vụ xe lật nhào rất thường xảy ra vì nỗi xe thì lớn mà đường đi thì nhỏ hẹp.

Ông cũng lo lắng về chuyện tiền nong nữa. Dĩ nhiên, ông sẵn lòng dâng cả của cải ông có để chữa lành chân cho bé Danh, nhưng buồn thay ông làm gì có nhiều của cải, và nếu ông không đủ tiền trả bác sĩ thì sao? Có lẽ vị bác sĩ danh tiếng nầy sẽ vui lòng để ông trả một con bê thay tiền.

May mắn quá, mọi người về tới nhà mà không gặp một trở ngại nào ở dọc đường. Ông Bình đỡ cho bác sĩ xuống xe, rồi ông bế Duyên vào thẳng phòng ngoài, đặt nằm trên một chiếc đi văng. Ông cũng vui mừng được thấy Duyên, vì ông đã trải qua một đêm chật vật lo âu, đi tìm kiếm nó trong các đống tuyết.

Nội, An và bé Danh coi bộ khác thường, làm như thể cả ba người sắp sửa đi chụp ảnh. Cả ba đều ăn mặt thật đẹp và ngồi cứng ngắc nơi mép ghế. Nhìn họ, người ta có cảm tượng họ đã ngồi sẵn đấy từ lâu để chờ đợi nhân vật tiếng tăm là bác sĩ Văn. Khi ông Văn bước vào, An và bé Danh ngoảnh nhìn Nội rồi nghiêm trang đứng cả dậy; Nội lấy cớ đau bệnh tê thấp nên chỉ cúi đầu chào không thôi.

Bé Danh không ưng tí nào. Nó cứ tưởng một người tiếng tăm lừng lẫy thì phải mặc áo đỏ giống như vị vua chúa đã từng khiến hiệp sĩ William Tell bắn trúng trái táo kể trong cuốn sách lịch sử Thụy sĩ của chị An. Nó còn đinh ninh người ấy phải có một bộ râu quăn vàng óng thật đẹp và phải cưỡi một con ngựa chiến trắng toát, trái lại cái ông lạ mặt đi sau ba nó lại có bộ quá tầm thường. Danh cảm thấy bực mình; nó nhăn mặt và bĩu dài môi dưới ra.

Bác sĩ Văn lựa một cái ghế thật xa chỗ mọi người rồi mới ngồi xuống. Ông mỉm cười với tất cả. Nụ cười của ông thật tươi, thật nở nang khiến bé Danh quên cả niềm thất vọng và mỉm cười đáp lại.

Ông Văn cho tay vào túi áo lấy ra một cái kẹo sữa và chìa về phía bé Danh.

“Cháu có muốn lấy cái kẹo nầy không?” ông hỏi.

Bé Danh gật đầu thật nhanh, miệng mỉm cười vui sướng; một cái kẹo sữa còn hơn chiếc áo dài đỏ và con ngựa chiến.

“Nếu cháu thích thì lại đây lấy đi”, ông Văn nói. Bé Danh hớn hở nhảy lò cò từng bước qua phòng; trong lúc bé nhảy, ông Văn chú mục nhìn bé. Khi bé Danh tới trước mặt ông, ông nhấc bé đặt ngồi lên đùi ông và đút cái kẹo sữa vào miệng bé.

Ông Văn rất có cảm tình với gia đình nầy. Ông mến Nội lúc ấy đang ngã người về đàng trước chăm chú nhìn ông một cách tinh quái như thể muốn nói, “Đứa nhỏ kia là cháu tôi đấy – ông có làm gì nó thì coi chừng, kẻo không sẽ có chuyện với tôi đó!” Ông mến ông Bình với nét mặt thật thà, màu da sạm nắng, và đôi vai còng xuống vì công việc nặng nhọc. Ông mến An với những bím tóc màu bắp ngô và chiếc tạp dề sọc không một vết dơ – nhưng người mà ông mến hơn hết chính là cậu bé ngây thơ đang ngồi mút kẹo một cách ngon lành trên đùi ông. Ông cũng nhận thấy gia đình nầy vắng bóng người mẹ, và ông không biết có phải bà cụ già kia hay cô gái nhỏ nọ đã giữ cho căn nhà nầy được sạch sẽ, ngăn nắp như vậy.

“Cháu còn thấy đau chân không?” Ông Văn hỏi bé Danh.

“Không”, Danh đáp.

Nội vội vàng sửa lại, “Cháu phải nói: Thưa ông không.”

Bé Danh luôn luôn biết vâng lời nên nói tiếp, “Thưa ông chỉ thỉnh thoảng thôi ạ, khi nào cháu đi mà không chống nạng kia – nạng cháu có chạm đầu gấu đẹp lắm, ông có muốn coi không?”

“Muốn lắm chứ”, ông Văn đáp. Và trong khi đó bé Danh nhãy từng bước đi kiếm cặp nạng, ông lại hết sức chăm chú nhìn nó.

“Cháu có thể chống nạng nhảy được thật xa”, bé Danh khoe. “Ông có muốn coi cháu nhảy thật xa không?”

“Có chứ! Cháu thử nhảy cho ta coi ngào”, bác sĩ Văn đáp.

Nội lớn tiếng bảo bé Danh, “Coi chừng ghế đó, Danh!” Xưa nay nội vẫn cấm bé Danh không được nhảy xa trong nhà. Còn An thì vội vàng mang hai con mèo con đi chỗ khác, vì sợ bé Danh nhảy đụng vào chúng.

Bé Danh nhảy một bước xa thật là xa. Bác sĩ Văn vỗ tay khen, “Giỏi lắm! Thật giống hệt như con đại thử ta đã được coi một lần ở Sở thú. Giờ cháu hãy bỏ đôi nạng xuống và đi lại phía ta xem sao.”

Danh khập khiểng đi lại phía ông. Miệng nó mỉm cười, nhưng cái chân đau của nó kéo lê nom thật tội nghiệp. Ông Văn cũng mỉm cười, rồi ông nhẹ nhàng nhấc bổng nó lên đặt ngồi trên đùi như cũ. Ông còn cho thêm nó một cái kẹo sữa nữa.

Từ nãy nội vẫn chăm chú theo dõi cử chỉ của hai người. Đến lúc ấy, Nội mới quay lại bảo An, “Cháu hãy đặt ấm lên bếp để lấy nước pha trà. Nhớ mang cả hộp bánh bích qui bơ ra nhé.”

Trong lúc An đi lo pha trà, ông Văn đặt Danh nằm lên bàn và sờ nắn, bẻ đi bẻ lại chân nó một lúc thật lâu. Khi ông xong việc thì trà cũng đã dọn lên bàn. Nội mời ông ngồi xuống dùng trà cùng với mọi người; ông kéo ghế ngồi xuống, nhưng hình như trí óc còn mãi nghĩ đâu đâu.

Sau cùng, Nội cất tiếng dõng dạc hỏi: “Thế nào, liệu ông có thể chữa cho cháu được không?”

Tất cả mọi người đều quay nhìn cả vào ông Văn để chờ đợi ông trả lời – trừ có bé Danh lúc ấy đang nhìn chăm chăm vào hộp bánh bích qui bơ. Nãy giờ mọi người đã quên không đưa cho nó một cái, và nó không dám tự tiện lấy vì sợ Nội nó quở mắng. Bánh bích qui bơ ngon tuyệt – vừa mỏng, vừa vàng, vừa dòn tan – mỗi tháng nội chỉ làm có một lần trong một cái lò nướng đặc biệt.

Ông Văn không trả lời ngay câu hỏi của Nội. Ông quay về phía Danh trước.

“Cháu này”, ông nói, “cháu có muốn chạy nhảy giống như mọi đứa trẻ khác không.”

Danh do dự. Nó cũng chưa biết chắc nó muốn gì; nó là đứa bé duy nhất trong làng có cặp nạng đầu gấu, và nhờ đó mới thành đứa trẻ đặc biệt được mọi người chiêu đãi. Nhưng rồi nó nhớ ra là mùa Xuân sắp tới, và nếu nó không chạy nhảy được thì nó không đuổi được những con dê con ngoài đồng như nó đã từng làm năm ngoái – đuổi dê con là một trò chơi đầy thích thú đáng để cho nó trở lại làm một đứa trẻ bình thường.

Nghĩ thế nó mới đáp, “Vâng, cảm ơn ông, cháu muốn; Nội à cho cháu một cái bánh bích qui bơ nhé.”

Không ai trả lời. Duyên và An ngồi yên, tách trà cầm trên tay, cả hai mặt hơi tái. Ai nấy đều còn chăm chú ngó bác sĩ Văn.

Thình lình bác sĩ nói, “Danh nè, con mèo xinh đẹp của cháu đâu rồi.”

“Nó ở vựa củi ngoài kia ạ”, Danh đáp. “Ông có muốn coi có không? Nó còn có ba con mèo con đẹp lắm nữa.”

“Cháu mang vào đây ta coi”, ông Văn đáp. Thế bé Danh khập khiễng chạy đi kiếm con Mướp – lúc đó qua gần bàn, nó với tay lấy luôn hai chiếc bánh bích qui bơ, nhưng hình như cũng chẳng ai buồn để ý đến.

Đợi lúc nó ra khỏi phòng và cánh cửa đã đóng lại, bác sĩ Văn mới quay về phía ông Bình và nói, “Tôi nghĩ may ra tôi có thể giúp ông được. Tuy nhiên, cũng phải đợi coi hình chụp quang tuyến rồi mới dám nói chắc. Theo tôi thì cái chỗ xương gãy không được gắn đúng chỗ nên không thể nào liền lại được; giờ tôi tính phải làm cho nó gãy lại rồi kéo thẳng nó ra. Nhưng làm như vậy thì phải giải phẩu và phải nằm lâu tại bệnh viện. Vậy ông có bằng lòng để cháu Danh theo tôi tới bệnh viện không.”

Ong Bình lúng túng xoa hai tay vào nhau. Ông hết nhìn Nội lại nhìn An như hỏi ý kiến hai người. Đối với ông, giải phẩu là một chuyện gì ghê gớm lắm mà chỉ nghe nói tới thôi cũng đủ rùng mình. Ngoài ra, ông còn được nghe nói giải thuật tốn kém lắm, mà ông thời lại không có nhiều tiền.

Sau cùng, ông gãi đầu ngượng ngập hỏi, “Như vậy thì phải mất bao nhiêu tiền.”

Bác sĩ Văn đáp, “Ông không tốn đồng xu nào cả, vì cháu Duyên đã trả hết cả rồi. Giờ tôi không có thì giờ để giải thích cho ông rõ, vì cháu Danh sắp sửa quay trở lại rồi. Chúng ta phải giải quyết ngay trước khi nó vào tới đây. Vậy ông có vui lòng để nó đi theo tôi không.”

“Vâng, tôi bằng lòng”, Nội đáp dù chẳng ai hỏi Nội.

An xen vào hỏi, “Thưa thế bao giờ đi ạ.”

“Sáng mai”, ông Văn đáp. “Tôi sẽ đáp chuyến xe lửa sớm, và sẽ đem bé Danh cùng đi với tôi.”

“Ông đem cháu đi đâu vậy.” Giọng trong trẻo của bé Danh vang lên. Nó vừa im lặng đi từ cửa sau vào mà không một ai để ý. Nó tiến đến đứng bên cạnh ông Văn, hai tay ôm cả đám mèo con. Trong đời nó mới có một lần được đi xe lửa – mà trong có mười phút thôi – nhưng nó không bao giờ quên được.

Không ai trả lời nó. Mọi người vẫn còn mãi ngó bác sĩ Văn.

“Đi đâu thế hả Nội.” Bé Danh lại cất tiếng hỏi.

Ông Văn quay về phía nó.

“Cháu Danh à”, ông nói, “Cháu sẽ cùng đi với ta xuống thành phố bên hồ. Cháu sẽ ở với ta trong một ít lâu, và ta hy vọng sẽ làm cho chân cháu khá hơn. Cháu có thích thế không.”

Danh ra vẻ nghi ngại. Sau đó rắn rỏi nói, “Thế còn chị An? Còn Nội, còn ba, còn con Mướp và cả đám mèo con nữa? Vâng, thưa ông, tất cả chúng cháu đều thích thế lắm.”

“Ồ, không được đâu Danh”, An lớn tiếng. “Cả nhà không thể nào cùng đi với em được. Em phải ngoan và đi một mình. Ông đây sẽ trông nom em, và chỉ ít ngày thôi là em sẽ trở về nhà mà, - tuy nói thế nhưng lòng cô bé đau như dao cắt.”

An vừa nói xong, Danh đã lăn cả người nó lẫn đàn mèo vào lòng chị, rồi vừa dặm chân vừa thét rống lên.

Chưa bao giờ gia đình ông Bình thấy nó làm như vậy. An vội vã ôm chặt lấy đầu em và hôn tới tấp lên mặt nó – Nội thì ve vuốt, vỗ về thân mình nó, còn ông Bình thì cố nhét vào tay nó những cái bánh bích qui bơ vàng ngậy; nhưng tất cả đều vô hiệu. Cả nhà nhìn nhau thất vọng. Trước quang cảnh đó ông Văn biết ngay nếu ông không nghĩ ra cách gì giải quyết ngay, ông sẽ phí một ngày vô ích.

Ông quay về phía Nội nói thật lớn tiếng để át tiếng gào thét của bé Danh, “Cô bé kia có biết cách trông nom trẻ con không.”

Nội gào trả lại, “Chính nó đã nuôi lớn đứa nhỏ này đó.”

“Vậy thì cụ nên cho nó đi theo em nó đi”, ông Văn thét. “Nó còn có thể giúp nhà tôi một tay.”

An lắc Danh thật mạnh đồng thời quát lớn, “Danh, có nín đi không! Chị cũng đi với em đây.”

Danh nín ngay tức khắc. Nó nấc cục ba tiếng rồi mỉm cười. Nhưng ông Văn không cười. Ông nhấc bổng nó lên rồi nghiêm trang nói với nó, “Ta e con đã được nuông chìu quá rồi đó! Khi con tới ở bệnh viện của ta, ta bảo gì con phải làm thế ấy, chứ không được gào thét hay làm ầm ỉ lên, nghe.”

Bé Danh nũng nịu đấm lên ngực ông.

“Cháu có chị An!” nó đáp, và lại mỉm cười. Nó biết lần nầy nó lại thắng nữa.

Ông Văn đặt bé Danh xuống. Ông nói, “Giờ phiền mọi người cho tôi mượn một cái xe trượt tuyết, tôi sẽ dẫn cậu Duyên về nhà. Xin chào tạm biệt cả nhà. Sáng mai đúng tám giờ rưỡi hai cháu sẽ gặp tôi ở sân ga. Các cháu nhớ mang đủ đồ dùng cần thiết để ở trên tôi chừng vài ba tháng. Cháu An sẽ giúp tôi buổi sáng, còn buổi tối sẽ đi học. Vậy buổi chiều cháu tha hồ ở chơi với em cháu.”

Ông Bình thờ thẩn bắt tay bác sĩ Văn và giơ tay lau trán mình. Mọi việc diễn tiến mau quá đến nỗi ông tưởng như mình đang mê ngủ. Ông chỉ biết rõ có một điều là bắt đầu từ sáng mai ông sẽ phải sống xa hai đứa con thân yêu là An và bé Danh trong suốt hai ba tháng trời. Ngoài ra ông không còn nhớ được gì hết. Ông lảo đảo đi về phía chuồng bò để vắt sữa bò và để cố nhớ lại mọi việc trong bầu không khí quen thuộc êm ả của chuồng bò.

Nội đưa tiễn bác sĩ ra tận cửa. Nắm chặt tay ông Văn trong tay mình, Nội thình lình nói, “Ông là một người thật tốt. Thượng Đế sẽ ban thưởng cho ông.”

Ông Văn ngắm bà cụ già dũng cảm đang đứng trước mặt ông. Mắt ông tự nhiên ướt đi. Ông nhìn thấy bà cụ cùng hai đứa cháu mạnh khỏe vui sướng đứng ở phía sau, và căn nhà sạch sẽ êm ả mà bà cụ là vị thiên thần canh giữ. Ông thoáng nhận thấy trên đôi bàn tay nhăn nheo của bà cụ ánh lên tình yêu thương và lòng dũng cảm, và chính hai thứ nầy đã làm mạnh hai bàn tay kia và làm sáng cặp mắt mờ nọ khiến bà cụ có đủ sức để làm tròn một công việc nặng nhọc vượt quá khả năng thiên nhiên của bà; ông cũng còn nhận thấy nơi bà cụ cái tình yêu thương chân thật không chút vị kỷ đã khiến bà vui lòng để hai cháu ra đi, vì ra đi là tốt cho chúng – và ông biết ông đang đứng trước một trong những người Thánh của Thượng Đế.

“Cả cụ nữa”, ông đáp, “cũng là một người nhân từ không vị kỷ và chắc chắn Thượng Đế cũng sẽ ban thưởng cho cụ.”

Bác sĩ Văn mượn chiếc xe trượt tuyết đưa Duyên về tận nhà và giao vào tận tay má nó. Bà Mầu làm bộ hết sức giận dữ đối với con.

“Mày thật hư đốn quá”, bà quát, “bỏ ra đi như vậy mà không nói cho ai biết để cả nhà phải một phen sợ hết hồn – sao mày có thể làm được một chuyện tồi tệ như vậy? Mày thật đáng đánh đòn…” – nhưng bà không đánh nó mà chỉ giằng nó khỏi tay ông Văn, rồi dìu nó lên thang lầu, đặt nó nằm cẩn thận trên giường. Đoạn bà trở xuống, ngồi vào bàn, trùm vạt áo lên mặt, nức nở khóc.

Ông Văn an ủi bà: “Bà có một đứa con thật là can đảm.”

“Nó hư đốn lắm, thưa ông”, bà đáp. Rồi phần hãnh diện vì con, phần vui mừng vì thấy nó trở về nhà an toàn, bà càng khóc dữ hơn trước.

Suốt buổi sáng bà Mầu và Mai đã hì hục làm một mẻ lớn bánh bông lan cho Duyên là thứ bánh mà nó ưa thích hơn hết. Trong lúc ấy còn thơm sực mùi bánh. Hai mẹ con mời ông Văn cùng ngồi xuống ăn, nhưng ông từ chối, vì ông còn có một việc quan trọng phải làm, mà thì giờ thì lại ít.

Ong đi thẳng vào chuyện: “Tôi thấy hình như cậu Duyên có quen biết một ông già nào ở quanh quẩn đâu đây – bà và cô có thể nói cho tôi biết chỗ ở của ông ta không?”

“Một ông già?” Mai lập lại. “Ô, phải, chắc là ông cụ già ở trên núi đã dạy thằng Duyên tạc khắc gỗ ấy. Một già một trẻ mà ở được với nhau cả tiếng đồng hồ, thật là kỳ! Mà cũng chẳng hiểu thằng Duyên tìm được những gì thích thú ở ông già ấy? Điều đó chỉ có Trời biết! Nhưng hầu hết mọi người ở đây bảo là ông ta điên khùng.”

“Cháu có thể chỉ đường cho ta đến nhà ông già đó không?” Ông Văn hỏi.

Mai ngạc nhiên đáp, “Dạ, được chứ! Nhà ông ta ở ngay trên núi kia, đi xuyên qua rừng là tới, nhưng cháu khuyên ông chớ nên lên trên ấy. Tuyết rơi nhiều như thế, đường đi chắc sẽ tồi tệ lắm.”

“Ta có việc cần gặp ông già ấy”, Bác sĩ Văn vắn tắt đáp. “Phiền cháu ra ngoài cửa chỉ cho ta rõ lối đi. Lúc trở xuống, ta sẽ tới đây để từ biệt cậu Duyên.”

Trên đường lên núi buổi xế chiều hôm ấy, ông Văn tưởng chừng như chưa bao giờ ông nhìn thấy cảnh rừng đẹp như vậy. Tuyết đè nặng chĩu các cành cây, và lá thông bị vướng vào những mảnh băng nhỏ lấp lánh như hình sao. Ông Văn tự hỏi không hiểu ông già kia là người thế nào mà sống một mình trơ trọi giữa cảnh rừng tuyết hoang vu lặng lẽ nầy? Ông tự nhiên đâm ra nóng lòng muốn gặp ông già để tìm hiểu bí ẩn trong đời ông.

Khi ra khỏi rừng, ông Văn nhìn thấy tận đàng xa căn nhà dựng lưng chừng sườn núi, vách tường bị tuyết đọng thành đống cao nhất. Ông già đã đào một lối đi nhỏ ra tận rừng cây như thể ông đang chờ đón có khách viếng thăm, ông Văn nghĩ thầm như vậy khi men theo lối ấy đi vào nhà.

Ong khẽ gõ lên cánh cửa, rồi chẳng đợi ai trả lời cứ thế bước vào. Ông già ngồi khom lưng bên lò lửa đang gọt đẽo gỗ, miệng ngậm một cái ống điếu lớn. Con Dê và con Mèo ngồi châu ở hai bên cạnh ông. Ông Văn lặng lẽ đến ngồi ở cái ghế phía bên kia lò lửa.

Vẫn không ngẩng nhìn lên, ông già cất tiếng hỏi, “thế nào cháu Duyên, đi tới nơi được an lành chứ?”

“Tôi đây chứ không phải cậu Duyên”, ông Văn dịu dàng đáp. Giật mình, ông ngẩng phắt lên. Hai người trừng trừng nhìn nhau như thể người nọ tưởng người kia là ma, hay nói cho đúng hơn, là hồn người chết hiện về.

Sau cùng ông Văn nói, “Tôi tới đây để trao trả lại cụ số tiền này. Tôi có thể giúp cậu bé què không cần đòi hỏi tiền nong gì, nếu cái chân của cậu xem chừng có thể chữa được.”

“Thế là thằng nhỏ đã thất hứa với ta rồi”, ông già lẩm bẩm, đoạn dựa cằm lên cây gậy chống, mắt ngó trừng trừng, ngó mãi…

“Nó không thất hứa đâu”, ông Văn đáp. “Nó không nói gì hết mà chỉ bảo tôi rằng số tiền ấy là do một ông già đưa cho nó và dặn nó là để trả một món nợ. Nhưng tôi không bao giờ nhận những số tiền lớn con cái nông dân mà không biết chắc tiền ấy ở đâu ra. Muốn tìm chỗ ở của cụ thật chẳng khó khăn gì, tôi chỉ cần hỏi dò những người khác là biết được ngay”.

Yên lặng kéo dài một lúc thật lâu. Sau cùng, ông già nói: “Ông đến đây chỉ để nói chuyện ấy thôi ư?” giọng ông già bỗng nhiên nghe mệt mỏi, chán nản và thất vọng một cách lạ thường.

Ông Văn vội vàng đứng ngay dậy, rồi quì xuống trước mặt ông già. “Thôi, chúng ta còn giả bộ với nhau làm chi nữa?” Ông nói. “Con đến xin ba tha tội cho con. Con tới đây là để mời ba về ở với vợ chồng con và các cháu. Chúng con lúc nào cũng nhớ ba và muốn ba về ở nhà.”