Trang Đầu | Mục Lục | << Chương 4 | Chương 6 >> | Hướng Dẫn

Chương 5

CHƯƠNG 5

Chiều hôm ấy Duyên từ đồng cỏ chạy về nhà, lòng nhẹ nhàng phơi phới. Nó đã làm việc hết sức mình. Thân thể nó mệt nhừ, nhưng ở nhà có con ngựa nhỏ đang chờ đợi nó; ngày mai nó sẽ mang con ngựa ấy đến trường, và mọi người sẽ biết cái tài chạm khắc gỗ của nó.

Nó phóng mình lên bực thềm, rồi đột nhiên đứng sửng lại. Con ngựa của nó đi đâu mất rồi; trên mặt bàn chỉ còn lại những đồ nghề điêu khắc và những mảng gỗ vụn.

Có lẽ má nó về nhà trước đã lấy con ngựa đi. Nó xông vào nhà miệng kêu lớn: “Má để con ngựa của con ở đâu, má!”

Bà Mầu đang cắm cúi trước nồi súp, ngẩng đầu lên, đáp:”Má có nhìn thấy con ngựa của con đâu, chắc con để lạc đâu đấy chứ gì”.

Duyên bắt đầu hoảng hốt thật sự. Nó đáp: “Con vẫn để nó trên bàn kia mà! Không biết bây giờ nó biến đâu mất rồi! Má hãy tìm giùm với con đi!”

Bà Mầu lập tức đi theo nó. Bà cũng muốn cho con bà đoạt giải lắm, nên hai mẹ con chia nhau đi lùng kiếm khắp nhà. Sau, bà Mầu nẩy ra một ý nghĩ.

“Hay nó rơi qua thành bao lơn?” bà nói. “Con hãy chạy xuống tìm phía dưới xem”.

Duyên vâng lời, chạy bay xuống. Nó không phải mất công tìm kiếm lâu. Chỉ thoáng chốc nó đã tìm thấy con ngựa của nó bị bể vỡ tan từng mảnh.

Nó nhặt các mảnh lên để trong lòng bàn tay rồi đem chìa cho má nó xem. Tiếng kêu thất vọng của bà Mầu khiến chị Mai từ trong nhà phải chạy ra. Hai người đứng nhìn trân trân, nhìn những mảnh gỗ vụn trước kia là tượng con ngựa đang phi.

Một lát sau, chị Mai nói, “Chắc là tại con mèo rồi. Chị rất buồn cho em. Thế em không còn tượng gỗ nào khác để đem dự thi ư?”

Bà Mầu không nói gì mà chỉ thở dài. Nhưng giọng thở dài của bà mang nặng ý nghĩa.

Duyên cũng không thốt mọt lời nào. Nó lẳng lặng bước vào nhà, đua mắt nhìn lên chiếc đồng hô treo trên tường.

“Con lên núi đây,” nó nói, cố giữ giọng bình tĩnh. “Con không về ăn cơm tối đâu.”

Nó chạy xuống bực bao lơn rồi đi xuyên qua cánh đồng cỏ với những đống cỏ như những lượn sóng trên mặt biển cả. Má nó nhìn theo nó, nét mặt lo âu , cho tới khi nó khuất dạng vào trong rừng. Lúc ấy bà mới quay trở vào, để rơi mấy giọt lệ xuống nồi súp nóng.

“bé gặp toàn chuyện chẳng may,” bà buồn rầu khẽ nói. “Không biết rồi nó có làm nên công chuyện gì không?”

Duyên lẹ bước qua rừng, mắt chẳng để ý nhìn cảnh vật. Ngay đến bầy sóc nhỏ màu xám đang chuyền từ cành nọ sang cành kia và tấn công nhau bằng trái dẻ rừng cũng không được nó để mắt tới. Lúc ấy lòng nó không nghĩ tới gì hơn là cái giải bị mất và nỗi thát vọng ê chề--làm sao cái giải đáng lẽ vào tay nó mà nay lại lọt sang tay người khác để nó cứ tiếp tục bị ghét bỏ, khinh khi. Nó không còn cơ hội nào nữa để tỏ cho mọi người thấy cái tài điêu khắc của nó. Chẳng ai thèm đoái hoài đến nó--trừ phi nó đoạt được giải ấy.

Nó tới một khoảng rừng thưa, từ đó nó có thể nhìn qua ngọn cây tới những đỉnh núi trắng xóa ở bên ngoài rặng núi khép kín thung lũng này.

“Ước gì ta có thể đi khỏi nơi đây ngay,” nó nghĩ thầm. “để bắt đầu làm lại cuộc đời ở nơi mà không một ai quen biết ta, hay biết rõ việc ta đã làm. Nếu ta đi tới và sống được ở một thung lũng khác, sẽ không còn phải sợ sệt mọi người như ta đang bị ở đây.”

Mắt nó dừng lại trên con đường đèo chạy giữa hai đỉnh núi và đưa dẫn tới các thành phố lớn ở thung lũng kế cận nơi chị Mai nó làm việc. Con đường đèo này luôn luôn thu hút nó; nó tưởng chừng như đấy là một con đường dẫ tới một thế giới khác, xa khỏi tất cả những gì là quen thuộc, êm đềm--tới một chốn hoang vu kỳ quái mà bao khách giang hồ đã bị vùi thây vì gió bão. Nó có đích thân vượt qua đèo hai lần, nhưng lúc ấy là vào mùa hạ, mặt trời chói sáng, hoa núi đầy dẫy khắp đèo. Giờ, dưới ánh nắng tàn, đường đèo hiện ra sáng sủa. Trước mắt Duyên, nó bỗng có vẻ giống như một cái cửa dẫn ra khỏi nhà tù--một cái cửa mà nó phải đi qua một mình để tìm thấy tự do ở miền đất hoàng hôn.

Duyên nhình thấy ông già khi nó dời khỏi khu rừng, nhưng ông già không nhìn thấy nó ngay. Ông đang ngồi ở đằng trước cửa nhà, hai tay chống cằm, mắt nhìn chăm chú vào những dãy núi ở phía bên kia thung lũng. Mãi khi Duyên tới gần sát ông, ông mới ngững nhìn lên.

“A con đấy à!” ông già nói giọng ồ ồ. “Thế nào, công việc chạm khắc đến đâu rồi? Đến bao giờ thì con đoạt giải ấy đây?”

“Cháu không đoạt giải ấy được đâu,” Duyên phụng phịu nói. “Con ngựa của con bị vỡ làm nhiều mảnh rồi. Có lẽ con mèo làm rơi ra ngoài thành bao lơn, va ai đó đã đạp nhằm lên nó.”

“Đáng buồn thật”, ông già dịu dàng nói, “nhưng cháu vẫn có thể đưa một tác phẩm khác ra dự thi. Chẳng hạn con sơn dương mà cháu đã tạc ấy. Ta thấy đấy cũng là một thành công đáng kể đối với một đứa trẻ trạc tuổi cháu.”

Duyên lấy chân đá mạnh vào những hòn đá trên lối đi.

“Cháu khắc con sơn dương bằng con dao díp cùn của cháu chứ không phải bằng những đồ nghề chuyên môn”, nó lầm bầm nói. “Chúng sẽ tưởng đó là tác phẩm đẹp nhất của cháu. Không, nếu cháu không đăng con ngựa dự giải thì thôi, cháu không đăng vật gì khác nữa.”

“Cháu chú trọng đến ý kiến của mọi người lắm sao?” ông già hỏi.

“Có chứ”, Duyên lại lầm bầm đáp.

“Sao vậy?”

Duyên đăm chiêu nhìn xuống đất. Không biết nó phải trả lời ra sao bây giờ? Dầu sao ông già cũng thân với nó, có lẽ là người bạn thân duy nhất của nó nữa. Có lẽ nó nên nói thật cho ông già biết hết mọi chuyện thì hơn.

“Quan trọng lắm chứ ông”, nó lẫm bẫm, “vì mọi người ghét bỏ cháu là đần độn, xấu xa. Nếu …, nếu cháu trúng giải ấy và mọi người biết được rằng cháu có tài chạm khắc gỗ giỏi hơn các đứa trẻ khác trong vùng, có lẽ họ sẽ thương mến cháu hơn.”

“Không đâu, cháu ạ”, ông già thủng thẳng đáp. “Tài nghề của mình khi đem dùng để phục vụ cho mục đích riêng tư của mình, chẳng bao giờ đem lại được tình yêu thương đâu. Có thể cháu sẽ được thán phục vụ và thèm muốn, nhưng đó không phải là tình yêu thương. Nếu quả thật cháu muốn đi tìm tình yêu thương, thì việc làm của cháu là uổng công vô ích vậy.” Duyên vẫn đăm đăm nhìn xuống đất. Đột nhiên nó ngẩng đầu lên nhìn thẳng vào mặt ông già, nơi khóe mắt long lanh ngấn lệ.

“Thế là hoàn toàn vô ích.” Nó ngập ngừng nói khẽ. “Hình như chẳng còn cách nào làm lại được nữa, để cho mọi người yêu mến cháu. Chắc họ chẳng bao giờ thương đến cháu đâu.”

“Nếu cháu muốn mọi người yêu thương cháu”, ông già nói tiếp, giọng quả quyết , “cháu phải làm cho mình xứng đáng được mọi người yêu thương. Cháu phải sử dụng tài năng của cháu vào việc yêu thương và phục vụ mọi người. Không phải mỗi lúc mà đạt được ngay đâu; có khi phải năm hay nhiều năm trời, nhưng cháu không được nản chí.”

Duyên ngẩng lên nhìn chăm chú vào ông già. Tuy nó không nói không nói ra, nhưng trong óc nó đang có một câu hỏi. Cái ông già kỳ dị hình như biết rõ về tình yêu thương này, tại sao lại giam mình trên cao tít nơi đây, cách biệt hẳn với đồng bào đồng loại?

Ông già kỳ dị hình như đọc được những ý nghĩ đang ẩn trong đầu óc Duyên. Có lẽ đó là nhờ cái chau mày nhăn trán của nó và cái tia mắt nó đăm đăm nhìn ông.

“Chắc cháu đang băn khoăn tìm hiểu tại sao ta lại đi nói về tình yêu thương và phục vụ mọi người phải không?” Ông già hỏi. “Cháu ngạc nhiên như vậy cũng không có gì là lạ. Đấy là một câu chuyện rất dài, cháu ạ!”

“Vâng”, Duyên gật đầu nhận lời ông già nói là đúng. “Cháu quả đang băn khoăn tự hỏi: không hiểu sao một người sống cô độc như ông nơi hẻo lánh này, không hề trò chuyện với ai ngoài cháu ra, lại có thể đi nói chuyện về tình thương yêu và phục vụ những người khác.”

Ông già ngồi lặng yên một lúc lâu, đôi mắt nhìn về phía những đỉnh núi đá xa tít đang nhuộm một màu vàng ối dưới ánh chiều tà; đoạn ông thông thả nói:

“Ta sẽ kể cho cháu nghe câu chuyện của đời ta, nhưng nhớ nhé, đây là một điều bí mật. Ta chưa hề kể chuyện đời ta cho bất kỳ một ai hết; nhưng vì cháu tin ta nên ta tin lại cháu.”

Mặt Duyên ửng đỏ. Những lời nói của ông già khiến lòng nó ấm áp hẳn lên. Nỗi thất vọng của nó vì không được giải thưởng hình như cũng dịu bớt đi, không còn là một vấn đề quan trọng nữa. Được có người tin nơi mình còn tốt hơn là được trúng giải nhiều.

“Ta sẽ kể cho con nghe từ đầu,” Ông già thong thả nói. “Ta là con một, nên ta muốn gì trên đời này cha ta cũng vui lòng chiều theo ý ta. Có thể nói chưa có đứa trẻ nào trên đời nầy được nuông chiều bằng ta.

Ta vốn là một đứa trẻ có tài khéo, mặc dầu ta có tánh ích kỷ chỉ biết có mình. Khi lớn lên, ta kiếm làm việc nên được một chỗ làm tốt trong ngân hàng. Ta chịu khó làm việc nên được thăng chức lên đến địa vị rất cao. Ta có yêu một thiếu nữ và cưới nàng làm vợ. Thượng Đế ban cho chúng ta hai đứa con trai kháu khỉng và, ta cũng xứng đáng được gọi là một người cha hiền, chồng tốt.

Tuy nhiên, ta giao du phải một lũ bạn xấu, chúng tâng tốc ta, mời ta đến nhà chúng chơi. Chúng ham mê ham cờ bạc và rượu chè. Ta đem lòng khâm phục chúng và học đòi lối sống của chúng. Mỗi ngày ta tiêu nhiều tiền hơn vào bài bạc rượu chè.

Ta tưởng chẳng cần phải kể lại cho cháu biết nhiều về những năm trụy lạc ấy. Chỉ biết càng ngày ta càng vắng về nhà, và buổi tối khi về nhà ta thường say khướt. Hai đứa con ta đâm ra sợ ta và chán ghét ta. Vợ ta khuyên can ta và cầu nguyện cho ta, nhưng ta chứng nào vẫn tật ấy không thể bỏ được. Con sâu rượu đã ăn vào xương tủy ta, và ta không biết có một quyền lực nào mạnh mẽ hơn ta có thể giải thoát cho ta được.

Tiền bạc của ta cứ mỗi ngày một cạn dần. Mọi người đã bắt đầu nói đến những thói hư tật xấu của ta. Ông chủ Ngân Hàng đã cảnh cáo ta hai lần, và đến lần thứ ba, khi ta bị bắt gặp đang say sưa làm náo loạn đường phố, ông liền đuổi ta. Hôm ấy ta mò về nhà tỉnh táo hơn mọi khi và kể cho vợ ta nghe tin bị mất việc. Nàng chỉ nói. “Vậy thì em phải đi kiếm việc làm thay mình. Chúng ta không thể để con chúng ta chết đói được.”

Ta đã cố kiếm một việc làm khác, nhưng vô ích. Cả tỉnh đều biết rõ đời sống bê tha của ta, nên chẳng có chỗ nào chịu mướn ta cả. Ta đã cố xoay xở kiếm tiền trên chiếu bạc, nhưng chẳng bao giờ thần tài chịu tìm đến với ta. Còn chút ít tiền để dành thế là cũng tiêu hết.

Vợ ta ngày ngày đi làm việc, đến lúc về nhà lại săn sóc cửa nhà, chăm nom con cái. Nhưng một mình nàng làm thế nào có thể kiếm đủ tiền để nuôi cả một gia đình. Một bữa, nàng cho ta hay là gia đình mang nợ, không có tiền trả.

Ta cần tiền quá, cần tiền để trả nợ và để mua thêm rượu uống. Bấy lâu ta làm ở Ngân Hàng, giữ một vai trò quan trọng và được tin cẩn, tất phải giúp ta giải quyết được vấn đề. Ta biết rõ đường đi lối lại trong Ngân Hàng, vậy ta còn đợi gì mà không làm một mẻ lớn.

Kế hoạch của ta soạn thảo rất công phu nên đã thành công, nhưng vì ta mắc một sơ hở nên mới bị khám phá, bị bắt, bị đưa ra tòa. Số tiền ta trộm khá lớn, và vì ta không đền lại được xu nào, ta mới bị kết án tù dài hạn.

Vợ ta ngã bệnh trong hàng tháng trời. Bà đã làm việc quá sức, và hầu như chẳng ăn uống gì cả để có phần dành cho con cái. Bà đến thăm ta ở nhà tù cả thảy ba lần. Nom người bà gầy ốm xanh xao như một tàu lá úa. Sau đấy, con trai lớn của ta viết thư báo cho ta biết tin bà mệt nặng không thể đến thăm ta được. Mấy tuần lễ sau, một thầy cảnh sát dẫn ta về nhà để chào vĩnh biệt bà đang nằm hấp hối trên giường bệnh. Người ta bảo bà lao tâm lao lực quá mà chết. Nhưng ta nghĩ rằng bà chết vì cõi lòng tan nát, và chính ta đã giết bà.

Ta ngồi bên cạnh bà trong suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ; tay ta nắm chặt lấy tay bà. Bà nói với ta về lòng yêu thương bác ái của Đức Chúa Trời, và về sự tha thứ mọi tội lỗi. Ta ở bên cạnh bà cho tới khi bà thở hơi cuối cùng, ta mới theo người cảnh sát trở lại nhà tù.

Ta không còn nhớ rõ những gì xảy ra trong tháng sau đó. Trí giác ta như bị tê liệt. Ta như bị đắm chìm trong một niềm tuyệt vọng mênh mông. Ta chỉ còn có mỗi một niềm an ủi. Suốt đời ta, ta vẫn thích nghề tác khắc gỗ. Trong những lúc rỗi rảnh ở nhà tù, ta được phép dùng đồ nghề để chạm khắc gỗ. Mỗi ngày ta một thêm tiến bộ. Một người gác ngục có lòng tử tế đem bán những món đồ ta làm ra cho mấy cửa tiệm trong thành phố. Nhờ đấy ta kiếm được ít tiền và để dành một chỗ. Ta nghĩ bụng một ngày kia ta sẽ được tha ra và sẽ phải làm lại cuộc đời.

Ngày ấy đến sớm hơn là ta dự tưởng. Ông thống đốc cho gọi ta đến để báo cho biết tin ta sẽ được ân giảm vì hạnh kiểm tốt. Trong ba tuần lễ nữa thôi, ta sẽ được trả tự do.

Ta trở về nhà tù, lòng bâng khuâng không biết nên vui hay nên buồn. Được ra khỏi nhà tù là một điều vui mừng mới phải, nhưng ta không biết phải đi đâu, ở đâu, và lập lại cuộc đời ra sao? Có một điều ta đã đoan chắc với lòng là ta không bao giờ để cho các con gặp lại ta nữa, hoặc là biết được chỗ ta ở. Hai đứa con ta đã được nội chúng nuôi nấng, và theo chỗ ta biết, chúng đã được thành người khôn lớn, đầy hứa hẹn trong đời. Ta không muốn tên ta và cái thành tích xấu xa của ta làm dơ bẩn đời chúng, di hại tới bước đường tương lai của chúng. Đối với chúng, ta nên là kẻ đã chết rồi.

Ta chỉ biết có vậy thôi, ngoài ra không biết gì nữa hết. Ông thống đốc có đề nghị giúp ta lập lại cuộc đời, nhưng ta từ chối vì ta không muốn lưu lại dấu vết cho người đời biết nơi ăn chốn ở của ta. Ngày ta được phóng thich, ta ra khỏi nhà giam với một số tiền nhỏ trong túi, và ta đáp ngay chuyến tàu đầu tiên đi lên chỗ rừng rậm núi cao nầy.

Ta dừng ở lại làng nầy, vì ta nom thấy một người đàn ông đang khó khăn chật vật chăn giữ một đàn bò hỗn loạn. Ta giúp người ấy lùa đàn bò trở lại hàng ngũ, và hỏi người ấy xem có công việc gì cho ta làm không.

Người ấy không có việc gì cho ta làm, nhưng chỉ cho ta nom thấy một căn nhà gỗ dựng nơi lưng chừng núi. Người ấy bảo ta hãy tìm lên trên ấy. Trên kia, người ấy nói, có một nông gia đang cần người phụ giúp, vì con trai ông đã bỏ xuống dưới tỉnh học nghề. Ông đang cần có người giúp việc thay cho con ông.

Ta không bao giờ quên được ngày hôm ấy ! Hoa dại nở đầy đồng trong lúc ta leo ngược lên đồi . Ta tìm thấy căn nhà gỗ và đã gặp ngay ông chủ nhà đang chẻ củi ngoài sân. Ta tiến lên đến trước mặt ông. Vừa mệt, vừa đói, vừa buồn bã trong lòng, ta chẳng phí thì giờ voào việc rào trước đón sau. Ta hỏi thẳng ông:

“Tôi nghe nói ông đang cần một người chăn bò, ông có vui lòng nhận tôi không?”

Ong chủ trại ngẩng lên nhìn ta từ đầu đến chân. Ông có nét mặt hiền hậu, đôi mắt nhơn từ. Ông ta hỏi:

“Anh không phải là người làng đây. Vậy anh là ai và từ đâu đến vậy?”

“Tôi từ Giơ neo đến.”

“Anh làm nghề gì?”

“Tôi chẳng làm nghề gì ca.”

“Thế từ trước đến nay anh làm những công việc gì?”

Ta nghĩ quanh, định tìm cách nói dối, nhưng ông nhìn thẳng vào mắt ta, mặt ông lộ rõ vẻ ngay thẳng và hiền hậu nên ta không nở lòng nào nói dối ông. Ta muốn thà để ông biết rõ về ta, hoặc là chẳng biết tí gì về ta còn hơn. Nghĩ vậy ta đáp:

“Tôi vừa ở tù ra.”

“Sao ngươi lại bị nhốt trong tù?”

“Vì tội ăn trộm tiền.”

“Ta biết lấy gì làm chắc ngươi sẽ không lấy trộm tiền của ta?”

“Tôi muốn xây dựng lại cuộc đời. Tôi xin ông hãy tin tôi. Nếu ông không tin tôi, tôi xin đi ngay.”

Ông lại nhìn ta từ đầu đến chân như dò xét. Rồi ông chìa bàn tay ra cho ta nắm lấy. Ta ngồi xuống ghế bên cạnh ông và gục đầu khóc. Nhà tù đã làm cho con người ta thành yếu đuối.

Ta làm việc cho ông chủ trại ấy trong năm năm trời, từ sáng sớm đến tối mịt, ta chẳng bạn bè với ai, mà cũng chẳng nghỉ ngơi ngày nào. Niềm vui duy nhất của ta là làm việc cho người ta yêu quí, người ta đã dang tay thu nhận ta trong khi mọi người khác xua đuổi, hắt hủi ta. Ta thường tự hỏi không biết tại làm sao ông lại cư xử như vậy, thì một đêm kia ta chợt nghe ông ta nói chuyện với người con trai vừa ở tỉnh về chơi nhơn dịp cuối tuần.

“Tại sao ba lại thâu dụng tên tù nguy hiểm ấy?” người con trai hỏi. “Việc làm của ba thật chẳng khôn ngoan tí nào! “

“Con ạ”, ông trại chủ đáp. “Đấng Christ tiếp nhận mọi kẻ tội lỗi và chúng ta đây đều là môn đồ của Ngài.”

Về mùa hè, ta và ông chủ trại dẫn bò lên núi và ở trong căn nhà gỗ mà ta đang ở hiện nay. Cảnh núi non bình dị êm đềm như xâm chiếm hồn ta và hàn gắn những vết thương nơi ta. Đối với ta, kẻ tội lỗi, cũng như đối với ông chủ trại, bậc thánh nhân, cảnh vật không có gì khác cả. Cũng hoa nở trên sườn đồi, cũng cảnh chiều tà lộng lẫy huy hoàng, và buổi sớm mai trong mây không có gì phân biệt cả. Và ta cũng bắt đầu tin nơi tình yêu thương, lòng bác ái của Thượng Đế.

Sau bốn năm trời cùng nhau chung sống, chủ ta bắt đầu ốm yếu và ngã bệnh. Ông có đi coi bác sĩ, nhưng chẳng còn thuốc men nào cứu nỗi mạng ông. Cuối năm ấy ông qua đời, để lại ta một mình trơ trọi. Cái đêm trước khi ông lìa cõi thế gian này, ông nói với ta—cũng như vợ ta đã từng nói với ta—về tình yêu thương, lòng bác ái của Thượng Đế và về sự tha thứ mọi tội lỗi.

Ông mất đi là ta mất đi người bạn duy nhất trên đời, dẫu rằng con trai của ông đối với ta cũng rất tử tế. Bây giờ anh ta giàu rồi; anh bán hết bò, nhưng để lại cho ta căn nhà gỗ này. Ta mua thêm một con dê, mấy con gà mái, nhặt nhạnh ít đồ đạc, và dọn về ở đây từ đấy đến nay.

Hiện ta chỉ có một người bạn—ông chủ tiệm ở dưới tỉnh thành là người bán các đồ gỗ ta khắc; thỉnh thoảng ông lại cho ta biết tin về các con trai ta. Nay chúng đã khôn lớn thành người và đều làm ăn khá giả; một đứa là bác sĩ, còn đứa kia là thương gia. Chúng đều không biết ta hãy còn sống và như vậy, có lẽ hay hơn. Ta chẳng có gì để cho chúng cả ngoài cái tên ta, mà cái tên ta chỉ làm giảm giá trị của chúng mà thôi.

Nhờ cuộc sống và những lời nói của chủ ta và vợ hiền ta, ta cũng đem lòng tin tưởng nơi tình yêu thương, bác ái của Thượng Đế và về sự tha thứ mọi tội lỗi. Ta không thể trả lại cho những người ta đã lấy trộm, vì ta không biết họ là ai, nhưng ta vẫn ra sức làm việc. Hiện ta đã dành được đầy đủ số tiền ta lấy trộm trước kia. Khi nào ta để dành được đầy đủ số tiền rồi, ta sẽ tìm người nào thực sự cần đến, và qua người ấy ta sẽ trả lại món nợ của ta.

Con có nói với ta là không có cách nào làm lại cuộc đời được nữa, nhưng con nghĩ vậy là lầm. Ta đã phạm tội lỗi hơn gấp cả trăm ngàn lần. Ta đã phải chịu bao nỗi thống khổ mà một đứa bé như con không thể nào biết nổi. Nhưng ta tin tưởng rằng Thượng Đế đã tha thứ cho ta, và ta đem hết thì giờ làm việc để trả lại món nợ của ta đối với nhân loại, và cố gắng trở nên một người tốt như Thượng Đế muốn ta trở thành. Ta chỉ có thể làm được như vậy mà thôi. Quá khứ, chúng ta phải giao lại cho Thượng Đế.”

Con dê lò bò tiến lên chỗ ông già đang ngồi và ngã đầu trong lòng ông; nay nó húc khe khẽ để nhắc nhở ông đã tới giờ vắt sữa, Duyên đứng dậy ra về.

Nó bước đi chậm chạp, thông thả. “Ta sẽ dùng hết thì giờ để chuộc lại lỗi xưa… sẽ cố gắng trở nên một đứa trẻ ngoan như Thượng Đế muốn ta trở thành.” Nó suy nghĩ rất nhiều về chuyện ấy đến nỗi nó hầu như quên khuấy đi việc nó không trúng giải. Nay việc này không còn làm cho nó bận tâm nữa. Phải, nó không thể trả lại cho bé Danh cái chân lành, nhưng một ngày kia nósẽ có cơ hội để làm một cơ hội lớn lao cho be Danh. Phần khác, nó sẽ cố gắng để trở thành một đứa trẻ ngoan ngoãn hơn. Chẳng hạn như việc má nó—mà nó đang buồn rầu vì chuyện con ngựa của nó bị giẫm nát. Nó sẽ can đảm để tỏ cho má nó thấy rằng nó không bận tâm đến việc ấy nữa, và như vậy má nó sẽ vui vẻ trở lại.

Khi rời khỏi cánh rừng, nó nhìn thấy những đốm sáng màu cam hiện ra nơi cưả sổ nhà nó, những đốm sáng vui vẻ mời chào lấp lánh trong buổi hoàng hôn mùa hạ. Tiếng dế đã vang lên ngoài đồng, và mùi cỏ mới bốc hương thơm ngọt. Mặt trăng hình lưỡi liềm lơ lững trên nềm trời phía bên trên những rặng thông đen kịt—thật đúng như ông già đã nói—cảnh đẹp đêm trăng hiện ra chung cho những đứa trẻ tốt cũng như những đứa trẻ xấu, không phân biệt.

Duyên lẹ làng chạy lên bực thềm nhà. Nó hôn má nó lúc ấy đang đứng chờ nó ngoài bao lơn.

“Má ơi, con đói rồi”, nó vui vẻ nói. “Má có để dành phần ăn cho con đấy không?”

Nó ngồi vào bàn, và ngước mắt nhìn lên má nó qua tô súp nóng hổi, nó mỉm cười. Má nó cũng mỉm cười đáp lại, vẻ mặt rạng rỡ.