Trang Đầu | Mục Lục | CHƯƠNG 2 >> | Hướng Dẫn

CHƯƠNG 1

CHÚA JÊSUS BỊ BẮT

Để nghiên cứu quãng đời cuối cùng của Cứu Chúa, chúng ta hãy quay về lúc Ngài rơi vào tay các giới đại diện công lý tại cửa vườn Ghết-sê-ma-nê đêm nọ.

Lúc ấy, phía đông Giê-ru-sa-lem, mặt đất nghiêng thoai thoải về lòng Suối Kedron; và bên kia bờ, sừng sững ngọn Ô-li-ve. Hai bên sườn đồi là những khu vườn hoặc đất trồng cây ăn trái thuộc dân trong thành; và vườn Ghết-sê-ma-nê chính là một trong số đó. Không có bằng cớ nào chắc chắn chứng tỏ chính chỗ chân đồi này là nơi xảy ra tấn kịch, hoặc chính tại gốc sáu cây Ô-li-ve cổ thụ thuộc vùng này là nơi Cứu Chúa thường nghỉ ngơi; nhưng chắc chắn cảnh tượng đã xảy ra không xa đó bao nhiêu. Và ngày nay đến nơi này vẫn gợi lại trong ta cái tinh thần đạo đức của Cứu Chúa.

Cơn hấp hối tại Ghết-sê-ma-nê vừa qua thì “nầy,” theo thánh Ma-thi-ơ, “Giu-đa là một người trong mười hai sứ đồ đến với bọn đông người.” Họ đã theo cửa đông mà vào thành và đang tiến về phía vườn. Vì là đêm trăng rằm cho nên người ta có thể thấy rõràng một khối đen đang di động trên quãng đường dẫn vào vườn.

Không phải chỉ có hai hoặc ba nhân viên công lý đến bắt Chúa nhưng là cả một “bọn đông người” và dù đông nhưng không có nghĩa là hỗn loạn. Chính các thầy tế lễ cả và các trưởng lão đã ra lịnh mở cuộc lùng bắt này, và vì thế, bọn đầy tớ của họ – những kẻ coi sóc đền thờ thuộc dòng Lê-vi – dẫn đầu. Tuy nhiên, vì ít ra Chúa Jêsus cũng có đến mười một nhân vật dũng cảm có thể hô hào được vô số đảng viên theo Ngài trên đường từ đó vào thành, cho nên chúng ta không lạ gì thấy bọn thù địch đã xin chính quyền La mã cho một toán lính, lúc ấy đang đóng tại đồn Antonia để canh gác đền thờ nhân lễ Vượt qua, sẵn sàng tiếp tay trong trường hợp khẩn cấp. Và thật ra đã có vài nhân viên Công hội (Sanhedrin) tháp tùng rồi vì nóng lòng muốn thực hiện mưu định đến nỗi sợ kẻ khác làm hỏng kế hoạch chăng. Cả lực lượng hỗn hợp ấy cầm gương và gậy – có lẽ lính La mã cầm gươm còn bọn người giữ đền thờ cầm gậy – lại kèm theo đèn đuối nữa, chắc hẳn để dự phòng lùng bắt Chúa Jêsus và môn đệ Ngài trong trường hợp Ngài lẩn trốn. Thật là một lực lượng đáng sợ. Vì họ đã cương quyết tăng mức bảo đảm thành công lên gấp đôi.

I

Tên đầu đảng dĩ nhiên là Giu-đa. Lát nữa, chúng ta sẽ nói nhiều hơn về cá tính và bản chất tội trạng của người, nhưng điểm cần nói ở đây là chúng ta nhận thấy tội ác của Giu-đa nặng dần theo từng giai đoạn người thi hành ý định của mình.

Người đã làm ô uế lễ Vượt qua. Châm ngôn có câu, ngày lành làm việc thiện. Nhưng nếu làm việc ác trong ngày thánh thì thật là nguy hại. Lễ Vượt qua là mùa thiêng liêng nhất trong năm, và chính buổi tối hôm ấy lại là ngày thiêng liêng nhất của tuần lễ Vượt qua. Hành động đó cũng giống như tội phạm thượng của một phần tử giáo hội trong đêm “Communion Sabbath” ở Tô cách lan, hoặc trong Lễ Giáng sanh tại Anh quốc.

Người đã đột nhập vào nơi thờ phượng tôn nghiêm của Thầy mình. Ghết-sê-ma-nê chính là nơi Chúa Jêsus yêu thích, Giu-đa đã từng sống với Ngài tại đó, và thừa biết Ngài lui tới nơi nầy với mục đích gì rồi. Tuy nhiên, niềm kính cẩn chỗ cầu nguyện vẫn không đủ ngăn cản người; trái lại người còn cố tâm lợi dụng thói quen của Thầy mình.

Dầu vậy, hành động phạm thượng tột bực mà con người sẽ đời đời kết án Giu-đa ấy là dấu hiệu người đã dùng để chỉ Thầy mình cho quân thù Ngài. Vì không thuộc đoàn người sau cùng nên có lẽ Giu-đa đã đi đầu, vội nhào tới trước mặt Chúa Jêsus như thể để báo nguy và chia buồn với Ngài, bá lấy cổ Ngài thì thầm “chào Thầy, chào Thầy!” Và không những chỉ hôn Ngài, mà theo từ ngữ, còn có nghĩa là hôn nhiều lần và nhiệt thành nữa. Hễ chừng nào tình yêu chân thật và trong sạch còn tồn tại trên đời này thì mọi người sẽ còn thù oán và khinh miệt hành động của Giu-đa chừng nấy. Thật đó là một cử chỉ phản lại lòng nhân ái và con tim nhân loại. Nhưng chắc hẳn cũng không ai ghê tởm cử chỉ ấy bằng Chúa Jêsus. Ngay đêm đó và ngày hôm sau, mặt Ngài cũng bị xấu xí đi rất nhiều: Nào là bị rạch máu me lai láng, nào là bị vả sưng bầm lên, bị khạc nhổ nhục nhã và đội gai đau đớn, thế nhưng không gì đâm thấu vào lòng Ngài bằng chiếc hôn xúc phạm này. Và chính một người khác đã từng bị đối xử tương tự cũng bảo rằng: “Vì chẳng kẻ thù nghịch sỉ nhục tôi; bằng vậy, tôi có thể chịu được; cũng chẳng kẻ ghét tôi dấy lên cùng tôi cách kiêu ngạo; bằng vậy, tôi đã có thể ẩn mình khỏi nó. Nhưng chính là ngươi, kẻ bình đẳng cùng tôi, bậu bạn tôi, thiết hữu tôi. Chúng tôi đã cùng nhau nghị bàn cách êm dịu, chúng tôi đi với đoàn đông đến nhà Đức Chúa Trời.” (Thi Thiên 55:12-14). Trước khi nhận chiếc hôn, Jêsus vẫn còn gọi người với danh hiệu Bạn hữu, nhưng lúc đã bất mãn, Ngài không thể nhịn được nữa mà phải hỏi: “Hỡi Giu-đa, ngươi lấy cái hôn để phản Con người sao?”

Hôn là dấu hiệu tình đệ tử. Bên Đông Phương học trò thường hay hôn thầy mình; và có lẽ Đấng Christ và môn đệ Ngài cũng theo phong tục này. Khi chúng ta trở thành môn đệ Ngài, chúng ta có thể bảo là đã hôn Ngài và mỗi lần đổi mới lại lời hứa nguyện trung thành với Ngài ấy là chúng ta đã lập lại hành động đó. Chúng ta thường làm thế đặc biệt mỗi khi dự Tiệc Thánh. Khi chúng ta chịu báp têm, có thể nói là Ngài đang bồng ẵm và hôn chúng ta; còn Tiệc Thánh là dịp tiện để chúng ta đáp ứng lại dấu hiệu tình thương này.

II

Vì đi đầu hàng nên có lẽ Giu-đa đã len lỏi vào bóng cây trong vườn bắt lấy Chúa Jêsus và chắc hẳn người cũng tưởng rằng Jêsus sẽ lẩn trốn. Thế nhưng trái lại, Ngài vùng khỏi tay Giu-đa và tiến ngay ra vùng sáng trăng hỏi: “Các ngươi tìm ai?”

Giật mình vì kinh ngạc, bọn người lảo đảo thối lui dẫm lên chân nhau và té xuống đất.

Có vài câu chuyện về các nhân vật nổi tiếng cũng tương tự như thế. Chẳng hạn lúc Marius La mã bị giam tại Minturnoe, thì nghe tin Sylle truyền lệnh xử tử mình. Một tên nô lệ được sai tới để thi hành phận sự, vừa mới nhìn thấy ông, một nhân vật đã từng làm chấn động thế giới, và nghe ông la lên: “Bạn ơi, há bạn dám giết Caius Marius sao?” Nó liền quăng khí giới và tẩu thoát.

Rải rác qua các sách Tin Lành, chúng ta thấy có nhiều dấu hiệu chứng tỏ trong giọng nói và vẻ mặt của Đấng Christ, tiềm ẩn một sức chế ngự phi thường, nhất là lúc Ngài xúc động cực điểm (xem chi tiết đầy đủ hơn trong chương cuối). Chẳng hạn, khi Ngài dẹp sạch đền thờ, những kẻ xúc phạm nơi thánh đó, dù đã chai lì, vốn có thế lực và là số đông nữa, vẫn phải khiếp sợ chạy trốn khỏi Ngài. Và đặc biệt hơn hết là lúc Ngài vào thành Giê-ru-sa-lem lần cuối cùng, những lời chép về Ngài khiến mọi người nhớ mãi ấy là; “Jêsus đi trước, các môn đồ thất kinh, và những người đi theo đều sợ hãi.”

Lúc này, cơn xúc động tại Ghết-sê-ma-nê đang đè nặng trên Ngài – cảm giác hoan hỉ nghĩ đến chiến thắng và đến ý chí đã được rèn luyện để đạt tới đích – và có lẽ vài dấu vết, sau cơn Thống Khổ vẫn còn vương lại trên vẻ mặt Ngài khiến kẻ nhìn thấy phải khiếp sợ. Thật ra, không phải cho đó là một cái gì siêu nhân vì có lẽ một phần nỗi kinh hoàng của bọn nầy là vì lo sợ Chúa sẽ dùng phép lạ mà tiêu diệt họ. Chắc chắn đó là nỗi lo lắng của Giu-đa khi người bảo: “Hãy bắt lấy Ngài và điệu Ngài đi cho cẩn thận.”

Sự thật ấy là họ đã bị bắt thay vì đến bắt Ngài. Việc làm của họ thật là nhỏ nhen và đê tiện. Họ dùng một tên phản bội chỉ đường. Họ tưởng sẽ có thể bắt được Ngài cách lặng lẽ và vụng trộm nếu Ngài đang ngủ; còn nếu gặp lúc Ngài đang thức thì họ sẽ đuổi theo Ngài đến tận nơi trú ẩn và bắt gặp Ngài đang run rẩy chờ đợi. Lẽ ra chính họ phải là kẻ làm Ngài khiếp đảm, thế nhưng khi Ngài bước ra trong vẻ hiên ngang, hoan hỉ và chất vấn, Ngài đã đưa họ từ chỗ kinh ngạc đến hoảng sợ và buộc lòng phải đổi thái độ cách bất ngờ. Họ đã bị Ngài làm nhục.

Bây giờ, nhìn thấy những khí giới ngổn ngang của họ mới thật là buồn cười – nào là quân lính, gươm giáo, gậy gộc, đèn đuốc đều nằm la liệt cả ra dưới ánh trăng rằm, Chúa Jêsus muốn họ cảm biết điều đó. Ngài khiến họ ý thức được tâm trạng họ lúc đó và thấy rằng họ đã hoàn toàn lầm lẫn quan điểm và mục đích của Ngài. “Các ngươi tìm ai?” Ngài hỏi lại một lần nữa để buộc họ nhìn nhận thực trạng là không phải họ đang bắt Ngài nhưng là Ngài đang phó chính mình cho họ. Ngài hoàn toàn làm chủ tình thế. Chỉ vào bọn Công hội với những trang bị thừa thãi, Ngài hỏi: “Các ngươi đem gươm và gậy đến mà bắt ta, khác nào như ta là kẻ cướp. Ta thường ngày ngồi trong đền thờ và giảng dạy tại đó mà các ngươi không bắt ta.” Chính Ngài một mình đơn độc, dù biết có bao kẻ đang chống nghịch, vẫn không hề sợ hãi: Hằng ngày dạy dỗ trong đền thờ – nơi công khai nhất và vào giờ thích hợp nhất. Thế nhưng bọn họ dù đông đúc và mạnh mẽ đến thế, vẫn khiếp sợ và đã chọn giờ giấc khuya khoắt để thực hiện mục đích nham hiểm của mình. Ngài phán: “Này là giờ của các ngươi, và quyền của sự tối tăm vậy. Canh khuya chính là giờ của các ngươi vì các ngươi là con của ban đêm, và quyền các ngươi chống lại ta là quyền lực của sự tối tăm.”

Đó là những lời thốt ra từ miệng Sư tử chi phái Giu-đa. Đó cũng là lời Ngài sẽ phán khi mọi kẻ thù sẽ bị giày đạp dưới chơn Ngài: “Hãy hôn Con, e Người nổi giận, và các ngươi hư mất trong đường chăng; vì cơn thạnh nộ Người hòng nổi lên. Phàm kẻ nào nương náu nơi Ngài có phước thay.”

III

Thường ít khi chúng ta chịu nhớ kỹ rằng chính Khúc Ca Khải hoàn ngoài cửa vườn là kết quả cuộc chiến thắng ngay trong vườn. Vẻ cao trọng và nguồn năng lực vô song ta thấy ở đây được tạo nên do thức canh và cầu nguyện.

Tuy nhiên, sự kiện này còn rõ ràng hơn nữa khi ta nhìn vào những con người không thức canh cầu nguyện. Đối với họ, mọi sự xảy đến đều khiến họ sửng sốt và mờ mắt. Bị đánh thức khỏi giấc ngủ mê man, họ loạng choạng bước tới nhưng vẫn chưa tỉnh hẳn. Khi thấy người ta tra tay trên Chúa Jêsus, một trong môn đồ Ngài la lên: “Chúng tôi nên dùng gươm đánh chăng?” Và, không đợi câu trả lời, người liền hành động ngay! Đúng là một người ngái ngủ! Thay vì chém đầu, ông ta lại chém chỉ một cái tai thôi. Và lúc đó, nếu Chúa Jêsus không hoàn toàn bình tĩnh can thiệp giữa Phi-e-rơ và bao ngọn giáo đang tung ra chực sẵn chém ông ta thì chắc chắn hành động ấy đã phải trả giá rất đắt rồi. Đẩy lui bọn lính ra, Ngài phán: “Hãy để cho họ đến thế” và đặt tay vào tai chữa lành tên đầy tớ, đồng thời cứu môn đệ đáng thương của Ngài.

Chắc hẳn Ngài đã mỉm cười khi phán với Phi-e-rơ: “Hãy nạp gươm vào vỏ: vì hễ ai cầm gươm thì sẽ bị chết về gươm.” Vị trí của thanh gươm là bên trong chớ không phải ngoài vỏ; vì lẽ đó mà gươm bị dùng sai chỗ; và ai dùng sức mạnh của gươm không có lý do chính đáng hoặc mệnh lệnh của giới thẩm quyền, sẽ phải lất mạng đền mạng.

Nhưng, cũng vẫn với giọng hùng hồn trước kia đã nói với quân thù, Ngài chứng tỏ cho Phi-e-rơ thấy hành động của ông không thích hợp. Hành động đó trái với địa vị cao cả của Thầy ông; vì Ngài đã phán: “Ngươi tưởng ta không có thể xin Cha ta lập tức cho ta hơn mười hai đạo thiên sứ sao?” Và nếu thế thì cái đoàn người hỗn tạp chỉ vào cỡ một phần mười đạo thiên sứ ấy có ra gì đâu? Hành động đó còn trái với lời Kinh Thánh, vì: “Nếu vậy, thế nào cho ứng nghiệm lời Kinh Thánh đã chép rằng việc này tất phải xảy ra?” Và cuối cùng, đó là một hành động trái lẽ với mục đích Ngài cùng ý chỉ Cha Ngài, như có chép: “Ta há chẳng uống chén mà Cha đã ban cho ta sao?”

Thật tội nghiệp Phi-e-rơ! Hành động của ông lúc đó chẳng khác gì con người của ông. Thật ra, việc làm của ông trong chính bản chất nó vẫn có một vẻ gì cao cả và hợp lẽ, thế nhưng ông đã thi hành không phải lúc. Ước gì lúc ở trong vườn Ghết-sê-ma-nê, ông cũng mau mắn thực hiện điều đáng phải làm như ông đã thực hiện điều không đáng làm lúc ra khỏi vườn thì hay biết bao! Và tình trạng sẽ tốt đẹp hơn nếu ông đã biết rút thanh gươm thuộc linh mà chém ngay lỗ tai phản bội vì nghe lời chế giễu của đầy tớ gái! Hành động của Phi-e-rơ lúc này cũng như trong nhiều lúc khác, chứng tỏ cho ta thấy một tấm lòng nóng cháy không được soi sáng bởi trí óc và tâm thần của Christ đã đưa đến một hậu quả thật đáng tiếc.

IV

Có lẽ vì nhớ lại lời hứa nguyện tha thiết theo Đấng Christ đến nỗi có thể cùng chết với Ngài, mà Phi-e-rơ đã nóng nảy muốn làm cái gì cho Chúa. Thế nhưng, các môn đồ khác cũng đã từng hứa nguyện như Phi-e-rơ kia mà. Giờ đây họ còn nhớ gì chăng? Chính đây là điều đáng sợ: Không phải mối nguy hiểm chết chóc nhưng là chính bản năng tự vệ đã khiến họ quên tất cả. Đôi khi trong những trường hợp đau nặng, nhất là bịnh tinh thần một gương mặt bỗng trở về với vẻ thô kệch, quê mùa mất hẳn vẻ trí thức thanh nhã của một người có học từ lâu nay. Cũng vậy, nỗi sợ hãi vì Thầy mình bị bắt đã đến quá bất thình lình với những môn đồ thiếu cầu nguyện và thiếu sẵn sàng này, đã phá hủy tất cả những ảnh hưởng bao năm thân mật giữa Chúa với họ, và khiến họ lại quay về với nếp sống ngư phủ Ga-li-lê ngày trước. Và thật họ đã sống cuộc đời đó từ khi Chúa bị bắt cho tới lúc Ngài sống lại.

Tại đây, một lần nữa, ta thấy hành động của họ hoàn toàn trái ngược với Thầy của họ. Như một chim mẹ đang chiến đấu với kẻ thù tấn công đàn con của mình, hoặc như một người chăn hiền lành che chở đàn chiên của mình thể nào, Chúa Jêsus, lúc đoàn lính kéo đến gần, cũng lao mình vào giữa quân thù để bảo vệ môn đệ của mình thể ấy. Đó cũng là một phần khiến Ngài đã dũng cảm bước ra thách thức: “Các ngươi tìm ai?” Khi họ đáp: “Jêsus người Na-xa-rét” Ngài nói ngay: “Chính Ta đây, vậy nếu các ngươi tìm bắt Ta, thì hãy để cho những kẻ này đi.” Lời này khiến họ sợ hãi đến nỗi quên lững các môn đồ Ngài và chỉ lo nắm giữ một mình Ngài thôi.

Và chính đó là ý định của Ngài. Thánh Giăng, khi kể lại câu chuyện này, đã nhận xét rất hay rằng, ấy là để được ứng nghiệm lời Ngài đã phán rằng: “Con chẳng làm mất một người nào trong những kẻ mà Cha đã giao cho Con.” Chúa Jêsus đã thốt ra lời này trong bài cầu thay dâng lên trong buổi Tiệc Thánh đầu tiên, trong bài cầu thay dâng lên trong buổi Tiệc Thánh đầu tiên; với ý nghĩa là Ngài chẳng làm mất một ai về phần thuộc linh, nhưng ở đây, hình như chỉ có nghĩa là để cho quân lính giết hại họ hoặc đóng đinh họ nếu họ bị bắt với Ngài. Tuy nhiên, câu này vẫn tiềm ẩn một ý nghĩa khác. Thánh Giăng cho rằng, nếu có ai trong họ đã bị bắt cùng với Ngài thì có thể họ đã chối Ngài và như thế, hiểu theo nghĩa đáng buồn hơn, tức là họ đã bị hư mất.

Biết rõ tình trạng đó nên Chúa đã mở cho họ lối thoát, và “hết thảy môn đồ bỏ Ngài mà trốn đi.” Có lẽ như thế vẫn còn hay, vì nếu không có thế thì còn tệ hơn nữa. Tuy nhiên, chúng ta hãy nhớ lại lời quả quyết của mỗi người trong bọn họ đã thốt ra ngày buổi tối hôm ấy; “Dầu tôi phải chết với Thầy đi nữa, tôi chẳng chối Thầy đâu!” Nhiều khi tôi thường nghĩ rằng Cơ đốc giáo sẽ vinh dự và lịch sử của nhân loại sẽ sáng chói biết bao nếu một hoặc hai trong số môn đồ Ngài – như anh em Gia cơ và Giăng chẳng hạn – có đủ mạnh mẽ theo gót Ngài vào chốn lao tù và chỗ chết nữa. Dĩ nhiên, nếu thế thì chúng ta đã mất đi sách Khải huyền, một sách Tin lành và vài thơ tín của Giăng rồi. Thế nhưng, nếu ngược lại, chúng ta hẳn đã nhận được một khải thị, một tin lành và một thư tín sống động biết bao!

Dầu sao, không thể như thế được. Chúa Jêsus phải bị dẫn đi một mình; “Ta đã bước tới ép rượu nho một mình và trong các ngươi chẳng có một ai đi với TA.” Thế là họ “trói Ngài và dẫn đi.”