Trang Đầu | Mục Lục | << Chương 17 | Hướng Dẫn

Chương 18

CHƯƠNG 18

Tuần lại tuần, trôi qua dưới thung lũng, cũng như trên miền núi. Tuyết đã bắt đầu tan chảy và những giòng suối nhỏ đầy ứ nước đã trở thành những giòng thác lũ. Ở các cánh đồng dọc theo bờ sông, hoa cỏ đã bắt đầu mọc lên. Bò và dê bị giam hãm trong chuồng đã bắt đầu giậm chân đòi được thả ra ngoài. Từng trận gió nam thổi ngược thung lũng và trong rừng thông, nhựa sáp dâng lên tiết ra mùi thơm ngọt dịu, Mùa Xuân đã trở về trên miền núi.

Nội bận rộn lo việc cọ rửa và dọn dẹp nhà cửa trong dịp Xuân về. Ông Bình thì bận rộn vì đàn bò mới đẻ. Như vậy cũng là một điều hay, vì khi bận việc, họ không thấy nhớ con cháu cho lắm, dẫu rằng mỗi con bê no nớt mũi đỏ hồng lại nhắc ông Bình nhớ đến bé Danh. Nội thì mỗi ngày một thêm già, mắt mỗi ngày một thêm kém. Nhiều lúc đang cọ rửa đồ đạc, Nội bỗng ngồi sụp xuống, rồi trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê, Nội thường tưởng tượng như nghe thấy tiếng khập khiểng chân giày chân nạng leo lên bực thềm và giọng trong trẻo vui vẻ của một đứa bé đang ca hát. Nhưng lúc Nội tỉnh dậy thì chỉ thấy cảnh vắng lặng trong nhà, và những lúc ấy, Nội thường tự hỏi không biết bao lâu nữa An và bé Danh mới trở về nhà.

Duyên cũng nhớ An lắm và bé Danh nữa. Nó ở cao tít trên núi, xa cách mọi đứa trẻ khác và mỗi khi một mình đi trở về nhà, nó thường ao ước có An đi bên cạnh… Nhưng ở trường nó không còn bị cô độc, khổ sở nữa. Do lần nó mạo hiểm vượt qua đèo, nó đã chứng tỏ lòng hối hận của nó nên nó đã được các học sinh trong trường chấp thuận cho gia nhập trở lại hàng ngũ của chúng.

Chính Duyên cũng đã đổi khác. Kể từ cái đêm nó mời Cứu Chúa ngự vào lòng, nó đã biết rằng tất phải có sự thay đổi. Tính dễ cáu kỉnh, tính lười biếng và lòng bất mãn không thể nào tồn tại trong một tấm lòng đã biết mở ra để đón nhận tình yêu thương của Chúa Giê-xu. Dần dần, Duyên nhận ra rằng chừng nào nó còn cầu nguyện, và đọc Kinh Thánh mỗi ngày để giữ cho nó gần bên Chúa, tình yêu thương vẫn mạnh hơn là tính dễ cáu kỉnh và tính lười biếng, và nay nó có thể giữ được bình tĩnnh khi bị trêu chọc và nó không còn nề hà khi phải làm những công việc không vừa ý.

Khi không có buổi học, nó thường chạy sang nhà Nội để giúp Nội lau rửa nhà cửa, đồ đạc. Một già một trẻ trở thành thân thiết – quả thật, không có nó, mình Nội không biết xoay trở làm sao; nó giúp Nội chẻ củi, đi mua sắm, và đem thư từ làng về. Đây là công việc nó thích hơn hết, vì những thư nầy thường là do An viết về, và Nội vẫn bảo nó đọc lớn lên cho Nội cùng nghe. Thỉnh thoảng cũng có một bức vẽ của bé Danh nữa. Nội cất bức vẽ cẩn thận ở phía rằng bìa trước quyển Kinh Thánh và thường hay bày ra ở mặt bàn để ngắm nghía. Vào cuối tháng hai, Nội đã có một tập tranh mang những tựa đề “Danh trên giường” – “Danh không ở trên giường” – “Danh đuổi theo đàn dê” – “Danh uống thuốc” – “Danh và cô điều dưỡng” – “Danh và chị An” – “Danh và con mèo Bạch Tuyết”. Nội thấy bức vẽ nào cũng đẹp cả, tuy trong bức cuối cùng, Nội và Duyên phải hơi chút khó khăn mới nhận ra được ai là “Danh” và ai là “mèo Bạch Tuyết”.

Lúc nầy đời Duyên gặp phải một nỗi buồn khác nữa. Ông già trên núi rất thân thiết với nó nay phải rời bỏ núi để về ở bên bờ hồ với con trai ông là bác sĩ Văn. Việc này đã được thu xếp ngay buổi trưa hôm ấy khi hai cha con lần đầu nhận ra nhau.

Ông già đi vào đầu tháng ba. Cái ngày trước khi ông khởi hành, Duyên băng rừng tìm lên nhà ông để giúp ông sửa soạn hành lý. Ông đã đem gửi con dê, con mèo và đàn gà mái, ông cũng đã đem bán gần hết những hình tượng nhỏ ông đã đẽo khắc. Nhưng ông không bán căn nhà, ông chỉ đóng cửa để đấy chờ đợi khi ông quay về.

Ông nói với Duyên: “Ta sẽ trở về luôn luôn. Ta không thể nào rời bỏ miền núi lâu được. Ta sẽ chỉ xuống ở dưới ấy ít lâu, rồi khi ra nghe thấy tiếng gọi của rừng núi, ta sẽ quay trở về để nghỉ ngơi ít ngày.”

Ông đăm chiêu nhìn ra ngoài thung lũng bao la, rồi lại liếc nhìn những ngăn kệ trống trong lều.

“Ta sẽ mang đi mấy món đồ gỗ khắc cho các cháu ta”, ông nói. “Có lẽ chúng vui thích lắm. Nhưng có một món ta giữ lại cho cháu, Duyên ạ. Ta tình cờ bắt gặp món đồ gỗ khắc tối hôm nọ. Đây là một món mà ta nghĩ ta không thể lìa xa được, nhưng ta muốn dành lại cho cháu nên cháu giữ gìn nó cẩn thận.”

Duyên háo hứt ngẩng lên nhìn và đáp: “Cháu cũng muốn có một cái lắm. Vì nó sẽ nhắc cháu nhớ đến ông. Ngoài ra, cháu cũng muốn dùng nó làm mẫu để bắt chước.”

Ông già đi về phía tủ lấy ra món quà tặng mà ông đã để dành cho Duyên. Ông trao cho nó món quà và chăm chú ngó nó trong lúc Duyên vân vê ngắm nghía món quà.

Thoạt nhìn, món quà nom có vẻ tầm thường. Đó là một cây thập tự làm bằng hai mảnh gỗ thô sơ, nhưng cái sà ngang được cột vào cái cột dọc bằng những sợi dây thừng chạm trổ có từng khắc rất công phu, khéo léo. Duyên mân mê tác phẩm thủ công tuyệt hảo ấy một cách tôn kính, đoạn nó ngẩng lên nhìn ông già: “Đẹp quá! Cháu không hiểu ông làm thế nào mà chạm khắc được những sợi dây thừng ấy mà không làm sức mẻ gỗ.” Rồi nó ngượng nghịu nói tiếp, “Có phải đây là cây thập tự mà Chúa Giê-xu bị đóng đinh lên không?”

Ông già gật đầu đáp: “Phải! Ta chạm khắc cây Thập tự đó vào cái đêm chủ ta qua đời – cái đêm người nói với ta về tình yêu thương và bác ái của Thượng Đế – cái đêm ta tin là ta có thể được tha thứ. Có một lần hai ông cháu ta đã nói chuyện về tình yêu thương – Thập tự giá chính là cái chỗ chúng ta thấy tình yêu thương được thể hiện trọn vẹn”

Duyên lại ngẩng nhìn lên rất nhanh.

“Tình yêu thương trọn vẹn!” nó lập lại. “Đó chính là điều đã nói đến trong câu gốc của Nội. Đó chính là điều cháu và An đã nói chuyện với nhau vào cái đêm trước khi An đi xuống thành phố bên hồ.

“Phải””, ông già gật đầu đáp. “Rồi đây cháu sẽ còn được nghe nói đến nhiều. Tình yêu thương trọn vẹn có nghĩa là tình yêu thương cứ tiếp tục hành động mãi cho đến khi không còn gì để hành động nữa, và cứ tiếp tục hành động chịu đựng cho đến khi không còn chịu đựng được nữa. Chính vì thể mà khi Chúa Giê-xu Christ bị treo trên Thập tự giá, Ngài nói: “Mọi sự đã hoàn tất!” Không một tội lỗi nào còn lại mà không thể được tha thứ, không một tội nhân nào không thể được cứu chuộc, bởi vì Ngài đã chết. Ngài đã yêu thương một cách trọn vẹn.”

Ông già hình như đã quên hẳn Duyên và đang nói thao thao một mình. nhưng Duyên vẫn chăm nghe. Khi ông nói xong, nó chào ông và hứa sáng hôm sau sẽ lên sớm để mang hành lý của ông ra nhà ga trên đường nó đi đến trường học. Đoạn nó chạy về nhà trong lúc hoàng hôn của mùa xuân đang buông xuống, gió ấm mùa xuân thổi qua rừng và tiếng tuyết rơi nhỏ giọt từ trên cành xuống dưới đất. Nó chạy vội về nhà vì nó muốn viết thơ cho An để nhờ ông già mang đi hộ vào sáng hôm sau. Nhưng việc đầu tiên trước khi nó làm lúc về tới nhà, là đem treo cây Thập tự cẩn thận lên đầu giường chỗ nó nằm rồi mới chạy xuống nhà bếp để kiếm giấy bút.

Trong nhà bếp là cả một cảnh bừa bộn. Má nó đang bận ở chuồng bò nên không có thì giờ rửa nồi chảo và đổ nước dơ. Duyên thường vẫn giúp má nó. Nhưng tối nay nó vội. Nếu nó lẻn vào phòng ngủ thì nó có thể ngồi viết bình yên. Má nó lát nữa sẽ dọn dẹp nhà bếp và sẽ không biết nó vào đây.

Nó lẻn vội ra khỏi nhà bếp. Lên tới phòng ngủ nó nằm bò ra sàn gác bên cạnh giường nằm. Nó vừa mới bắt đầu viết thì tình cờ ngó lên, nó nhìn thấy cây Thập tự giá chạm khắc nó treo trên tường.

Nó ngó cây Thập tự một lúc khá lâu, óc suy nghĩ rất nhiều – ông già nói gì với nó? – À! “Tình yêu thương trọn vẹn” – lạ thật, sao nó cứ nghe thấy mấy tiếng này mãi – “Tình yêu thương trọn vẹn cứ tiếp tục hành động mãi mãi cho đến khi không còn gì để hành động nữa.”

Nó còn nhỏ, nhưng cũng muốn làm như Cứu Chúa và yêu thương trọn vẹn như Ngài. Nó nghĩ đến đống nồi chảo dơ còn để trong nhà bếp chờ người đến rửa.

Tự nhiên nó thấy nóng bừng mặt. Nó liền chậm chạp đứng lên. Chừng nửa giờ sau, khi má nó bước vào nhà bếp, bà thấy trong đó sạch sẽ ngăn nắp, và ngồi ở bàn là một cậu Duyên lòng vui vẻ, thảnh thơi đang cắm cúi viết.

Sáng sớm hôm sau, khi rừng hãy còn đầy bóng tối âm u, Duyên đã lên nhà ông già trên núi. Một già một trẻ cùng nhau xuống núi, bỏ lại ngôi nhà trơ trọi ở đó chờ đợi ngày ông già trở về. Khi họ đi tới bìa rừng, sương muối bắt đầu tan trong thung lũng, gà cất tiếng gáy và mặt trời đã chiếu vào tới đỉnh núi cao.

Khi tàu khởi hành, ông nhắc Duyên, “Khi hoa dại bắt đầu nở, ta sẽ trở về. Cháu viết thơ nói cho ta biết lúc nào chúng nở trong thung lũng. Như vậy ta sẽ có thừa thì giờ để trở về trước khi chúng nở ở trên núi. Nhớ nhé, Duyên!”

Câu trả lời của Duyên bị tiếng ầm ầm của xe lửa nhận chìm. Con tàu lắc lư đi xa rồi khuất dạng sau khúc quanh của ngọn đồi.

Sau ngày ấy, không bao lâu Duyên ra nhà bưu điện nhận bức thư gửi về cho Nội. Nó liền chạy vội lên đồi để trao cho Nội, vì nó biết thư ấy là của An. Vừa trèo lên bực hàng hiên nó vừa reo lớn tin mừng. Nội ở trong nhà vội đi ra ngoài.

“Đọc thơ cho bà nghe đi cháu”, Nội nói rồi ngồi ngay xuống chỗ ánh nắng, hai tay khoanh lại, mắt nhắm để nghe cho rõ hơn.

Thư viết rất ngắn. Duyên chỉ đọc một hơi là hết.

“Thưa ba và Nội”, thư viết, “Bé Danh và con ngày mai sẽ trở về nhà. Bé Danh đã khỏi hẳn rồi. Chúng con nhớ nhà quá. Danh bảo cho đem con Mướp ra ngoài ga đón nó.” Dưới ký tên An.

Ngoài ra còn có mấy chữ của bà Văn cho biết đúng giờ nào xe lửa tới nơi, và một tuyệt tác phẩm của bé Danh tựa đề “Danh ngồi xe lửa về nhà.”

Nội khóc mất mươi phút, tiếng khóc run run yếu ớt của một bà lão già – nhưng Nội chùi ngay nước mắt và cố gắng tỏ ra một bà lão khỏe mạnh, vì còn có nhiều việc phải làm lắm.

Nội dõng dạc bảo Duyên: “Cháu hãy ra ngoài chuồng bò đưa thư này cho ông Bình, đoạn trở lại đây ngay để giúp ta một tay. Còn có bao nhiêu việc phải làm – nào giũ giường chiếu, phơi chăn gối, nào làm bánh, đánh bóng bàn ghế. Chúng ta phải làm sao cho cửa nhà sạch sẽ thơm tho cho hai đứa nó mừng.”

Khi nhận được tin, ông Bình thốt lên, “Thế à?” rồi giơ tay gãi đầu. Lần đầu tiên trong đời, ông đánh đổ thùng sữa, rồi liền ngay sau đó ông bỏ đi vào rừng cho mãi đến một lúc lâu sau ông mới trở về.

Sáng hôm sau trời thật là trong đẹp, hôm ấy lại không có buổi học, Duyên thức dậy vào lúc tảng sáng. Nó ra ngoài sườn đồi hái hoa đem cắm vào một cái lọ để trên mặt bàn ngoài hàng hiên, đoạn khởi hành đi ra nhà ga. Nó đi thong thả vì hãy còn sớm, và vì nó có nhiều điều phải suy nghĩ. Nội, ông Bình và con Mướp đã ra đi trong chiếc xe lừa.

Chắc chắn chưa bao giờ có một sáng Xuân đẹp như sáng nay! Đồng cỏ, hôm nào hoang tàn vàng úa nay bày ra một cảnh xanh tươi lốm đốm những bông hoa đủ màu sắc. Trong không gian vang lên tiếng lục lạc đeo ở cổ những con bò vừa mới được thả ra khỏi chuồng sau những ngày đông bị giam hãm. Bầy dê con chạy nhảy tung tăng ngoài đồng trong khi chim sáo hót vang trong vườn cây. Rừng thông thơm sực nức mùi nhựa hắc, và những đỉnh núi trắng phau chỉa thẳng lên nền trời xanh biếc làm lóa mắt những ai dám ngó nhìn.

Một cụm hoa núi nhắc Duyên nhớ đến ngày này năm ngoái lúc Danh bị té xuống đường khe. Thật là một ngày đen tối! Chỉ thoạt nhớ đến ngày đó thôi cũng đủ khiến cho nó thấy buồn bã trong lòng: chính vì lỗi tại nó mà An và bé Danh mới phải đi xa nhà. Mà có lẽ chúng nó cũng không vui thích khi thấy mặt Duyên. An có viết rằng bé Danh đã khỏi hẳn, nhưng Duyên thấy khó mà tin được.

Duyên tới nhà ga với một tấm lòng hồi hộp không vui. Nó đứng tách ra một chỗ, hai tay bỏ trong túi quần, vì nó bỗng cảm thấy sợ sệt phải gặp An và Danh. Nó ước gì nó đừng có đến đây. Sân ga động chật người. Ông Bình cứ nhìn đăm đăm về phía cuối thung lũng để chờ đợi xe lửa hiện ra. Nội thì ôm chặt lấy con Mướp như chỉ sợ con vật sắp nhảy chồm xuống dưới đất để một mình chạy đi đón xe lửa.

“Tàu đến kia rồi!” ông Bình nói, trong lúc mọi người chen nhau tiến về phía trước; trừ có Duyên vì lúc ấy nó đang cảm thấy ngượng nghịu hơn bao giờ hết.

Tàu tiến vào sân ga. An và bé Danh đứng ở cửa sổ đang nóng ruột chờ đợi được ra khỏi toa tàu.

Danh liếc nhìn những khuôn mặt thân yêu đang chen sát vào nhau để chào đón nó. Nó nhận thấy Duyên đang đứng tách rời một chỗ nên băn khoăn tự hỏi làm sao. Lòng trẻ hồn nhiên độ lượng thúc giục nó phải tụ hợp mọi người quây quần chung quanh nó. Nó liền nhảy xuống bực toa tàu, rẽ đám đông chạy thẳng về phía Duyên.

“Anh Duyên à, coi nè!” nó reo, “em đi được rồi nè! Cái ông bác sĩ của anh ấy đã chữa được cho em khỏi. Giờ em có thể chạy như thường được rồi nè. Coi nè! Nội! Coi nè, ba! Coi nè, Mướp! Đây là con của mi nè! Có phải nó lớn lắm rồi không Nội? Lớn gần bằng con Mướp rồi!”

Con Mướp và con mèo hầm hè nhìn nhau, rồi xông vào cắn nhau dữ dội. Nội và Danh phải cố lắm mới gỡ được hai con ra. Mọi người chung quanh cười rộ. Con tàu lại phình phịnh lăn bánh. An níu chặt lấy ba nó như thể nó không bao giờ muốn lại rời xa ông nữa.

Chỉ có Duyên là quay mặt đi vì nó thấy nước mắt dâng lên. Nó đã được vinh dự hơn hết thảy mọi người – tội lỗi của nó đã được tha thứ và quên lãng mãi mãi – bé Danh từ nay có thể đi được như thường rồi.

Trong lúc quay đi, nó nhận thấy hoa đã chớm nở trên ngọn cây hạnh nhân trồng ở sân ga. Vừa mới hôm qua, cây nầy chỉ còn cành trơ trụi, nhưng mùa xuân đã trở về mang theo một nguồn sinh lực mới, và trên những cành trơ trụi kia nay đã lốm đốm hoa hồng.

Mùa đông đã qua. Hoa đã lại nở trên trái đất, và chim chót ca hát tưng bừng để chào đón một mùa Xuân mới.

HẾT