Trang Đầu | Mục Lục | << Chương 5 | Chương 7 >> | Hướng Dẫn

Chương 6

CHƯƠNG 6

Sáng hôm sau, ánh mặt trời đã đánh thức Danh dậy. Nó nằm yên trong mươi phút, cố nhớ lại những gì trọng đại sắp xảy ra ngày hôm ấy. Khi nhớ ra, nó liền ngồi nhỏm dậy, lớn tiếng gọi An:

“Chị An à”, nó kêu lên, “lại đây mau! Hôm nay em đi xem chị lãnh thưởng đây! Chị lấy cho em bộ đồ nhung đen đẹp nhất ấy, cả cái dây đeo quần có thêu hoa ấy. Mau lên chị!”

An nằm nơi giường kê ở đầu cầu thang. Nó giả bộ như không nghe thấy gì. Để cho bé Danh kêu đến bốn năm lần, nó mới chịu ngồi dậy.

“Nín đi Danh”, nó quát có hơi nặng lời. “Tao không chắc chiếm được giải thưởng đâu, mày đừng có nói bậy. Vả lại bây giờ còn quá sớm, đã ăn bận gì được đâu – Ba vưà mới dậy thôi mà.”

Bé Danh thở dài. Nó lại nằm xuống, nhưng lòng náo nức quá nó không thể giữ mồm miệng cho yên được. NÓ kéo con Mướp vào giường rồi thì thầm vào lỗ tai trắng tinh của con mèo:

“Mướp này, mi biết không, ta sẽ đi băng xe. Ta sẽ coi hét thảy các món đồ dự thi, nhưng chẳng có món nào đẹp hìn món của chị An ta hét. Ta sẽ coi chị ta lãnh thưởng, và ta sẽ vỗ tay thật to. Ta sẽ mang những dây đeo quần đẹp nhất…”

Con Mướp cựa mình ngáp. Thằng Danh cũng ngáp. Trời hãy còn sớm quá mà. Một lát sau lúc con An đi xuống, nó thấy Danh và con Mướp đang nằm cuộn tròn ngủ say trong ánh nắng mặt trời.

Một giờ rưỡi sau, mọi người lên đường. Bé Danh vận bộ đồ nhung đen nó vẫn mặc ngày Chúa Nhật, và mang dây đeo quần có thêu hoa. Ong Bình kéo chiếc xe. An bước đi cạnh ông, thẩn thờ và hơi cáu kỉnh.

Một buổi sáng đặc biệt như buổi sáng hôm nay mà sao chi An nó lại coi bộ buồn bã thẩn thờ như vậy? Trên cao, mặt trời chói sáng; dưới đất, dòng sông lấp lánh ánh vàng; chị nó hôm nay lại đi lãnh thưởng. Như vậy, đáng lẽ chị nó phải vui vẻ mới phải chứ. Riêng phần nó, nó chẳng bao giờ buồn rầu cáu kỉnh cả, trừ lúc nó bị đau chân quá.

“Chị bị đau bụng hả?” Bé Danh đột nhiên hỏi An.

“Đâu có! Mày đừng nói bậy!” An gắt gỏng đáp. “Tao làm gì mà bị đau bụng chứ?”

“Em cứ ngỡ chị bị đau bụng”, Danh nói. “Ô, chị coi kìa, có một con bướm màu xanh đang đậu trên giày em.”

An chẳng buồn quay lại để nhìn con bướm. Nó tiếp tục đi, mắt nhìn xuống đất. Chẳng biết chuyẹn gì đã làm cho nó không vui ngày hôm nay?

Khi gia đình ông Bình tới nơi, thì trường học đãđầy người. Các bàn được xếp đống một bên. Các tác phẩm dự thi được bầy trên một dãy bàn dài, nom thật đẹp mắt. Phụ huynh học sinh đi quanh nắm nghía trong lúc các học sinh chen chúc nhau, xô đẩy nhau, miệng nói liến thoắng, tay chỉ chỏ huyên thuyên.

Có riêng một chiếc bàn bầy các món đồ đan màu sắc rực rỡ; một chiếc bàn bày các món đồ thêu màu sắc tươi sáng; và một chiếc bàn bày các hàng đăng ten diêm dúa. Phía bên kia là chiếc bàn bày những món thủ công bằng gỗ của nam sinh, những hình tượng chạm khắc công phu.

Bé Thạch,con trai người phát thư ở bưu điện đứng sát cạnh tác phẩm thủ công của nó, hai mắt sáng ngời đầy tin tưởng. Tác phẩm của nó đưa dự thi là một bình đựng mực làm bằng gỗ có tạc hình một con gấu đứng trên miệng bình. Miệng bình hơi cong một chút, và sườn con gấu không được đều nhau, phía bên này mập hẳn hơn phía bên kia. Tuy nhiên, người ta vẫn nhận ra ngay là hình con gấu, và đối với một đứa trẻ vào tuổi nó thì đấy cũng là một món đồ thủ công khéo léo rồi. Thạch là một đứa bé ngoan. Nó hơi đỏ mặt e thẹn nhìn đi chỗ khác khi các bạn nó vỗ vai nó, trầm trồ khen ngợi. Tuy nhiên, trong lòng nó rất kiêu hãnh với con gấu nó làm ra. Nó ngẩng lên mỉm cười nhìn má nó lúc ấy đang bước qua phòng, tiến về phía nó.

Duyên cũng có mặt ở đấy, như thường lệ lang thang vơ vẩn một mình, vì má nó bận việc làm cỏ khô không đến trường được. Nó buồn rầu nhìn cái bình mực của Thạch và so sánh con gấu nặng nề thô kệch với con ngựa nhẹ nhàng uyển chuyển của nó. Nếu không xảy ra vụ con ngựa của nó bị rớt gãy, các trẻ con khác hôm nay đã xúm quanh mình nó chứ đâu có xúm quanh mình Thạch. Nó cảm thấy căm tức Thạch vô cùng, vì Thạch khôn khéo, lại khôi ngô, giỏi thể thao, và nay lại sắp lãnh cái giải thưởng đáng lẽ thuộc về nó. Nó lặng lẽ lảng ra một góc phòng và đứng đó buồn bã nhìn đám đông.

Đứng giữa một đám bạn bè nói cười huyên náo, An giữ im lặng kỳ lạ. Có đứa cho rằng nó sẽ đoạt giải, nhưng lại có đứa ủng hộ Lan. Đứa đoán thế nầy, đứa đoán thế kia, đứa chạy đi, đứa chạy lại, có mấy đứa chụm đầu vào nhau thì thầm, lại có mấy đứa cãi nhau chí choé. Chỉ có mình An, mọi khi vui vẻ liến thoắng, lạ thế thì nay lại chẳng nói gì cả.

Bé Danh nắm chặt lấy tay cha nó, khập khiễng đi một vòng quan sát mọi vật. Nó đi tới đâu cũng được mọi người nhường bước và hỏi han ân cần. Sau khi đã nhìn ngắm đủ thứ, nó tới đâu cũng được mọi người nhường bước và hỏi han ân cần. Sau khi đã nhìn ngắm đủ thứ, nó tới đứng ngay đầu bàn sát cạnh chiếc áo đan chị nó đưa dự thi. Nó đứng đấy để chực sẵn lúc xướng danh người trúng giải. Vì còn bé quá, nó bị cái bàn che gần khuất người, chỉ để lộ có mớ tóc rối và đôi mắt xanh biếc mở lớn đầy háo hức, nôn nóng.

Cánh cửa đột nhiên mở ra. Đám đông đang chuyện trò huyên náo bỗng nín bặt. Nhân vật từ dưới thành phố bên hồ đã tới nơi để chấm giải. Học sinh và phụ huynh yên lặng đứng sát bên trong khi nhân vật mới bước thong thả chung quanh dẫy bàn, nhặt từng món lên ngắm nghía. Nhiều món được ông nhiệt liệt khen ngợi, còn những món kia cũng không bị ông chê món nào. Ong nói ông ở nhà tới đây yên chí là được xem những tác phẩm thủ công đặc sắc, và nay ông rất lấy làm hài lòng. Ong mở xem những tập bài làm của học sinh chất thành đống ở trên một cái bàn để xa tít tận cuối phòng và nói về việc học hành của các em. Ong là người điềm đạm, nhã nhặn, nhưng có điều ông chậm chạp quá. Tất cả học sinh đều đang nôn nóng muốn biết ai là người sẽ đoạt giải đây?

Nay giờ phút quan trọng đã đến. Phần nữ sinh được quyết định trước. Mọi người thất ông tiến tới chỗ món hàng đăng-ten của chị Măng và cầm lên ngắm nghía kỹ lưỡng. Đoạn, ông quay lại chiếc áo đan của An, nhặt lên, lật đi lật lại trên tay ra chiều suy nghĩ. Tiếng ruồi bay cũng nghe thấy rõ.

Vào giữa lúc ấy, đột nhiên có tiếng nói cất lên, giọng trong trẻo rõ ràng là của con nít:

“Ao ấy của chị cháu đan đấy!”

Vị chủ khảo giật nẩy mình, đưa mắt nhìn về phía đầu bà. Một khuôn mặt bụ bẫm, xinh xinh, đang ngẩng về phía ông. Trên khuôn mặt ấy ông đọc thấy rõ vẻ hy vọng nồng nàn tha thiết. Không hiểu sao trong giây phút, ông chợt nghĩ đến hình ảnh một cây giẻ gai đang đâm chồi nẩy lá trong ánh nắng ban mai.

“Nếu thế thì chị cháu giỏi lắm”, ông trầm tỉnh đáp, sau giây phút yên lặng. Mắt ông lúc ấy mới nhìn thấy cặp nạng gỗ.

“Có phải cái áo ấy đẹp nhất không ông?” bé Danh vẫn sốt sắng nói, không hề biết rằng mọi người trong phòng đang lắng tai nghe nó. Thực ra, lúc ấy nó chẳng để ý đến việc gì hết, vì lòng nó đang nôn nóng muốn chị nó trúng giải.

Cứ thật tình mà nói, lúc bé Danh mới cất tiếng nói, vị chủ khảo chưa quyết định hẳn ai sẽ trúng giải; nhưng nay ông bỗng không phân vân, do dự nữa. Ong không ngờ rằng chính bé Danh đã quyết định hộ ông.

“Phải, ta cũng nghĩ vậy, cái áo đẹp nhất thật”, vị chủ khảo nói. Ong vừa dứt lời, bé Danh đã quay mình trên đôi nạng nhìn về phía chị nó. Lúc ấy An đang đỏ bừng mặt, mắc cở vì những lời nói lanh chanh của em trai mình.

“Chị đoạt giải rồi, chị An ơi!” bé Danh kêu lớn làm cho mọi người phải bật cười, rồi cùng nhau vỗ tay mừng. Thế là người đoạt giải về phe nữ đã được tuyên bố trong một hoàn cảnh thật bất thường và bất ngờ.

Về phiá con trai thì người đoạt giải là Thạch. Trước khi trao giải, vị chủ khảo có đọc một bài diễn văn khá dài, nhưng chẳng một đứa bé nào để ý nghe. Kế đấy là tiệc trà với đủ thứ bánh kẹo ngon mà trẻ con hằng ưa thích. Sau tiệc trà, Thạch được các bạn xúm xít đưa về nhà. Chúng chơi nhảy cừu ở công viên, và Thạch được các bạn mua kẹo súc-cù-là mời ăn để thưởng công nó. Về nhà, nó còn được má nó dọn cho ăn những món đặc biệt nên cả đêm hôm ấy bụng nó ọc ạch.

Duyên xuống dưới làng để lấy bánh mì. Lúc nó đi trở về qua trường học, nó thấy sân trường vắng tanh; tất cả học sinh đều đã về nhà. Nó một mình lủi thủi leo lên đồi, hai vai sụm lại, mắt nhìn dán xuống đất.

Không phải sức nặng của cái giỏ bánh mì nó đeo trên lưng làm người nó còng lại như một ông già, mà chính vì nỗi sầu thảm nó mang trong lòng. Tại sao có ngày thấy dễ can đảm, phấn khởi lạ thế, mà có ngày nó chỉ thấy giận hờn, ghen ghét nặng trĩu trong lòng? Hôm qua, lúc ở nhà ông già trên núi về, nó đã nghĩ nó sẽ không bận tâm đến việc Thạch trúng giải, nhưng hôm nay sao nó thấy căm tức Thạch quá. Ong giànói về nỗ lực để trở thành người hiền tốt như Thượng Đế đã muốn ta trở thành. Nhưng nó thấy hình như không thay đổi được con người nó, dầu nó có cố gắng đến đâu.

Tuy nhiên, ông già đã đổi khác, và Duyên băn khuăn tự hỏi không hiểu bằng cách nào. Ong già đã nói về Thượng Đế, có lẽ Thượng Đế có thể làm cho người xấu trở thành tốt nếu người ta kêu cầu đến Ngài. Duyên tự nghĩ nó không hiểu biết nhiều về Thượng Đế, nhưng dù sao chắc Thượng Đế cũng giận nó lắm vì nó đã ác độc với bé Danh.

Nhưng có thực Thượng Đế yêu thương nó nhiều lắm không? Chắc không khi nào Ngài lại vội vàng tha thứ cho một tội ác như việc nó đã làm? Và dù cho Thượng Đế có tha thứ cho nó, người khác cũng chẳng ai tha thứ cho nó đâu? Nó lại cảm thấy buồn khổ vô cùng, và không nhịn được, nó tức giận, đá vào những hòn đá trên lối đi.

Lúc ấy nó đã đi tới chỗ đường rẽ, một đường dẫn tới chỗ nhà ăn ở cách đây không xa, và đường kia dẫn về nhà nó. Tai nó thoáng nghe tiếng trẻ con đang ca hát khiến nó quay đầu lại.

Bé Danh và con mướp đang lúi húi trong đống cỏ mới hái , giống như đôi chim đang nằm gọn trong tổ. Đầu bé Danh đang cúi xuống như đang mãi nhìn ngắm vật gì trong lúc miệng vui vẻ khe khẻ ca. Đôi nạng của nó để nằm trên mặt đất bên cạnh nó.

Được thúc dục vì thấy mình cô quạnh quá, Duyên tiến lên một bước và đứng nhìn. Đột nhiên, mặt nó tươi lên, hai má ửng đỏ, miệng khẻ hít hà. Một niềm khoái cảm dâng lên trong lòng nó, vì nó nhìn thấy bên trong đống cỏ mà bé Danh làm như một cái ổ có hình những con vật bằng gỗ nó đã cố công tạc khắc cho bé Danh.

“Như vậy là nó có đưa cho em nó,” Duyên nghĩ thầm, lòng hân hoan rạo rực. “Và Danh cũng thích chúng nữa!”

Nghĩ đến đấy nó liền cất tiếng hỏi, “Danh đang chơi cái gì thế?”

Bé Danh giật nẫy mình, ngẩng nhìn lên. Khi nhận ra Duyên là đứa trẻ định giết con Mướp của nó, phản ứng đầu tiên của nó là ôm chặt lấy con Mướp như để che chở, miệng thì nói: “Cút đi, đồ ác độc!”

Nhưng vừa nói xong, nó nhận ngay thấy vẻ buồn rầu hiện trên nét mặt Duyên, dầu bé Danh chỉ mới có năm tuổi. Và nhìn thấy người khác buồn rầu đau khổ là điều trái tim hồn nhiên thơ ngây của nó không thể nào chịu đựng nổi. Vì thế, tuy vẫn ôm chặt con Mướp lúc ấy đang cố vùng vẫy thoát ra, nó ngập ngừng nói sau giây phút im lặng:

“Em đang chơi với những con vật Nô-ê bà Tiên cho em, nhưng chị An dặn em không được nói chuyện với anh.”

Duyên dịu dàng và ngọt ngào đáp, “Nhưng anh có làm gì em đâu! Anh rất buồn về chuyện cái chân của em, vì thế anh mới làm những con vật ấy cho em đó.”

“Đâu có phải anh làm,” bé Danh hớn hở tiếp, “Em tìm thấy ở sau đống củi kia mà—các bà Tiên đã để chúng ở đấy đó.”

Duyên vừa định trả lời thì có tiếng An nói vọng ra từ cửa nhà, giọng tức tối giận dữ.

“Danh”, An quát, “vô nhà ngay, cơm đã dọn rồi đấy”

Duyên buồn rầu quay đi. “Thế ra không phải nó nói cho em nóbiết, “ nó chua chát nghĩ thầm. Tuy nhiên, được bé Danh yêu thích những con vật nó làm cũng khiến nó vui vui trong lòng. Một ngày kia nó sẽ có cơ hội để giải thích, và lúc ấy có lẽ bé Danh với nó sẽ lại thân mật như cũ. Nó leo theo con đường đồi nằm giữa đồng cỏ, lòng cảm thấy phần nào được an ủi.

Bé Danh khập khểnh bước vào bếp leo lên ghế ngồi, lắc lắc cái bụng đói rỗng tuếch còn mũi thì hít hà mùi thơm của món súp khoai do Nội nó nấu.

“Chị An nè”, Danh nói, “Duyên nó bảo là nó làm những con vật Nô-ê cho em đấy, nhưng đâu có phải, phải không chị? Chính các bà Tiên đã để chúng sau đống củi, phải không chị? Duyên chỉ nói láo, phải không chị?”

“Chị đã bảo em không được nói chuyện với Duyên cơ mà”, An nói, giọng hơi xẵng. “Rồi nó sẽ hại em nữa cho mà xem. Thằng ấy gớm khiếp lắm.”

“Nhưng em chỉ nói với nó có một tí ti thôi mà”, bé Danh đáp, “nhưng nè chị, đâu phải nó làm những con vật ấy, phải không chị? Chị hãy nói cho em biết đi.”

An ngập ngừng, nó vốn là đứa trẻ chân thật, nó không muốn nói dối. Nhưng nếu Danh biết được sự thật, Danh sẽ biết ơn Duyên và sẽ tha thứ cho Duyên ngay. Nó sẽ tìm đến cám ơn Duyên và lúc ấy hai đứa lại sẽ thân mật với nhau. An biết tính em nó lắm. Ngay đến bây giờ cũng khó làm cho bé Danh thù hận thằng Duyên chứ đừng nói đến khi nó biết rõ sự thật về những con vật kia nữa.

“Mầy đã biết rõ là mầy tìm thấy chúng trong đống củi”, An đáp, mắt nhìn đi chỗ khác, “như vậy, sao còn có chuyện Duyên làm ra chúng được nữa? Mầy thật ngớ ngẫn quá!”

“Nó bảo nó làm ra những con thú ấy;” bé Danh nói, “nhưng em biết không phải nó làm. Chắc hẳn là những bà Tiên đấy chị ạ! Có phải thế không chị?”

“Chị không biết”, An gắt. “Hôm nay em thật lắm chuyện quá! An súp cho mau đi kẻo nguội hết cả rồi.”

Bé Danh ngoan ngoãn cúi đầu xuống ăn. Nhưng Nội nó chăm chăm nhìn vào mặt An. Tuy tuổi già mắt kém nhưng Nội nó còn nhìn thấu sự đời hơn mắt nhiều người khác. Nội nó đã nghe hết những câu trao đổi giữa An và bé Danh và bà đang nghĩ ngợi về những con thú tìm thấy trong đống củi.

An biết rõ Nội đang chăm chú nhìn nó. Mặt đỏ bừng, nó đi lại phía bếp lò giả bộ múc thêm ít súp nữa. Nó chỉ múc có một ít thôi, vì thật ra bụng nó không thấy đói chi cả. Các ngày mà nó trông chờ bao lâu nay đã thành ra hỏng mất. Nó đã đoạt được giải thưởng mà nó ao ước ngày đêm, nhưng sao nó chẳng thấy vui thích gì cả. Trái lại, nó còn thấy bực bội, khổ sở nữa.

Nó lẳng lặng rửa chén đĩa rồi xếp dọn đâu vào đấy. Bé Danh đã thiu thiu ngũ. Nó khẻ hôn em nó rồi lẻn bước ra ngoài trong bóng hoàng hôn mờ nhạt. Nó vẫn thường thích sống một mình những buổi chiều tà mùa hạ—chỉ có nó và những dãi núi lam im lìm bất động – để được tự do ngắm cảnh vật lúc chiều tà, tự do nghĩ ngợi hay chơi đùa, hay đi dạo đó đây.

Nhưng tối nay có gì đổi khác. Tiếng suối reo róc rách và tiếng dế tỉ tê ngoài đồng hình như không còn là những tiếng thân mật quen thuộc nữa. Cả cánh đồng trùm trong bóng tối cũng có vẻ cô quạnh hãi hùng. An không muốn vẫn vơ suy nghĩ, vì cứ động suy nghĩ là trong óc nó nảy ra hình ảnh con ngựa bị giẫm gãy từng mảnh trên đất và vẻ tươi sáng trên mặt bé Danh lặn mất khi bị nó cau có gắt gỏng.

“Có lẽ ta sẽ chẳng bao giờ còn thích có những giờ phút sống một mình nữa”, An buồn rầu nghĩ trong lúc quay đầu trở về nhà. “Ước gì ta có thể kể lại được với ai! Khi ấy có lẽ sẽ đỡ khổ sở hơn. Ước gì má còn sống; ước gì, ước gì, ước gì ta đừng có làm việc ấy! “